Phương pháp mới phân biệt ADN các cặp song sinh cùng trứng

Thứ Bảy, 27/06/2015, 08:00
Kể từ khi được đưa vào ứng dụng trong kỹ thuật hình sự từ những năm 1980 đến nay, ADN đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong công tác phòng chống tội phạm trên thế giới và trở thành một công cụ đắc lực cho lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề mà kỹ thuật này chưa tìm ra lời giải thỏa đáng, đó là việc phân biệt ADN của các cặp song sinh cùng trứng, những người giống nhau không chỉ về ngoại hình, sức khỏe, mà còn cả hệ gen.

Tỷ lệ trùng lặp về ADN giữa hai cá nhân không có quan hệ quen biết là 1/1.000.000.000, nhưng tỷ lệ này đối với hai người có quan hệ họ hàng gần lại lên đến 1/10.000. Đặc biệt, đối với các cặp song sinh cùng trứng thì mẫu gen giống nhau, do vậy khi một vụ án xảy ra, các điều tra viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác ai trong cặp song sinh này là người thực hiện hành vi phạm tội.

Phương pháp phân tích AND mới.

Thậm chí, trong một số trường hợp đã dẫn tới tranh cãi pháp lý hoặc oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử. Trước đây, để giải quyết vấn đề này, các kỹ thuật viên hình sự sử dụng phương pháp phân tích hoán đổi gen nhưng phương pháp này rất tốn kém và mất thời gian, trong khi tỷ lệ chính xác không cao.

Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu thành công một kỹ thuật phân tích ADN có tên HRMA giúp phân biệt được ADN của người thực hiện hành vi phạm tội trong cặp song sinh cùng trứng. Theo phân tích của các nhà khoa học, cùng với thời gian, khi cặp song sinh lớn lên trong các điều kiện sống, thói quen sinh hoạt khác nhau thì các đặc điểm riêng biệt cũng rõ ràng hơn.

Ví dụ, một người có thói quen hút thuốc lá hoặc không; một người làm việc ngoài trời, còn một người làm việc văn phòng… cũng sẽ dẫn đến sự khác biệt nhỏ trong tình trạng ADN của mỗi người. Sử dụng phương pháp hấp nhiệt mẫu ADN tới khi liên kết hydro giữa các cặp gen bị đứt cho phép xác định mức nhiệt tiêu chuẩn. Mỗi mẫu gen của người song sinh sẽ có mức nhiệt tiêu chuẩn khác nhau nên sẽ phân biệt được đối tượng.
Giúp xác định chính xác đối tượng trong cặp song sinh cùng trứng.

HRMA cho kết quả nhanh và chính xác gấp đôi so với các phương pháp phân biệt ADN trước đây, trong khi chi phí cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, HRMA cũng còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đó là khó khăn khi cặp song sinh còn trẻ hoặc được sống trong điều kiện sinh hoạt, làm việc tương đối giống nhau, đồng thời HRMA cũng đòi hỏi mẫu ADN so sánh phải được thu trong điều kiện tương đối giống nhau.

Dù còn hạn chế nhỏ nhưng HRMA đã mở ra một bước tiến trong kỹ thuật hình sự, giúp giải được bài toán vô cùng khó khăn mà nhiều năm nay chưa được giải đáp thỏa đáng nhằm xác định chính xác đối tượng trong các vụ án hình sự.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện kỹ thuật này tiến tới phân biệt chính xác mẫu ADN của các cặp song sinh cùng trứng trong các hoàn cảnh khác nhau phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm.

Phạm Vũ
.
.
.