Sự thật về "bình cổ giá chục tỷ" và những "tin đồn ảo"
Bi hài thay, ngay sau khi Phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cùng các chuyên gia giám định cổ vật vào cuộc làm rõ "gốc tích" thì: "Chiếc bình cổ chục tỉ" này lại được chính chủ nhân của nó bán vội với giá 12 triệu đồng...
Bất an vì lỡ mua phải "bình hồ lô chục tỉ"
Sau mấy ngày bỗng nhiên suýt thành "đại gia", cuộc sống bị xáo trộn, gặp chúng tôi anh Trần Công Viên (thôn An Lâu 1, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cứ cười gượng: Khổ lắm, tui thấy cái bình hồ lô đẹp, hoa văn lạ mắt, lại không hiểu gì về cổ vật nên lên mạng xã hội chia sẻ, đồng thời hỏi xem ai am tường về đồ cổ để nhờ tư vấn.
Nào ngờ, tự dưng thành to chuyện, người ta giờ đồn tui là tỉ phú, rồi đồn có người trả cả chục tỉ để mua lại cái bình của tui. Ngay cả tui cũng nửa tin nửa ngờ, nhưng vì quá bị làm phiền và một phần cũng sợ kẻ tham làm liều, nếu gặp cướp còn nguy hiểm cho tính mạng gia đình tui thì có mà rước họa vào thân. Mới hôm qua, may mà tui quyết định bán cho một người quen đúng với giá hôm mua là 12 triệu rồi…
Anh Trần Công Viên bên chiếc bình hồ lô. |
Nguyên cớ từ hôm đầu tháng 3-2016, do công việc nên anh Viên lên tỉnh Đắk Lắk buôn bán, tình cờ anh gặp một người dân tộc thiểu số khoe đi núi đào được một cái bình cổ. Chiếc bình này là mẫu bình hồ lô, được làm bằng đồng, có chiều cao gần 18cm, rộng 5 cm, có hình 8 ông tiên xung quanh bình và trang trí thêm nhiều viền kẻ, hoa lá… dưới đáy bình còn khắc chữ giống thời nhà Hán- Minh. Thấy bình đẹp, lạ mắt, lại cả tin lời anh "dân tộc" kia nên chắc mẩm là đồ quý hiếm, anh Viên vội bỏ ra 12 triệu đồng để mua bình đem về quê.
Ở quê, vì phấn khởi mua được chiếc bình đẹp, anh Viên đã đem ra khoe với người thân và bạn bè. Một số người sau khi được xem bình và nghe câu chuyện "mua được bình cổ trên núi" của anh Viên đã khẳng định: Lộc đến nhà rồi, chắc chắn chiếc bình của anh Viên mua được là đồ cổ có giá trị lớn và anh Viên quả là trúng giá hời to. Thậm chí, nhiều người mê tín còn "tư vấn" đây là vật linh thiêng của người dân tộc, phải cúng vái tạ trời đất, chay đàn để trừ tà khí mới hy vọng giữ được tiền của…
Từ người này mách nhỏ với người kia, một đồn mười, mười thêu dệt thành 100, dân quanh vùng biết chuyện, hiếu kỳ cũng kéo đến đầy nhà anh Viên để xin được "mục sở thị" cái bình quý, khiến chủ nhân là anh Viên cũng vô cùng bối rối.
Để xác định niên đại của chiếc bình mua được, anh Viên đã chụp ảnh bình đưa lên facebook nhờ mọi người tư vấn giúp. Anh còn cậy nhờ tìm được chuyên gia đồ cổ để "thẩm định" giá trị cho chiếc bình, nên một số "nhà cổ học" trên mạng xã hội đã khẳng định với anh Viên đây là bình cổ quý, trị giá trên 10 tỉ đồng.
Không biết các "anh hùng bàn phím" mạng xã hội chém gió kiểu gì, bỗng chốc thông tin " Một người đàn ông sở hữu bình hồ lô cổ trị giá chục tỉ" cứ vậy lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đến nỗi, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin, Phòng quản lý di sản, Sở Văn hóa thể thao & Du lịch Quảng Nam cùng các chuyên gia giám định cổ vật cũng lập tức vào cuộc làm rõ. Và sự thật về chiếc bình hồ lô chục tỉ đã được tiết lộ…
Các chuyên gia "vạch mặt" đồ giả
Không để thông tin một người dân ở xã Tam Lanh đang sở hữu một cổ vật giá trị hàng chục tỉ, gây xôn xao dư luận, xáo động cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương… các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc làm rõ.
Trao đổi với PV chuyên đề CSTC, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết: "Chúng tôi đã cho người nắm thông tin về chiếc bình được cho là bình cổ này để báo với cấp trên về tìm hiểu xem đó có phải bình cổ quý hiếm hay không. Hiện xã chưa biết nguồn gốc chiếc bình này có từ đâu…".
Còn ông Đình Hài - Giám đốc Sở VH - TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, tôi mới nghe thông tin trên qua báo chí phản ánh đây thôi chứ chưa tận mắt nhìn thấy chiếc bình hồ lô được cho là cổ vật đó. "Tôi sẽ cho người tìm hiểu xem chiếc bình hồ lô đó như thế nào, vì ông Viên nói với báo chí chiếc bình là do ông mua về chứ không phải đào trên chính vùng đất Quảng Nam này, nếu ông Viên đào trên vùng đất này thì sở sẽ làm việc theo quy định và đúng là cổ vật thì bảo tồn những cổ vật này…" - ông Hài nói.
Đặc biệt, ngày 14/3 ông Nguyễn Phước - Trưởng Phòng quản lý di sản, Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã khẳng định: Đây chỉ là đồ giả cổ, nhìn vào là biết người mua bị lừa. Đồ giả cổ này ở Việt Nam rất nhiều, được rao bán trên mạng, giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng.
Cũng có kẻ xấu lừa đảo nói là đồ thật, rao bán 40 triệu nhưng thật ra là đồ giả. Đã có nhiều đối tượng lừa đảo, giả là người đi đào đường nhặt được, tung tin đồn để bán trên chục triệu đồng. Khi có nạn nhân sập bẫy, bỏ tiền ra mua với giá cao ngay lập tức những đối tượng này cũng biến mất... Người mua, do không am hiểu hoặc nảy sinh lòng tham nên dễ dàng bị mắc lừa, lại thấy vật cổ này dính bùn đất, mụ mị tin lời "nổ" của các đối tượng để tiền mất, tật mang.
Cũng theo ông Phước, "Bình "Hồ lô phong thủy" thời Tuyên Đức Nhà Minh (Trung Quốc) cực hiếm, ở Việt Nam có thể có vài chiếc chứ không nhiều như vậy. Kể cả chữ "Tuyên Đức Niên Chế" trong chiếc bình của anh Viên cũng giả rõ ràng".
Liên quan đến chiếc bình hồ lô được đồn thổi là "cổ" này, sáng ngày 14-3, anh Trần Công Viên đã bán với giá 12 triệu đồng, bằng giá mà anh đã mua trước đó. Theo anh Viên, anh mua về để chơi nhưng thấy độc và lạ chứ không biết có giá trị hay không. "Khi lực lượng chức năng huyện Phú Ninh nói đó là loại đồ giả, thị trường nhái nhiều và lo sợ bất an nên tôi quyết định bán lại chiếc bình cho một người bạn ở Tam Kỳ với giá 12 triệu đồng như giá tôi mua trước đó", anh Viên cho biết.