Sân khấu truyền thống đang chết?

Thứ Năm, 08/12/2011, 20:46

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã kể một câu chuyện: Quê tôi có một cánh đồng màu mỡ, nằm ven đê. Đã có nhiều cuộc họp bàn ra tán vào sẽ quy hoạch dự án này, dự án nọ. Nhiều cuộc họp đã diễn ra, đủ phương án, đủ ý tưởng, tiêu tốn hàng đống tiền. Nhưng cuối cùng, bây giờ, cánh đồng màu mỡ ấy chỉ còn là một lò gạch bỏ hoang".

Nghệ thuật sân khấu truyền thống, với cái kiểu "đánh trống bỏ dùi", thậm chí là quên dùi như hiện nay, đang có nguy cơ giãy chết. Trong nhiều năm nay, vẫn có những tiếng kêu bức xúc và tha thiết, nhưng kêu nhiều, có ai nghe.

Ai diễn, ai xem

Cố nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đình Nghi đã từng nói: Cái gì chưa mất đi, cái gì còn lại, là văn hóa dân tộc. Chèo, cải lương, tuồng đã làm thành "ba cái chân kiềng" tiêu biểu nhất để làm nên diện mạo của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Nó đã có một thời hoàng kim nhất của nghệ thuật biểu diễn, đó là những năm 70 cho đến cuối khoảng những năm 90 của thế kỷ 20. Thế nhưng đến nay, những tinh túy của văn hóa Việt đang có nguy cơ biến mất.

Có lần, tôi đã dành một buổi tối vào rạp Hồng Hà, Hà Nội xem tuồng. Khán phòng trống trải, chỉ có 4-5 người xem. Đó còn là may mắn, nhiều hôm chỉ có 1 đến 2 người. Sau cánh gà, các nghệ sĩ mất hàng tiếng đồng hồ hóa trang, và khi bước ra sân khấu, họ vẫn say mê diễn, dù phía dưới không có người xem. Tôi hiểu, việc duy trì các đêm diễn là sự nỗ lực vượt bậc của diễn viên nhà hát trước nguy cơ bị lãng quên của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhưng nỗi buồn, pha một chút ngậm ngùi lộ rõ trong ánh mắt những người nghệ sĩ trước sự im lặng của tuồng. Một sân khấu lộng lẫy dành cho tuồng ngay giữa lòng thủ đô, nhưng gần như không mấy ai biết đến.

Tình trạng đó cũng tương tự với sân khấu chèo và cải lương.

Ông Bùi Huy Soái, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định, một nhà hát có truyền thống lâu đời nói: Mỗi tháng nhà hát trung bình diễn được hơn 10 buổi. Nhưng 100% buổi diễn đều là do hợp đồng trọn gói với các doanh nghiệp địa phương, các đơn vị mỗi khi có sự kiện, lễ lạt gì.

Hội thảo vắng tanh.

Đó là nhờ sự năng động của những người làm công tác tổ chức, nhưng cũng không đủ sức để kéo diễn viên ở lại, vì mỗi đợt diễn, cao lắm diễn viên cũng chỉ được cát xê 300 ngàn, trong khi đó, hát chầu văn mỗi canh có thể lên tới 10 triệu đến 15 triệu đồng. "Nhiều lúc cũng phải lờ đi việc các ca sĩ đi làm thêm, mặc dù hát chầu văn sẽ làm ảnh hưởng, mai một đi những âm sắc của chèo". Nghệ sĩ Bùi Huy Soái nói.

Không lâu đời như đoàn chèo Nam Định, đoàn chèo Vĩnh Phúc mới thành lập từ năm 2005, tiền thân từ một đoàn cải lương. Nhưng gần như chèo ở đây không có đất sống. Mỗi năm chỉ vỏn vẹn có 20 đêm diễn, mỗi đêm thu về 5-7 triệu đồng. Diễn viên chèo chuyên nghiệp càng ngày càng hiếm, nên cơ hội của các đoàn tỉnh gần như không có.

Không có kịch bản chèo hay, không có đạo diễn, thiếu đào kép chính, khốn khó đủ đường. Đoàn chèo Vĩnh Phúc duy trì biểu diễn bằng cách gửi vé mời cho người thân, bạn bè, mong họ đến xem miễn phí. Nhưng chiếu chèo vẫn vắng tanh. Để tự cứu mình, đoàn chèo Vĩnh Phúc dự định sẽ làm một chiếu chèo thể nghiệm nhỏ.

Vấn nạn "không chèo không tuồng"

Một trong những lý do khiến khán giả ngoảnh mặt với sân khấu truyền thống là vấn nạn "không chèo, không tuồng". Nhà nghiên cứu Đôn Truyền, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thẳng thắn: "Cái vấn nạn "không chèo không tuồng" nói trên là nguyên nhân của tình trạng công chúng xa lánh hay quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống. Họ không còn được thưởng thức, say mê những tác phẩm thuần chèo, tuồng nữa mà đối diện với sự méo mó, xộc xệch lai căng trong cách dàn dựng, cách diễn, cách múa hát. Tựa như người Việt hiện đại được thưởng thức nhiều cao lương mĩ vị vẫn luôn thèm nhớ về thịt chó, nắm tôm, măng chua, thắng cố…".

Một cảnh Thị Màu lên chùa.

Theo một khảo sát thì hầu hết khán giả đều thích xem chèo cổ, tuồng cổ. Có tình trạng các vở diễn diêm dúa, rườm rà, cồng kềnh, lỗi thời đưa vào sân khấu chèo lại nhầm tưởng là cách tân. Cách len lỏi tìm đất sống bằng những hợp đồng "trọn gói", đôi khi chỉ nhằm "mua vui" của một vài cá nhân cũng đã làm biến tướng các loại hình truyền thống này.

Tình trạng đang hát chèo, đang diễn tuồng, chuyển qua chầu văn, tấu hài, là hiện tượng phổ biến. Dẫu không muốn, thì các nghệ sĩ cũng phải "chiều" theo thị hiếu khán giả. Thế nên, có đất cho nghệ sĩ sống, nhưng chưa hẳn đã có đất cho nghệ thuật truyền thống tồn tại. Hơn nữa, khi đi lưu diễn, NSND Lê Chức cho rằng, chúng ta thường cho khán giả xem hàng giả, vì không mang đủ phục trang, không làm đúng sân khấu, nên khán giả tinh, họ sẽ biết mình bị "lừa".

Khán giả làm ngơ, việc bán vé chỉ là một giấc mơ xa vời. Nên nghệ sĩ trẻ không còn lựa chọn nghệ thuật truyền thống. NSUT Bùi Huy Soái buồn bã nói: Có những đợt chúng tôi tuyển diễn viên mà không có một hồ sơ nào. Tình trạng đó không chỉ ở Nam Định, mà ngay giữa Hà Nội, Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Tuồng cũng loay hoay khi các đào kép đã già, mà không có người kế cận. Lương diễn viên thấp đã đành, thù lao vai diễn lại quá khiêm tốn, 50 ngàn cho diễn viên chính, 30 ngàn cho diễn viên phụ và 10 ngàn cho những khâu phụ trợ. Người tổ chức, quản lý đoàn, được 20 ngàn. Mỗi buổi tập của diễn viên cũng không quá 20 ngàn thù lao cho diễn viên chính, 15 ngàn cho diễn viên phụ. Nghệ sĩ không sống được bằng nghề. Thậm chí, học xong, họ bỏ ngang qua làm việc khác để mưu sinh.

Nói đến vấn đề này, PGS Tất Thắng đã dẫn một câu chuyện càng ngẫm mà cười ra nước mắt: "Nghệ sĩ tuồng bậc thầy Chánh Phẩm diễn vai Vua đói khiến nhiều người vô cùng thích thú và cảm phục… 10 năm sau, Viện Sân khấu mời cụ ra Hà Nội diễn vai Vua đói.

Lúc đó cụ đã già, hơn nữa, trước khi diễn, cụ chưa dùng bữa tối… để khi diễn xong sẽ bồi dưỡng ăn phở luôn thể. Nên khi diễn vai Vua đói, nghệ sĩ Chánh Phẩm đã không đủ sức lực, và cảm hứng sáng tạo để vận dụng toàn thân... đặc biệt là những ngón tay trong việc diễn tả một ông vua một mặt, nhưng là vua đói, mặt khác, lần ấy diễn coi như thất bại… Thế đấy, đâu cứ phải yếu, đói thì diễn được vai đói, mà trái lại, phải mạnh, phải no thì mới diễn được vai đói".

Hơn nữa, càng ngày, những người am hiểu về vốn cổ càng thưa thớt. Hỏi về chèo, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ có NSND Trần Đình Ngôn, và đạo diễn chèo, cũng duy chỉ có một người, NSND Bùi Đắc Sừ. Tuồng và cải lương cũng không khá khẩm hơn, khi những người làm nghề đã đến tuổi gần đất xa trời. Thế nên, theo thời gian, vốn cổ bị mai một, người nhận chân giá trị tinh túy của nghệ thuật truyền thống càng hiếm hoi.

Vốn cổ mai một, do không có người am hiểu, không đặt nghệ thuật truyền thống trong không gian sống của nó, mà quy chụp bằng các giá trị ngoài nghệ thuật, như đạo đức, chính trị. Thế nên, nhiều vở diễn cổ đã bị biến tướng theo thời gian.

Trích đoạn chèo Cu Sứt trong vở chèo Kim Nham, là sản phẩm của xã hội phong kiến suy đồi, là một lớp chèo lên án xã hội phong kiến sâu cay, nhưng các nhà quản lý đã loại ra khỏi danh sách chèo cổ vì ở đó, con người "thiếu đạo đức" với cha. Nhiều vở chèo, tuồng cổ bị cải biên, thay đổi làm sai lạc nhân vật truyền thống, chạy theo thị hiếu hỗn tạp của khán giả trẻ, khiến cho các vở diễn, "tuồng không ra tuồng mà chèo cũng chẳng ra chèo."

Kêu nhiều, có ai nghe

Nguy cơ sống còn của nghệ thuật truyền thống không phải đến bây giờ các nhà nghiên cứu mới lên tiếng. Thực trạng này đã báo động từ nhiều năm trước. Nhưng hội thảo vẫn hội thảo, bàn vẫn cứ bàn, nhưng kết luận và giải pháp vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. NSND Lê Huy Quang bức xúc: "Hãy để cho sân khấu truyền thống chết hẳn đi nếu không còn ai quan tâm đến nó. Tại sao nhiều nước cũng không có khán giả, nhưng người ta vẫn coi nghệ thuật truyền thống là một mô hình, có những định hướng phát triển riêng và coi trọng nó. Nước ta không coi trọng, đầu tư một cách tử tế, thế nên, theo tôi, hãy để cho nghệ thuật truyền thống chết hẳn đi. Đừng sống ngấp ngoải như thế này".

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, liên tục các hội thảo được tổ chức, bàn bạc và tìm giải pháp. Nhưng các vấn đề từ năm cũ, vẫn là tồn đọng của năm nay. Trong Hội thảo về các giải pháp bảo tồn nghệ thuật truyền thống diễn ra tại Hà Nội vừa qua, có sự tham gia quy mô của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Nhạc sĩ nhưng đáng tiếc, không có một vị quan chức Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nào đến dự.

Hội  thảo dự kiến diễn ra trong hai ngày cuối cùng chỉ gói gọn trong một ngày, với lượng người tham gia thưa thớt, èo uột. Lại là tình trạng, mình nói cho mình nghe mà thôi. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn tha thiết: "Bảo tồn là trách nhiệm của các nhà quản lý nhà nước, đừng làm cho xong, các nhà nghiên cứu cũng hãy lên tiếng vì sự sống còn của nghệ thuật truyền thống".

"Mất nghệ thuật truyền thống, là mất đi một phần gốc rễ, cội nguồn của một dân tộc. Sang các nước, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, nhìn họ bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà thấy xót xa cho nước mình". NSND Lê Huy Quang thở dài…

Ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Đề án bảo tồn Nghệ thuật Sân khấu truyền thống ra đời từ năm 2008, đến nay vẫn chưa có giải pháp. Tôi cho rằng, đó là cái kiểu đánh trống mà quên mất dùi, không có dùi thì biết lấy gì mà đánh. Tôi đề nghị, Hội NSSK cùng Hội múa, Hội Nhạc sĩ… phải ngồi lại cùng với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để giải quyết vấn đề này.

 

 

PGS. TS Tất Thắng

Chúng ta thường nói thì rất hay, rất hùng hồn, nào là bảo tồn cái nọ, giữ gìn cái kia, phát huy cái này, phát huy cái nọ… nói hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng thập kỷ... cứ ra rả mà nói, nhưng làm thì không làm, hoặc chưa làm, do những "nguyên nhân khách quan". Cái gì mà chả có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chúng ta có thể tiêu phí hàng tỷ, hàng chục tỷ, trăm tỷ… về những việc khoa trương sĩ diện, lãng phí nhiều mà lợi ích ít, nhưng chi tiền để làm một số việc mà chi phí nhỏ, nhưng lợi ích lại lớn thì không hoặc chưa làm, hoặc đã làm nhưng thời gian hoàn thành thì kéo dài đến sốt ruột. Hãy xây ngay một Bảo tàng sân khấu Việt Nam, điều mà các nước có nền sân khấu truyền thống đã làm từ lâu, và khi chúng ta đến tham quan thì chạnh lòng nghĩ tới nước nhà vậy.

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Chúng tôi sẽ tiến hành đặt hàng sáng tác, định hướng vào các tác phẩm truyền thống. Mở trại sáng tác, có cơ chế kích thích anh em sáng tác, tăng chế độ nhuận bút, nhuận bút theo nghị định 61 đã quá lạc hậu. Xây dựng một số loại hình nghệ thuật truyền thống tiếp cận với khách nước ngoài. Chứ không đầu tư dàn trải…

Khánh Linh
.
.
.