Phòng khám từ thiện của những lương y tuổi U90

Thứ Tư, 14/12/2016, 15:30
Phòng khám chỉ có 4 bác sĩ, y tá tuổi cao về hưu phụ trách. Người lớn tuổi nhất gần 90. Người ít tuổi nhất cũng ngoài 70, ấy vậy mà hơn 20 năm nay, dù tuổi cao sức yếu nhưng cứ đều đặn mỗi tuần 2 buổi, họ vẫn đến phòng khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Họ trở thành chỗ dựa tin cậy cho những gia đình, bệnh nhân nghèo khó, neo đơn.


Qua nhiều lần đổi địa điểm, phòng khám từ thiện của bác sĩ Trương Thị Hội Tố và những người bạn của mình mới có một địa điểm cố định ở trụ sở Hội chữ thập đỏ phường Giáp Bát, Hà Nội tại ngõ 119 đường Giáp Bát.

Dù nhà xa nhưng bác sĩ Tố và bác sĩ Nguyễn Duy Đức cũng nhờ xe ôm hoặc con cái đưa đến phòng khám khám bệnh miễn phí vào sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần. Vì tuổi cao, sức yếu nên các bác sĩ chỉ khám, chữa bệnh trong hai buổi.

Mỗi người một việc. Phụ trách khám chính là bác sĩ Tố và bác sĩ Đức. Y tá Lê Thị Sóc và y tá Đỗ Thị Sáu làm nhiệm vụ phân loại thuốc, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân và phụ giúp hai bác sĩ chính.

Vì thuốc đều do các nhà hảo tâm mang đến tặng nên việc phân loại, ghi chú, lọc hạn sử dụng cũng mất khá nhiều thời gian và công sức. Mỗi lần phân loại là bác sĩ Tố, y tá Sóc, y tá Sáu lại căng mắt soi kính lúp để đọc hạn sử dụng, thành phần thuốc để phân loại, việc khám bệnh lại giao cho bác sĩ Đức. Bệnh nhân đến khám sẽ được miễn phí hoàn toàn. Thỉnh thoảng, phòng khám lại phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của phường tổ chức những buổi trao tặng thuốc hoàn toàn miễn phí cho bà con.

Bác sĩ Đức với bệnh nhân.

Hơn 20 năm nay, phòng khám trở thành chỗ dựa tin cậy cho những bệnh nhân gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà Đặng Thị Nhàn năm nay đã ngoài 70. Có lẽ bà là bệnh nhân lớn tuổi gắn bó lâu năm nhất với phòng khám này và cũng là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhất.

Quê gốc ở Nam Định, gia đình bà lên Hà Nội sinh sống từ những năm 1970. Chồng bà sau một cơn bạo bệnh bị liệt nửa người không thể tự đi lại được, phải nghỉ hưu sớm ở nhà để vợ chăm sóc. Sinh được hai người con trai thì anh con trai út không may mắn sau một cơn sốt cũng trở thành người không bình thường. Giờ cả nhà 3 thế hệ, cả vợ chồng, con cái anh con trai cả cùng nhau chen chúc trong căn nhà nhỏ gần phòng khám bệnh.

Hằng ngày vợ chồng anh con trai cả đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, bà Nhàn ở nhà vừa tranh thủ bán hàng nước, vừa lo cơm nước, chăm sóc chồng, con trai và các cháu. Bà tâm sự, trước đây bà cũng đến bệnh viện khám chữa bệnh nhưng phần vì chi phí mỗi lần khám chữa tốn kém, chưa kể tiền xe ôm đi lại, lại mất thời gian chờ đợi nên từ khi phòng khám của bác sĩ Tố thành lập, bà đã đến đây xin khám bệnh và cấp thuốc miễn phí.

Thấy việc khám chữa bệnh ở đây có hiệu quả, các bác sĩ lại nhiệt tình, tận tâm tư vấn nên 20 năm nay bà Nhàn cứ theo phác đồ điều trị của bác sĩ Tố. Một mình nhưng ba sổ khám bệnh, sổ của mình, của con trai út và của chồng, cứ đều đặn hàng tuần bà lại đến phòng khám kiểm tra huyết áp và lấy thuốc cho cả nhà. Chủ yếu vẫn là những bệnh của người già nhưng nhờ có bác sĩ Tố mà gia đình bà Nhàn cũng phần nào được giảm bớt được gánh nặng chi tiêu trong gia đình.

Bác sĩ Tố là người đầu tiên thành lập ra phòng khám.

Phòng khám từ thiện này được thành lập chính thức năm 1992 bắt nguồn từ ý tưởng của bác sĩ Tố. Nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định, sau khi nghỉ hưu lên Hà Nội sinh sống cùng các con, dù nhận được nhiều lời mời làm việc với mức lương cao nhưng bà đều từ chối. 

Bà tham gia vào Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng, tình nguyện đạp chiếc xe cũ kĩ đi hàng chục cây số để khám bệnh lưu động miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách... Cũng chính từ những chuyến đi này, bà bắt đầu ấp ủ ước mơ mở một phòng khám từ thiện cố định để có điều kiện khám chữa bệnh đầy đủ hơn nữa cho các bệnh nhân nghèo. 

Nghĩ là làm, bà đi khắp nơi để vận động các cán bộ y tế, bác sĩ đã về hưu cùng mở phòng khám với mình. Nhưng nghề y vẫn luôn là một nghề "hot" nên sau khi nghỉ hưu nhiều bác sĩ vẫn mở phòng khám hoặc nhận lời khám ở các bệnh viện, phòng khám tư để tăng thêm thu nhập nên chẳng ai đồng ý theo bác sĩ Tố làm công tác thiện nguyện này. Chỉ có bà Sóc, vốn là y tá bệnh viện Xanh Pôn là người tận tâm, sát cánh cùng bà ngay từ những ngày đầu tiên khi mở phòng khám.

Y tá Sóc đã 87 tuổi nhưng rất nhiệt tình với công việc.

Nhìn bà Sóc thoăn thoắt, nhanh nhẹn phân loại thuốc, sắp xếp ghi chú cẩn thận ít ai nghĩ rằng năm nay bà đã 87 tuổi. Nhà gần phòng khám nên bà luôn là người đầu tiên đến mở cửa dọn dẹp, sắp xếp. Mơ ước giản dị của bà vẫn là có một chiếc tủ thuốc lớn hơn nữa để đựng được nhiều hơn và không mất thời gian tìm kiếm mỗi khi có bệnh nhân đến khám và nhận thuốc.

Nhớ lại những ngày đầu gian khó, bác sĩ Tố và y tá Sóc phải đi khắp nơi để vận động bạn bè cùng chung tay gánh vác và đi tìm cả bệnh nhân để khám chữa bệnh. Không đủ tiền để thuê địa điểm mở phòng khám, bác sĩ Tố và y tá Sóc lại tìm đến các trụ sở Hội Chữ thập đỏ của các phường đặt vấn đề mượn địa điểm khám chữa bệnh miễn phí.

Phải mất gần chục lần chuyển chỗ, bác sĩ Tố mới có một phòng khám nhỏ cố định như ngày hôm nay. Những bác sĩ, y tá gắn bó với phòng khám từ những ngày đầu nay người còn, người mất, người đã nghỉ hẳn, chỉ còn duy nhất bác sĩ Tố và y tá Sóc là vẫn gắn bó cho đến tận bây giờ. 

Bác sĩ Đức quê ở Nam Định cũng mới về phòng khám được gần năm theo sự vận động nhiệt tình của bác sĩ Tố. Còn y tá Sáu quê ở Hải Phòng, lên đây sống cùng con cháu nhưng nghe tiếng phòng khám cũng tìm đến để chung tay cùng các bác sĩ khám chữa bệnh cho người nghèo. 

Vì cơ sở vật chất của phòng khám còn đơn sơ, các bác sĩ đều là những người có tuổi nên chủ yếu vẫn là khám chữa một số bệnh thông thường như đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường,  đau răng, đau đầu… Trong trường hợp bệnh nặng, cần điều trị trong thời gian dài, các bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn và lời khuyên cụ thể cho bệnh nhân đến khám, chữa tại những bệnh viện, cơ sở có uy tín.

Là phòng khám từ thiện nên để duy trì hoạt động chủ yếu trông chờ vào chính sự đóng góp của các thầy thuốc và giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân hảo tâm quyên góp. Riêng bác sĩ Tố, hàng tháng ủng hộ tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ. Nhà ở quận Thanh Xuân nhưng đều đặn thứ 2, thứ 5 hằng tuần, dù mưa hay nắng, dù nóng hay lạnh, bà đều đến phòng khám đúng giờ cùng bác xe ôm thân quen đã chở bà hơn 20 năm nay.

Bốn bác sĩ U90 của phòng khám.

Nhìn những bác sĩ tuổi U90 ân cần, nhẹ nhàng với từng bệnh nhân chúng tôi thực sự cảm phục. Trong khi những bệnh viện lớn hiện nay đang quá tải, các bác sĩ làm việc với cường độ lớn nên thường xuyên cáu gắt, quát nạt người bệnh thì những bác sĩ tóc bạc trắng này nhiều khi lại đi tìm bệnh nhân, rồi sau đó lại trở thành người thân của từng gia đình, của nhiều người bệnh.

Bác sĩ Tố năm nay đã ngoài 80. Bác sĩ Đức cũng gần 80, y tá Sóc gần 90 tuổi, còn y tá Sáu ngoài 70. Tất cả đều đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe cũng đã yếu đi nhiều. 

Nhiều lúc bác sĩ Tố cũng muốn nghỉ, muốn đóng cửa phòng khám nhưng nghĩ đến những bệnh nhân nghèo đã theo phòng khám nhiều năm nay, nếu nghỉ họ sẽ chẳng biết bấu víu vào đâu với hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, nên lại thôi.

Điều mong ước lớn nhất của bác sĩ Tố lúc này là có nhiều bác sĩ, y tá trẻ hơn nữa cùng tham gia khám chữa bệnh với mình để phòng khám từ thiện này được mở lâu hơn phục vụ những người nghèo. Bởi mỗi ngày bác sĩ Tố và các đồng nghiệp sẽ già đi, rồi sẽ có một ngày không thể đi lại khám chữa bệnh được nữa, nếu không có ai cùng chung tay gánh vác thì việc đóng cửa phòng khám sẽ chỉ là một tương lai không xa.

Ngọc Trâm
.
.
.