Sách giả, vấn nạn nhức nhối toàn cầu
Theo ước tính của Nhà xuất bản Cengage, Mỹ, chỉ riêng với lĩnh vực sản xuất sách giáo khoa phục vụ các đối tượng học sinh, sinh viên, các nhà in tại Mỹ đã mất trắng khoảng từ 370 - 400 triệu USD/ năm.
Sách giả còn khiến cho các tác giả là những nhà văn chuyên nghiệp; những người chuyên biên soạn sách giáo khoa,… mất đi tiền tác quyền, một trong những khoản thu nhập vô cùng quý giá đối với họ.
Không chỉ có thế, độc giả cũng lãng phí cả tiền của lẫn thời gian của mình cho những cuốn sách kém chất lượng; thậm chí là không thể đọc được. Thế nhưng đây mới chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm”…
Nhà văn David Gaughran đã dành nhiều năm chiến đấu với nạn đạo văn trên mạng. |
Đường đi của… giấy in
Qua khảo sát thực tế, người ta thấy rằng, ngày càng có rất ít nhà xuất bản phương Tây tự mình in sách mà thường thuê nhà in tại Trung Quốc sản xuất sản phẩm của mình rồi sau đó dùng tàu biển vận chuyển về. Giá cả là lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến họ làm vậy. Thông thường, giá thành in một cuốn sách tại Trung Quốc trung bình rẻ hơn ở Mỹ khoảng 40%.
Mặt khác, số lượng sách in (ở phương Tây) ngày một dần ít đi do ngày càng có nhiều độc giả chuyển sang mua sách điện tử (ebook), vừa rẻ hơn lại vừa tiện lợi. Cũng lại là ở phương Tây, nếu sách có được in cũng chỉ với số lượng hết sức khiêm tốn, dưới 5.000 bản chỉ để dành cho những nhà sưu tầm. Với khối lượng sách in ít như thế, sẽ rất tiện cho nhà xuất bản khi thuê bên thứ ba đứng ra in, thay vì tự điều hành nhà in của mình theo cách truyền thống.
Mặt trái của việc dời hầu hết ngành công nghiệp in ấn từ phương Tây sang Trung Quốc chính là nguyên nhân cơ bản hàng đầu tạo điều kiện cho sách giả có cơ hội sinh sôi nảy nở. Cũng giống như quần áo; đồ điện tử và vô số các loại hàng hoá khác, người Trung Quốc sử dụng chính những công nhân; máy móc chuyên chỉ sản xuất hàng thật để làm hàng giả. Một nhà in buổi sáng in sách theo hợp đồng, đến tối quay sang làm sách giả. Chất lượng sách giả họ in ra vì thế có thể hoàn toàn “ngang ngửa” với sách thật, thậm chí còn đẹp hơn cả bản chính vậy.
Tất nhiên, hầu hết sách giả thường sẽ có một vài khiếm khuyết nào đó. Chẳng hạn như: in nhoè mực; xếp lệch chữ; đánh số trang sai, v.v và vân vân… Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Thứ nhất, có vẻ như đã “đi guốc vào bụng” các “thượng đế” cho nên các nhà in thừa biết rằng, phần lớn người mua sách giả không bao giờ có đủ tiền để mua sách thật, do đó họ sẵn sàng sử dụng những loại giấy, mực và bìa phẩm chất kém. Điều thứ hai mà nhiều người chưa biết đó là để tránh sự phát hiện của phần mềm trí tuệ nhân tạo.
Các website bán hàng trực tuyến xuất hiện cũng dường như “mở cửa” cho sách giả. Trước đây sánh giả in ở nước nào là chỉ tiêu thụ trong phạm vi quốc gia đó. Nhưng thời bây giờ, nhờ vào hệ thống phân phối của Amazon, Alibaba, Rakuten, v.v… mà một người cho dù đang ngồi ở châu Mỹ hay châu Phi cũng có thể mua thẳng sách giả từ Trung Quốc. Vậy là thị trường sách giả đã đi từ tầm “quốc gia” sang môi trường “quốc tế”.
Thực tế cho thấy, thường thì các cơ quan hải quan rất ít kiểm tra các lô hàng sách, đặc biệt khi số lượng chuyển ra nước ngoài ít hơn 50 cuốn. Nhiều tác giả và độc giả vì vậy không có ai khác để khiếu nại ngoài công ty chủ quản các nền tảng thương mại điện tử. Thay vì bổ sung đội ngũ chuyên gia kiểm tra sách giả trước khi đưa lên kệ, các công ty trên lại nghĩ ra cách sử dụng trí thông minh nhân tạo nhằm đánh giá tính chân thật của tác phẩm. Biện pháp dựa vào việc máy tính dò tìm những cụm từ; đoạn văn; hình ảnh, v.v… trong sách với bản gốc. Các nhà in sách giả sẽ cố ý in lệch hình; sai chính tả, v.v… nhằm đánh lạc hướng trí thông minh nhân tạo để tránh bị phát hiện.
Thông tin giả và sách giả đang đe dọa sức khoẻ mọi người giữa thời điểm đại dịch. |
Từ "sách giả" đến… "thông tin giả"
Việc thuê được một nhà in ở Trung Quốc ngày nay không có gì khó. Ngay cả một người không hề biết tiếng Trung cũng có thể liên lạc với văn phòng đại diện ở nước ngoài của các công ty in ấn Trung Quốc để đặt hàng. Nếu chỉ nhìn từ ngoài vào, sự tiện lợi này là điều đáng hoan nghênh vì nó khuyến khích không chỉ các nhà xuất bản mà cả các tác giả độc lập đi in ấn và phát hành tác phẩm của mình. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, và trong trường hợp này, nó tạo cơ hội cho thông tin giả tràn ngập thị trường.
Khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh điểm vào mùa hè vừa qua đã có hàng chục đầu sách với những cái tên như “Chúa Giê-su vs. Quỷ Satan: Nguồn gốc của virus Corona” và “Lời nói dối của vaccine COVID-19” xuất hiện trên các trang web bán hàng online. Tác giả của các cuốn sách này chủ yếu là những kẻ lừa đảo tìm cách lợi dụng người già và người thiếu hiểu biết, đang hoảng loạn trước nguy cơ bệnh tật. Sách là phương tiện để họ đưa ra những lời nói dối trắng trợn kiểu như “Sóng điện thoại 5G làm lan truyền COVID-19”; “Khẩu trang giết người nhanh hơn COVID-19 giết người” và “Uống thuốc tẩy công nghiệp giúp tiêu diệt virus Corona trong người”, v. v... Không ít người nhẹ dạ cả tin đã phải nhập viện hay tử vong vì làm theo những “lời khuyên” chết người nói trên.
Không biên tập viên nhà xuất bản nào có thể đọc và thông qua những cuốn sách nói trên cho việc phát hành trong nước. Nhưng mà đây là sách xuất khẩu sang nước khác nên cả các nhà in lẫn chính quyền không hề mặn mà quan tâm. Vậy là các đối tượng thiếu lương tâm cứ thoải mái viết vào sách những “tin vịt” rồi cho in. Ngoài mục tiêu lừa lấy tiền mua sách của bạn đọc, đôi khi những kẻ cơ hội này còn có mục đích lấy sách làm công cụ lôi kéo độc giả “vào tròng”, trở thành nạn nhân của kinh doanh đa cấp.
Đấy là điều đã xảy ra với đường dây kinh doanh đa cấp Hjoska tại Ấn Độ. Chỉ trong bốn tháng họ đã cho phát hành 8 đầu sách khác nhau đều cùng mục đích quảng cáo một sản phẩm thuốc trị bách bệnh mà thật ra chỉ là thuốc kháng sinh rẻ tiền nghiền nhỏ ra trộn với Corticoid. Chính quyền một số bang sau đó đã phải tịch thu những cuốn sách này lại và đưa những đối tượng lãnh đạo Hjoska ra toà vì tội lan truyền thông tin thất thiệt; lừa đảo đa cấp, và làm tổn hại sức khoẻ của người dân.
Chính quyền Ấn Độ đã may mắn hơn nhiều cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia khác. Rất khó để xác định danh tính thật của những kẻ tung tin giả qua sách vì chúng chủ yếu bán sách qua mạng. Nhiều kẻ còn đi xa đến mức: tự lập cho mình một bộ hồ sơ thật nhằm đánh lừa cả độc giả lẫn bên thanh tra. Khi bị phát hiện, chúng sẽ lập tức biến mất, ngụy tạo một danh tính mới, và tiếp tục vòng lừa đảo.
Nhiều người chỉ còn biết dùng đến mạng xã hội để cảnh báo nhau về sách giả. |
Cuộc chiến không khoan nhượng
Đã có nhiều quốc gia trên thế giới tự nguyện tham gia công ước Bern về phòng chống sách vi phạm bản quyền. Song tiếc thay, việc thực hiện các quy định trong công ước trong thực tế vẫn còn nhiều vấn đề. Ngay bản thân văn kiện này cũng chưa bắt kịp được với tốc độ và phương hướng phát triển của sách điện tử. Vì thế mà bây giờ vai trò chính trong cuộc chiến chống sách giả tại nhiều nước lại rơi vào vai các tác giả.
Theo lời của giáo sư, nhà văn người Ailen David Gaughran, một trong những tiếng nói được coi trọng nhất trên lĩnh vực này: “Tôi là người ủng hộ việc xuất bản độc lập và các nhà văn dần tách mình khỏi sự kiểm soát của nhà xuất bản. Nhưng mà bây giờ rất nhiều tác giả ngần ngại không muốn tự xuất bản sách điện tử do sợ bị sao chép… Sách giả, sách lậu không chỉ lấy đi nguồn thu nhập của nhà văn, chúng còn khiến họ lúc nào cũng trong trạng thái lo sợ, gây ảnh hưởng tiêu cực lên trí sáng tạo của bản thân”.
Ông David đã dành nhiều năm liền viết sách, diễn thuyết và tổ chức các hội đoàn thể với mục tiêu chống sách giả. Kể từ 2015 đến nay, ông và các đồng nghiệp đã giành được một số thắng lợi, đơn cử như việc buộc Amazon thay đổi chính sách chống sách giả của mình. Phương án của họ là chương trình “Amazon Prime”, một bộ phần mềm cho phép tác giả thật và bạn đọc tự chủ trong việc loại bỏ sách giả. Thế nhưng không phải ai cũng có thể vừa lòng với kế hoạch nói trên, trong đó có ông David: “Người viết văn chúng tôi không có đủ thời gian mỗi ngày mà dò tìm trên Amazon những quyển sách giả… Đây là một vấn đề của Amazon và nhiều trang web bán hàng trực tuyến khác. Trách nhiệm giải quyết vấn đề cũng là của họ chứ không thể đặt lên vai tác giả hay độc giả được”.
Đúng như nhận xét của ông David, cách duy nhất để có thể tăng hiệu quả hoạt động phòng chống sách giả là các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân và chính quyền có thể đồng thuận đưa ra một tiến trình hành động chung. Chúng ta cần những quy định, bộ luật mới có thể bắt kịp với thời gian, với hoạt động buôn bán sách trên mạng. Điều cần thiết thứ hai là một cơ chế giúp các bên nhanh chóng phát hiện, báo cáo, kiểm tra, và loại trừ sách lậu, tiếp sau là bồi thường thiệt hại cho các tác giả và nhà xuất bản.
Thứ ba và có lẽ cũng quan trọng nhất: thay đổi được cách xã hội nhìn nhận sách giả; sách lậu không đơn thuần chỉ như một vấn nạn kinh tế, mà còn là khủng hoảng thông tin đe dọa đến sự ổn định của an ninh văn hóa - xã hội.