Sự thật chuyện chữa bệnh bằng… nước lã ở Bình Phước

Thứ Tư, 04/09/2019, 08:06
Cuối năm 2016, trên địa bàn ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước), một người phụ nữ với danh xưng "Mẹ Hường" đã tổ chức hoạt động chữa bệnh bằng hình thức mê tín dị đoan, lôi kéo tụ tập nhiều người gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự của địa phương.


Mặc dù đã bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về lỗi xây dựng am thờ trái phép và cam kết không tái phạm nhưng "Mẹ Hường" vẫn lén lút duy trì hoạt động, thậm chí còn lên đồng chữa bệnh với tin đồn thần thánh (mẹ Mẫu linh thiêng nhập hồn chữa bệnh). Những hoạt động của "Mẹ Hường" còn có dấu hiệu lợi dụng sự cuồng tín của người dân để kêu gọi quyên góp thông qua tổ chức các lễ giỗ của các vị thần, thánh nhằm mục đích trục lợi.

"Mẹ Hường" là ai ?

Lần theo tin đồn, chúng tôi đến xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp trong dịp giữa tháng 7 vừa qua. Qua tìm hiểu từ một số người dân và một cán bộ ấp Tân Hòa, chúng tôi được biết: Bà Lê Thị Thu Hường (SN 1969, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp). Bà Hường cũng như những người phụ nữ bình thường khác, lấy chồng, sinh con và sinh sống bằng nghề nông nghiệp mà chủ yếu là làm vườn rẫy. 

Đến năm 2016, bà Hường sống đơn thân do chồng qua đời. Sau đó, mẹ ruột của bà Hường cũng qua đời và để lại một am thờ cúng thần thánh trên nền đất nhà cũ. Kể từ đó, bà Hường tiếp quản và duy trì việc thờ cúng am thờ này.

Thời gian sau, bà không xin phép chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật mà tự ý cơi nới, xây dựng thêm các am thờ khác trong khu sân vườn nhà mình để hoạt động mê tín dị đoan. 

Bằng nhiều mánh lới, bà loan tin về sự linh thiêng của những am thờ này để lôi kéo người dân tham gia hoạt động mê tín dị đoan, kể cả việc lên đồng chữa bệnh bằng nước lã. Từ đây, một số người dân theo bà Hường "tu" ở các am này gọi bà bằng danh xưng "Mẹ Mẫu". Và cũng từ đó, những hoạt động của cơ sở này đã làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ gia đình trên địa bàn cũng như các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Bà Hường chữa bệnh bằng biện pháp xoa đập, bấm huyệt và ban thuốc thánh cho các bệnh nhân tại am thờ.

Để giải đáp những tin đồn thực hư về vị "Mẹ Mẫu" này, chúng tôi đã nhiều lần đến nơi hoạt động thờ cúng và chữa bệnh của bà Hường. Hiện tại, trong khu nhà bà Hường cư ngụ có dựng 3 am thờ làm bằng khung sắt, mái lợp tôn, nền lát gạch (1 am lớn, 2 am nhỏ), trong đó thờ khoảng 19 pho tượng gồm các vị Phật, mẫu, thần thánh... Cách thức hoạt động của bà Hường và các "cộng sự" diễn ra hầu hết theo một kịch bản.

Cụ thể, khi có người dân đến đọc kinh làm lễ và chữa bệnh thì "Mẹ Hường" sẽ thắp nhang gõ chuông khấn vái trước bàn thờ xin mẹ mẫu nhập vào bà Hường rồi bắt đầu giảng giải về đạo lý, tướng số, vận may rủi của những người đến cúng bằng những "bài văn" cũng na ná giống nhau và bằng một thứ giọng nói tựa như trong phim kiếm hiệp của Hồng Kông. 

Những người đến chữa bệnh sẽ quỳ gối và xếp hàng dưới chân "Mẹ Hường" để lần lượt được làm phép (xoa bóp, bấm huyệt, vỗ vào đỉnh đầu, trán, lưng, ngực, bắp đùi…), rồi người bệnh sẽ được "Mẹ Hường" ban cho một chai nước "thánh" để về uống cho hết bệnh. 

Điều đáng nói, bệnh nào "Mẹ Hường" cũng chữa theo một "bài" duy nhất và cho thuốc uống cũng là một loại nước giống nhau. Cũng theo ghi nhận, ngoài một số người phục vụ tại am còn có một số người đàn ông trung niên và người già, còn lại hầu hết là phụ nữ ở nhiều lứa tuổi đến đây cúng và chữa bệnh.

Cũng cán bộ ấp Tân Hòa cho biết, việc bà Hường lén lút tổ chức hoạt động mê tín dị đoan được một số người tiếp tay phao tin đồn để lôi kéo nhiều người đến tham gia. Thực chất, bà Hường lên đồng (một hình thức gọi thần thánh nhập xác người phàm) giảng đạo và chữa bệnh bằng cách xoa bóp, bấm huyệt và uống nước "thánh" do "bề trên" ban tặng (thực chất là nước lã). 

Cứ như vậy, nghe tin đồn, nhiều người dân ở các địa phương lân cận như: xã Lộc Hiệp, Lộc Phú (Lộc Ninh), Minh Hưng (Chơn Thành), kể cả Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM cũng kéo đến thắp nhang, tụng kinh và chữa bệnh. Đông nhất là những ngày "vía bà" mùng 8, 18, 28 âm lịch hàng tháng. 

Ngoài ra, bà Hường còn tổ chức rất nhiều ngày giỗ của các vị thần thánh khác để lôi kéo người tham gia hoạt động mê tín. Điều đáng nói là vào những ngày lễ, ngày giỗ này, bà Hường còn lợi dụng sự cuồng tín của người dân để kêu gọi quyên góp lễ vật cúng dường, có lần lễ cúng Mẹ chúa xứ cúng đến hơn 35 con heo quay, hàng chục con vịt quay và nhiều giấy tiền vàng bạc.

Bị xử phạt hành chính vẫn tái phạm

Một người đàn ông tên T., có vợ theo "Mẹ Hường" tu để chữa bệnh tại am từ năm 2017, và bản thân ông cũng theo hầu "Mẹ Hường" hơn 1 năm qua, cho biết: "Lúc đầu, tôi nghe theo vợ đến am của "Mẹ Hường" và chỉ giúp những việc tu sửa am tự, xây dựng sân vườn thôi. Vì vợ tôi đã theo tu khá lâu rồi. 

Khi nhập vào tu phải đóng tiền 100.000đồng. Vào những ngày cúng giỗ, lễ đều quyên góp tiền, thấy mọi người nộp thì tôi cũng tham gia góp tiền để cúng…Tuy nhiên càng về sau này, tôi thấy "Mẹ Hường" giảng đạo có nhiều cái không đúng với cuộc sống hiện tại".

Theo ông T, ví dụ như, vận động người đến am đóng góp rất nhiều khoản tiền, kể cả cúng dâng vàng thật cho mẹ Mẫu. Rồi ngăn cách hai vợ chồng phải ngủ riêng để thử thách. Từ đó ông T. thấy không được, vì cái duyên vợ chồng đã được pháp luật công nhận và hàn gắn nhưng bà Hường lại chia rẽ. Hay chuyện đem nước thánh về nhà để uống hàng ngày, nhưng ông T. biết đó chỉ là nước lọc bình thường, không có gì đặc biệt cả. 

Còn việc "Mẹ Hường" cho những người đến cúng vay "lộc" thì sau 1 năm phải trả gấp 10 lần (2.000đ thì phải trả 20.000đ) mà thực chất, số tiền cho vay này là tiền của người ta mang đến cúng vào am mà không phải tiền của  bà Hường.

Từ đó, ông T. ít tham gia và đến nay không đến đó nữa". Kể về hình thức "Mẹ Hường" lên đồng giảng đạo và chữa bệnh, ông T. nói: "Thật sự tôi không tin việc lên đồng này của bà Hường đâu. Vì tôi để ý thấy lần nào, bà Hường khấn vái và nói giọng giảng đạo éo éo đều như nhau, na ná giống trong phim kiếm hiệp vậy. Còn chữa bệnh thì tôi thấy vợ tôi theo khá lâu rồi, nhưng bệnh thì vẫn còn đó không dứt. Giờ đây, tôi kêu vợ tôi đừng tham gia nữa mà bà ấy không nghe. Cứ đi từ sáng đến chiều, cả đêm cùng đi, nếu cứ như vậy thì chắc chết đói thôi…".

Cũng có vợ thường xuyên đến am của "Mẹ Hường" để tham gia hoạt động mê tín, ông N. (ngụ xã Lộc Hiện), bức xúc: "Tôi biết chuyện này là không đúng nên không cho vợ tôi đi đến am. Ngày nào cũng từ 9 giờ đêm đến 2 - 3 giờ sáng, vợ mới về nhà, bỏ bê chuyện làm ăn, buôn bán. Thậm chí, còn kêu tôi bán đất, bán nhà. Rồi mang gạo đến am cho bà Hường mỗi lần cả xe ôtô, trong khi ở nhà không có mà ăn. 

Vợ tôi chẳng có bệnh gì nhưng cứ mang những chai nước về nói là uống để ngừa bệnh. Tôi thì không dám uống. Giờ rất lo lắng nhưng không biết làm sao. Tôi muốn chính quyền dẹp luôn cái chỗ đó đi, chứ để vợ đi liên tục sẽ ảnh hưởng tới gia đình, nếu cứ để riết thế này thì cũng có ngày tan vỡ".

Các am thờ do bà Hường quản lý và tổ chức cúng lễ.

Ông Nguyễn Văn Nu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: "Tháng 11-2017, UBND xã Tân Tiến tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hường về hành vi xây dựng am thờ không thông báo cho chính quyền địa phương với số tiền 750.000 đồng. 

Sau đó, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng bà Hường vẫn không chấp hành và tiếp tục xây dựng, cơi nới các am thờ trái phép, lôi kéo nhiều người tham gia phức tạp hơn. 

Đến 16 giờ ngày 31-7-2019, Công an huyện Bù Đốp phối hợp UBND xã Tân Tiến và một số đơn vị chức năng kiểm tra hành chính và bắt quả tang bà Hường đang thực hiện hành vi lên đồng, chữa bệnh cho 15 người dân. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 511 cuốn sách kinh không rõ nguồn gốc, 1 tờ tiền mệnh giá 100.000đ, 4 chai chất lỏng dùng để chữa bệnh (3 chai loại 5 lít, 1 chai loại 0,5 lít)".

Đại đức Thích Minh Lộc, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Bù Đốp, Trụ trì chùa Thanh Nghiêm khẳng định: "Hộ bà Lê Thị Thu Hường có hoạt động tín ngưỡng không đúng pháp luật có nghĩa là tự động lập ra không xin phép tắc gì hết, cứ tự động tụ tập người này người khác các nơi về rồi có hoạt động mê tín".

Ông Nguyễn Thế Dương, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Bù Đốp nêu rõ: "Đây là điểm hoạt động mê tín dị đoan. Bà Hường đã lợi dụng lòng tin mù quáng, sự thiếu hiểu biết của người dân, để tổ chức hoạt động khám chữa bệnh không có cơ sở khoa học mang tính chất bùa chú lên đồng bóng".

Ông Nguyễn Văn Nu cho biết thêm: "Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã vào cuộc tuyên truyền vận động nhiều lần, thậm chí xử phạt vi phạm hành chính nhưng bà Hường vẫn lén lút hoạt động, bất chấp và xem thường luật pháp. 

Nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng hoạt động trái phép tại cơ sở này, UBND huyện Bù Đốp đã chỉ đạo chính quyền địa phương xã Tân Tiến cùng các ngành chức năng tham mưu, có nhiều biện pháp mạnh. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên tụ tập đến đây, gây mất an ninh trật tự, tránh tiền mất, tật mang".

Đức Mừng - Minh Thùy
.
.
.