Nỗi buồn môn lịch sử

Thứ Hai, 22/07/2019, 09:40
Lại tiếp tục một mùa thi không trọn vẹn khi nhìn lại phổ điểm của môn Lịch sử trong kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2019. Môn Lịch sử tiếp tục xếp vị trí chót bảng trong tổng số 9 môn thi quốc gia khi có tới hơn 70% thí sinh không đạt điểm trung bình.


Đây có vẻ như là một nỗi buồn cố hữu của môn sử, bởi cho đến nay ngành giáo dục chưa có giải pháp nào hữu hiệu cải thiện tình trạng này.

Thực trạng điểm thấp của môn Sử không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng rõ ràng đó là một nỗi buồn cố hữu của ngành giáo dục. Vì tồn tại này đã được báo động trong nhiều năm qua nhưng đến bây giờ vẫn chưa hề có những chuyển biến tích cực. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 với 70% số bài thi dưới 5 điểm, “đội sổ” về kết quả thi THPT. 

Nhìn lại các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, điểm trung bình môn Lịch sử luôn ở tình trạng “báo động đỏ”, năm 2016 là 4,49, năm 2017 là 4,6, năm 2018 là 3,79. Điểm thi năm nay có cao hơn năm 2018 nhưng nhìn chung vẫn là thấp. Tại sao điểm thi Lịch sử lại luôn thấp như vậy? Phải chăng, học sinh đang “quay lưng” với môn Lịch sử?

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bất ngờ vì kết quả đó thể hiện cách học, hành xử của học sinh hiện nay. 

“Thi trắc nghiệm thì học trò càng lười học. Nhiều học sinh lựa chọn Lịch sử để thi không phải vì các em yêu thích. Các em nghĩ bài thi tổ hợp Khoa học xã hội dễ kiếm điểm, đảm bảo an toàn xét tốt nghiệp THPT và vừa để xét tuyển vào đại học... Do hành xử, nhận thức về việc học và thi Sử, cách thi trắc nghiệm làm cho môn học này ngày càng tệ hại hơn” - thầy Trung Hiếu nói.

Cô Nguyễn Thị Việt Hồng, giáo viên Lịch sử Trường Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh thì không quá bất ngờ với kết quả môn Sử của học sinh, bởi theo cô Hồng, học sinh luôn có thái độ coi thường môn Sử, chọn môn này chỉ để gỡ điểm chứ không vì yêu thích vì bản thân học môn Sử không mang lại những lợi ích thiết thực cho học sinh như định hướng ngành nghề. Hơn nữa, chương trình sách giáo khoa rườm rà, nặng về ghi nhớ khiến học sinh muốn học cũng rất dễ nản. 

“Tôi nghĩ, môn Sử không phải học chỉ để thi mà qua kỳ thi này, chúng ta nhìn nhận rõ vấn đề sự thiếu hụt kiến thức xã hội nhân văn của các thế hệ học sinh là điều rất đáng báo động. Nó sâu xa hơn, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt về nền tảng nhân văn, các giá trị tinh thần” - cô Hồng lo ngại.

Thực tế, có lẽ, một nền giáo dục mang nặng tính thi cử như ở Việt Nam thì môn Sử chưa bao giờ là lựa chọn của phụ huynh lẫn học sinh. Đa số phụ huynh xem nhẹ môn học này, nếu không muốn nói là xem thường, vì cho rằng thực tế lịch sử học để biết vậy thôi chứ không ứng dụng gì trong nghề nghiệp tương lai (chỉ cần thiết nếu học để đi dạy lịch sử hoặc nghiên cứu sử). Do vậy, phụ huynh không quan tâm mà chỉ đầu tư cho con học Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh… để dễ chọn ngành nghề, trường đại học, có tương lai cơ hội việc làm nghề nghiệp… tốt hơn.

Mặt khác, sách giáo khoa của chúng ta thiết kế lạc hậu, nặng nề và chi tiết bắt học sinh phải nhớ quá nhiều. Nội dung sách giáo khoa lịch sử đậm chất báo cáo, nghiêng về sự kiện: nào là những chiến dịch, những trận đánh, ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, bắn rơi mấy chiếc máy bay, xe tăng, tàu chiến… Sự kiện đó diễn ra vào ngày tháng năm nào… 

Đặc biệt, cách kiểm tra vẫn là học thuộc lòng. Học sinh nhớ được những điều ấy là thiên tài, cần gì phải học nữa! Như vậy, do chúng ta sai lầm về chương trình, về dạy - học và kiểm tra/thi thì hệ quả tất yếu học sinh chán lịch sử từ khi còn ở bậc THCS chứ không phải chỉ có lớp 12.

Nhìn vào phổ điểm môn Sử năm nay, có lẽ nỗi đau lớn nhất, thất vọng lớn nhất không phải từ các thí sinh mà từ chính các thầy cô giảng dạy. Nhưng có một nỗi đau lớn hơn, sâu xa hơn đến từ xã hội khi chúng ta chứng kiến các thế hệ học sinh Việt Nam không có nổi một lượng kiến thức cơ bản về đất nước và chính quê hương mình.

“Dân ta phải biết sử ta”, ai cũng biết, hiểu lịch sử là hiểu văn hóa, tạo nên nền tảng văn hóa của một con người. Thiếu đi mảng nhân văn đó, dù  học sinh đó có trở thành kỹ sư, tiến sĩ thì chắc hẳn trong tâm hồn các em vẫn khuyết thiếu. Nhưng nguyên nhân không hẳn đến từ các em học sinh. 

Thực tế ở trong nước, đa số các trường ĐH xét tuyển sinh các ngành đều là khối A, A1, B, D; còn các ngành xét tuyển khối C và các khối khác có môn Lịch sử thì rất ít. Số trường xét tuyển tổ hợp có môn Lịch sử chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội... Đó cũng là lý do khiến nhiều học sinh có thể yêu thích lịch sử, nhưng đến kỳ thi THPT Quốc gia lại phải lựa chọn theo xu hướng thực dụng hơn để có thể đạt kết quả tốt nhất cho mục tiêu quan trọng nhất của tương lai.
Thí sinh làm thủ tục trong kỳ thi THPT Quốc gia

Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du (Trường PTTH Lê Quý Đôn - TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Môn Sử chỉ còn xuất hiện trong tổ hợp bài thi xã hội để xét tốt nghiệp. Ngay chính trong bài tổ hợp xã hội này, môn Sử lại tiếp tục bị thờ ơ vì nó là gánh nặng cho các em học sinh. 

Bài thi xã hội gồm có Sử - Địa - Giáo dục công dân. Môn Giáo dục công dân nội dung ôn tập nhẹ nhàng, môn Địa lý có cứu cánh là Atlat thì môn Sử gây lo sợ với khối lượng kiến thức quá nhiều. Cho nên sự lựa chọn của các thí sinh là học sơ sài, không có hệ thống nhằm mục tiêu không bị điểm liệt là đủ. 

Trong sự thờ ơ đó, nỗ lực của các giáo viên cũng như gió vào nhà trống và phổ điểm u ám đối với bộ môn Lịch sử là một hệ quả tất yếu. Trong bối cảnh học thực dụng như hiện nay, tình trạng học yếu môn Lịch sử sẽ còn tiếp diễn trong các năm sau vì việc điều chỉnh độ khó, dễ của đề thi chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề”.

Theo ông, lịch sử không đơn thuần chỉ là ghi nhớ máy móc các sự kiện diễn ra trong quá khứ mà nó là một bộ môn khoa học xã hội góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức công dân, góp phần chấn hưng dân tộc, đất nước. Trước khi trở thành một nhà khoa học ở bất kỳ lĩnh vực nào thì bất kỳ một công dân Việt Nam nào cũng phải có hiểu biết căn bản về lịch sử nước nhà. Việc môn Sử xuất hiện trong hệ thống thi cử như là một yêu cầu bắt buộc là cần thiết và xác đáng.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Để nền giáo dục phát triển bền vững, bên cạnh các môn khoa học tự nhiên, các môn khoa học xã, hội nhân văn trong đó có môn Lịch sử cần được coi trọng. Nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông là một việc làm có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc khác”. 

Do đó, môn Sử vẫn là một môn học quan trọng trong hành trình đi học của mỗi học sinh. Học để nhớ về đất nước mình, tổ tiên mình. Từ việc hiểu, chúng ta sẽ có ý thức hơn trong việc đóng góp xây dựng đất nước. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách dạy, cách học, thay đổi cả cách nhìn nhận về những giá trị tinh thần mà môn Lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội mang lại cho mỗi con người. 

Học không chỉ để đi thi mà học còn là để hiểu biết, để mỗi cá nhân tự định vị các giá trị sống tích cực hơn trong xã hội. Và Lịch sử là môn học quan trọng góp phần vào hành trình tích cực đó.

Vân Anh
.
.
.