Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11:

Nữ giáo viên "cắm bản" nơi rốn lũ đi qua

Thứ Ba, 20/11/2018, 14:15
Con dốc dựng ngược lên đỉnh trời, mây vờn quanh ngọn cây, người mẹ trẻ địu con gái nhỏ vừa tròn 10 tháng, quanh người quấn mấy bọc túi vải, vạch cây rừng, lội qua khe suối, đôi chân dính đầy bùn đất nhấc những bước khó nhọc đi về phía trước. Đó là hình ảnh của cô giáo Hà Thị Hậu (Trường tiểu học Thành Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) trên đường đi "cắm bản".


Bản Bước cách trung tâm xã Thành Sơn 12km đường rừng, bị chia cắt bởi lũ dữ, muốn vào bản chỉ có cách đi bộ. Không điện lưới, không sóng điện thoại, "cắm bản" ở nơi heo hút lưng chừng mây ở đây là 3 nữ giáo viên.

Cõng con gieo chữ giữa lưng chừng trời

Tôi có cơ hội được gặp cô giáo Hà Thị Hậu trước ngày Hậu lên đường vào bản Bước dạy học. Một cô giáo trẻ, say nghề, gia đình ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) xin về dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Thành Sơn mới tròn một năm. Theo lời thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Sơn Trần Văn Tình thì sau trận lũ lịch sử, bản Bước và nhiều bản khác bị cô lập. 

Để các em không bị gián đoạn việc học, nhà trường phát động các thầy cô giáo đi cắm bản. Hai cô giáo là Hà Thị Hậu và Cao Thị Thu xung phong vào dạy tại bản Bước. Ngày Hậu lên đường vào bản Bước là sau khai giảng năm học mới, khi Quan Hóa còn ngổn ngang sau lũ. 

Tâm sự với tôi, Hậu nói rằng, mình chưa tới bản Bước bao giờ, chỉ nghe nói đó là bản xa nhất của xã Thành Sơn, cách trung tâm xã 12km đường rừng. Mỗi khi mưa, người dân không dám qua lại bởi đường sạt lở, nguy hiểm trập trùng. Bản ở tận trên núi cao, ít dân sinh sống nên không được đầu tư, đến nay chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại. "Ngày mai em và Thu đi thăm dò trước xem đường đã vào được bản chưa" - Hậu chia sẻ.

Cô giáo Hà Thị Hậu hướng dẫn học trò ở điểm trường bản Bước làm bài tập.

Đó là chuyến đi đầy bão táp với 2 cô giáo trẻ. Đường bị sạt lở lầy lội nghiêm trọng sau lũ. Bùn đến gần bắp chân, một bên vực sâu thăm thẳm, gùi túi hàng khô nặng trĩu trên vai, vượt qua bao con dốc, bao quả đồi, hai cô giáo đi bộ hơn nửa ngày mới tới nơi. 

Nằm trong một thung lũng, bản Bước hiện lên với những mái nhà lụp xụp, cây cối bị lũ tàn phá trơ trọi, chỉ còn màu đất đỏ. Từ xa thấy điểm trường mầm non và tiểu học bản Bước, gạt mồ hôi, họ nở nụ cười nhìn ngôi trường cũ kỹ trước mặt.

Quyết định xung phong đi bản Bước dạy học đối với Hậu là một thử thách lớn, bởi Hậu còn một con gái nhỏ chưa cai sữa mẹ. Chính vì vậy, ngày hôm sau, Hậu lại quay trở về để đón cô con gái nhỏ 10 tháng tuổi và mẹ chồng vào theo. Thường ngày ở Trường tiểu học Thành Sơn, Hậu đều đi về hơn 30km để cho con bú, nếu vào bản Bước mà phải cai sữa sớm cho con, lòng người mẹ không nỡ. Hậu đem nguyện vọng này đề đạt với gia đình và không ngờ, ngoài sự ủng hộ của chồng, cô còn nhận được sự đồng thuận của mẹ chồng. 

Bà năm nay gần 60 tuổi, không chỉ chấp nhận cho con dâu mang cháu đi xa dạy học mà còn đồng hành cùng con dâu vào bản Bước trông cháu cho con dâu có thời gian yên tâm giảng dạy. Nếu nơi dạy học của Hậu ở ngoài xã hay bản gần đường đi thì là một lẽ, đằng này lại ở một nơi hẻo lánh, phải đi bộ, không điện, không điện thoại, nhỡ cháu nhỏ đau ốm thì phải làm sao… 

Lo lắng nặng trĩu nhưng được sự động viên của chồng và sự ủng hộ của cả gia đình, vì sự nghiệp trồng người cho những học sinh ở trong rừng sâu, Hậu đã quyết tâm cõng con gieo chữ tại nơi đây.

Điểm trường mầm non- tiểu học bản Bước.

Vượt qua muôn trùng thử thách

Ba tháng trôi qua, hai cô giáo Hà Thị Hậu và Cao Thị Thu đã vượt muôn trùng thử thách để gieo chữ trên đỉnh trời. Với họ, mỗi lần lên lớp là mỗi lần họ vượt gian nan, chịu đựng gian khổ và thiếu thốn đủ bề để truyền niềm đam mê hiếu học cho trẻ em nơi đây. Điện thoại của họ luôn trong trạng thái tắt máy, muốn liên lạc đều phải nhờ dân bản ra ngoài truyền tin. 

Sát ngày 20-11, tôi mới liên lạc được với cô giáo Cao Thị Thu khi cô từ bản về nhà người thân ở xã. Thu sinh năm 1995, nhà ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, cô xin về giảng dạy hợp đồng tại Trường tiểu học Thành Sơn. Hơn một năm gắn bó với học sinh vùng cao Quan Hóa, năm học 2018-2019 vì muốn mang cái chữ lên cho các em nhỏ bị chia cắt trong lũ, Thu tình nguyện đi "cắm bản".

Thu kể rằng, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý vững vừng, vẫn biết nơi mình đến điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng những ngày đầu sống trong cảnh không có điện đã khiến hai cô giáo trẻ không dễ dàng thích ứng. Ngoài nấu ăn bằng bếp củi, mỗi ngày dạy học, họ phải ra bờ suối cách xa nhà gùi nước về dùng. Rồi rau xanh, thực phẩm tươi không có, vì ở bản không có chợ. Mỗi chuyến ra ngoài Thu lại đem theo mì tôm, vừng, lạc, cá khô vào ăn dần. 

Thỉnh thoảng có người đưa thực phẩm vào bản bán nhưng đồ ăn đắt đỏ, chủ yếu là thịt lợn, không có tôm, cá. Những ngày mưa, đường sạt lở, người mang hàng không đi được, hai cô giáo chỉ ăn đồ khô tạm qua ngày. Mỗi lần vào thăm vợ, chồng cô giáo Hậu thường mang theo giống rau xanh vào trồng. 

Ở vùng núi, bóng tối đổ sập xuống rất nhanh. Không gian tĩnh lặng đến buồn bã. Gian nhà tập thể của giáo viên cách xa nhà dân tới vài trăm mét. "Cũng may có cháu bé và mẹ chồng của chị Hậu nên chúng em đã thành một gia đình. Cháu bé đang tập nói, tập đi, nhà có thêm tiếng trẻ bi bô nên cũng đỡ buồn" - Thu trải lòng.

Bản Bước với hơn 50 hộ dân sinh sống, có một điểm trường mầm non - tiểu học với 29 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và 30 trẻ mầm non. Lớp mầm non cũng có một cô giáo nhà ở trung tâm xã Thành Sơn vào cắm bản. 

Chồng cô giáo Hậu làm nghề kinh doanh điện thoại ở huyện Mai Châu (Hòa Bình), nhưng cứ ngày cuối tuần là lại mang theo lỉnh kỉnh thực phẩm và sữa đi bộ vào bản Bước thăm mẹ, thăm vợ con. Hậu kể, con nhỏ trừ những ngày đầu quấy khóc do chưa quen với cảnh không điện, giờ cháu đã thích nghi dần với cuộc sống. "Chắc con thương mẹ, thương bà nên ít ốm" - Hậu cười cho biết.

Cô giáo Cao Thị Thu trên đường vào bản Bước và tại lớp học ở điểm trường.

Truyền lửa hiếu học cho trẻ em vùng cao

Những ngày này, nhiều hoạt động mít tinh, kỷ niệm và tôn vinh Ngày Nhà giáo diễn ra trên cả nước. Những bó hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa của học sinh, của phụ huynh dành tặng cho thầy cô. Nhưng ở rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, còn có hàng nghìn giáo viên không có ngày 20-11. Đây là câu chuyện thật đắng lòng bởi các thầy cô còn ở tận trong rừng sâu dạy học, không được mặc lên mình những bộ áo dài thướt tha đi dự lễ kỷ niệm, càng không có hoa, không có quà tặng. 

Với những đứa trẻ ở Bản Bước, chúng không biết đến ngày 20-11, phụ huynh ở đây cũng không hiểu ý nghĩa của ngày này, nên 3 cô giáo ở cả hai cấp học tại điểm trường chỉ lặng lẽ cảm nhận ngày thiêng liêng trong trái tim. 20-11 của họ không hoa, không lời chúc nhưng họ vẫn vui vẻ hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh hoàn cảnh, địa lý để đem con chữ lên vùng cao. 

Thầy Trần Văn Tình không giấu được niềm tự hào cho chúng tôi biết, sau lũ, nhà trường có 7 giáo viên đi "cắm bản". Chia sẻ với khó khăn của các thầy cô giáo, sát ngày 20-11 Ban giám hiệu nhà trường đã đến các điểm trường có giáo viên "cắm bản" để thăm hỏi, động viên các thầy cô. 

Thầy Tình kể, đường vào bản Bước khó đi như thế, một bên vực sâu thăm thẳm, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, nhưng các cô đều yêu nghề, đều nhiệt huyết với học sinh. Đây là niềm tự hào của nhà trường khi có những thầy cô giáo hết mình cho sự nghiệp trồng người.  

Vợ chồng cô giáo Hậu vượt rừng vào bản Bước.

Lương giáo viên hợp đồng của cô giáo Hậu và Thu chỉ hơn 6 triệu một người/tháng. Gian nan, thử thách là thế nhưng khi tôi hỏi, cả Thu và Hậu đều vui vẻ nói rằng, họ yêu học sinh nơi đây, họ dạy học tới khi nào nhà trường cho về thì mới thôi. Từ ngày có cô giáo cắm bản, học sinh và dân bản Bước vui lắm. 

Nghe cô giáo kể, các con đều siêng học, đi học đầy đủ, ngày nào cũng 6h30 sáng đã tới lớp (kể cả ngày mưa), tan học vẫn chưa chịu về, ở lại chơi với cô giáo đến muộn khiến tôi thật sự xúc động. Bởi có những người "lái đò" như các cô, học sinh ở nơi xa xôi heo hút mới biết đến cái chữ, mới yêu thích đến trường, mới ham học hỏi. Sự hy sinh của họ, của gia đình họ đáng trân trọng biết bao.

Trần Hằng
.
.
.