Tất cả cho một kỳ APEC thành công
Cũng chính các anh băng mình trong mưa gió, trước, trong, sau cơn bão số 12 giúp người dân khẩn cấp đối phó và khắc phục hậu quả do bão dữ gây ra. Đồng thời ứng trực 24/24h, làm những “cột tiêu sống” điều tiết giao thông giữa cơn lũ quét tiếp tục dâng cao, uy hiếp dọc tuyến quốc lộ 1A, gây chia cắt nhiều tuyến đường, xã, phường tại các tỉnh miền Trung…
Nhưng vượt qua thời tiết khắc nghiệt gây trở ngại, các chiến sĩ CAND vẫn hoàn thành được nhiệm vụ giúp người dân vùng bão lũ miền Trung được bình an, ANTT, ATGT đã tuyệt đối an toàn cho APEC 2017 đang diễn ra.
Đảm bảo an toàn dù thời tiết khắc nghịệt
Trưa 5-11, cơn mưa xối xả, gió mạnh như muốn giật tung áo mưa của các chiến sĩ CSGT đang trực tuần tra bảo vệ tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Võ Nguyên Giáp (TP. Đà Nẵng). Đưa vội tay gạt những giọt nước đọng nhòe trên khuôn mặt, Đại úy Trần Trung Hòa, Tổ trưởng tổ chốt trực tại phía Nam cầu Rồng vẫn khẳng khái: “Thời tiết dẫu có khắc nghiệt đến mấy nhưng lực lượng CSGT và Công an các đơn vị chúng tôi vẫn luôn đảm bảo ATGT trên các tuyến đường nhà báo à”.
Quả vậy, không chỉ tại các tuyến đường chính, nơi các đoàn xe chở đại biểu APEC ngang qua mà ghi nhận của chúng tôi trên khắp các tuyến đường của TP. Đà Nẵng, các chiến sĩ CSGT, lực lượng CSCĐ vẫn “đội mưa” túc trực thực hiện nhiệm vụ điều tiết, phân luồng giao thông, đảm bảo ANTT, ATGT cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra.
Còn tại Thừa Thiên - Huế, ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão số 12nên đã có mưa rất to trên diện rộng, triều cường dâng cao làm nhiều địa phương nước ngập sâu, giao thông bị chia cắt. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động phương tiện cứu hộ, cứu nạn cùng hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ ứng trực, điều tiết giao thông trên nhiều tuyến đường trọng điểm, nhất là QL1A đoạn đi qua huyện Phú Lộc và trên địa bàn TP. Huế.
Ngập sâu nhất là tại tuyến QL1A đoạn Cầu Hai (Thị trấn Phú Lộc). Do mưa to, nhiều đoạn đường ngập sâu từ 0.5 – 1m đến sáng ngày 6 -11, nước vẫn chưa chịu rút, gây ách tắc giao thông kéo dài.
Công an TP Hội An túc trực, giúp người dân đi tránh lũ tại điểm chùa Cầu, phố cổ Hội An. |
Có mặt tại các điểm nóng, chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên nhiều địa bàn, tuyến đường trọng yếu Đại tá Lê Văn Vũ – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ: “Để đảm bảo ATGT và tính mạng cho người đi đường, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp Công an huyện Phú Lộc đã huy động hơn 100 cán bộ chiến sỹ để tổ chức điều tiết giao thông trên toàn tuyến. Tại đây, lực lượng CSGT đã bố trí chốt chặn đoạn đường nước bị ngập sâu, điều tiết, hướng dẫn cho lái xe ô-tô, xe máy lưu thông an toàn, tránh vực sâu, nguy hiểm; hạn chế ùn tắc và tránh tai nạn giao thông đáng tiếc. Riêng địa bàn TP. Huế, lực lượng CSGT và Công an các phường đã huy động lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông, kịp thời nhắc nhở bà con nhân dân cẩn thận khi đi lại vùng, tuyến đường ngập sâu. Đồng thời hỗ trợ, cấp cứu cho những trường hợp người già, phụ nữ, trẻ em và người đau ốm… Trong sáng ngày 6-11, lũ trên các sông lên rất nhanh… gây nguy cơ lũ, lụt trên nhiều địa bàn. Để tiếp tục ứng phó với các tình huống khẩn cấp đột xuất, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện phối hợp các cơ quan, ban, ngành và lực lượng vũ trang trên địa bàn giúp dân ứng phó tình hình mưa lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản”.
Còn ở tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 nên từ ngày 3 đến 5-11, tại địa bàn có mưa lớn, nhiều thủy điện ở thượng nguồn đồng loạt xả tràn khiến nước trên các sông dâng lên nhanh, gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương. Trong cơn lũ dữ, mưa lớn ấy suốt từ chiều tối ngày 5 đến rạng sáng ngày 6-11, các chiến sĩ của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam vẫn túc trực trắng đêm làm cọc tiêu sống trên quốc lộ giúp từng đoàn xe vượt lũ.
Riêng thành phố Hội An chưa bao giỡ lũ ngập sâu đến vậy. Tại tuyến đường bị ngập lụt ở TP Hội An hay khu vực Chùa Cầu, Lê Lợi, Trần Phú, PV Chuyên đề CSTC đã ghi nhận hàng trăm CBCS Công an Hội An vẫn dầm mình trong nước lũ, túc trực điều tiết giao thông, giúp đỡ người dân và du khách di chuyển đồ đạc tránh lũ. Nhắc nhở người dân đi lại trên ghe thuyền phải mặc áo phao, và cấm khách du lịch đi vào các tuyến đường ngập sâu...
Thiếu tá Trương Đức Liên, Trưởng Công an phường Minh An cho biết, trong ngày 5-11, toàn bộ lực lượng Công an phường đều tham gia túc trực tại các điểm đường ngập lụt thuộc địa bàn phường để sẵn sàng giúp đỡ người dân, đồng thời ngăn các du khách không đi vào những tuyến đường ngập sâu để chụp ảnh nhằm hạn chế rủi ro. Nhiều du khách lưu trú ở các khách sạn vùng thấp trũng cũng được lực lượng công an hỗ trợ di dời để đảm bảo an toàn.
Giúp dân chống bão. |
Thắm tình quân dân
Chân lội ngập sâu trong nước lũ ngay giữa phố Lê Lợi, Thượng tá Lương Văn Giải, Phó Trưởng Công an TP Hội An chia sẻ: Không chỉ hôm nay, mà ngay từ sáng ngày 4-11, toàn công an thành phố đã nhận lệnh “trực chiến” 24/24h để ứng phó với lũ, triều cường và đặc biệt sẵn sàng giúp người dân và du khách di dời khẩn khấp ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn.
Theo Thượng tá Giải khẳng định: “Hầu như mùa mưa năm nào TP Hội An cũng bị ngập lụt nên từ đầu năm, đơn vị đã có kế hoạch PCLB&CNCH. Lực lượng Công an TP Hội An và Công an các phường không những tham gia ứng trực tại các điểm lũ lụt mà còn giúp người dân di chuyển đồ đạc, vật dụng, xe gắn máy. Hôm qua, do nằm ở vùng thấp trũng nên khi nước sông dâng cao, căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Huê (trú ở khối Đồng Hiệp, phường Minh An) đã bị nước lũ cuốn băng. Rất may lực lượng Công an phường Minh An đã có mặt kịp thời để di chuyển tivi, tủ lạnh cùng nhiều vật dụng sinh hoạt của gia đình bà Huê sang khu vực cao ráo hơn. Nhiều hộ dân ở vùng thấp trũng của phố cổ Hội An đã thuê thuyền vượt sông Hoài để qua chợ Hội An mua sắm lương thực dự trữ.
Không chỉ phố cổ Hội An, mà tại TP. Tam Kỳ, các huyện Đại Lộc, Thăng Bình của tỉnh Quảng Nam do thủy điện xả lũ khiến các sông Thu Bồn, Vu Gia vượt mức báo động 3, khiến nhiều xã, phường ngập sâu trong nước lũ.
Để giúp nhân dân, chiều tối ngày 5-11, giữa trời mưa rất to, cộng với gió lớn, nước lũ lên nhanh song hàng trăm chiếc ca nô, thuyền được lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam trưng dụng liên tục như con thoi không ngừng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại điểm di dời người dân ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã huy động hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ cùng nhiều phương tiện kỹ thuật nhằm phối hợp với các lực lượng khác như Cảnh sát cơ động, PCCC&CNCH khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế.
Vậy mà, ngay trưa ngày 5-11, Thượng tá Hồng đã không khỏi lo ngại, vì ở thôn Vạn Long (Tam Đàn) có hơn 200 hộ dân với hơn 900 khẩu, trong đó có 35 cụ già yếu. Thôn Vạn Long lại có địa hình thấp trũng, mưa lũ đã làm cô lập hoàn toàn. Đơn vị khẩn cấp phối hợp cùng địa phương dùng thuyền máy, ca nô tiếp cận đưa toàn bộ người dân trong thôn đi tránh lũ. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cũng cắt cử hơn 40 chiến sĩ công an cùng lực lượng Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Ninh đã dùng thuyền máy tiếp cận đưa người dân từ trong thôn ra quốc lộ 1 (Tam Đàn). Sau đó bố trí nhân dân tránh lũ tại Nhà văn hóa xã Tam Đàn, và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Tại Đà Nẵng, Đại tá Lê Ngọc Hai- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng cho biết: “Do ảnh hưởng của bão số 12, tại khu vực biển Phạm Văn Đồng có mưa lớn và gió rất mạnh nhưng bất chấp thời tiết, ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã triển khai 2 nhóm dọn dẹp dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, sử dụng các phương tiện cứu hộ được trang bị của Cảnh sát PCCC TP có thể cưa, cắt những cây có diện tích lớn để người dân thuận tiện trong việc đi lại, đảm bảo cảnh quan, góp phần chung tay với người dân TP để sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra thành công tốt đẹp”.
số khu vực trên địa bàn thành phố gió mạnh khiến cổng chào và nhiều cây xanh bị bật gốc, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng đã triển khai lực lượng, phương tiện giúp dân đảm bảo lưu thông trên đường do ảnh hưởng của cơn bão. Đêm 4/11, nhận được tin báo của người dân do ảnh hưởng của bão, gió mạnh đã làm một cây cổ thụ bị đổ và một số đường dây điện bị đứt tại địa chỉ số 58 đường Đỗ Quang, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê khiến cho giao thông khu vực này bị tắc nghẽn, ngay lập tức, Cảnh sát PCCC TP đã điều động xe chữa cháy cùng 10 CBCS đến hiện trường phối hợp với lực lượng dân phòng cưa cây xanh, vệ sinh lại tuyến phố làm thông thoáng, đảm bảo tuyến đường giao thông tại khu vực này được thuận lợi. Việc làm này được người dân địa phương rất hoan nghênh.