Tăng tuổi nghỉ hưu - còn nhiều băn khoăn?
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, 2 phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ, kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn, tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ, kể từ năm 2021).
"Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Dung cho biết.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá rõ tác động của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Bởi trong điều kiện dân số già thì đương nhiên phải tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cho lực lượng lao động trong xã hội; còn trong điều kiện dân số vàng, lực lượng lao động rất nhiều mà tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ thất nghiệp chung của quốc gia. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ để có lộ trình tăng tuổi hưu phù hợp. Ngoài ra phải làm phép so sánh hiệu suất lao động giữa người lao động lớn tuổi và trẻ tuổi.
Thực tế hiện nay, nhiều sinh viên hiện ra trường không có việc làm, bởi mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người tham gia lao động và 400 nghìn người nghỉ hưu, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, có nghĩa là lực lượng lao động trẻ sẽ phải chờ thêm thời gian, làm mất đi cơ hội có việc làm của giới trẻ. Hơn nữa, phải có đánh giá thực sự khoa học về đề xuất độ tuổi nghỉ hưu mới, chứ không phải "nói ang áng hay theo nước nọ nước kia". Tác động về mặt xã hội đối với hàng triệu người lao động mới bị dư ra thế nào, nếu hai năm, ba năm thì gánh nặng đối với xã hội cực kỳ lớn. Nói như ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp là: "Sinh viên mới ra trường, công ăn việc làm không ổn định. Bây giờ lại tăng tuổi hưu, dễ làm mất đi cơ hội thế hệ trẻ".
Không chỉ lo lắng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ lấy mất cơ hội của lớp trẻ, một số ý kiến cho rằng, dù tuổi thọ hiện nay cao nhưng chưa hẳn đã tỷ lệ thuận với vấn đề sức khỏe, để đủ sức cáng đáng công việc. Tuổi càng cao, khả năng đáp ứng lao động càng thấp, lại có sức ì lớn, trong khi lao động tuổi trẻ lại hoàn toàn khác. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, năng suất lao động sẽ giảm đi. Vì vậy phải hết sức cân nhắc, nghiên cứu áp dụng tăng tuổi hưu cho từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề và cần đánh giá tác động thêm đối với lao động phổ thông.
Là người đại diện cho hơn 86 nghìn công nhân ngành than với 37 nghìn công nhân hầm lò tại Quảng Ninh, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, rất băn khoăn về sự ảnh hưởng trong việc tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân hầm lò. Theo ông Chuẩn, đối với công nhân hầm lò, nhiều trường hợp 18 - 20 tuổi đã bắt đầu đi làm. Nếu tính thâm niên, chỉ khoảng 40 tuổi đã về hưu rồi.
"Với công nhân nam 55 tuổi, đi dạo trong hầm lò còn được, chứ cuốc than, vác gỗ chắc không thể. Công nhân 50 tuổi giờ phải đưa ra làm việc ở mặt bằng, nhưng họ "ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ" quen rồi, nên họ sợ nắng, rất khó khăn. Công nhân ngành than 62 tuổi hiếm lắm. Công việc lao động rất độc hại, có công nhân về chưa cầm sổ đã qua đời. Kể cả quy định giảm 5 tuổi đối với ngành nghề lao động độc hại cũng không ổn", ông Chuẩn nói.
Không chỉ với ngành Than, mà nhiều ý kiến cũng lo ngại việc tăng tuổi hưu sẽ tác động không nhỏ đến công nhân các ngành nghề lao động nặng nhọc, lao động chân tay khác, nên cần phải hết sức cân nhắc trong việc áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu.
Là bộ luật tác động trực tiếp đến hàng chục triệu lao động, vì thế người lao động đang mong chờ những quyết sách đúng đắn từ Quốc hội.