Quan hệ Nga - Mỹ và nước cờ hạt nhân Iran

Thứ Tư, 10/07/2019, 07:56
Mặc dù không đạt được đàm phán với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), song Nga vẫn mở cánh cửa đối thoại với Mỹ.

 Những sự kiện liên tiếp diễn ra đã làm hồi sinh suy đoán rằng Moscow có thể sử dụng Iran và vấn đề hạt nhân như một con bài mặc cả trong quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liều thuốc "kháng cự chủ động"

Có thể nói, quan hệ Mỹ-Iran trong thời điểm hiện nay đang khá nóng với những tuyên bố gây hấn từ các bên. Hôm 3-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Iran "hãy cẩn thận với những lời đe dọa" nếu không sẽ phải nhận kết cục đau đớn nhất, sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẽ đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani vượt ngưỡng giới hạn được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. 

"Iran đang đùa với lửa. Chẳng có thông điệp nào cho Iran cả. Họ biết những gì họ đang làm. Họ thừa biết họ đang đùa với lửa và tôi cũng nghĩ như vậy. Bởi thế, tôi chẳng có thông điệp gì sất", ông Donald Trump nói. 

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng cũng đã khẳng định tiếp tục gây "sức ép tối đa" đối với Iran "cho tới khi lãnh đạo Iran thay đổi đường lối hành động". Tuyên bố cũng nói Iran nên bị cấm hoàn toàn làm giàu uranium.

Đáp lại, Tehran khẳng định, "kháng cự chủ động" là liều thuốc giải độc cho cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cam kết giữa Iran với nhóm P5+1 trong thoả thuận hạt nhân. 

Người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia tối cao Iran, ông Keyvan Khosravi nhấn mạnh: "Bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Trump đã làm tổn hại lộ trình ngoại giao... Liều thuốc giải độc tốt nhất cho mọi mối đe dọa là chủ động kháng cự. Iran quyết tâm thực hiện kế hoạch riêng để tiến tới thu hẹp các cam kết hạt nhân của mình trong thỏa thuận đã ký". 

Thậm chí, ông Ali Akbar Velayati, trợ lý cấp cao của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei còn cụ thể hoá tuyên bố trước đó của Tổng thống Iran Hassan Rouhani bằng thông tin: từ ngày 7-7, Tehran sẵn sàng bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn so với mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. 

"Quyết định nâng cao cấp độ làm giàu uranium vượt trên ngưỡng 3,67% được quy định trong thỏa thuận "đã được mọi thành viên trong chính quyền nhất trí. Và chúng tôi có thể tăng cường làm giàu uranium lên 5% cho các mục tiêu hoà bình", ông Ali Akbar Velayati nói…

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Trong khi đó, một vấn đề hạt nhân khác cũng đang khiến chính quyền Mỹ "đau đầu" không kém là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức ký phê chuẩn Dự định đình chỉ thực thi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hôm 3-7.

Điện Kremlin thông báo, song song với Dự luật đình chỉ này, Nga sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe doạ của NATO và Mỹ liên quan đến Hiệp ước này. INF được Liên Xô (cũ) ký với Mỹ năm 1987, cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. 

Tháng 10 năm ngoái, Mỹ cáo buộc tên lửa 9M729 mà Nga mới triển khai có tầm bay từ 500 đến hơn 5.000 km, rồi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước và chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong Hiệp ước INF từ ngày 2-2. 4 ngày sau, Nga cũng thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng giống lộ trình của Mỹ. 

Ngày 4-3, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước và đến ngày 18-6, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn Dự luật đình chỉ thực thi INF. Trước sự cứng rắn của Nga, NATO đã cố gắng cứu vãn bằng cách kêu gọi đàm phán. Tuy nhiên, cuộc họp hội đồng Nga-Nato tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) hôm 6-7 đã kết thúc mà không đạt được một kết quả nào khả quan. 

Hãng DW (Đức) dẫn lời Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu đột phá nào. Chúng ta phải chuẩn bị cho một thế giới không có INF, dù thế giới đó sẽ kém ổn định hơn". Nhưng ông Jen Stolenberg vẫn cho rằng, dù thời gian cho việc tìm một giải pháp cứu vãn INF ngày càng ít đi, NATO chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực thúc ép Nga phá huỷ tên lửa hành trình 9M729 Novator mà khối cho là đã vi phạm INF.

Và cuộc chiến khó lường

Theo nhiều nhà phân tích, 3,67% là cấp độ cao trong làm giàu uranium ở Iran và là trên mức cần thiết để sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự. Như vậy, có vẻ là Iran đang chuẩn bị bước đi đầu tiên để sản xuất 1 loại vũ khí hạt nhân bởi lẽ với mức tăng 3,67%, quốc gia Trung Đông này đã có thể tăng lượng dự trữ uranium làm giàu lên 300kg. 

Để sản xuất bom hạt nhân, Iran chỉ cần 1.050kg uranium làm giàu thấp và quá trình này có thể chỉ mất 1 năm. Hiện Iran đang có 19.000 máy ly tâm và có thể tăng tỷ lệ làm giàu uranium cao hơn trong vòng vài tuần… Với những nỗi lo hiện hữu này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 10-7 tới. 

Còn các quốc gia châu Âu thì đang tìm cách tác động để ngăn Washington và Tehran tiếp tục đối đầu vì lo ngại những leo thang này có thể phá vỡ thoả thuận hạt nhân và dẫn lên một cuộc chiến không lường trước. Đồng thời, Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi Iran kiềm chế và khẳng định không áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran vào lúc này. Pháp thì tuyên bố, kênh thương mại đặc biệt giữa châu Âu với Iran (INSTEX), sớm đi vào hoạt động trong những ngày tới với mục đích né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trang middleeastemonitor thì bình luận Mỹ và Iran dường như khó có thể tránh chiến tranh nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn như hiện nay. Trong trường hợp hai bên giảm căng thẳng thì hậu quả về mặt ngoại giao và chính trị với Mỹ cũng nghiêm trọng không kém gì hậu quả của một cuộc chiến thực sự. 

Cũng theo trang web này, sự cứng rắn của Iran trong việc chống lại các quan điểm của Mỹ sẽ khiến chính sách đe dọa để buộc các nước yếu hơn quy phục mà Nhà Trắng đang theo đuổi, lung lay trong tương lai. Các nước chống Mỹ khác sẽ có động lực để chống lại Mỹ. Quan hệ Mỹ-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chắc chắn sẽ xấu đi. Từ đó, các đối thủ lớn của Mỹ cũng sẽ tận dụng cơ hội leo thang căng thẳng Mỹ-Iran để tìm kiếm sự ủng hộ khác cho mình.

Đặc biệt, với Nga, Iran là nhân tố quan trọng, chiến lược trong đối phó với Mỹ. Sự can thiệp quân sự nhanh chóng của Nga vào Syria năm 2015 không chỉ để duy trì chính quyền Tổng thống Assad mà còn khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ cảnh giác hơn với cuộc chiến chống Iran cũng như phải đối phó với khả năng bị chống đối mở rộng ở Iraq, Syria, Lebanon và vùng Vịnh. 

Quan điểm của Nga còn cho thấy, Iran đóng vai trò là lá cờ địa lý có giá trị đối với sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông và kết quả cuộc đối đầu Mỹ-Iran sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến giá dầu và khí đốt toàn cầu - một điều bất lợi cho Nga. Iran hạn chế khả năng Mỹ phân bổ lại các nguồn lực của mình và cũng giúp giảm áp lực mà Mỹ đang buộc Nga tham gia vào trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. 

Chưa hết, nhờ sự hỗ trợ từ Iran, ảnh hưởng của Nga đang hồi sinh ở Trung Đông (ngoài Syria) và được thể hiện một cách đáng báo động nhất đối với Mỹ bằng việc Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ mua lại hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Hệ thống vũ khí này là mối đe dọa khả thi đối với ngay cả máy bay quân sự tiên tiến nhất của Mỹ. 

Các báo cáo tình báo khác của Mỹ trong một vài tuần gần đây cũng có thông tin về việc Nga có ý định cung cấp hệ thống vũ khí này cho Iran và đang tiếp tục đàm phán với Qatar…

Tuyên bố bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ 3,67%, cao hơn so với mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran đang khiến Mỹ và các nước đồng minh lo lắng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Ruslan Mamedov, Điều phối viên chương trình Trung Đông-Bắc Phi tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, đã lập luận rằng, Nga muốn tránh đối đầu với Mỹ về Iran. Nhưng Nga muốn EU thực hiện sáng kiến INSTEX của mình để cho phép các công ty châu Âu tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. 

Ông Ruslan Mamedov mô tả, INSTEX không chỉ là một cách tiềm năng để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn là khúc dạo đầu cho sự kết thúc của quyền bá chủ của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu. 

"Nga có lợi ích khác với Iran. Nga muốn có một quân đội Syria ổn định, thế tục và mạnh mẽ và không phải là một lực lượng ủy nhiệm của Iran ở đó hoặc ở Lebanon hoặc Iraq. Nga đang hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, bởi vì tài nguyên của Iran càng hạn chế, Iran càng có ít năng lực để duy trì ảnh hưởng ở Syria. Các lệnh trừng phạt cũng có lợi cho các công ty dầu khí của Nga. Và dù có sự khác biệt giữa các mục tiêu của Nga và Iran, nhưng Tehran vẫn là mối quan tâm của Moscow. Một Iran ổn định không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, Trung Đông mà còn cả ở vùng Kavkaz và Afghanistan", ông Ruslan Mamedov lưu ý.

GS Stephen Blank chuyên về an ninh quốc gia Nga tại Đại học Quân đội Mỹ cho hay: "Tôi nghĩ rằng Nga sẽ cố gắng ngăn Iran tấn công Israel vì họ không muốn thấy Iran tham gia vào một cuộc chiến nào có nguy cơ thua. Những gì Nga sẽ làm là hỗ trợ Iran chống lại Mỹ về mặt ngoại giao, kinh tế; có thể có chuyển giao vũ khí, công khai hoặc bí mật, bao gồm không quân, phòng không, tên lửa tầm ngắn và tầm trung".

Với INF, khi trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera của Italia hôm 4-7 nhân chuyến công du thăm quốc gia vùng Địa Trung Hải này, Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định, Nga không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới nhưng phải đảm bảo an ninh của mình. 

Tổng thống Vladimir Putin đã lập luận: "Không phải Nga mà chính là Mỹ đã bắt đầu phá vỡ hệ thống an ninh quốc tế bằng hành động đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2002 - vốn được coi là "hòn đá tảng" của toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí. Nga đã tiếp cận với Mỹ hơn một lần, khuyến nghị rằng cả hai bên cần giải quyết các vấn đề quan ngại liên quan đến INF, nhưng đã bị Washington từ chối. Mỹ dường như không sẵn sàng thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hạn từ đầu năm 2021 hoặc khả năng soạn thảo chi tiết một thỏa thuận toàn diện mới"…

Do đó, đã không ít nhà phân tích cảnh báo rằng, khi căng thẳng với cả Nga và Iran bị đẩy lên mức cao, Mỹ mất nhiều hơn được và nếu không điều chỉnh, Mỹ còn phải đối đầu với những khó khăn và sự chống đối lớn hơn nhiều trên toàn cầu.

Huyền Chi
.
.
.