Phải học văn hóa giao thông ngay từ khi còn nhỏ
Hơn 4.100 người chết đồng nghĩa với việc có ngần ấy gia đình rơi vào nỗi đau tột cùng mà không gì có thể bù đắp nổi. Những nỗi đau ấy sẽ còn kéo dài theo năm tháng khi hình bóng người đã khuất vẫn ám ảnh người thân trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Các nhà chuyên môn đã phân tích quá nhiều nguyên nhân của tình trạng TNGT trong những năm qua, nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, đó là mật độ dân cư đông đúc, nhất là ở thành phố hay những đô thị lớn; đường sá ngày một xuống cấp và hạ tầng thường không đảm bảo an toàn, nhiều tuyến đường không đáp ứng được với số lượng phương tiện tham gia giao thông; nhiều người dân có thói quen lấn chiếm vỉa hè, sử dụng mặt đường làm nơi buôn bán, kinh doanh dẫn đến lòng đường trở nên chật hẹp và che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông…
Minh họa: Lê Tâm |
Còn nguyên nhân chủ quan, có thể nói tới nguyên nhân đầu tiên là ý thức của người tham gia giao thông; thiếu hiểu biết về những quy định của Luật Giao thông và khá nhiều lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây vừa công bố một nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT trong năm 2016 tại Hà Nội khiến nhiều người giật mình.
Đó là việc khá nhiều vụ TNGT liên quan tới học sinh THTP với một loạt lỗi vi phạm như: Đi bộ dưới lòng đường; đeo tai nghe nghe nhạc khi sang đường; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; khi rẽ, chuyển hướng thì đánh giá không đúng tốc độ của phương tiện đi tới và không bật tín hiệu xin đường; đi hàng hai, hàng ba; vượt đèn đỏ; phanh gấp; cố vượt qua nút giao khi đèn vàng…
Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như đi xe đạp hay đi bộ tới trường thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng.
Đáng báo động là tỷ lệ TNGT của nhóm học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất. Nghĩa là cứ 2 học sinh bị TNGT thì có 1 học sinh bị tai nạn liên quan tới xe đạp điện hoặc xe máy điện.
Điều đó cho thấy xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Văn hóa giao thông không phải là cái tự nhiên mà có. Nó phải được dạy dỗ ngay từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Điều này lý giải cho chúng ta một việc rất đỗi bình thường, rằng ở các nước tiên tiến, những đứa trẻ đã biết chấp hành những quy định tối thiểu khi tham gia giao thông trên đường.
Được biết, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa chỉ đạo các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới. Một trong những nội dung chính được nhiều người quan tâm là việc Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông năm học 2017-2018; nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non, tiểu học... tạo nên thế hệ mới có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, có văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự.
Chúng ta chưa hy vọng ngay một sớm một chiều văn hóa giao thông của mọi người sẽ tốt ngay. Song, một khi nó được quan tâm, đầu tư tích cực và có hệ thống căn bản để giáo dục ngay từ khi còn nhỏ thì chắc chắn chúng ta có quyền hy vọng vào những chuyển biến tích cực của những thế hệ tiếp nối. Điều đó không chỉ hạn chế rủi ro với từng cá nhân mà còn góp phần mang lại bình yên cho mọi nhà.