Nơi hồi sinh cho những bệnh nhân cận kề “cửa tử”
Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tự “làm chủ” trong kỹ thuật ghép tim thành công, sau 5 năm nỗ lực chuẩn bị, nhất là về chuyên môn khi cùng tham gia với các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong kỹ thuật được coi là phức tạp trong ghép tạng hiện nay.
Ghép tim xuyên Việt - nhiều người vì sự sống một người!
Sau hơn 1 tháng được phẫu thuật ghép tim từ người cho là một phụ nữ chết não, anh B.T.P (47 tuổi) từ một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, hy vọng sống mong manh, đến nay anh P đã hồi sinh trở về cuộc sống bình thường như bao người khác.
Anh P phát hiện bị bệnh tim từ 8 năm trước và thường xuyên phải điều trị ở một số Bệnh viện tại TP HCM. Mặc dù đã được đặt máy hỗ trợ tim nhưng bệnh tình của anh vẫn diễn tiến nặng, phải thường xuyên nhập viện điều trị vì khó thở, hi vọng sống rất mong manh, các bác sĩ chẩn đoán anh P suy tim giai đoạn 4, bệnh cơ tim giãn.
Cách duy nhất để anh P sống là ghép tim. Nhưng hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, anh P khó có đủ tiền để chi phí điều trị bệnh tim. Anh P đành buông xuôi cho số phận.
Cùng mang trọng bệnh như anh còn có 2 bệnh nhân khác do không đợi được trái tim phù hợp mà đã tử vong. Vì vậy tin báo từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tìm được trái tim cho anh khiến anh chỉ có thể gọi đó là “phép màu” của sự sống đã ưu ái đến thân phận của mình.
Để có được quả tim hiến từ một người phụ nữ ở Hà Nội phù hợp để ghép cho anh không đơn giản. Các ban, ngành, đoàn thể… đã phải mất khá nhiều thời gian để vận động gia đình người hiến. Bởi tâm lý hầu như ai cũng muốn cơ thể người thân khi mất vẫn phải còn nguyên vẹn, việc hiến nội tạng chủ yếu cho những người thân, nhưng cuối cùng gia đình người nữ đã đồng ý hiến cho anh P.
Sau khi đã thực hiện các thủ tục pháp lý về ghép tạng theo quy định, tối 13-5-2020, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận chuyển trái tim của phụ nữ hiến tặng từ Hà Nội vào TP HCM để ghép cho anh P. Ca phẫu thuật ghép tim “xuyên Việt” được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện xuyên đêm và kết thúc vào rạng sáng 14/5 với thành công như mong đợi.
Ngoài ra, ca ghép lần này được coi là đặc biệt, đó là người cho và người nhận khác giới, khác nhóm máu. Người nhận có nhóm máu A và người hiến tặng tim có nhóm máu O. Về nguyên tắc y khoa, nhóm máu O có thể cho các nhóm máu khác nên điều này vẫn phù hợp.
Trong phòng mổ tại Chợ Rẫy, ekip các bác sĩ đang thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân P. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quyết Tiến – Phó GĐ Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết mặc dù hai nhóm máu khác nhau và là hai giới nhưng giữa hai người lại có rất nhiều điểm tương đồng: bằng tuổi nhau (cùng 47 tuổi); chiều cao, cân nặng cơ thể của hai người khá tương đồng; quả tim có kích thước, khối lượng gần bằng nhau và một số chỉ số khác cũng tương thích. Đó là các yếu tố rất quan trọng để cho êkip thực hiện ca ghép tim thành công.
Theo PGS-TS Nguyễn Quyết Tiến, để thực hiện ca ghép tim này, nhiều bộ phận và nhiều cơ quan chức năng phải chạy đua với thời gian. Từ cửa phòng mổ ở Bệnh viện Việt Đức đến sân bay Nội Bài và vận chuyển vào đến Bệnh viện Chợ Rẫy đã được thực hiện các bước rất nhanh chóng, với sự hỗ trợ nhiệt tình của rất nhiều bộ phận, từ các bác sĩ ở hai bệnh viện, Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng, đến Hàng không sân bay, Cảng vụ và An ninh hai sân bay (Nội Bài và Tân Sơn Nhất), xe dẫn đường của Cảnh sát giao thông của Hà Nội và TP HCM.
Khi xe của bệnh viện đưa quả tim đến sân bay là An ninh sân bay làm thủ tục nhanh chóng, sau đó đưa ekip vận chuyện tạng hiến lên máy bay. Khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất cũng được làm thủ tục nhanh để đưa ra xe chuyên dụng của bệnh viện chờ sẵn đưa quả tim về bệnh viện.
Tổ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông nhận được nhiệm vụ dẫn đường cho xe đưa tim về Bệnh viện Chợ Rẫy một cách nhanh nhất. “Rất khó có thể tả được cảm xúc về tinh thần của “nhiều người vì sự sống một người” trong hành trình làm trái tim được hiến đập lại này!”. Bác sĩ Tiến chia sẻ.
Đến nay, sau hơn 1 tháng được ghép tim, sức khỏe của anh P khá hơn rất nhiều, đi lại bình thường. Anh P không giấu được cảm giác vô cùng hạnh phúc của mình. Anh nói: "Bây giờ tôi thấy khỏe khoắn. Ăn tốt, ngủ ngon giấc. Cảm ơn tấm lòng của người hiến tim và của những người trong gia đình cùng tất cả các êkip mang đến cuộc phẫu thuật. Tôi cảm thấy may mắn khi được nhận quả tim này".
Quả tim hiến được vận chuyển từ Hà Nội vào TP HCM ngày 13-5. |
Hành trình từ con số 0 tới hoàn toàn "tự chủ"
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ghép tim đã được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ những năm qua với sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức. Sau 4 ca đầu được ghép thành công, Bộ Y tế đã quyết định cho phép Bệnh viện Chợ Rẫy làm chủ kỹ thuật ghép tim.
Sau 1 tuần có quyết định, ca ghép cho anh P là ca thứ 5 đã được triển khai tại bệnh viện, ca này cách ca thứ 4 là 11 tháng. Thời gian tới, Chợ Rẫy sẽ tiếp tục xây dựng để phát triển thành trung tâm ghép tạng lớn tại khu vực phía Nam.
Song để có được thành công đó theo như Phó GS-TS Nguyễn Quyết Tiến, là cả một quá trình nỗ lực rất lớn của các bác sĩ tại Khoa Hồi sức phẫu thuật tim trong suốt 5 năm.
Ông còn nhớ trong đêm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận quả tim từ Hà Nội chuyển vào, ông không dám rời vị trí nên ăn mì tôm “cho chắc”. Khi thùng đựng tim người hiến về tới Khoa Phẫu thuật tim là các ekip nhanh chóng vào việc. Mọi người làm việc xuyên đêm tới tận sáng ca ghép hoàn tất.
Bác sĩ Tiến kể: “Từ cuối 2015, đầu 2016 khi ấy được sự đồng ý của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập một đề án để nhận chuyển giao kĩ thuật ghép tim từ Bệnh viện Việt Đức. Theo đó, Khoa Phẫu thuật Tim của bệnh viện cử nhóm các bác sĩ gồm 30 người ra Bệnh viện Việt Đức học tập.
Trước đó, bệnh viện xin phép Bộ Y tế tiến hành làm các thủ tục và bắt đầu xây dựng các kế hoạch, xây dựng các ekip. Nhóm bác sĩ được cử đi thành nhiều đợt ra tham gia cùng bác sĩ Bệnh viện Việt Đức trong 4 ca ghép tim tại đây.
Dù trong Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim của Chợ Rẫy vô cùng bận rộn, lịch mổ cho bệnh nhân dày đặc nhưng anh em gồng gánh việc cho nhau đảm bảo việc học tập. Người nhanh thì 2 -3 ngày được về, chậm thì 5-6 ngày mới về sau mỗi lần ra Bắc.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh và lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy tặng hoa người được ghép tim. |
Nhất là với những bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ theo dõi hậu phẫu, theo dõi chống thải ghép. Thường phải ở lại Hà Nội 5-6 ngày. Ngoài ra, các bác sĩ phòng khám của bệnh viện cũng phải ra học về phương pháp lựa chọn, xây dựng hệ thống bệnh nhân chờ ghép; học việc theo dõi bệnh nhân khoa Chấn thương sọ não của Bệnh viện Việt Đức nhằm nắm bắt các yếu tố khi cần tìm “nguồn tạng” tim.
Phải học cả phương pháp làm tâm lý với gia đình nạn nhân (chết não) để xin nguồn tạng tim. “Phải học từ con số 0. Dù anh em bác sĩ Chợ Rẫy đã có kinh nghiệm về ghép thận, ghép gan”. Bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Trong ekip đi học còn có những bác sĩ nội khoa theo học việc chăm sóc trước mổ cho bệnh nhân được ghép; chăm bệnh nhân cho tạng; chăm bệnh nhân sau mổ, chăm sóc ngắn hạn, chăm sóc dài hạn.
Vì khâu tổ chức trong ca ghép tim là vô cùng quan trọng từ bác sĩ nội khoa, hồi sức, tới bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên… cùng phải làm việc ăn ý. Vì nếu không, “sảy một li, đi một dặm”. Vì tạng hiến là vô giá, không được làm hỏng.
Theo đánh giá của Phó GS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh: “Ghép tim thì Việt Nam đã thực hiện nhiều, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở y tế đầu tiên tại khu vực phía Nam triển khai ghép tim sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức với mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là những ca bệnh không còn khả năng điều trị ngoài việc ghép các bộ phận tương đồng từ đồng loại.
Tuy nhiên, nguồn tạng hiến trong cộng đồng còn rất hạn chế nên số người bệnh được ghép chưa được nhiều. Cộng đồng hãy chia sẻ sự sống khi chẳng may qua đời để cứu tính mạng những người đang lâm nguy vì suy tạng giai đoạn cuối bằng cách đăng ký hiến tạng. Đây là nghĩa cử cao đẹp của người dân Việt Nam”.
Được biết, trường hợp bệnh nhân B.T.P vừa được ghép tim thành công, có tổng chi phí gần 500 triệu đồng, trong đó đã được BHYT chi trả gần 200 triệu đồng, gia đình thanh toán một phần, còn lại bệnh viện và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân khi tái khám và duy trì thuốc ức chế miễn dịch.