Nữ cựu chiến binh và hành trình hơn 20 năm đi tìm đồng đội
1.Là con thứ hai trong gia đình nông dân nghèo có sáu chị em gái ở xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa, 16 tuổi Hồ Thị Nhân đã được người chú ruột hướng dẫn rải truyền đơn phản chiến.
Hai năm sau, Hồ Thị Nhân thoát ly lên chiến khu ghi danh vào đội du kích xã Hòa Xuân, đầu năm 1972 được điều về đại đội pháo binh 167 Tỉnh đội Phú Yên. Thời gian đầu đóng quân ở Suối Ché, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, Nhân được huấn luyện sử dụng súng cối và trở thành nữ pháo thủ số 1, Trung đội cối 82mm. Cuối tháng 4-1972, đơn vị hành quân xuống làng Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa rồi lần lượt chiến đấu nhiều nơi ở Phú Yên với vai trò khẩu đội trưởng.
Nữ cựu binh Hồ Thị Nhân trong một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Trận đánh đầu tiên trong đêm 12-4-1972, chị Nhân chỉ huy khẩu đội bắn đạn cối vào căn cứ Hòn Bứa ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân tiêu diệt 16 lính địch, phá hủy 1 xe GMC, 1 khẩu cối 81mm.
Địch huy động máy bay phản kích bằng những loạt đạn rốc két, nhưng khẩu đội nữ kịp thời chuyển sang Dốc Ván, xã Xuân Long triển khai đội hình chiến đấu, tiêu diệt thêm 14 lính địch, trong đó có 4 lính Nam Triều Tiên…
Trong vòng 6 năm kể từ khi thành lập (1969-1975), trung đội nữ súng cối 82mm đã tham gia 251 trận đánh. Năm 2010 Trung đội nữ cối 82mm, đại đội 167 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đất nước thống nhất, Thượng sĩ Hồ Thị Nhân đi học bổ túc văn hóa rồi làm Trung đội trưởng Huấn luyện quân sự ở Đại đội 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên. Tháng 3-1977 chị Nhân chuyển ngành về Trường trung học nghiệp vụ thủy lợi 2 ở thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa lúc bấy giờ.
Đến giữa năm 1985, do yêu cầu đổi mới hệ thống trường trung học chuyên nghiệp, Bộ Thủy lợi quyết định chuyển Trường trung học nghiệp vụ thủy lợi 2 về TP Hội An, tỉnh Quảng Nam để hợp nhất với Trường trung học Kỹ thuật thủy lợi 2 thành Trường trung học thủy lợi 2, nên chị Nhân chuyển đến Trường Bổ túc công - nông Bắc Phú Khánh.
Khi tỉnh Phú Yên tái lập từ giữa năm 1989 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Phú Khánh, người nữ cựu binh năm xưa về Phòng Giáo dục huyện Tuy Hòa hơn ba năm thì xin nghỉ hưu khi đang ở độ tuổi 40 nhưng đã có gần 23 năm công tác và được quy đổi 26 năm do có 5 năm ở chiến khu.
Giữa năm 1996, chị Nhân làm nhân viên hợp đồng ủy nhiệm thu thuế công - thương thị trấn Phú Lâm gần 10 năm thì địa giới Phú Lâm chuyển giao cho TP Tuy Hòa còn huyện Tuy Hòa chia tách thành hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa, nên chị Nhân về huyện Đông Hòa làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Hòa Vinh thêm 6 năm nữa.
Phút dừng chân của nữ cựu binh Hồ Thị Nhân trên đường đi tìm đồng đội. |
2.Nhắc lại hành trình đi tìm đồng đội, chị Nhân kể rằng: "Năm 1996, khi tôi làm ủy nhiệm thu thuế thì bốn đứa con đã trưởng thành. Ký ức chiến tranh sống động hào hùng khiến cho tôi nhiều đêm trăn trở, day dứt khi nghĩ đến những đồng đội đã nằm lại chiến trường Tây Bắc Phú Yên.
Điều may mắn là chồng tôi từng là Chính trị viên Đại đội 17, Tiểu đoàn 189 Tỉnh đội Phú Yên năm xưa động viên, tôi quyết định dành dụm một phần lương hưu, trợ cấp thương binh và lương hợp đồng nhân viên ủy nhiệm thu thuế để làm lộ phí cho những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mà khởi đầu là chuyến đi về xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân tìm hài cốt người đồng đội cũ là anh Hồ Đức Bằng quê ở Thanh Hóa hy sinh trong trận đánh quyết tử với địch vào ngày 24-4-1972 ở Dốc Ván. Ba ngày sau, chị Trần Thị Liễu quê ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trút hơi thở cuối cùng sau khi bị thương nặng do trúng đạn pháo kích của địch".
Lần ấy, trở lại chiến trường xưa, chị Nhân khoác ba lô, vượt đồi, lội suối vào tận rừng sâu tìm lại dấu tích năm xưa, nhưng dòng thời gian cùng những biến đổi thời tiết và tác động của con người đã khiến cho cảnh quan đổi khác nên chị phải đi ba lần, tạm trú ở đó nhiều ngày để khảo sát địa hình, khoanh vùng dò tìm từng khu vực, tự vẽ lại sơ đồ hiện trạng, đánh dấu những điểm mốc cần thiết rồi dò hỏi nhiều người dân địa phương.
Đến lần thứ tư trở lại xã Xuân Long, chị Nhân lần lượt tìm thấy nơi chôn cất anh Bằng và chị Liễu. Sau đó hài cốt liệt sĩ Hồ Đức Bằng được người thân đưa về Thanh Hóa, hài cốt chị Trần Thị Liễu được cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Phú Yên.
Sau chuyến đi đó, chị Nhân tiếp tục lên địa bàn các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh lần lượt tìm kiếm đồng đội. Nơi này sạt lở, chỗ kia cây dại phủ dày, sông suối biến đổi dòng chảy nên mỗi chuyến đi đều như… mò kim đáy bể.
Thế nhưng chị vẫn lặng lẽ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng ký ức chiến tranh và nghĩa tình đồng đội. Nhiều chuyến đi bất thành, vết thương cũ tái phát và lắm khi cảm sốt, đau đầu, nhưng nữ cựu binh vẫn hướng tới những địa danh lịch sử đã từng chiến đấu.
15 năm làm công việc lặng lẽ ấy, chị đã tìm thêm được 19 phần mộ của đồng đội. Đó là các liệt sĩ Nguyễn Thị Cảnh, quê ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa; Ngô Thị Nhẹ, quê ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân; Hồ Đắc Dĩnh, quê ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; Nguyễn Xuất; Vũ Văn An, quê ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng; Nguyễn Văn Hường, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc; Phạm Đình Ất, quê ở tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Văn Bào, quê ở tỉnh Thanh Hòa; Nguyễn Văn Nhường; Bùi Huy Toán; Bùi Văn Mo; Bùi Xuân Trường; Lê Văn Mo, quê ở tỉnh Hòa Bình...
Tìm được phần mộ nào, chị liên hệ gia đình hoặc cơ quan phối hợp bốc hài cốt đưa về cải táng ở làng quê hay nghĩa trang liệt sĩ theo nguyện vọng của thân nhân. Chị Nhân tâm sự: "Mỗi lần tìm được phần mộ đồng đội tôi vui lắm, nhưng khi nhìn thấy những mẩu xương và kỷ vật còn lại, ký ức chiến tranh bùng cháy trong tâm tưởng khiến cho tôi không cầm được nước mắt".
Trong số những liệt sĩ nêu trên, trường hợp anh Bùi Xuân Trường hy sinh giữa trận đánh cứ điểm Cầu Cháy ngày 19-3-1975, được đồng đội chôn cất trong một khu đất ở xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa - nay là xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. Ba năm trời (1998-2001), chị Nhân về Cầu Cháy tìm kiếm nhiều lần nhưng bất thành.
Dò hỏi một số lão nông mới biết người dân tình cờ tìm thấy hài cốt anh Trường từ tháng 5-1982 và đã đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Phú Yên, nhưng do không rõ nhân thân nên trên bia mộ vô danh.
Đối chiếu thông tin có được, chị Nhân tìm gặp người quản trang xác định hài cốt liệt sĩ Bùi Xuân Trường cải táng tại phần mộ số 82 lô P, nhưng do một số trở ngại khách quan nên đến cuối tháng 9-2019 thân nhân liệt sĩ mới vào Phú Yên thăm viếng.
Chị Hồ Thị Nhân cùng người thân. |
3.Trong câu chuyện với tôi, chị Nhân bảo rằng giờ đây chị vẫn đau đáu một điều là chưa tìm được hài cốt hai đồng đội nghĩa tình năm xưa là Bùi Văn Chiểm, quê ở tỉnh Hòa Bình và Nguyễn Thị Thu, quê ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Họ đã hy lại sinh bên gộp đá Cây Xanh ở xã Hòa Định, quân Tuy Hòa - nay là xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa cuối tháng 1-1973. Đau đáu, bởi giờ đây sức khoẻ chị đã kém vì sau nhiều năm điều trị căn bệnh hẹp mạch vành tim, độc tố máu tăng cao, giữa năm nay chị Nhân phát hiện mắc bệnh ung thư trực tràng phải phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh, nhưng do tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp nên không thể hóa trị.
Căn nhà nhỏ đã bán đứt để chi phí điều trị nên chị Nhân phải về sinh sống, chăm nuôi người mẹ già Phan Thị Xây, 92 tuổi và cô em gái Hồ Thị Kim Đính, 45 tuổi, bị khuyết tật bẩm sinh với khoản trợ cấp của Nhà nước dành cho hai người chưa đến 680.000 đồng.