Vỡ đập, chất thải tràn ra môi trường ở Lào Cai: Sự cố đặc biệt nghiêm trọng

Thứ Tư, 12/09/2018, 12:13
Dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm việc bảo vệ môi trường không lâu, nhưng vào ngày 7-9, Nhà máy DAP số 2 (Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem) tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã để xảy ra sự cố vỡ đập chứa chất thải.


Sự cố này khiến 45.000m² nước thải nguy hại tràn ra môi trường và làm ảnh hưởng trực tiếp tới 41 hộ dân tại thị trấn Tằng Loỏng, thôn Phú Hà 1, 2 (xã Phú Nhuận), huyện Bảo Thắng, Lào Cai. 

Dù không thiệt hại về người nhưng tài sản của người dân thiệt hại là không hề nhỏ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chất thải này có tên Gyps chứa hàm lượng acid rất cao, có ảnh hưởng vô cùng lớn tới đời sống nhân dân và môi trường tự nhiên quanh khu vực.

Để xảy ra sự cố dù đã được cảnh báo

Sự việc xảy ra được 2 ngày nhưng những người dân sống quanh Khu công nghiệp Tằng Loỏng còn chưa hết bàng hoàng. Bùn thải lênh láng chảy khắp nhà dân và các con suối. 

Bà Hoàng Thị Mến bức xúc: "Từ hôm xảy ra sự cố, chúng tôi như sống trong thời chiến vậy. Nhà cửa thì lênh láng bùn đất, đồ đạc bị vùi lấp cả. Còn thấy mọi người nói nước thải này có nhiều chất độc lắm, nước cũng không ăn được nữa, cây cối, vật nuôi cũng không sống được. Nếu đúng như vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm khắc phục hậu quả hoặc di dời chúng tôi đến địa điểm khác".

Các hộ gia đình sống ở chân đập bãi thải của nhà máy đều không quá bất ngờ bởi họ đã nhiều lần mong muốn được di dời đến nơi an toàn. Từ lâu vấn đề vỡ đập đã được cảnh bảo, thực tế đập này cũng đã từng bị rò rỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân. 

Ông Hoàng A Minh (người dân sống dưới chân đập) bức xúc nói: "Đã có lần bùn ở đập đó rò rỉ ra rồi, tất cả người dân ở đây lúc nào cũng mong muốn di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên chưa có biện pháp di chuyển thì đã xảy ra sự việc. Do đây là đập bùn nên không chảy xuống quá nhanh, hơn nữa vụ việc xảy ra vào buổi trưa nên mọi người đã kịp thời cảnh giác, chỉ bị thiệt hại về tài sản thôi, toàn bộ người dân không ai bị làm sao".

Cơ quan chức năng đã đổ hàng tấn vôi bột xuống suối để trung hòa acid trong chất thải.

Theo ghi nhận của phóng viên, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn kéo dài, nước trong hồ thải ngày một dâng cao, trong khi hệ thống bờ bao không đảm bảo an toàn nên đã bị vỡ. Khi đập vỡ đã kéo theo hàng nghìn mét khối nước thải, chất thải chứa độc hại chảy tràn ra tỉnh lộ 151. 

Sau khi tràn qua đường tỉnh lộ, chất thải này chảy thẳng vào thôn Phú Hà 1, 2 (xã Phú Nhuận) và tổ dân phố số 7, thị trấn Tằng Loỏng. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Qua tìm hiểu của phóng viên, vào cuối tháng 7 - 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần DAP số 2 về hành vi "không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng (bãi Gyps) của Nhà máy DAP số 2", với số tiền 150 triệu đồng; đồng thời yêu cầu đơn vị này có biện pháp xử lý công trình chắn nước bãi thải này không để nước tràn ra môi trường.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và chính quyền địa phương triển khai lực lượng di dời các hộ dân bị ảnh hưởng khỏi khu vực nguy hiểm và khắc phục các điểm vỡ của bờ bao. 

Điều đặc biệt nguy hiểm, hàng nghìn mét khối bùn thải ra đều chứa acid, không chỉ làm thiệt hại tài sản của người dân vì bị cuốn trôi hư hỏng mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống. 

Nhận thấy sự nghiêm trọng của sự việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cao và huyện Bảo Thắng đã huy động các lực lượng cứu hộ, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ bà con dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp nơi ăn nghỉ. 

Anh Bằng (chủ hộ bị thiệt hại khá nặng) cho biết: "Nhà tôi bị bùn tràn vào thiệt hại về cây cối và vật nuôi khá lớn. Xe máy, đồ dùng cá nhân cũng bị bùn vùi lấp hư hỏng khá nặng. Chúng tôi tha thiết mong cơ quan chức năng sớm khắc phục sự cố, có biện pháp di dời để chúng ổn định cuộc sống. Chứ bấy lâu nay sống dưới chân hồ chưa bùn độc hại tôi sống không yên ổn, lúc nào cũng lo sợ. 

Cuối cùng thì điều chúng tôi lo lắng đã đến, cũng may là không ai bị sao. Ngay khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã sớm đến khắc phục, bên phía Công ty Cổ phần DAP số 2 sở hữu Nhà máy xảy ra sự cố đã hỗ trợ hơn 30 hộ chúng tôi, mỗi hộ 2 triệu đồng".

Nước thải đen sì tràn khắp nơi khiến môi trường ở đây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tích cực khắc phục sự cố

Hiện tại chưa có thống kê chính xác về thiệt hại, cơ quan chức năng đang tích cực thống kê thiệt hại để yêu cầu phía doanh nghiệp có mức bồi thường với người dân. 

Bên cạnh đó, cơ quan công an và viện kiểm sát cùng các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra, từ đó đưa ra hình thức xử lý đối với doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cho hay, hiện trên tuyến tỉnh lộ 151 nối 2 huyện Bảo Thắng - Văn Bàn của tỉnh Lào Cai đoạn bị nước thải tràn qua, các lực lượng đã được huy động xịt rửa, hót dọn sạch sẽ, các phương tiện đã lưu thông bình thường. 

Về phần miệng bờ đập bãi thải GYP bị vỡ, Công ty Cổ phần DAP số 2 đã tập trung nhân công, máy móc be đắp lại không để chất thải tràn thêm ra môi trường; đồng thời tiếp tục gia cố chắc chắn đề phòng tình huống tái xảy ra khi trời mưa. Hiện, Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty này cũng đã tạm dừng hoạt động để không phát sinh thêm chất thải cho tới khi sự cố được khắc phục triệt để.

Tuy nhiên lượng nước khoảng 45 nghìn khối chảy ra từ bãi thải chứa hàm lượng lớn acid là điều khiến cơ quan chức năng phải đau đầu. Bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống của người dân và vật nuôi. 

Ban đầu, cơ quan chức năng đã huy động hơn 200 tấn vôi bột đổ xuống các suối nhăm trung hòa tối đa acid xâm nhiễm. Để đảm bảo an toàn, UBND huyện Bảo Thắng cũng đã có công điện khẩn gửi các xã, thị trấn lân cận, yêu cầu người dân và chi nhánh cấp nước khai thác các nguồn sau bãi thải GYP của nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 tạm ngừng sử dụng nước để đảm bảo an toàn.

Dù không thiệt hại về người nhưng tài sản của nhân dân dưới chân đập bị hư hỏng còn lại không hề nhỏ.

Ông Lê Ngọc Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, sẽ khẩn trương di dời các hộ dân sinh sống dưới chân đập bãi thải đến nơi an toàn. Còn về phía Công ty Cổ phần DAP số 2 đã nhiều lần sai phạm, tỉnh đã giao cơ quan điều tra vào cuộc, để truy cứu nghiêm túc trách nhiệm của doanh nghiệp này.

Sự cố vỡ đập chứa 45.000m³ bùn thải tràn vào nhà dân, được các chuyên gia đánh giá là sự cố vô cùng nghiêm trọng. TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay: Với khối lượng bùn thải 45.000m³ cùng hàm lượng axit rất cao, nếu để tràn ra môi trường là rất nguy hiểm. Đây là loại bùn thải Gyps nguy hại, tác động rất xấu lên môi trường đất, nước, cuộc sống sinh vật nơi xảy ra sự cố. Các chuyên gia cần phải đánh giá hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng để có phương án khắc phục. 

Trước đó, Tổng cục Môi trường đã nhiều lần khuyến cáo Khu công nghiệp Tằng Loỏng về nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra ở hồ chứa bùn thải Gyps của Công ty DAP 2 tại đây. Chính vì thế, hồ để chứa chất thải này phải được xây dựng thật kiên cố, chịu được tác động của mưa lũ, động đất. Không những thế, công ty này cũng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề bảo vệ môi trường.

Sau khi đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường làm việc ban đầu đã xác định nguyên nhân là do sạt lở hơn 60m chiều dài của đập chứa. Trong khi đó nồng độ pH trong nước thải tràn ra là rất thấp, điều đó có nghĩa bùn thải này có tính axit rất cao. Nước thải này tràn qua con suối đến sông Hồng, tuy nhiên vì mùa mưa lũ nên chưa ghi nhận được sự ảnh hưởng của nó.

Ông Hoàng Văn Vy, Trưởng đoàn công tác của Tổng cục Môi trường cho biết, sáng 8-9, cơ quan chức năng đã đắp lại 60m đập bị sạt lở, sử dụng 500 tấn vôi trên 2 con suối chảy ra sông Hồng để trung hòa nồng độ axit. 

"Chúng tôi đang tiếp tục khảo sát những nơi xảy ra sự cố, trong đó có con suối giáp ranh sông Hồng đã được cơ quan chức năng lấy mẫu, đưa về Tổng cục Môi trường phân tích. Khi có kết quả mới đánh giá được hết mức độ nguy hại của bùn thải và ảnh hưởng của sự cố" - ông Vy cho biết thêm.

Quang Anh - Ngọc Anh
.
.
.