Quên mình cứu dân
Hiểm nguy bất ngờ
Khi thành phố đã tĩnh lặng về khuya, cũng là lúc tiếng kẻng báo động liên hồi, các chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) Công an Đà Nẵng lập tức băng mình trên những chiếc xe cứu hỏa vượt đêm đen đến hiện trường. Bấy giờ đồng hồ đã điểm 23h ngày 6/5, tại kho sơn Thôn Bàu Càn (thuộc xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) lửa ngùn ngụt cháy, hơi độc, khí nóng đang lan tỏa, uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân tại các ngôi nhà xung quanh.
Để khống chế ngọn lửa đang bùng phát dữ dội, 10 xe chữa cháy cùng hơn 90 chiến sĩ CS PCCC phải chia nhiều mũi tiếp cận, đưa vòi phun bọt dập lửa, dùng nước làm mát và tạo vành đai an toàn ngăn cháy lan ra nhiều nhà dân xung quanh. Sau gần 20 phút quần đảo, những tưởng "bà hỏa" đã chịu khuất phục, nhưng bất ngờ ngay góc kho chứa hóa chất phát ra một tiếng nổ lớn. Sau tiếng nổ, lửa theo hóa chất văng ra, khói độc bao trùm tốp 17 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở hiện trường gần nhất.
Mặc dù đã phòng bị đầy đủ, nhưng áp lực của hơi nóng quá lớn làm bung một mảng tường đổ đè lên các chiến sĩ đang chữa cháy bên dưới. Cộng thêm hóa chất độc hại khiến một số chiến sĩ khác bị hất văng ra xa, quần áo cháy xém, hầu hết đều bị bỏng ở mặt, thương tích tay chân và ngất đi…
Chiều ngày 7/5, trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an đã đến thăm hỏi, động viên các chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an Đà Nẵng đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Suốt từ 0h ngày 6/5 đến 0h50 và rạng sáng 7/5, Khoa Bỏng và Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng liên tục tiếp nhận những chuyến xe cứu thương đưa các chiến sĩ bị thương vào cấp cứu.
Người trực tiếp chỉ đạo ca trực đêm, cấp cứu các chiến sĩ bị thương là bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa ngoại bỏng - tạo hình đã cho biết: 17 chiến sĩ được đưa vào cấp cứu trong đêm, thì có đến 9 chiến sĩ bị bỏng từ 10% đến 12% cơ thể, tập trung ở tay, chân, mặt và choáng vì hít phải khí độc. Riêng hạ sĩ Trương Văn Phúc ngoài vết bỏng ở tay, mặt, cổ còn bị gãy tay trái nên được chuyển sang Khoa ngoại chấn thương. Nhẹ hơn là trường hợp một số chiến sĩ bị bỏng ở kết mạc phải chuyển sang điều trị chuyên sâu ở khoa mắt…
Nguyên nhân của vụ cháy nổ cũng đã được cơ quan chức năng xác định: Kho chứa sơn PU phát hỏa tại đường Phan Thúc Trực (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) do ông Nguyễn Quốc Việt (38 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) làm chủ, có chứa rất nhiều thùng hóa chất, sơn thành phẩm. Tuy nhiên, điều kiện an toàn cho phòng chống cháy nổ tại nhà kho không đảm bảo.
Vụ cháy đã gây thiệt hại lớn về tài sản, lực lượng CS PCCC đã phải mất gần 3 tiếng đồng hồ dũng cảm dập lửa trong đêm đen đến 1giờ sáng ngày 7-5 đám cháy mới hoàn toàn được khống chế. Đặc biệt, trong quá trình cháy, sơn trong kho chứa đã sinh nhiệt lượng lớn và làm cho 1 thùng axeton tại đây phát nổ gây ra thương tích và bỏng nặng cho 15 chiến sĩ CS PCCC ngay tại hiện trường
Nghĩa tình đồng đội
Ngồi trên giường bệnh, kể lại giây phút hiểm nguy cùng đồng đội vào đêm 6-5, thượng úy Lê Văn Lưu (Phòng hướng dẫn chữa cháy thuộc CS PCCC Đà Nẵng) chia sẻ: "Khi cứu hỏa, vẫn biết trong kho sơn có nhiều thùng hóa chất rất nguy hiểm. Nhưng giữa lúc đám cháy bùng phát và sắp lan sang các nhà xung quanh ở phía sau, để đảm bảo an toàn cho nhà dân, không còn cách nào khác tôi và đồng đội phải tiếp cận để dập tắt hoàn toàn. Bất ngờ, một tiếng nổ lớn, lửa, hóa chất, sức ép bao trùm tất cả anh em trực tiếp tại hiện trường.
Bỏng rát khắp người và mặt, cơ thể đau nhói bởi thương tích nhưng câu đầu tiên chúng tôi cất lên lại là: Mọi người có sao không? Có anh em nào bị thương nặng không?... Rồi tất cả các anh cùng cố gượng dậy, dìu những đồng đội bị thương nặng ra khỏi đám cháy… Hai đồng chí bị thương nặng nhất lúc bấy giờ là hạ sĩ Trương Văn Phúc và thượng sĩ Bùi Văn Long…
Hiện trường vụ cháy nổ kho sơn Thôn Bàu Càn (thuộc xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng). |
Bị bỏng nặng ở ngực và mặt, cánh tay trái bị gãy băng kín bột, mọi cử động, sinh hoạt đều phải nhờ sự trợ giúp của đồng đội và người mẹ già, nhưng hạ sĩ Trương Văn Phúc vẫn rất lạc quan: "Tôi tham gia lực lượng CS PCCC Đà Nẵng mới chỉ gần 2 năm, và có lẽ lần làm nhiệm vụ này là bị thương nặng nhất. Nhưng không vì vậy mà nhiệt huyết với công tác, lòng yêu nghề trong tôi giảm sút".
Mẹ của thượng sĩ Phúc, cụ bà Đặng Thị Dũng vừa chăm sóc cho con trai vừa cố giấu lo lắng vào trong: "Bố của Phúc là thương binh ¼, nhà có hai anh con trai lớn thì cả hai đều đang phục vụ trong ngành Công an. Anh cả của Phúc hiện đang công tác tại phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, còn Phúc với bản tính xốc vác, nhanh nhẹn và sức khỏe tốt nên em nó muốn phục vụ trong lực lượng CS PCCC. Phúc và đồng đội gặp nạn từ đêm 6/5, nhưng mãi đến 7h sáng ngày 7/5 Phúc mới để đồng đội báo tin về cho gia đình.
Làm mẹ, nghe tin con như vậy sao không khỏi lo lắng, xót lòng. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ của con trai, công việc "chống hỏa" của những chiến sĩ CS PCCC mà những người dân như tôi rất cần và mong đợi. Nên khi vào bệnh viện, gặp con tôi cố nén những giọt nước mắt, nói với con thật nhiều lời động viên. Bây giờ, tôi chỉ mong Phúc cố gắng điều trị cho tốt, những vết bỏng không còn đau rát nữa, để mau lại cùng các đồng đội của mình "chiến đấu với giặc lửa"...
Mặc dù thương tích khắp cơ thể, nhưng chiều ngày 7/5 khi được Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Chính trị Bộ Công an và lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đến thăm hỏi, động viên, tất thảy 15 chiến sĩ CS PCCC đều khẳng định: Sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Tổng cục Chính trị Bộ Công an, Ban giám đốc Công an TP Đà Nẵng là nguồn động viên, hỗ trợ tinh thần rất lớn đối với những chiến sĩ bị thương như chúng tôi.
Ngoài một số đồng chí bị thương nhẹ đã trở về đơn vị để tiếp tục "quên mình cứu hỏa, giúp nhân dân". Những người bị thương nặng còn lại như hạ sĩ Phúc, thượng sĩ Lương cùng nhiều đồng chí khác sẽ luôn vững tâm, tích cực điều trị để sớm trở lại với công việc.
Các anh còn chia sẻ, từ đầu năm đến nay và nhất là mùa nắng nóng ở miền Trung này, đã có hàng chục vụ cháy nổ lớn nhỏ ở khu dân cư và các khu rừng đặc dụng xảy ra. Chính vì vậy tất cả các anh em chiến sĩ trong lực lượng CS PCCC luôn trong tâm thế sẵng sàng, ứng trực 24/24.
Và đâu chỉ duy nhất lần này nhiều chiến sĩ CS PCCC cùng gặp hiểm nguy, bị thương khi đang làm nhiệm vụ, mà vào tháng 6/2013 cũng đã từng có 9 cán bộ chiến sĩ (CBCS) thuộc Phòng CS PCCC quận Sơn Trà và Hải Châu (TP Đà Nẵng) phải nhập viện do bị ngộ độc khí khi đang làm nhiệm vụ tại một kho vật tư thuộc địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng hỏi thăm tình hình sức khỏe của hạ sĩ Trương Văn Phúc, chiến sĩ CS PCCC bị thương nặng nhất. |
Vậy đấy, công việc của những chiến sĩ PCCC đòi hỏi tinh thần quả cảm và trách nhiệm cao, nhưng lại luôn phải đối mặt với hiểm nguy, vậy nhưng các anh chỉ giản dị một câu: "Đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của người chiến sĩ CS PCCC chúng tôi trong công tác phòng tránh, bảo vệ tài sản, cứu hỏa, cứu nạn cho nhân dân".
Chiều ngày 7/5, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Chính trị Bộ Công an đã đến thăm hỏi các chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an Đà Nẵng đang bị thương và điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng đồng thời hỗ trợ mỗi chiến sĩ bị thương 3 triệu đồng. Chiều cùng ngày, thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cũng đã đến thăm hỏi và hỗ trợ mỗi chiến sĩ CS PCCC Công an Đà Nẵng 1 triệu đồng. |