Quyết liệt đấu tranh với “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:23
Đại tá Nguyễn Văn Kim - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Tín dụng đen” như những chiếc vòi bạch tuộc luôn tìm cách mở rộng hoạt động ở vùng công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn từ thành thị đến nông thôn. Chúng gây hệ lụy xấu cho xã hội, làm mất an ninh trật tự, tạo sự hoang mang cho người dân, thậm chí đẩy một số người vay nợ đến bước đường cùng.


Mặc dù trong thời gian qua đã có hàng chục băng nhóm bị triệt phá, hàng trăm đối tượng được lập hồ sơ xử lý trước pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng chục vụ khác, nhưng vẫn còn tiềm ẩn hiểm họa ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân.

Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ, Công an các huyện thị, thành phố tiếp tục tập trung đánh mạnh, đánh quyết liệt để kéo giảm và đi đến triệt tiêu loại hình tội phạm này.

Tại địa bàn huyện Xuân Lộc, theo Thượng tá Cao Xuân Hoa - Phó Công an huyện, ngay từ những ngày đầu năm 2018, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các trinh sát hình sự đã phát hiện một số đối tượng kết thành băng nhóm thường xuyên lui tới những khu vực có đông người dân lao động nghèo cư ngụ để phát tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dưới nhiều hình thức như trả góp theo ngày, theo tuần và theo tháng với lãi suất ưu đãi.

Nạn nhân của “tín dụng đen” đến cơ quan Công an trình báo vụ việc.

Ngoài ra, chúng còn tìm xuống tận những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn hoặc những hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa màu đang cần một số tiền mua thức ăn, phân bón để thúc cho đàn lợn, đàn gà, rẫy hoa màu kịp tăng trưởng đúng tiến độ dụ dỗ họ vay tiền.

Nhận thấy đây là dấu hiệu của một số băng nhóm “tín dụng đen”, Công an huyện Xuân Lộc quyết định tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để theo dõi, qua đó lên danh sách những đối tượng nghi vấn để thực hiện các biện pháp răn đe, phòng ngừa.

Công tác tuyên truyền cũng kịp thời được triển khai trên diện rộng, nhưng vẫn còn một số trường hợp người dân do thiếu hiểu biết hoặc lâm cảnh bi đát cần món tiền lớn để giải quyết việc gia đình đã nhắm mắt vay tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dẫn đến tình trạng bị chúng thuê giang hồ đe dọa, đánh đập buộc phải trả cả vốn lẫn lãi với giá “cắt cổ”.

Một vụ việc xảy ra vào tháng 4-2018. Chị M ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc bị bệnh nặng phải đến bệnh viện nằm điều trị, nhưng do không có tiền thuốc thang đã đánh liều liên hệ với một đối tượng tên Được ở thị trấn Giá Ray hỏi mượn 10 triệu đồng với thỏa thuận trả góp trong thời gian 40 ngày, mỗi ngày 300 ngàn đồng.

Ra viện, chị M cố gắng đi làm kiếm tiền trả nợ, nhưng mới trả được 4 ngày thì lại phải nằm viện nên chị tìm cách năn nỉ Được cho giãn thêm thời gian nhưng không được đối tượng này chấp nhận và hàng ngày xua đám giang hồ đến bệnh viện, sau đó đến nhà hăm dọa buộc chị phải mang tiền đến trả, nếu không đúng hẹn sẽ không bảo đảm tính mạng.

 Trường hợp bà T. ngụ thị trấn Giá Ray, bao năm nay chưa vay ai món tiền lớn nào, nhưng con trai bà do ăn chơi đua đòi đã giấu cha mẹ mang cuốn sổ hộ khẩu cầm cố vay tiền của 3 nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, tổng cộng 30 triệu đồng với lãi suất 500 ngàn đồng/ngày để mua xe gắn máy xịn chơi với đám thanh niên ngoài phố.

Con trai bà T. không có công ăn việc làm ổn định nên không trả được nợ làm cho lãi mẹ đẻ lãi con cộng vốn sau hai tháng lên đến 67,5 triệu đồng. Biết người vay không có khả năng thanh toán, các đối tượng cầm đầu băng nhóm “tín dụng đen” đã xua đàn em là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự mang chất thải, sơn dầu đến nhà bà T. tạt khắp nơi và ngày hôm sau thì xách mã tấu đến “hỏi thăm sức khỏe”, buộc bà phải ký nhận trả nợ thay con.

Nhận thấy không thể có lối thoát, bà T. buộc phải sang lại mảnh rẫy là nguồn sống cho tất cả các thành viên trong gia đình lấy tiền mang trả nợ nhưng vẫn bị các đối tượng cầm đầu băng nhóm “tín dụng đen” thông báo chưa trả đủ và chỉ đến khi bà nhờ thêm một số người xung quanh đến năn nỉ thì mới được bỏ qua.

Công an huyện Xuân Lộc đã giao cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, vào cuộc với yêu cầu trong thời gian ngắn nhất phải nắm được tên tuổi của từng đối tượng, làm rõ phương thức thủ đoạn của các băng nhóm để có kế hoạch triệt phá.

Đến tháng 8-2018, sau khi củng cố vững chắc chứng cứ, Công an huyện Xuân Lộc đã đồng loạt ra quân xử lý đối với 8 băng nhóm, 31 đối tượng. Đặc biệt trong ngày 21-8-2018, Công an huyện phối hợp với Công an thị trấn Giá Ray tiến hành kiểm tra hành chính căn nhà số 118, đường Hùng Vương, thị trấn Giá Ray và bắt quả tang Trần Ngọc Dương, Đặng Lê Xuân Quân, sinh năm 2000 cùng quê Bình Định cùng Phạm Văn Được, sinh năm 1985 tại Hải Phòng và Lý Ngọc Hùng, sinh năm 2000 tại tỉnh Bình Phước đang đang thực hiện hành vi thu tiền vay góp của bà T.H ngụ cùng thị trấn.

Qua khám xét nhanh, tổ công tác thu giữ nhiều tài liệu, hợp đồng liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi thể hiện các đối tượng đã cho 53 người vay tổng số tiền trên 500 triệu đồng với lãi suất trên 100 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy hành vi của băng nhóm “tín dụng đen” này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Công an huyên Xuân Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Dương về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, ngoài ra còn giao cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục điều tra xử lý đối với 7 nhóm đối tượng khác.        

Theo Đại úy Nguyễn Như Chung - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng chục băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, xử lý hình sự đối với 1 băng nhóm.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lầu, sinh năm 1971 và bà Dương Thị Ngọc Dung, sinh năm 1978, ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch có ký kết thỏa thuận cho ông Trần Văn Dắn vay 410 triệu đồng để đầu tư kinh doanh đất với lãi suất 1%/tháng. Trả được hai lần thì anh Dắn không còn khả năng trả nữa.

Tháng 5-2018, vợ chồng Dung Lầu đến đòi tiền thì bị Dắn dùng ghế nhựa ném nhưng không trúng. Bực tức vì đi đòi tiền còn bị con nợ đánh hụt, Dung mang chuyện kể với Trần Hồng Nhiên là công nhân Công ty Chính Tân trong khu công nghiệp 3 và nhờ Nhiên tìm giang hồ đòi nợ thuê. Tối cùng ngày, Nhiên về bàn với chồng là Nguyễn Văn Mộng đi tìm người.

Ngày 13-6-2018, Mộng đến chợ đêm ở ấp 3, xã Hiệp Phước tìm gặp Nguyễn Trung Đại và Nguyễn Trường Sơn là hai lái xe taxi Open 99 thỏa thuận và thống nhất đòi được nợ sẽ lấy 40%, số còn lại Dung với Mộng tự tính toán với nhau.

Biết Phạm Văn Dũng, sinh năm 1988 tại huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng (tạm trú huyện Nhơn Trạch) là đối tượng giang hồ chuyên sống bằng nghề đòi nợ thuê, Mộng tìm cách liên lạc và được đối tượng này chấp nhận nhưng phải chia đôi số tiền.

Bàn bạc xong phương thức, thủ đoạn, cả bọn thống nhất giao cho Đại gọi điện thoại cho anh Dắn giả bộ hỏi mua đất và hẹn gặp nhau tại một điểm trên đường Nguyễn Văn Trị thuộc ấp Phước Lý. Cả bọn chuẩn bị 2 xe ô-tô để trong trường hợp bắt được anh Dắn thì đưa ngay ra khỏi địa bàn huyện.

Tưởng rằng sẽ kiếm được khách hàng mua đất, 8 giờ sáng ngày 22-6-2018, anh Dắn điều khiển xe mô tô đến điểm hẹn thì bị Dũng cùng một số tay chân dùng dao khống chế buộc lên xe ô-tô BKS: 60A-473.13 chạy thẳng về phía huyện Vĩnh Cửu. Cả bọn còn cẩn thận bố trí thêm xe ô-tô 5 chỗ ngồi chạy phía sau để cảnh giới và cản địa trong trường hợi bị Cảnh sát phát hiện, truy đuổi.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị Công an TP. Biên Hòa bắt ngày 18-1-2019.

Đến huyện Vĩnh Cửu, cả bọn nhốt anh Dắn vào một căn nhà trống đánh đập buộc anh phải gọi điện cho người nhà mang tiền đến trả nợ. Tuy nhiên, trong lúc cả bọn lơ là, anh Dắn đã tìm cách trốn ra ngoài và được một số người dân thuê xe ôm đưa về địa phương trình báo cơ quan Công an.

Nhận được tin báo, Công an huyện Nhơn Trạch đã phối hợp với Công an huyện Vĩnh Cửu tiến hành khởi tố bị can đối với Phạm Văn Dũng và Nguyễn Trung Đại về tội bắt giữ người trái pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạng công tác đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”, ngày 18-1-2019, các trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP. Biên Hòa phối hợp với Công an phường Trảng Dài đã triệt phá thành công băng nhóm cho vay nặng lãi do đối tượng Nguyễn Văn Út, sinh năm 1988 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội (tạm trú tổ 43, KP4C, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) cầm đầu. Qua khám xét khẩn cấp cơ quan Công an thu giữ 570 hợp đồng “tín dụng đen” biến tướng.

Mặc dù thời điểm xảy ra vụ việc rơi vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng với quết tâm làm sáng tỏ vụ việc để vừa răn đe, vừa mở rộng công tác đấu tranh với các băng nhóm khác, Đại tá Lê Hùng - Trưởng Công an thành phố Biên Hòa động viên cán bộ điều tra, trinh sát, vừa trực tiếp cùng anh em tỏa đi tất cả các địa phương trong và ngoài tỉnh, nơi mà những người vay nợ cư ngụ để lấy lời khai ban đầu.

Tuy nhiên do một số hợp đồng không ghi cụ thể địa chỉ của người vay và số lượng người quá đông nên phải đến hết ngày 28-1-2019 mới liên hệ được với hầu hết số người trên, qua đó cam kết đảm bảo an toàn cho mọi người và vận động được 102 người đứng tên hợp đồng đứng ra tố giác hành vi phạm tội của Út và đồng bọn với số tiền cho vay của 102 hợp đồng là 506 triệu đồng, nhưng sau 40 ngày, người vay phải trả cả vốn lẫn lãi thành 683,65 triệu đồng.

Cũng tại thời điểm này, Út liên tục tìm cách quanh co chối tội, nhưng khi biết Công an TP. Biên Hòa chứng minh được hành vi phạm tội của mình thì hắn đã khai nhận toàn bộ quá trình hoạt động. Theo tường trình của Út, từ tháng 3-2018, hắn cùng đồng bọn bắt đầu thực hiện hoạt động “tín dụng đen”.

Tháng đầu chỉ hoạt động loanh quanh TP. Biên Hòa, nhưng đến tháng 4-2018 thì mở thêm “chân rết” sang các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Khánh, Định Quán. Để đối phó với cơ quan Công an, thay vì làm hợp đồng cho vay tiền, Út đã chỉ đạo cho đàn em yêu cầu người vay viết thành dạng hợp đồng mua bán điện thoại di động, laptop, xe gắn máy…trả góp.

Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Văn Kim, cho đến nay, mặc dù công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen” đã đạt kết quả khả quan. Một số băng nhóm đã bị khởi tố, một số khác được răn đe và xử phạt vi phạm hành chính, song vẫn còn một số băng nhóm đang lén lút luồn lách thâm nhập cộng đồng dân cư để hoạt động.

Cũng trong thời gian qua, Công an các địa phương đã tiếp nhận tố cáo về các băng nhóm cho vay nặng lãi, đe dọa cuộc sống, tính mạng một số nạn nhân, nhưng khi được mời lên cung cấp lời khai, chứng cứ trung thực thì những nạn nhân này lại tìm cách né tránh hoặc không dám tố giác khiến cho vụ việc rất khó điều tra, xử lý.

Để ngăn chặn có hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”, ngoài các biện pháp tuyên truyền, răn đe, gọi hỏi và đấu tranh trực diện của cơ quan Công an, rất cần sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, nhất là sự hợp tác của những người từng là nạn nhân trong việc cung cấp trung thực lời khai để có đủ chứng cứ xử lý tận gốc vấn nạn “tín dụng đen”.

Đức Cương
.
.
.