Nơi mầm thiện phục sinh

Thứ Hai, 27/07/2015, 18:00
Trong những ngày nắng hạ cháy cỏ, chúng tôi gặp những phạm nhân đang thụ hình cải tạo ở Trại giam số 3 để nghe họ kể về hành trình khó nhọc tìm lại phần Người đã mất. Giữa chốn "rừng xanh, núi đỏ", một xã hội thu nhỏ giấu mình sau những bức tường kẽm gai cao vút, vẫn đang chuyển động từng ngày trên con đường hoàn lương, phục thiện.

Để những bị án mãn hạn tù trở về nhà với nét tử tế hiện ra trên mặt, những người thầy ở lại đã phải đổi bằng tuổi xuân với bao nhọc nhằn, khó khăn thiếu thốn trong đời sống riêng tư. Sự hy sinh lặng thầm của họ, chỉ… phạm nhân hiểu. Bởi thế, khi nghe Nguyễn Hữu Vinh (vốn là Thạc sỹ văn chương, đang chấp hành án trong trại) nói: "Ra tù, tôi sẽ viết cái gì đó thật xúc động về những người thầy nơi đây", thì tôi tin điều ấy từ những rung cảm chân thành trong tâm hồn những người tù chốn này.

Nỗi lòng… phạm nhân

Năm ngoái, được mời dự một buổi liên hoan kỷ niệm ngày ra trại của các "cựu phạm", tôi đã rất bất ngờ khi thấy họ gọi "khóa" ở tù của mình là "lớp", và những cán bộ quản giáo có mặt hôm ấy được tất cả cung kính gọi bằng chữ "thầy". Không khí buổi tiệc ấy  diễn ra giống như bao cuộc tụ hội giữa những người bạn đồng học. Họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, dặn dò nhau chú ý giữ gìn để sống cho tốt. Đám "học trò" đặc biệt ngày nào cũng xúm lại hỏi han, rồi động viên "thầy" cũ gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống riêng tư, để tiếp tục… ở lại trại công tác cho tốt!

Thiếu tá Hoàng Công Thành (Trưởng phân trại số 1).

Trước khi lên đường vào thăm Trại giam số 3 (thuộc Tổng cục 8 - Bộ Công an), Hòa (một cựu tù của trại này, hiện là giám đốc doanh nghiệp, thường xuyên tài trợ cho các chương trình thiện nguyện) đã kể với tôi thật "ngộ": "Canh tù và bị tù canh - bọn em vào trại thì còn có ngày ra, chứ các thầy quản giáo thì… chung thân ở đấy, vì thằng này ra, lại có thằng khác vào. Ngày tháng ở tù là lúc mạt vận, khốn nạn nhất trong đời một con người, nên những ân tình khi ấy, đến chết cũng không thể quên! Để bọn em từng bước vượt qua tâm lý mặc cảm và có niềm tin vào ngày trở về, các thầy đã phải làm rất nhiều việc. Những việc làm ấy, đôi khi rất giản dị, nhưng kiên trì bền bỉ, khiến bọn em xúc động để rồi bắt đầu những lục vấn lương tâm. Nhiều thầy được bọn em ghi ơn, coi như người cha, người anh của mình. Bởi nhờ có họ mà chúng em tìm lại mình, từ đó bật lên những khát khao thay đổi để làm lại những thứ đã mất…".

Mang theo tâm sự của Hòa, trong những ngày gió Lào lùa cái oi khô tới bật chảy máu cam xuống khắp dải miền Trung, chúng tôi đã đội nắng tìm đến nơi Trại giam số 3 đóng quân. Ở giữa vùng đồi núi cách TP Vinh hơn 100km, trên diện tích khoảng 700 hécta thuộc địa bàn xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), Trại như một ốc đảo chứa đựng trong nó một xã hội thu nhỏ, với những cuộc vận động không ngừng nghỉ trong thế giới nội tâm những con người nơi đây. 

Trong chiếc cặp ba dây lưu trữ tài liệu của Thiếu tá Hoàng Công Thành (Trưởng phân trại số 1), tôi thấy có một chồng thư viết tay khá nắn nót bằng bút mực được anh nâng niu, tôi tò mò xin xem thử. Thì ra đó là những lời tâm sự với "thầy" của những người đã mãn hạn tù. 

Trong thư của anh Vũ Văn Đạt có đoạn viết:  "…Một lần nữa em cảm ơn Thầy nhiều lắm… Thầy có một trái tim nhân hậu, đã nhận ra trong góc khuất con người phạm nhân chúng em có những nhân tố tốt đẹp để gạn đục khơi trong. Cách làm việc của Thầy thấu tình nhưng đạt lý, để rồi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa khát vọng hoàn lương trong em, trong rất, rất nhiều phạm nhân đang cải tạo ở Trại giam số 3 này... Cảm ơn Ban Giám thị và hội đồng cán bộ đã cho chúng em, những phạm nhân cải tạo ở đây có một môi trường thực sự bình yên. Các thầy không quản ngại khó khăn, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để giúp những con người lầm lỗi chúng em trở thành người lương thiện…". 

Cùng mạch cảm xúc ấy, phạm nhân được đặc xá Nguyễn Văn Minh đã viết trong lá thư đề ngày 5/4/2013: "…Thầy là người đáng kính nhất, sau này và mãi mãi. Thầy đã cho trò những lời thấm đẫm tình người, cứu sống trò trong lúc tuyệt vọng nhất, mang lại ánh dương cho những người lầm lỡ… Với trò, Thầy là người đã sinh ra trò lần thứ hai, Thầy là người anh, người cha.

Và tâm sự của quản giáo

Đại tá Bùi Minh Châu (Phó Giám thị Trại giam số 3) kể rằng, mỗi lúc nghĩ về vợ con, trong ông vẫn nguyên cảm giác áy náy, không biết khi nào mới bù đắp được. Số là ông có 4 người con, nhưng chưa bao giờ được đưa vợ đi đẻ. Lần duy nhất ông được về lo việc nhà là lúc bà đã sinh con được…1 tuần. Công việc đã cuốn họ đi qua ngày, qua tháng. Trại giam số 3 là nơi giam giữ, cải tạo những bị án đặc biệt nguy hiểm, có mức án rất cao, đến từ mọi miền trong cả nước. 

"Một đêm chúng tôi chỉ được ngả lưng vài tiếng. Có bất cứ vấn đề gì trong trại, tất cả đều phải thức dậy để xử lý. Đơn giản như một ca đau bụng của phạm nhân, chúng tôi cũng phải trực tiếp thăm khám và chỉ đạo đưa người bệnh đi trạm xá. Chưa kể những vụ việc phức tạp trong buồng giam phải giải quyết suốt đêm. So với đồng đội ở các lực lượng khác, sau giờ làm việc họ có thể được về nhà quán xuyến, đỡ đần việc nhà cho vợ con, hay giao lưu bạn bè, mở mang quan hệ… Đằng này chúng tôi suốt ngày phải bám lấy Trại, hãn hữu lắm mới được giải quyết tranh thủ về nhà trong vài giờ. Nhìn chung, hoàn cảnh gia đình CBCS trong đơn vị còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng anh em động viên nhau cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ " - Đại tá Châu chia sẻ.

Lao động giúp các phạm nhân tĩnh tâm, giũ bỏ quá khứ.

Thiếu tá Thành tâm sự, công việc ở Trại ngày này qua tháng khác lặp đi lặp lại một cách đơn điệu. Ngày nào cũng phải làm đủ các "khâu", từ quản lý phạm nhân, tổ chức sản xuất, giáo dục can phạm, giải quyết các tình huống phát sinh... Buổi sáng bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 phải cho phạm xuất trại đi lao động, đến 18 giờ đưa phạm trở lại buồng an toàn, không có gì phát sinh mới tạm thở phào nhẹ nhõm. Đã làm quản giáo thì phải gần gũi với phạm nhân để hiểu họ và chia sẻ, động viên, bảo ban họ chí thú lao động cải tạo. Cũng chính vì thế mà nhiều cán bộ, quản giáo bị lây bệnh như nhiễm lao... Cũng có vụ cán bộ bị phạm nhân manh động tấn công gây thương tích, hay bắt làm "con tin" để đưa yêu sách… 

"Tuy vất vả nhưng anh em luôn xác định sẽ đi tới cùng con đường đã lựa chọn. Việc hoàn lương, phục thiện, đâu phải chuyện dễ dàng. Chúng tôi chấp nhận hy sinh nhiều chuyện riêng tư, để giúp họ gột rửa tội lỗi, để trả lại cho xã hội những con người lành lặn sau cuộc phẫu thuật về tư tưởng" - Thiếu tá Thành chia sẻ.n

Kế tục truyền thống của một đơn vị AHLLVTND thời kỳ chống Mỹ, CBCS Trại 3 hôm  nay đã liên tục lập thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và giáo dục, cải tạo phạm nhân. Từ năm 1976 - 2014, đơn vị đã 12 năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; năm 2013, 2014 được Bộ Công an tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc".

Đào Trung Hiếu
.
.
.