TP HCM loay hoay với bài toán chống ngập

Thứ Bảy, 20/07/2019, 16:57
Cơn mưa lớn chiều 17-7 khiến hàng loạt tuyến đường tại TP HCM bị ngập sâu, một số khu vực nước chảy như thác cuốn cả xe máy và người. Thực tế này một lần nữa cho thấy chính quyền thành phố năng động nhất đất nước cho đến nay vẫn thất bại trong việc tìm ra một giải pháp chống ngập đô thị hiệu quả.


Mưa lớn khiến khu vực đường Võ Văn Ngân (đoạn gần nhà thờ Thủ Đức, quận Thủ Đức) nước chảy mạnh như thác. Nhiều người đi xe máy bị cuốn trôi cả người lẫn phương tiện. “Mưa lớn khoảng 30 phút, đường ngập chảy như nước thác. Sống ở TP Hồ Chí Minh mà nhìn cảnh nước chảy như thế này chẳng khác gì lũ quét ở miền Trung quê tôi”, một người dân quê Bình Định chia sẻ.

Mưa lớn cũng khiến các tuyến đường như Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) nước ngập như sông, hàng ngàn người đi xe máy phải bì bõm dắt phương tiện trở về nhà. Ngoài ra, các tuyến đường như: Lê Văn Việt, đường Cầu Xây, Lã Xuân Oai, Đình Phong Phú (quận 9); Đặng Văn Bi, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)…nước cũng ngập lênh láng.

Một nhóm thanh niên liên tục hỗ trợ người đi dường nhấc xe qua khỏi con lươn cao gần một mét trên đường Phạm Văn Đồng để tìm lối khác.

Thực tế, TP Hồ Chí Minh cũng đã có các giải pháp chống ngập mang tầm vĩ mô, dài hơi và thực hiện điều tiết kênh mương, hệ thống thủy lợi toàn TP. Cụ thể, theo đề án quy hoạch hệ thống thoát nước mưa đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 104 hồ điều tiết bằng công nghệ Cross - Wave ngầm của Nhật (mỗi hồ có công suất 1.500 - 2.000m3) để làm việc này.

Đến khoảng 19h, nước rút dần nhưng giao thông qua khu vực này vẫn còn ùn tắc, hỗn loạn.
Chiều 17-7, cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài gần hai giờ khiến nhiều tuyến đường ở TP HCM chìm trong biển nước. Trong đó, khoảng 3 km đường Phạm Văn Đồng (đoạn giao đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức) bị ngập nặng.

Hệ thống hồ này ngoài nhiệm vụ điều nước mưa, còn điều tiết nước kênh mương thủy lợi nội đô TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay toàn TP mới chỉ có một hồ điều tiết ngầm theo công nghệ trên được đặt tại đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức hoạt động, còn lại các dự án khác vẫn dang dở vì thiếu vốn và nhiều nguyên nhân khách quan khác. Tuy nhiên, trong cơn mưa chiều 17-7, đây chính là một trong những tuyến đường ngập nặng nhất.

Đánh giá về thực trạng và giải pháp chống ngập cho TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Phan Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết cần phải đánh giá đúng nguyên nhân gây ngập úng hiện nay thì mới có được giải pháp chống ngập hiệu quả. Theo ông, TP đang ngập úng chủ yếu do rác thải trong lòng cống và cửa xả quá nhiều, cũng như cốt nền đô thị đang thấp hơn mực nước sông (quy hoạch và phát triển vào thế đã rồi, không thể thay đổi).

Vì vậy, ngoài việc thường xuyên nạo vét kênh rạch, lòng cống, thu gom rác thải, TP cần sớm nghiên cứu thực hiện công việc này bằng giải pháp tự động hóa. Song song đó, phải thực hiện thí điểm giải pháp tạo rãnh thu nước (ngang 20 - 30 cm, sâu khoảng 70 - 100cm có nắp che) dọc các tuyến đường, cũng như tạo thêm phễu thu nước (hố ga) nhằm giúp việc gom nước, chặn rác tốt hơn.

Đánh giá về giải pháp xây hồ điều tiết ngầm (giải pháp đề xuất từ Công ty Sekisui, Nhật Bản và Công ty VMC Group năm 2017), hoặc chia sẻ hệ thống hồ điều tiết lớn thành các hồ điều tiết nhỏ, tái sử dụng nguồn nước mưa ra từng hộ gia đình, Thạc sĩ Bùi Văn Hải, Khoa Quản lý đất đai & Bất động sản Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng đây cũng có thể là giải pháp tốt. Vấn đề là nguồn kinh phí này ai sẽ chịu, quỹ đất nào để từng hộ dân có thể sử dụng giải pháp trên?

Nhiều tuyến đường nước ngập lênh láng, hàng loạt phương tiện bị chết máy.

Theo ông, thực tế, công nghệ trên đã ít nhiều được TP cùng các chuyên gia nước ngoài đề cập tới. Tuy nhiên, cái khó của giải pháp trên là quỹ đất, tính kết nối và công nghệ vận hành. 

“Việc xây dựng các hồ điều tiết ngầm ở vùng cao theo công nghệ Cross - Wave là nhằm tạm trữ nước mưa tại chỗ, giảm lượng nước chảy tràn về những vùng trũng thấp, góp phần giảm ngập cục bộ cho khu vực đó. Tuy nhiên, để triển khai ý tưởng chia nhỏ hồ chứa tái sử dụng nước mưa về từng hộ dân cư (tương tự giải pháp cái lu của Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân) vẫn là thách thức lớn với đô thị đất chật người đông như TP Hồ Chí Minh”, Thạc sĩ Hải chia sẻ.


"Tôi đang dắt bộ thì bị sóng do ôtô chạy ngang tạo ra đánh ngã nhào, người ướt sũng. Đã lâu mới thấy đường này bị ngập nặng như vậy", chị Hân nói.

PGS.TS Hồ Long Phi - chuyên gia Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc chống ngập của TP chưa mang lại chuyển biến rõ rệt là do nhiều dự án chống ngập đang sử dụng dữ liệu cũ, trong khi lượng mưa và triều cường ngày càng gia tăng do sự sụt lún (cốt nền) ngày càng nhiều. Chính điều đó dẫn đến sự quá tải cho lòng cống khi cùng lúc có mưa lớn kết hợp triều cường.

Vấn đề đặt ra ở đây, theo PGS.TS Hồ Long Phi, TP cần sớm hoàn thiện, cải tạo và thiết lập một hệ thống thoát nước mới. “Muốn có giải pháp chống ngập triệt để, thì ngoài việc hoàn thành hệ thống đê bao, TP Hồ Chí Minh cần sớm thúc đẩy các dự án xây hồ điều tiết ngầm đi vào hoạt động. Song song đó là các giải pháp tổng thể như kiểm soát được triều cường bằng hệ thống cửa ngăn triều và nạo vét kênh rạch, lòng sông”, PGS.TS Hồ Long Phi nói.

Có thể thấy, phương án và "sáng kiến" chống ngập đã có không ít và đã được các chuyên gia, nhà chức trách bàn tới bàn lui hàng chục năm qua. Tuy nhiên, vẫn chưa biết đến khi nào người dân TP Hồ Chí Minh mới thoát cảnh "phố biến thành sông"?

Quang Long
.
.
.