Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tối đa sai phạm
Để góp phần đảm bảo an toàn, bịt những kẽ hở khiến ngân hàng mất vốn, đảm bảo sự trong sạch, uy tín của các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý, quan tâm hơn nữa đến chất lượng cán bộ, đến tâm lý, đạo đức để có biện pháp quản lý, hạn chế tối đa những sai phạm.
Bảo đảm an ninh an toàn, tránh rủi ro, tiêu cực từ mặt trái của công nghệ số, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng.
Công tác phòng ngừa ít được quan tâm
Hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà làm cho quá trình triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng bị sai lệch, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tài chính, sự phát triển kinh tế – xã hội; suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.
Đẩy ngân hàng vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, đóng băng tín dụng và tác động trực tiếp đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Nguyên nhân chính bên trong tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội đó là sự xuống cấp về đạo đức của một số cán bộ ngân hàng kết hợp với những điều kiện tạo ra do quản lý lỏng lẻo, không theo dõi và không biết được sự thay đổi trong sinh hoạt, hành vi chi tiêu bất thường của cán bộ, nhân viên ngân hàng trong một thời gian dài.
Kể cả khâu xét tuyển cán bộ nhân viên đầu vào chưa được chú trọng dẫn đến việc có nhiều đối tượng đã bị kỷ luật do vi phạm ở ngân hàng này lại được ngân hàng khác tuyển.
Nhiều nhân viên ngân hàng có quá trình chơi (kinh doanh) chứng khoán, bất động sản, lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi nhưng đơn vị quản lý không biết hoặc biết nhưng không quan tâm, không có các biện pháp theo dõi những thay đổi bất thường (vay tiền của nhiều người trong cơ quan).
Công tác kiểm tra, kiểm soát chưa thực hiện tốt, có nhiều vụ việc để xảy ra trong một thời gian dài. Quy trình nghiệp vụ xây dựng chưa chặt chẽ, còn nhiều sơ hở khi có vụ việc mới rà soát phát hiện ra. Cán bộ ngân hàng sử dụng chữ ký tùy tiện, không đồng nhất, đối tượng ký giả nhưng không bị phát hiện.
Sơ hở trong công tác bảo mật an toàn khi ứng dụng công nghệ vào các hoạt động (mật khẩu đơn giản, không quy định thay đổi định kỳ, không có chế độ khóa khi nghỉ dài ngày, hệ thống wet có nhiều lỗ hổng do không cập nhật các phần mềm hệ thống hoặc đầu tư các hệ thống bảo vệ…).
Đối tượng gây án cướp ngân hàng bị cơ quan Công an bắt giữ. |
Ngân hàng “ngại” chia sẻ với cơ quan điều tra khi có những vụ việc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, không tận dụng được kinh nghiệm để tăng cường công tác phòng ngừa.
Trong quá trình lãnh đạo, điều hành của một số đơn vị nhất là các chi nhánh của các ngân hàng thương mại, cán bộ có thẩm quyền khi bố trí, sắp xếp cán bộ theo mục đích cá nhân nên đưa người nhà, bà con thân thiết vào các vị trí quan trọng, thậm chí khi đã có những biểu hiện không tốt vẫn không điều chuyển ra khỏi vị trí nhạy cảm dẫn đến phát sinh tội phạm.
Các yếu tố bên ngoài dẫn đến các đối tượng phạm tội do nhận thức của nhiều người dân còn thấp, dễ cả tin khi gặp phải những đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp đưa ra những chiêu bài kinh doanh đầu tư kiếm lợi dễ dàng, siêu lợi nhuận.
Công tác phòng ngừa ít được quan tâm, thờ ơ với những vụ việc xảy ra ở đơn vị khác thậm chí ngay cả những vụ việc trong một đơn vị thành viên thuộc cùng hệ thống.
Siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra
Dự báo tình hình tội phạm kinh tế nói riêng và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thủ đoạn và phương thức phạm tội mới tinh vi hơn sẽ diễn ra.
Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kịp thời mang tính dự báo cao để chủ động phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo sự trong sạch và uy tín trong các hoạt động ngân hàng; phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổ chức thanh tra, kiểm toán các tổ chức tín dụng, xác định vốn tự có thực của các tổ chức tín dụng là bao nhiêu; thẩm định kỹ việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng, đảm bảo vốn tăng là là vốn chủ sở hữu, không phải vốn vay.
Tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý; đồng thời tăng cường giám sát để đảm bảo thực hiện nghiêm túc đặc biệt là quy định sở hữu cổ phiếu ngân hàng; không để xảy ra tình trạng người đứng tên hộ sở hữu cổ phiếu ngân hàng, đầu tư chéo, cho vay sân sau dưới mọi hình thức, vay vốn ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng, chạy đua lãi suất để huy động vốn.
Tăng cường rà soát nhân sự, đánh giá cán bộ ngay từ khâu tuyển dụng, tránh trường hợp cán bộ sai phạm tại các tổ chức tín dụng khác nhưng vẫn được tuyển dụng; thực hiện quy trình điều chuyển cán bộ tại các vị trí quan trọng dễ phát sinh sai phạm như kế toán, thủ quỹ, tín dụng.
Rà soát toàn bộ quy trình nội bộ, quy định về giao dịch đảm bảo ngân hàng kiểm soát được hoạt động của nhân viên, khách hàng kiểm soát được các giao dịch của mình. Không để cán bộ ngân hàng lợi dụng chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành bổ sung quy định về việc yêu cầu triển khai xác thực 2 yếu tố (thêm một yếu tố xác thực ngoài thao tác nhập mã pin) trong hoạt động thanh toán thẻ; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua ATM kiểm tra, rà soát việc cài đặt, nâng cấp phần mềm, phần cứng chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ đối với hệ thống ATM của mình.
Cơ quan Công an và các ngân hàng thường xuyên phối hợp chặt chẽ. |
Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an) cho biết: Mối quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Công an với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước rất chặt chẽ.
Trong thời gian tới để bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động tài chính ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao hơn nữa quan hệ phối hợp với Bộ Công an trong công tác phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật để tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ; tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo mọi người dân về phương thức, thủ đoạn lợi dụng hoạt động ngân hàng để phạm tội.
Chú trọng việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, công tác chính trị tư tưởng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tháng 1-2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tối đa những sai phạm trong ngành Ngân hàng: "Cả hệ thống phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng cán bộ, đến tâm lý, đạo đức để có biện pháp quản lý, hạn chế tối đa những sai phạm bởi những bài học sai phạm vừa qua là hết sức đớn đau. Cần chú trọng xây dựng đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương".
Thủ tướng nêu rõ, yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa sai phạm. Chú trọng bảo đảm an ninh an toàn, tránh rủi ro, tiêu cực từ mặt trái của công nghệ số.
Chủ động triển khai đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý chặt chẽ các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2018. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc được tổ chức 10-2017 vừa qua với sự tham dự đông đủ của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt ngành Ngân hàng về triển khai một số nội dung công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt đối với ngành Ngân hàng.
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Ngân hàng cùng với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các ban ngành hữu quan chức năng trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ hoạt động an toàn, hiệu quả hơn; kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được nâng cao.
Từ đó, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính, kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự trong sạch, uy tín trong các hoạt động ngân hàng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.