Phá án và những chuyện "dở khóc, dở cười"

Thứ Sáu, 01/04/2016, 11:12
Không chỉ có những đêm trắng tính toán bài bản vào trận, hay các pha rượt đuổi kinh hoàng trong khói súng mịt mù khi "cất vó", bên lề những chuyên án nhắm vào các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy, vẫn còn cả những tiếng cười, nhiều khi là "ra nước mắt". 


Không chỉ có những đêm trắng tính toán bài bản vào trận, hay các pha rượt đuổi kinh hoàng trong khói súng mịt mù khi "cất vó", bên lề những chuyên án nhắm vào các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy, vẫn còn cả những tiếng cười, nhiều khi là "ra nước mắt". Mà lính lại nhớ nhất những chuyện này. Chuyện càng "tếu", nhớ càng lâu. Thậm chí vài mươi năm sau gặp lại nhau, họ vẫn kể vanh vách những gì đã xảy ra với mình và đồng đội hồi ấy. 

Ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) - Công an tỉnh Phú Thọ, có những câu chuyện chưa từng được biết tới phía sau những chiến công. Nét hồn hậu, đậm tình người của chiến sỹ Công an, vẫn hiện ra ngay trong những giờ phút căng thẳng đấu trí với tội phạm.

Trinh sát kiêm…"bảo mẫu"

Chuyện này thực ít người biết, kể cả báo giới vốn thạo tin. Bởi nói đến những đơn vị chiến đấu, chẳng hạn như lực lượng bài trừ ma túy, thì điều mà người ta quan tâm đầu tiên, đó là những chiến tích trong tấn công trấn áp tội phạm, là số lượng ma túy thu giữ được nhiều hay ít, hay hành trình điều tra phá án có ly kỳ, gay cấn hay không. "Xem thành bại, luận anh hùng" âu cũng là lẽ thường.

Cũng vì điều này, mà những chuyện "bếp núc" để cho ra một chuyên án to, lại ít ai để ý, mặc dù đó là một phần không thể tách rời của những trận đánh. Trên thực tế, mỗi vụ án không nhiều thì ít, đều có những tình tiết gây cười, mà cánh lính rất nhớ. Đến mức sau bao nhiêu năm nhắc lại, vẫn có thể cười khùng khục với nhau.

Một cuộc họp án tại Phòng PC47 - Công an tỉnh Phú Thọ.

Chuyện trinh sát…"trông em", tức làm "bảo mẫu" chăm sóc con thơ cho đối tượng bị bắt, bị triệu tập đến trụ sở cơ quan làm việc, là chuyện thường ngày ở những đơn vị chiến đấu. Nghe thì đơn giản, nhưng việc này thực sự là "thảm họa" với cánh lính trận. Vì đó đâu phải là chuyên môn của những anh chàng cao lớn lộc ngộc, thạo súng ống hơn cầm thìa bón bột hay thay tã.

Thiếu tá Nguyễn Sơn Hải Phó trưởng Phòng PC47- Công an tỉnh Phú Thọ nhớ mãi "cái đận" trông con cho các đối tượng Khổng Thị Phượng và Nguyễn Thị Kiều Anh.

Anh kể: "Phượng và Kiều Anh là những đối tượng trong đường dây ma túy bị cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện khi khai thác mở rộng chuyên án. Trong vụ này, ngoài những kẻ cầm đầu, chúng tôi đã chứng minh có tới 26-27 đối tượng khác cùng tham gia đường dây, trong đó có thị Phượng và Kiều Anh.

Khi tiến hành bắt giữ các đối tượng này, qua khám xét đều thu giữ được ma túy chúng đang cất giấu trong nhà. Hiềm nỗi cả hai đều đang nuôi con nhỏ chưa đến 1 tuổi. Đương nhiên sau khi bắt giữ phải đưa đối tượng về trụ sở cơ quan điều tra để đấu tranh khai thác. Vì chúng đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nên không thể áp dụng biện pháp tạm giam.

Trong quá trình tạm giữ đối tượng tại phòng làm việc, các trinh sát phải thay nhau… bế em, để mẹ chúng còn làm việc với cán bộ. Quả thực với cánh lính chúng tôi, bảo lên rừng xuống biển lặn lội xác minh truy bắt đối tượng, không ngại bằng việc "trông em" cho phạm. Mà khi ấy đơn vị toàn lính trẻ, trai tráng chưa vợ, nên khoản "dỗ" trẻ lóng ngóng lắm.

Mỗi lúc đứa bé khóc ngặt hay tè dầm, các chú lại cuống quýt chuyền tay nhau, rồi nghĩ ra đủ thứ trò để dỗ cho chúng nín, hay tất tả chạy đi mua bỉm, mua sữa. Lại còn khoản bột bẹt, cháo não. Đơn vị suốt mấy hôm cứ rộn ràng, ồn ã như… nhà trẻ. Chưa kể, có khi đang đấu tranh thấy đối tượng ôm bụng kêu đau. Hỏi ra biết chuyện, mấy anh chàng đành ngượng nghịu xuống phố sắm đồ "đặc chủng" mang về cho chúng.

Vào những đêm lưu giữ đối tượng, đơn vị có cái giường cho anh em ngả lưng cũng phải nhường cho "bà mẹ trẻ em", còn mình thì vạ vật trên bàn, trên ghế. Mà nào có ngủ được, phần vì phải chia nhau giám sát những bà mẹ tội lỗi ấy để chống trốn hay tự sát, phần do tiếng trẻ khóc đêm cứ ngằn ngặt, khiến ai cũng mệt mỏi. Cả ngày làm việc đã căng thẳng, đêm xuống cũng chẳng được nghỉ ngơi.

Thành thử chỉ mong sao nhanh làm rõ hành vi phạm tội, rồi áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mà "giải phóng" cho chúng về nhà. Tuy vất vả, thậm chí bực dọc khi các đối tượng chây ì, ngoan cố chối tội hay không chịu khai báo ra đồng phạm, nhưng với những đứa trẻ, anh em đều rất thương cảm với hoàn cảnh của chúng. Vì rằng trẻ con thì làm gì nên tội, chỉ bởi mẹ chúng vì tiền mà đẩy con đến cửa lao lý".

Chuyện anh kể làm tôi nhớ đến một đơn vị khác, khi nhóm phóng viên đến thấy phòng làm việc phơi toàn… tã. Hỏi ra mới biết họ vừa "rước" về một "mẹ mìn" chuyên lừa phụ nữ sang Trung Quốc bán. Lần đó về Việt Nam thăm thân, thị có mang theo đứa con gái mới vài tháng tuổi.

Xác định đúng là người có tên trong quyết định truy nã, lính ta phấn khởi ùa lại bắt, mới té ngửa là thị có con thơ cùng đi. Vậy là cả mấy tuần trời lưu giữ ở cơ quan điều tra, đúng vào mùa nồm ẩm trời, mưa lép nhép, quần áo tã lót chẳng có chỗ phơi, đành bật quạt trần để hong cho khô. Cả đơn vị "nháo nhác", mọi công việc bị đảo lộn. Buổi sáng giao ban, anh em kéo nhau ra hè để họp. Vài tuần sau, làm rõ vụ án mới thả cho thị về nhà bà ngoại, giao cho địa phương quản lý.

Đấu tranh với "máy đẻ"

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hải, Đội trưởng Đội 4, Phòng PC47 Công an tỉnh Phú Thọ kể: "Trong các chuyên án chúng tôi đã khám phá thời gian qua, đến khổ với cái "máy đẻ" Nguyễn Thị Thúy Liễu. Là một "bà trùm" ma túy, Liễu có cách đối phó với cơ quan pháp luật không giống ai. Đó là dựa vào những đứa trẻ để lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật không áp dụng tạm giam hoặc được hoãn thi hành án với phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Năm 2006, Liễu bị bắt quả tang khi đang bán ma túy. Nhờ vào đứa con thơ dưới 3 tuổi nên thị chưa phải vào trại. Khi đứa trẻ gần đủ 36 tháng, nghĩa là tới thời gian "trả án", thị lại hối hả săn tìm những người tình một đêm khác, nhằm kiếm một đứa con mới để thay thế. Vậy là từ thiên chức làm mẹ thiêng liêng, Liễu đã biến mình thành một cái "máy đẻ" chỉ với một mục đích: giúp thị thoát việc thi hành án.

Đối tượng Nguyễn Thị Thúy Liễu bị Phòng PC47 - Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ về tội "Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy".

Năm 2009 chúng tôi bắt tiếp thị Liễu một lần nữa khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy. Án phạt tổng cộng 54 tháng tù giam, nhưng thị vẫn chưa phải vào tù vì có con nhỏ. Sau này, những đứa con của thị (từ 3 đến 9 tuổi) đều được Liễu sử dụng vào việc vận chuyển ma túy. Chẳng hạn như thị buộc ma túy vào ngang bụng bọn trẻ, rồi bảo khách hàng đến trường tìm các con Liễu đang học để lấy, hay nhét hàng vào cặp xách của chúng để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Đến ngày 1-5-2011 thì Liễu bị bắt quả tang với 6 bánh heroin khi đang vận chuyển từ Sơn La về Phú Thọ để tiêu thụ. Lần này thì thị không còn "cửa" nào thoát án. Cả 42 đối tượng trong đường dây của thị bị chúng tôi phanh phui và bắt trọn. Kết quả điều tra chứng minh số lượng ma túy thị đã tiêu thụ gồm 41 bánh, 5 cây, 6 chỉ, 9 phân heroin và 520 viên hồng phiến.

Cho đến lúc bị bắt, thị đã kịp có tới… 4 đứa con, với 4 ông bố khác nhau. Điều khiến anh em tôi ái ngại là tương lai bọn trẻ sẽ ra sao, khi mà người mẹ tội lỗi kia chịu án tù chung thân, còn những người cha thì chúng không hề biết mặt. Hiện cả 4 đứa con thị Liễu đang ở cùng ông ngoại đã già yếu tại xã Yên Nội, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Một mai ông cụ qua đời thì cuộc đời lũ trẻ biết sẽ về đâu".

Lạc trong "ốc đảo"

Những năm gần đây, tình hình tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm trong tỉnh câu kết với các nhóm bên ngoài hình thành nên những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội… hoặc lập ra các "đại lý" phân phối hàng tập trung ở các địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn và những nơi đông dân cư. Đối tượng nghiện ma túy ở đây thường dùng chiêu "mỡ nó rán nó", tức là tham gia vào việc mua vào, bán ra nhỏ, lẻ với bạn nghiện, để có tiền mua hàng cho mình.

Phòng PC47 - Công an tỉnh Phú Thọ triệt phá nhóm côn đồ, sử dụng ma túy.

Thiếu tá Hải nhớ mãi lần xác minh truy bắt tên Hoàng Văn Thanh ở Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội. Đây là đối tượng được phát hiện thông qua khai thác mở rộng một chuyên án trước đó. Theo tin trinh sát, Thanh làm nghề kinh doanh cát sỏi ở bờ sông.

 Để tiếp cận mục tiêu, anh em thuê đò ngang chở đến khu vực nhà Thanh rồi rẽ vào hỏi mua cát. Lúc này trong nhà chỉ có anh trai của Thanh. Thấy khách lạ, người này sinh nghi liền hỏi han, chất vấn họ mua cát cho công trình nào, ở đâu. Do không có nhiều thông tin về địa hình, địa giới hành chính ở vùng lân cận, họ đành cất giọng gắt gỏng, tỏ vẻ bực bội ông chủ cát nhiều chuyện, để lấy cớ bỏ đi, nhưng đã kịp ghi nhớ sơ đồ nhà và đường đi lối lại.

Thiếu tá Hải kể: "Ra khỏi nhà Thanh một đoạn, chúng tôi phát hiện phía sau có người bám theo. Thì ra anh trai Thanh đã sinh nghi nên cử người "ngoại tuyến" xem chúng tôi đi về đâu. Anh em loanh quanh mãi, đi miết thì ra đến bờ sông, lại quay trở vào tìm đường để ra huyện, nhưng mỏi mắt tìm mà không thấy. Đến lúc trời xẩm tối, mới chợt nhận ra mình như "kiến leo cành đa".

Bởi vùng đó là một bãi bồi lớn như "ốc đảo" nằm giữa lòng sông rộng, bốn bề toàn là nước. Khi đi từ bờ bên Vĩnh Phúc, cứ nghĩ khu nhà Thanh đã thuộc bờ bên kia. Nào ngờ mới chỉ ra đến giữa sông. Biết là đã bị lộ, nên chúng tôi gọi lại ông chủ đò đã chở mình lúc chiều đến đón về. Cũng may là thời gian ở trên đảo, không xảy ra đụng độ với bọn tội phạm. Chứ nếu xảy sự thì không biết ứng phó thế nào.

Sau một thời gian để cho sự việc lắng xuống, chúng tôi bất ngờ quay trở lại. Lần này quân số được huy động gồm tất cả CBCS trong đơn vị, lại tăng cường thêm trung đội Cảnh sát cơ động và cánh hình sự Công an TP Việt Trì. Sở dĩ phải huy động lực lượng tối đa như vậy, vì có tin anh em Thanh cất giấu súng đạn trong nhà. Nhờ vào chiến thuật bắt khôn khéo, nên trận đánh đã kết thúc gọn gàng, không phải nổ phát súng nào mà việc vẫn xong".

Đào Trung Hiếu
.
.
.