Nước Pháp “vật vã” khôi phục sau đại dịch

Chủ Nhật, 17/05/2020, 10:59
Ngày 11/5/2020, nước Pháp bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại sau hai tháng phong tỏa. Hệ lụy sau 2 tháng đóng cửa nền kinh tế Pháp là khá nặng nề khi thất thu tới 120 tỷ euro; 12 triệu người lao động trong tình trạng thất nghiệp bán phần. Chính phủ Paris bơm thêm 110 tỷ euro vào ngân sách bổ sung, bảo đảm 1.000 tỷ euro tín dụng cho các doanh nghiệp…


Ngành sản xuất đặc sản Pháp cũng lao đao

Sản xuất rượu vang được coi là “ngành sản xuất đặc sản” của Pháp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mỗi năm, ngành sản xuất rượu vang tạo ra khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp. Pháp hiện là quốc gia đứng thứ 2 thế giới sau Italia về sản lượng rượu hàng năm, nhưng xét về kim ngạch xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh, nước Pháp lại đứng đầu.

Mỗi năm có tới 2 tỷ chai rượu của Pháp được bán ra nước ngoài, tương đương với 12,2 tỷ euro. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng, doanh thu của ngành rượu vang đã giảm sút đáng kể do tất cả các nhà hàng đều đóng cửa, kể cả nhà hàng, quán cà phê hay quầy bán thức ăn tại các hội chợ hay tụ điểm giải trí.

Cảnh sát kiểm tra một hành khách đi tàu không đeo khẩu trang.

Dù các siêu thị ở Pháp vẫn bày bán đầy đủ các loại rượu vang, nhưng có lẽ là do thói quen, người tiêu dùng ở Pháp vẫn không tiêu thụ rượu và bia nhiều hơn. Tổ chức quốc tế về rượu vang (OIV) đã phác họa một bức tranh khá ảm đạm về mức tiêu thụ rượu vang trên thế giới.

Riêng tại châu Âu, nơi có truyền thống tiêu thụ rượu vang lâu đời, lượng rượu tiêu thụ có nguy cơ giảm đến 35% trong năm 2020 do hầu hết các điểm kinh doanh và tiêu thụ đều đã bị đóng cửa trong mùa dịch COVID-19.

Đầu tháng 5-2020, tám nghiệp đoàn và cơ quan đại diện của ngành sản xuất rượu vang đã yêu cầu Chính phủ Pháp thực hiện cam kết qua việc công bố các biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ ngành rượu vang Pháp.

Trước đó, sau khi Bộ Kinh tế Tài chính công bố kế hoạch trợ giúp Hãng Hàng không Air France 7 tỷ euro (với một số điều kiện), Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume thông báo sẽ áp dụng một số biện pháp giúp đỡ cho cả hai ngành trồng nho (viticulture) và làm rượu vang (viniculture).

Trước mắt, các nghiệp đoàn yêu cầu chính phủ tạm thời miễn thuế ít nhất là cho tới cuối năm 2020, tạm dừng các khoản đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của các công ty, cũng như các chi phí xã hội mà giới chủ phải trả cho người lao động. Nếu các biện pháp này được áp dụng, chính phủ đã giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngành rượu vang từ 500 triệu đến 1 tỷ euro.

Các phương tiện giao thông công cộng cũng hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo giãn cách xã hội.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch COVID-19, cuối năm 2019, ngành sản xuất rượu vang Pháp đã phải đối đầu với khó khăn sau khi Mỹ áp mức thuế với rượu vang có xuất xứ châu Âu. Trong danh sách các nước châu Âu bị Mỹ áp thuế, Pháp là quốc gia bị thiệt nhất. Mức thiệt hại của Pháp là khoảng 2,4 tỷ euro trên tổng số 6,8 tỷ euro hàng châu Âu bị áp thuế.

Rượu vang của Pháp (cũng như hầu hết các loại rượu dưới 14 độ cồn từ các nước châu Âu khác là Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha) bị đánh thuế ở mức cao nhất là 25%. Thị trường Mỹ chiếm 1/4 lượng rượu vang xuất khẩu của Pháp. Rượu Pháp cũng thuộc gam trung bình, tức là trị giá cao nhiều so với Tây Ban Nha. Vì vậy, kể từ khi bị Mỹ áp thuế, mức xuất khẩu của rượu vang Pháp sang Mỹ không ngừng xuống dốc, giảm 8% vào tháng 11/2019, giảm 32% đầu tháng 1/2020.

Nhiều ngành sản xuất thiệt hại nặng vì dịch COVID-19

Thống kê của Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp cho thấy, tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm 5,8% trong ba tháng đầu năm 2020 do tác động trực tiếp dịch COVID-19 gây nên, nhưng thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nữa trong quý II, do từ ngày 17/3 đến 11/5/2020, Pháp chỉ hoạt động cầm chừng trong tất cả mọi lĩnh vực dịch vụ - sản xuất - văn hóa nghệ thuật. Đó là chưa kể các nhà máy công nghiệp trong ngành công nghiệp ôtô, công nghệ chế tạo máy bay, các công trường xây dựng đều tạm thời đóng cửa…

Ngành sản xuất rượu vang của Pháp thiệt hại nặng do dịch COVID-19.

Chuyên gia kinh tế Eric Heyer, Giám đốc Phòng phân tích và dự báo thuộc Đài Quan sát về tình hình kinh tế Pháp (OFCE), sau 2 tháng phong tỏa, hoạt động kinh tế bị giảm sụt và khoản thất thu ước tính lên tới hơn 120 tỷ euro trong vòng hai tháng. Rõ rệt nhất là trên thị trường lao động có thêm gần 500.000 người tìm việc làm, do trong thời gian qua, các doanh nghiệp không tuyển dụng thêm nhân viên.

Về phía doanh nghiệp, thời gian qua, các cửa hàng, nhà máy phải đóng cửa, không buôn bán gì được, hoặc chỉ hoạt động tối thiểu, nhưng vẫn có những chi phí cố định. Đây là một khoản thất thu không nhỏ. Nhìn đến ngân sách của Nhà nước, rõ ràng là các khoản chi tiêu đã tăng vọt qua các dự luật ngân sách bổ sung hàng trăm tỷ euro. Cùng lúc chính phủ thông báo tạm ngưng thu thuế và thu các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội… Các quỹ an sinh xã hội và ngân sách của Nhà nước bị thâm hụt trầm trọng.

Trung tuần tháng 4/2020, Bộ trưởng Ngân sách Gérald Darmanin cho biết, với kế hoạch hỗ trợ 110 tỷ euro để khắc phục hậu quả dịch COVID-19, thâm hụt ngân sách của chính phủ trong năm 2020 nhảy vọt lên tới 9%, nợ công trước mắt, ước tính lên tới từ 115 đến 120% so với GDP của Pháp. Thâm hụt của các quỹ an sinh xã hội cũng đi từ “kỷ lục này đến kỷ lục khác”.

Quỹ bảo hiểm y tế dự báo bị thâm hụt 41 tỷ euro cho cả năm. Quỹ lương hưu trong tình trạng gần như cân bằng về mặt chi thu cuối 2019, với Covid-19  bị bội chi trên 5 tỷ euro. Tình trạng thâm hụt nói trên do các doanh nghiệp bất đắc dĩ phải đóng cửa trong hai tháng qua, ngưng nộp các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội. Trong khi đó, các quỹ này vẫn phải cấp lương hưu, bồi thường các hóa đơn của bệnh viện, trợ cấp cho những người nghỉ ốm…

Tìm cách để người dân tiêu tiền

Theo kết quả thăm dò của Viện IFOP công bố ngày 11/5, 53% số người được hỏi nói rằng họ quan tâm tới vấn đề sức khỏe hơn là hậu quả kinh tế do dịch COVID-19. Do ngành du lịch và nhà hàng còn đóng cửa cho tới đầu tháng 6 nên đường phố ở Paris cũng như nhiều thành phố lớn trên toàn nước Pháp chưa thể trở lại không khí sôi động như trước.

Các cửa hàng thời trang cao cấp tại Paris đã mở cửa trở lại nhưng vẫn vắng khách.

Theo chuyên gia Eric Heyer, việc mở cửa lại các trường học cũng như khởi động lại các phương tiện giao thông công cộng là nhằm tạo điều kiện cho người lao động đi làm lại. Giải phóng lực lượng lao động là điều kiện đầu tiên để kích hoạt lại cỗ máy kinh tế.

Theo kết quả thăm dò do Viện CSA công bố, có tới 70% nhân viên doanh nghiệp và văn phòng muốn duy trì việc làm từ xa vì còn lo ngại di chuyển trong giai đoạn hiện nay, vì vậy để kích cầu tiêu dùng thì điều quan trọng là làm thế nào khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trở lại, lui tới các trung tâm thương mại, các khu giải trí. Vấn đề ở đây là người dân chỉ chi tiền mua sắm như trước kia nếu họ cảm thấy yên tâm và tin tưởng rằng dịch bệnh đã đi qua.

Trong giai đoạn đầu “hậu thời kỳ phong tỏa”, cả từ phía các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều thận trọng chờ xem tình hình dịch bệnh chuyển biến ra sao. 51% người Pháp cho biết mua sắm ít hơn so với trước, dẹp bỏ bớt những khoản chi tiêu "không cần thiết". Dù vậy chuyên gia Pháp, Eric Heyer lạc quan cho rằng, Paris có nhiều lá chủ bài trong tay cho phép cỗ máy kinh tế nhanh chóng được phục hồi.

Theo kết quả cuộc thăm dò do Xerfi (cơ quan tư nhân chuyên thăm dò và dự báo về tình hình kinh tế, trụ sở tại Paris) thực hiện trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4-2020, hơn 50% trong số hơn 1.000 doanh nhân được hỏi cho biết họ “tương đối” lạc quan vì cho rằng kinh tế có khả năng phục hồi, tuy vậy phải đợi đến cuối 2021 mới hy vọng bắt kịp trở lại nhịp độ của những tuần lễ đầu tháng Giêng, tháng 2-2020, thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước Pháp.

Mức độ tin tưởng khá vững chắc đó xuất phát từ nhiều yếu tố: trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại, đối thoại khá dễ dàng giữa giới chủ và nhân viên, các chủ doanh nghiệp tránh được tình trạng thiếu hụt tiền mặt và ít gặp vấn đề khi đi vay tín dụng ngân hàng và sau cùng là dù gặp khó khăn, các doanh nghiệp vẫn có khả năng đầu tư thêm để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi.

Các dự án đầu tư tiếp tục được duy trì, bởi khu vực sản xuất thấy rõ mãi lực của các hộ gia đình vẫn được giữ cho tới hiện nay. Do hàng quán đóng cửa, các dịch vụ mua bán trên mạng chưa được phát triển đúng mức nên các hộ gia đình đã tạm ngừng mua sắm trong hai tháng qua, nhưng đối với 75% dân Pháp, thu nhập không bị sụt giảm.

Vài ngày trước khi nước Pháp “khởi động” lại các sinh hoạt sau 2 tháng “phong tỏa toàn quốc”, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire tuyên bố “duy trì quỹ liên đới” với các doanh nghiệp cho đến cuối tháng 5/2020, miễn toàn bộ các khoản đóng góp của giới chủ cho các quỹ an sinh xã hội trong ba tháng (3-4 và 5/2020). Giới tiểu thương đặc biệt xem đây là một chiếc “máy trợ thở” trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.

Mục tiêu mà tất cả các nhà sản xuất, các cửa hàng dịch vụ cùng nhắm tới là làm thế nào để 66 triệu dân Pháp tự tin trở lại, lôi kéo được một phần trong số 55 tỷ euro tiền tiết kiệm mà người dân ủy thác trong ngân hàng hai tháng vừa qua trở lại các trung tâm thương mại, hiệu ăn, các khu du lịch…

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.