Nữ Cảnh sát trại giam: Cảm hóa phạm nhân bằng sự chân thành

Thứ Năm, 12/10/2017, 15:04
Trông xác chết, đưa phạm nhân đi sinh đẻ, cấp cứu người bị bệnh trọng giữa đêm... là những trải nghiệm không dễ quên đối với nhiều cán bộ nữ ở Trạo giam số 5, Tổng cục VIII, Bộ Công an. Dù "chân yếu tay mềm" nhưng họ làm tất cả những công việc của công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân, từ tham mưu, quản lí hồ sơ, quản giáo đến những việc nặng nhọc, đặc thù của đàn ông như trực trại, bảo vệ, trinh sát... Dù ở cương vị nào, các chị cũng vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Thức suốt đêm trông... người chết

Nhớ lại cái đêm ngồi canh xác phạm nhân chết do bệnh tật, Thiếu tá Đỗ Thị Huyền, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo phân trại số 4, Trại giam số 5 vẫn còn ám ảnh. Lúc đó, Huyền còn chưa có gia đình, được lãnh đạo phân công làm công tác trực trại. 

Khoảng 8-9h tối, một phạm nhân trở bệnh nặng. Chị này vốn sức khoẻ rất yếu, nhiều bệnh tật nên cứ cách vài hôm lại phải cấp cứu. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không cứu được. Khoảng 9h tối, phạm nhân tử vong. 

Theo quy định thì phạm nhân chết trong trại giam thì phải có hội đồng khám nghiệm pháp y để làm rõ nguyên nhân chết. Trong lúc đợi Hội đồng pháp y, thì cán bộ trực trại và cán bộ bảo vệ phải có nhiệm vụ trông coi xác chết, trong đó, cán bộ trực trại có nhiệm vụ chính, còn bảo vệ phải tuần tra, canh gác, đảm bảo an toàn trại giam. 

"Xác chết được phủ vải trắng toát từ đầu đến chân, nằm ở phòng y tế, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy sợ rồi. Nếu tôi cứ ở trên phòng trực thi thoảng chạy xuống cũng được nhưng lương tâm không cho mình làm như thế, bởi nếu đê íhọ nằm lạnh lẽo một mình ở đó, có thể chuột, hoặc mèo xâm hại đến thi thể họ. Chính vì vậy, dù theo quy định không được thắp hương nhưng chúng tôi vẫn làm bát cơm quả trứng và thắp hương cho phạm nhân ấy và ngồi suốt đêm bên cạnh, không dám chợp mắt chút nào" - Thiếu tá Đỗ Thị Huyền cho biết. 

Vượt qua nỗi sợ hãi ấy, chị Huyền như thấy mình trưởng thành thêm một bước, bởi mình đã vượt qua được chính bản thân mình.

So với chị em trong đơn vị thì Thiếu tá Đỗ Thị Huyền cũng trải qua hầu hết các công việc trong công tác của trại giam, từ bảo vệ, trực trại, quản lí bếp phạm nhân, quản giáo đến công tác quản lí là được bổ nhiệm chức vụ Phó Đội trưởng Đội Quản giáo. 

"Sợ nhất là lúc mới ra trường, tôi được phân công nhiệm vụ bảo vệ, phải tuần tra, canh gác ban đêm. Trại thì rộng, cây cổ thụ nhiều, lặng ngắt như tờ nhưng vẫn phải đi tuần tra. Đặc biệt những đêm mưa gió thì nỗi sợ tăng lên gấp bội và trách nhiệm cũng tăng theo, bởi phạm nhân thường lợi dụng để trốn nên không ai dám lơ là"- chị Huyền chia sẻ. 

Ngoài việc tuần tra đêm, thì cảnh sát bảo vệ ban ngày khi phạm nhân lao động cũng phải giãi nắng, dầm mưa ngoài hiện trường, bởi chỉ sơ sẩy một chút, thì hậu quả sẽ rất lớn.

Thiếu tá Đỗ Thị Huyền và Đại uý Nguyễn Thị Phúc hướng dẫn phạm nhân lao động.

Công tác trực trại cũng đem lại cho Thiếu tá Đỗ Thị Huyền và đồng đội không ít kỷ niệm. So với bảo vệ, trực trại cũng vất vả và trách nhiệm không kém nhưng thời gian làm việc lại vất vả gấp nhiều lần, bởi bảo vệ chỉ gác theo ca, nhưng trực trại thì gần như 24/24 giờ phải ở trại. 

Theo quy định thì buổi sáng, cán bộ trực trại phải điểm buồng phạm nhân (điểm danh các phạm nhân), khi đến giờ lao động (6h sáng đối với mùa hè, 6h30 mùa đông) cho họ xuất trại đi lao động, bàn giao cho cán bộ quản giáo; phạm nhân nào ốm đau, mệt nhọc thì cho họ đi khám ốm, phạm nhân nằm viện phải phối hợp trông nom. 

Đến giờ nghỉ trưa (10h hoặc 10h30 theo mùa) nhận bàn giao phạm nhân từ cán bộ quản giáo, điểm danh phạm nhân. Khi phạm nhân ăn uống, sinh hoạt xong, lại điểm buồng, kiểm tra các phòng giam. 

Buổi chiều, quy trình diễn ra tương tự như vậy. Đến hết giờ làm, nhận phạm nhân từ quản giáo xong, đợi họ ăn uống, sinh hoạt, 18h30 bắt đầu điểm buồng, rồi cộng sổ, đủ phạm nhân mới có thể tranh thủ về nhà tắm giặt, cơm nước, con cái.

Với hàng trăm phạm nhân, thì việc ốm đau đột xuất, hay tranh cãi nhau dường như là "chuyện thường ngày ở huyện". Chính điều này đã gây áp lực lớn đối với cán bộ. Như chị Phạm Thị Niên, (31 tuổi), quê ở Gia Viễn, Ninh Bình, phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, án 7 năm 6 tháng, hiện đang thi hành án ở phân trại số 4. 

Chị Niên bịtim và hen cấp nên thường xuyên phải cấp cứu, nhất là những đêm trái gió, trở trời. "Có hôm, tôi vừa điểm buồng xong, đang cộng sổ số lượng phạm nhân thì phát hiện chị Niên trợn mắt, sùi bọt mép, người co quắp. Lập tức tôi vừa gọi cán bộ y tế và dìu chị Niên xuống buồng y tế để cho thở ô xy. 

Sau khi cán bộ y tế thăm khám, điều trị, sức khoẻ chị Niên ổn định nên cho về phòng. Tuy nhiên, ở phòng giam đông người nên chỉ một lúc sau chị ấy lại lên cơn khó thở, co giật, lại dìu lên phòng cấp cứu. Cứ như thế, có đêm vài ba lần nên không được chợp mắt chút nào" - Thiếu tá Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Ngày đi làm, đêm tranh thủ tìm thầy chữa bệnh

Cũng từng trải qua nhiều lĩnh vực công tác như các đồng đội khác ở đơn vị, Đại uý Nguyễn Thị Phúc, quản giáo Đội 22 thuộc lòng hoàn cảnh từng phạm nhân trong Đội của mình. Bởi ngoài phần lí lịch trích ngang của từng phạm nhân, chị thường xuyên gặp gỡ, động viên họ. 

Trong sổ công tác giáo dục riêng phạm nhân, Đại uý Nguyễn Thị Phúc nắn nót ghi lại những cuộc gặp gỡ, chuyện trò riêng đối với từng phạm nhân trong đội. Nhìn những dòng chữ đầy đặn, rõ ràng do chị Phúc viết, cũng phần nào nói lên tính cách cẩn thận, trách nhiệm của nữ quản giáo này. Việc giáo dục riêng đối với phạm nhân là công việc thường xuyên của một cán bộ quản giáo với nhiệm vụ nắm tình hình tâm lí, giáo dục, động viên phạm nhân cải tạo tốt. 

"Sống mấy chục phạm nhân một phòng, 2 người ngủ một giường không tránh khỏi có sự va chạm. Đôi khi chỉ là chuyện nói mơ giữa đêm khuya làm ảnh hưởng đến người bên cạnh cũng trở thành nguyên nhân của xích mích. Nếu cán bộ không phát hiện kịp thời, hoá giải mâu thuẫn, có thể xảy ra va chạm, đánh cãi nhau" - chị Phúc cho biết. 

Như trường hợp của phạm nhân Nguyễn Thanh Tuyền, 34 tuổi, ở Đồng Hỷ Thái Nguyên với phạm nhân Đỗ Thị Minh Tâm, ở cùng phòng. Do đêm chị Tâm sợ nên kêu to khiến Tuyền bị mất ngủ, khó chịu nên bực tức nói chị Tâm, thế là hai bên lời qua tiếng lại. Biết tình hình như vậy, hôm sau Đại uý Nguyễn Thị Phúc gặp riêng chị Tuyền, nhắc nhở, phân tích đúng sai. 

Nghe ra, Nguyễn Thanh Tuyền như cởi tấm lòng, nói rằng: "Thật sự lúc nóng lên tôi cũng không nghĩ gì, nhưng nghe cán bộ phân tích, tôi đã hiểu rằng nếu chỉ vì những bức xúc lặt vặt mà gây sự, bản thân mình cũng không vui vẻ gì, người khác cũng vậy. Mà nói qua nói lại nếu thiếu kiềm chế biết đâu lại thành xô xát, bị kỷ luật sẽ ảnh hưởng đến việc cải tạo của mình. Từ đó, tôi tự điều chỉnh bản thân, chị em có điều gì không phải thì nhắc nhở nhau, bản thân mình cũng vui vẻ, mà chị em khác trong phòng cũng vậy".

Thiếu tá Đỗ Thị Huyền, Phó đội trưởng Đội Quản giáo kiểm tra sổ giáo dục riêng phạm nhân của Đại uý Nguyễn Thị Phúc.

So với các cán bộ khác, hoàn cảnh của Đại uý Nguyễn Thị Phúc khá đặc biệt hơn bởi hai vợ chồng lấy nhau nhiều năm mới có con. Cũng vì hiếm muộn nên ai mách thầy nào có thể chữa được bệnh, hai vợ chồng cũng cố gắng tìm đến. 

"Cũng không dám phiền mọi người vì công việc ai cũng vất vả, nên hôm nào không phải trực, thì cứ hết giờ làm hai vợ chồng lại tranh thủ đèo nhau xe máy vượt 50km về TP Thanh Hoá để chữa bệnh" - chị Phúc cho biết. 

Sau gần 5 năm nỗ lực, vợ chồng Phúc đã có một cô con gái xinh xắn, năm nay 4 tuổi. Cô con gái như là sự bù đắp cho mọi vất vả, gian nan mà bố mẹ phải vượt qua, bởi đối với chị Phúc và các CBCS ở Trại 5 thì việc cố gắng giúp đỡ các phạm nhân không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là tình giữa những con người với nhau, nhất là đối với những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không có người thăm nuôi.

Như trường hợp chị Hoàng Thị Yến, (44 tuổi), ở Nghệ An phạm tội giết người, cướp tài sản bị kết án chung thân. Do nạn nhân trong vụ án là người thân trong gia đình (chị dâu Yến), nhà lại xa xôi, kinh tế khó khăn nên mỗi năm, gia đình Yến mới đến thăm một lần nên phạm nhân này sống rất khép kín không muốn giao tiếp với ai. 

Biết hoàn cảnh Yến như vậy, Đại uý Nguyễn Thị Phúc thường xuyên gặp gỡ, động viên, đồng thời giúp đỡ phạm nhân này. Hiểu được tấm lòng của cán bộ quản giáo, Hoàng Thị Yến đã thường xuyên cải tạo khá, tốt. 

Nhờ đó, Yến được giảm án xuống 30 năm. Hay như trường hợp Hoàng Thị Hoa, quê ở Quế Phong, Nghệ An, bị kết án 25 năm 3 tháng về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Chị Hoa là người dân tộc thiểu số, hiểu biết hạn chế, hoàn cảnh gia đình xa, khó khăn nên hầu như không có người thăm nuôi. 

Chính vì vậy, ngoài việc đề nghị Trại hỗ trợ, tặng quà nhân các dịp lễ tết, Đại uý Nguyễn Thị Phúc cũng thường xuyên giúp đỡ chị Hoa những vật dụng cá nhân. Chỉ đơn giản như khăn mặt, băng vệ sinh, hay ít mỳ tôm ăn thêm nhưng đã khiến chị Hoa cảm động, cải tạo tốt để được giảm án, trở về.

Không chỉ thế, các cán bộ nữ ở Trại giam số 5 còn là những người bạn, người chị, thậm chí là bà mẹ "bất đắc dĩ" bởi ở Trại thường xuyên có phạm nhân nữ có thai từ khi ở ngoài nhưng do phạm tội nhiều lần hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên vẫn phải thi hành án. 

Khi những phạm nhân này trở dạ, các chị là những người thân đưa họ đến bệnh viện sinh đẻ, giúp đỡ họ những vật dụng cần thiết, thậm chí ngồi cả đêm chăm sóc em bé, bởi phạm nhân còn yếu chưa tự chăm con được. 

Dù công việc gian nan, vất  vả, nhưng trên hết, là những người phụ nữ, các chị luôn dùng tình cảm và sự chân tình để cảm hoá những người từng lầm lỗi. Bởi các chị hiểu, chỉ có tình cảm thật sự mới giúp phạm nhân vượt qua sai lầm đã gây ra.

Phương Thuỷ - Xuân Mai
.
.
.