Phong trào chống quấy rối tình dục của những nữ phóng viên Nhật Bản

Thứ Hai, 28/05/2018, 11:11
Tờ Guardian (Anh) dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho hay, hàng chục phụ nữ làm việc cho các báo và kênh truyền hình ở Nhật Bản đã bị quấy rối tình dục nhiều lần. Điều đáng quan tâm là, quan chức chính phủ, cảnh sát và các nghị sĩ là người thực hiện 1/3 số vụ quấy rối tình dục nữ phóng viên.


40% vụ quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc

Cuộc khảo sát được tiến hành sau khi ông Junichi Fukuda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản bị cáo buộc quấy rối tình dục nữ phóng viên làm việc cho một tạp chí thuộc mạng lưới truyền thông TV Asahi thời gian gần đây. 

Theo đó, ông Fukuda bị cáo buộc là đã có lời nói “không đứng đắn” với nữ phóng viên. Ông Fukuda nói muốn hôn nữ phóng viên khi hai người đang uống rượu trong một quán bar và những lời tán tỉnh kiểu như: “Tôi sẽ nâng cánh tay cô lên. Tôi có thể chạm vào ngực của cô không?”, “Chúng ta sẽ có một mối quan hệ khi ngân sách được phê duyệt”…

35 nữ nhà báo Nhật Bản cho biết từng bị quấy rối tình dục.

Tạp chí nơi nữ phóng viên làm việc còn cho rằng, ông Fukuda còn đưa ra những nhận xét không phù hợp tương tự với các nhà báo nữ khác. Ông Fukuda đã từ chức nhưng bác bỏ cáo buộc liên quan đến mình. Khi từ chức, ông Fukuda nói rằng, sẽ khởi kiện tạp chí có nữ phóng viên làm việc vì đã làm ảnh hưởng đến danh dự của ông.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 35 nữ phóng viên từng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. Giáo sư Mayumi Taniguchi, một chuyên gia nghiên cứu về giới của Đại học Quốc tế Osaka cho biết, 40% những vụ quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc của các nữ phóng viên. 

Ngoài ra, các nữ phóng viên bị quấy rối tình dục khi tác nghiệp hoặc các địa điểm khác. Một nữ phóng viên hiện làm việc tại một tòa soạn báo lớn cho hay, một sĩ quan cảnh sát cấp cao liên tục đưa ra những nhận xét không phù hợp với mình. Đồng nghiệp của cô đã nhận thức được hành vi của nhân viên cảnh sát nhưng không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn điều đó.

Nhà báo tự do Chie Matsumoto, đồng thời là phát ngôn viên của Mạng lưới truyền thông nữ Nhật Bản cho biết, cô không ngạc nhiên về kết quả cuộc khảo sát. “Mạng lưới của chúng tôi có 90 thành viên và 19 người trong số họ nói rằng, từng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. Những người đàn ông thực hiện hành vi quấy rối tình dục bao gồm cả cảnh sát, người được phỏng vấn và ông chủ sử dụng lao động”, Matsumoto nói. 

Matsumoto nói thêm, tất cả những nữ phóng viên đều nói rằng, họ sẽ quên đi những gì đã xảy ra. “Thật đáng lo ngại khi chính các nữ nhà báo coi việc bị quấy rối tình dục là một phần công việc của nhà báo. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến phong trào chống quấy rối tình dục MeToo không phát triển rầm rộ ở Nhật Bản”, Matsumoto nói tiếp.

Phong trào MeToo "ì ạch" ở Nhật Bản

Mặc dù trở thành phong trào chống quấy rối tình dục khá rầm rộ tại nhiều quốc gia nhưng MeToo lại phát triển khá chậm chạp ở Nhật Bản. Tại đất nước mặt trời mọc này, các nạn nhân thường miễn cưỡng nói ra việc mình bị quấy rối tình dục vì sợ làm tổn hại đến sự nghiệp hoặc bị dư luận xã hội chỉ trích là nguyên nhân khiến đối phương thực hiện hành vi quấy rối tình dục.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Junichi Fukuda tuyên bố từ chức hôm 18/4 vừa qua sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục một nữ phóng viên.

Trở lại câu chuyện về nữ phóng viên cáo buộc Thứ trưởng Bộ Tài chính Fukuda quấy rối tình dục. Vấn đề đáng quan tâm là, không chỉ ông Fukuda bị chỉ trích mà ngay cả nữ phóng viên – nạn nhân trong vụ việc cũng nhận nhiều chỉ trích trên các phương tiện truyền thông. Không ít chính trị gia và những người nổi tiếng nói rằng, nữ phóng viên không nên lên tiếng về vụ việc, coi đó như "một tội ác".

Câu chuyện của nữ nhà báo Shiori Ito cũng lý giải vì sao phong trào MeToo chậm phát triển ở Nhật Bản. Khi bị đánh thuốc ngủ và hiếp dâm, Shiori Ito đã trình báo cảnh sát. Tuy nhiên, thay vì nhận được sự cảm thông, cô bị đe dọa, lăng mạ, bị phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông. Shiori Ito cho rằng, cảnh sát không khuyến khích nạn nhân trình báo sự việc. Sau tất cả, Shiori Ito ra nước ngoài, từ bỏ giấc mơ làm báo ở Nhật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phụ nữ Nhật Bản luôn cảm thấy vô cùng xấu hổ khi lên tiếng tố cáo tội phạm tình dục. Một cuộc khảo sát của Viện Lao động Nhật Bản công bố năm 2016 cho biết, 34,7% nhân viên từng bị quấy rối nhưng chỉ có khoảng 40% trong số đó dám lên tiếng.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.