Nơi ươm mầm thiện cho những thiếu niên lầm lỡ

Thứ Hai, 31/07/2017, 07:10
Chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục học viên là những đứa trẻ hư, phạm pháp khi đang còn ở độ tuổi vị thành niên, những thầy cô đặc biệt ở Trường Giáo dưỡng số 4 (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã vượt qua muôn ngàn gian khổ để "gieo mầm" thiện cho các em.


Bằng tình yêu thương và lòng nhân ái, những cán bộ chiến sĩ ở đây đã giúp những học viên cá biệt được cải biến, trở thành những người có suy nghĩ tích cực, với một tâm hồn mới và những hành động đúng đắn...

"Ngôi trường này như gia đình của em"

Trường Giáo dưỡng số 4 trực thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) - Bộ Công an, tiền thân là Trường phổ thông Công nông nghiệp Xuân An được thành lập ngày 28-6-1977 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Trường đóng trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; năm 1996 được đổi tên thành Trường Giáo dưỡng số 4 cho đến nay.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng Cục trưởng Tổng cục VIII trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Ban giám hiệu Trường Giáo dưỡng số 4 vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.

Nhà trường có nhiệm vụ tiếp nhận, tổ chức quản lý, giáo dục người chưa thành niên có quyết định đưa vào Trường Giáo dưỡng và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng… nhằm giúp đỡ cho các em có cơ hội sửa chữa, rèn luyện, phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần, trí tuệ, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Tại đây, mỗi đứa trẻ một hoàn cảnh, đã từng bị cho là "bất trị", nhưng sau một thời gian học tập, rèn luyện tại trường, chúng đã dần được cảm hóa, thay đổi theo chiều hướng tích cực, biết suy nghĩ và hành động đúng.

Khi chỉ mới 15 tuổi, P.T.H (SN 2000, quê Cần Thơ) đã trở thành một "chân rết" đi giao ma túy cho một số đối tượng mua bán ma túy cộm cán. Khi bị Công an bắt giữ, do chưa đủ 16 tuổi nên H. bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 cải tạo 2 năm.

Kể lại hoàn cảnh và quãng tuổi thơ "dữ dội" của mình, H. cho biết khi em lên 4 tuổi, người mẹ của H. đã bỏ nhà ra đi, để lại anh em H. cho người cha nuôi dưỡng. Sống thiếu mẹ, dù được cha yêu thương, nhưng H. luôn có cảm giác mặc cảm rồi bỏ học đi lang thang cùng đám bạn xấu. Đáng buồn là sau đó H. rơi vào tình trạng nghiện game online…

Đến năm 2015, thấy đám bạn hư hỏng đi giao "hàng" cho các đối tượng bán ma túy để có tiền tiêu xài rủng rỉnh, H. đã xin đi theo học hỏi. Từ đó, H. trở thành "chân rết" đi giao ma túy cho một số đối tượng mua bán ma túy cộm cán.

Sau khi bị bắt và đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 cải tạo, trải qua 1 năm trong trường, H. hiểu biết nhiều về pháp luật và khao khát được về nhà để kiếm tiền phụ giúp cha nuôi em.

Một trường hợp khác là em T.L (SN 2000, quê Bình Dương). L. được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 vì hành vi trộm cắp tài sản cùng đám bạn xấu sống lang thang. Qua một thời gian được ăn học trong ngôi trường này, L. đã thay đổi gần như hoàn toàn và trở thành một thợ đan ghế thành thục.

"Từ nhỏ em không biết cha mình là ai, mẹ em thì đi làm công nhân cả ngày, em ở nhà không biết chơi với ai nên cuối cùng cứ theo đám bạn hư hỏng chơi bời.…", L. nói về mình.

Dù lúc đầu khá ngại ngần khi kể về thời gian đáng quên của mình, nhưng rồi L. cũng bộc bạch rằng chính thời gian theo đám bạn xấu chơi bời, L. đã sớm bỏ học (từ năm lớp 7) rồi sống lang bạt với đám bạn này. Và khi L. tham gia cùng nhóm bạn đi trộm cắp tài sản đã bị bắt giữ.

Một số hình ảnh dạy và học ở Trường Giáo dưỡng số 4.

Sau đó dù đã bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 4 nhưng lúc đầu vẫn còn tính ngang bướng và quen với lối sống lang thang, L. đã tỏ thái độ chống đối, gây hấn với những học viên khác. Được sự động viên, cảm hóa, giáo dục của các thầy cô trong trường, cậu bé "số má" đã dần thay đổi theo chiều hướng tốt, chú tâm học tập, lao động với mong muốn sớm được trở về sống với người mẹ của mình.

Ngoài những trường hợp học viên cá biệt kể trên, ở ngôi trường đặc biệt này còn khá nhiều hoàn cảnh đáng nói khác. Tựu chung, đa số các em đều thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc của cha mẹ, người thân, nghe lời dụ dỗ, lôi kéo của bạn xấu vào con đường vi phạm pháp luật; quen với lối sống buông thả, tự do vô kỷ luật, nên nhiều em sớm sa vào tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc...

Cảm hóa bằng tình thương và trách nhiệm

Đứng trước những trở ngại, thách thức là các cô cậu học trò cá biệt với những thói hư tật xấu, Ban giám hiệu và các thầy cô là những cán bộ chiến sĩ của trường đã luôn cố gắng bằng tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương trẻ, quyết tâm cải tạo, giáo dục để giúp cho các em trở thành những công dân tốt về sau.

Học sinh vào trường học được bố trí, sắp xếp hợp lý theo lứa tuổi, sức khỏe, tính chất và mức độ vi phạm. Bên cạnh việc phải tuân thủ giờ giấc, nếp sống kỷ luật, nhằm định hướng cho các em sinh hoạt có nề nếp, tránh xa lối sống buông thả, các giáo viên của trường đã dùng tình cảm yêu thương và trách nhiệm để cảm hóa những tâm hồn non dại.

Theo Đại tá Nguyễn Thọ Hải, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 4, trước đây trường luôn có số lượng học sinh trên 1 ngàn em, có thời điểm cao nhất nhà trường quản lý trên 1.500 em, nhưng sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014, số lượng học sinh ở trường giảm mạnh và đến nay chỉ còn gần 70 em.

Tuy số lượng học sinh ít, nhưng tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật của các em ngày càng đa dạng và phức tạp. Học sinh chủ yếu là thành phần đã bỏ học, học lực kém, nhiều em chưa biết chữ, nên nhà trường đã sớm áp dụng chương trình xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và chương trình bổ túc trung học cơ sở nhằm giúp học sinh vừa có đầy đủ kiến thức phổ thông, vừa rút ngắn thời gian để nâng cao trình độ, kiến thức văn hóa.

Ngoài kiến thức văn hóa thì chương trình giáo dục về sức khỏe sinh sản, giới tính và kỹ năng sống… đã được trường đưa vào đào tạo cụ thể trong các tiết học chính. Bên cạnh đó, một số em còn được tư vấn về tâm lý, pháp luật và những khúc mắc trong cuộc sống…

Qua đó giúp các em tự nhận thức rõ hơn về bản thân, tạo chuyển biến về nhận thức trong học tập, rèn luyện, trang bị kỹ năng trong cuộc sống sau khi ra trường. 

Song song với việc học tập văn hóa, các em còn được làm quen và tham gia lao động. Nhà trường đã căn cứ vào tính chất, trình độ, sức khỏe của từng học sinh để bố trí vào những công việc cho phù hợp như: đan lát, dán giấy bạc, gấp bao bì, trồng trọt và chăn nuôi… nhằm giáo dục các em biết yêu lao động, yêu quý, trân trọng thành quả lao động của mình làm ra.

Đồng thời, nhà trường còn mở các lớp học nghề như sửa chữa xe máy; hàn tiện; hớt, uốn sấy tóc; may mặc; sửa chữa điện dân dụng… để sau khi ra trường các em có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. 

Đại tá Nguyễn Thọ Hải cho biết, nhằm giúp khơi gợi tình cảm và khiến các em mạnh dạn trải lòng mình, nhiều năm nay nhà trường đã duy trì chương trình viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" được đông đảo các em học sinh tham gia. Nhiều lá thư của các em đã gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến người bị hại, đến chính quyền địa phương và gia đình của mình, sự ân hận và mong nhận được sự bao dung, tha thứ cho những lỗi lầm mình đã gây ra… Chính những điều này đã tác động lớn đến nhận thức, tư tưởng, hành động và sự hối hận của các em, giúp các em vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Trong 40 năm qua, bằng lòng nhân ái, bao dung của người thầy, người cha, người mẹ, các thầy, cô giáo đã quản lý, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng gần 20 ngàn học sinh. Đa số học sinh ra trường đã trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, nhiều em đã trưởng thành, trở thành những doanh nhân, nhà quản lý giỏi, tham gia hoạt động trong các tổ chức xã hội...

Ghi nhận những thành tích của trường, đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" (năm 1985), tặng thưởng hai Huân chương Chiến công. Nhiều năm liền đơn vị đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng"…

Nhiều tập thể, cá nhân của trường đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước. Dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ánh xuân
.
.
.