“Phượt” quanh làng Vũ Đại

Thứ Năm, 15/08/2013, 10:02

Tên chính danh của làng là Nhân Hậu, thuộc xã Hòa Hậu, tận cực nam huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Có thời làng mang tên Đại Hoàng. Gọi tên làng là Vũ Đại vì gắn với tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, nhưng về đây người dân đều dùng cả ba tên, hỏi thế nào họ cũng chỉ đường đến nơi đến chốn. Ngay nhiều biển đề quảng cáo hàng, không ít nơi đều ghi là Vũ Đại hay Đại Hoàng. Họ dùng những tên gọi này, bởi lẽ xưa nay, dân của cái làng toàn bộ cùng họ Trần này có lắm chuyện độc, lạ, thậm chí còn có những hiện tượng kỳ bí không thể lý giải.

Dị nhân cụt đến gần khuỷu cả hai tay viết văn

Đó là ông Trần Đức Mô, ỏ ngay xóm 2 làng Vũ Đại này, người đã thoát chết dưới lưới điện cao thế, quả là kỳ lạ. Mới đây tôi đến gặp ông, dường như ánh mắt của nỗi sợ kinh hoàng ấy vẫn còn vương lại với thời gian. Ông lấy hai mỏm tay cụt đeo kính để nhìn tôi cho rõ, rồi ông cười nói, không còn bàn tay nhưng vẫn làm được mọi việc. Từ xúc đất, trồng cây, bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người, thậm chí ôm bút viết văn. Nhưng có mỗi việc cài cúc áo là vẫn phải nhờ vợ. Hì hì... ông mủm mỉm cười, mặt hơi đỏ tỏ ra lúng túng vì mỗi việc cỏn con mà đành chịu chết. Tôi thấy ông thật dễ thương, khi giơ hai mỏm tay cụt ra xoa đầu, rồi kể chuyện mình tập viết như thế nào. Ngay sau đó ông ôm cây bút bi viết tặng tôi cuốn thơ “Hương đất” mới xuất bản, với bút danh Từ Thiết Linh.

Thực ra, tôi đã hay tin cái tên Từ Thiết Linh đã từng được giải nhất truyện ngắn, trong cuộc thi văn chương của Hội VHNT tỉnh Hà Nam, năm 2000. Nhưng tôi muốn mục sở thị, ông viết chữ như thế nào, mới hay việc ông tập viết đến sưng cả mỏm tay cụt, trong mấy tháng trời, thì quả là kỳ công. Rồi sau đó suốt 8 năm miệt mài cày ải trên cánh đồng văn chương, lại càng thấy ông thật xứng đáng là con cháu của cụ Nam Cao, nhà văn cùng làng. Theo như ông tổng kết mình đã viết được 40 truyện ngắn và bút ký; 100 bài thơ về quê hương.

Nếu tính từ bài thơ đầu tiên in trên Báo Tiền Phong, năm 1991 đến nay ông đã “ôm” bút viết văn đã hơn 10 năm, xuất bản được 4 cuốn sách, cùng mấy giải thưởng, tôi càng bái phục con người đầy nghị lực này. Bởi lẽ tôi thấy mỗi con chữ hiện lên giữa hai mỏm tay cụt của ông đều chứa đựng những tâm huyết của một người lính tên lửa năm xưa đã từng chiến đấu đánh thắng máy bay Mỹ, suốt từ 1966 đên 1971, tại trận địa Hải Phòng đầy đạn bom khốc liệt biết chừng nào. Vậy mà ông nói, sau khi bị tại nạn lao động năm 1985, việc ông tập viết lại bằng hai mỏm tay cụt này cũng là một chiến công lớn, khi chiến thắng chính mình trong cuộc đời, vượt qua mấy phen định tự tử, nung nấu thêm ý chí làm việc có ích cho xã hội.

Giờ đây đã cận kề tuổi 70, nhưng nhà văn Từ Thiết Linh vẫn đang “ôm” bút viết cuốn tiểu thuyết cuối đời, với 500 trang, gây một dấu ấn hết sức kỳ lạ ở cái làng Vũ Đại này.

Chuyện về hai ngôi nhà ma ở làng Vũ Đại

Tôi được ông Mô chỉ hướng con đường đi về ngôi nhà hoang phế từ năm 1982 đến nay, tại xóm 15. Cỏ mọc cao bao bọc quanh ngôi nhà xanh rêu. Chỉ có đàn dơi đến trú ngụ. Hàng rào sơ sài nhưng tôi không dám vào, chỉ đứng ngoài nhìn vào. Gặp được bà Trần Thị Toàn ở gần đó, tôi hỏi về một kỳ án đã xảy ra ở ngôi nhà này. Chuyện đã hơn 30 năm qua nhưng bà còn nhớ vanh vách, rằng cái thằng Sửu ở cái nhà này hiền lành, tử tế lắm, thế mà khi đi bộ đội yêu một cô gái trên rừng. Sau về nhà bị cô gái đó bỏ bùa thế nào mà đang tâm giết vợ và hai con, rồi rạch bụng tự tử. Một lúc bốn người chết, thật thảm hại.

Nhà Bá Kiến.

Nghe nói sau đó Công an xã tìm thấy dưới đáy ba lô của anh ta có khâu một cái bùa hình con rắn há miệng, làm cả làng hãi. Đến nay kỳ án này không thể giải quyết được nguyên nhân tại sao đã xảy ra, vì không có chứng cứ nào ngoài 4 xác chết. Ngôi nhà này được gọi là nhà ma, bỗng dưng trở thành một địa chỉ rất đáng tò mò cho nhiều người thích hiếu kỳ khi đến đây.

Lại còn một ngôi nhà nữa, rất có vía dữ, mấy lần suýt tan nát nhưng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, suốt hơn trăm năm qua. Đó là ngôi nhà của ông “Bá Kiến”, từ một nhân vật có thật, được nhà văn Nam Cao hư cấu từ chân dung ông Bá Bính. Nói tên Bá Bính là kèm theo danh chức sắc, chứ tên cúng cơm của ông ta là Trần Duy Bính. Ông chỉ là chủ thứ tư của ngôi nhà cổ gỗ lim này. Ngôi nhà cấp bốn không lớn, nhưng lại được người chủ đầu tiên là một lái buôn thuê thợ làm rất cầu kỳ. Từ gỗ Lim mua tận trên rừng về, cột đá được mua từ mỏ đá Thanh Hóa ra, còn ngói thì lại thửa trên các lò cái ở Ninh Bình về. Đã hơn một trăm năm chống trọi với mưa nắng gió bão, ngôi nhà của “Bá Kiến” vẫn không suy chuyển giữa thửa đất 900m2. Hơn nữa, ngôi nhà đã qua nhiều đời chủ, nó đã từng bị giặc Pháp đốt cháy, nhưng lại được mọi người cứu. Lại còn có lần nó suýt bị một người định mua rỡ tung ra để mang về quê dựng lại, nhưng rồi là có người khác nẫng tay trên mua mất. May mà ngôi nhà còn lại cho đến nay.

Tôi rẽ vào hỏi ông Trần Duy Dĩ, cháu đích tôn của “Bá Kiến”, là người thân duy nhất của dòng họ còn ở xóm phía trong, thì ông cho biết người chủ thứ 7 của ngôi nhà là bà Trần Thị Sâm đã bán cho chính quyền từ năm 2007, để đưa vào dự án “Khu vườn hiện thực văn học Nam Cao”. Nhưng từ đó đến nay, nghĩa là đã 6 năm, dự án vẫn bị treo và ngôi nhà cổ này bị bỏ rơi trong quên lãng. Chính ông Dĩ sau khi đi bộ đội thời Điện Biên về đến nay, tuy không có quyền hạn gì về ngôi nhà, vì bố ông đã bán đi từ lâu, nhưng mỗi lần đi qua ngôi nhà, ông Dĩ lại thấy xót lòng vì chẳng có ai quan tâm đến nó nữa.

Lại còn nghe có chuyện, người vợ thứ ba của ông Bá Bính cũng đã treo cổ chết ở ngôi nhà này, nên giờ đây nó lại càng hoang lạnh hơn, cho dù nó đã được phổ biến, quảng bá qua những câu thơ: “Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà/Nếp cổ gỗ Lim mái ngói ta/Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu/Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba”. Ngôi nhà mới hơn trăm năm thì chưa là gì so với nhiều nhà cổ khác, cỡ vài ba trăm năm, nhưng nhà của “Bá Kiến” lại là nhân chứng một thời cho những tội ác của chế độ cũ đối với nông dân cùng khổ của vùng chiêm trũng đói nghèo này.

Chuyện ăn chơi của làng Vũ Đại

Nói là vùng quê nghèo, nhưng nhiều người đều biết nơi đây là đất tổ chuối Ngự, hay chuối tiến vua. Một giống chuối nhỏ, thơm phức, ngọt dịu, lại mỏng vỏ nữa, không đâu có được. Nức tiếng từ xưa, chuối ra quả quanh năm, nên nhiều người thường về tận nơi mua buôn cả vườn, đi bán. Ngay khi dừng chân nghỉ ở Phủ Lý, cách làng Vũ Đại khoảng 40km, tôi hỏi giá mới biết mỗi nải đã lên tới 35.000 đồng. Mà nải nào nhiều thì cũng chưa đến 20 quả. Vậy mà về đến làng, tưởng giá sẽ rẻ hơn nhiều, nếu mua tại vườn. Hóa ra một nải chuối xanh họ cũng bán 30.000 đồng rồi. Vậy quả là loại chuối quý. Hỏi vì sao, chuối ở đây ngon vậy; tại giống, tại đất hay tại nước, anh Thủy chủ vườn chỉ cười đúng với một nụ cười của làng Nhân Hậu, hiền lành và bí ẩn. Không biết. Vì trời đất nó vậy. Ở cái làng được bao bọc giữa hai con sông, sông Hồng và sông Châu Giang, thì nhiều cái khó giải thích lắm. Ngay cả một giống hồng không hạt ở đây cũng thế. Anh Thủy nói nó mềm, ngọt mát không khác gì đường phèn, lại thơm nữa. Nhất là vào những ngày xuân, những ai chịu khó vượt cả trăm cây số về đây mua hồng làng Vũ Đại mới gọi là chịu chơi.

Nhưng có lẽ cái cách ăn cá Trắm ở làng Vũ Đại này mới gọi là tuyệt chiêu. Nếu gọi làng này là làng nghề kho cá thì cũng chẳng sai. Vì từ xa xưa, mỗi khi tết đến cả làng chỉ ăn cá của hai con sông và hồ ao quanh làng, nghèo không có thịt ăn. Nhà nào cũng kho cá đến là giỏi. Tôi lại nhớ, trước lúc đến cửa hàng kho cá Hiền Xuyến, thì nhà văn Từ Thiết Linh (ông Trần Đức Mô) đã đọc cho tôi nghe bài thơ viết về nghề thơm của làng: “Tiên tổ làng tôi đã nấu cá kho/Dân làng tôi vẫn thường xuyên kho cá/Đã kho cá không được nêm nước lã/Mà chỉ nêm tương cua hoặc mắm cho vừa...”. Vậy nên giờ đây, chuyện xuất cá kho bán đi Pháp, đi Mỹ không còn là chuyện hiếm của cái làng Vũ Đại này. Nhưng để trở thành một làng nổi tiếng về nguồn cung cấp hàng cá kho cho các tỉnh lớn và quốc tế thì lại là chuyện có một không hai trên đất nước ta. Nếu không nói Vũ Đại còn là một làng nghề “dị” nhất hiện nay.

Cuối cùng là chuyện chơi diều phẳng, siêu nhẹ, 5 màu của làng, lâu nay cũng trở thành thương hiệu của làng Vũ Đại. Diều thì đâu có hiếm nơi say mê, nhưng ông Mô cho biết chỉ có làng Vũ Đại mới có ngày Lễ hội thả diều vào 15-5 âm lịch hàng năm. Mới đây, trong cuộc thi diều tại Đại hội Du lịch khu vực sông Hồng, năm 2013, đội diều của làng Vũ Đại đoạt giải nhất, bởi những yếu tố đặc sắc, bay cao nhất và “ngủ” say nhất. Nghĩa là con diều phẳng nhẹ chẳng giống đâu và cái sự “phiêu” trên cao, càng là cái lẽ hơn người.

Miếng ngon nhớ lâu. Ở đây đã có. Còn cái nỗi phiêu trên cao của con diều siêu nhẹ no gió, chạy dọc con đường làng Vũ Đại, bên đôi bờ sông Châu, đã nâng cánh tâm hồn những ai từng đi qua, thì chẳng thể đâu sánh được nơi này. Tôi đi trong con gió phiêu miên man ấy, mà nhớ...

Lưu Kường
.
.
.