Những quán quân không về nước:

Nỗi buồn “chảy máu” chất xám

Thứ Tư, 09/12/2015, 08:13
12/13 quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" nhận học bổng du học của chương trình và sau khi đi học ở xứ người, các em không về nước làm việc. Câu chuyện du học rồi không về là công thức không lạ đối với chúng ta, nhưng khi nhìn vào các con số, ở vị trí những người giỏi nhất được nhiều người biết đến trong một cuộc thi, thì mới thấm hết nỗi buồn về sự sử dụng nhân tài ở ta.

Những em học sinh giành được vòng nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia thường là các em học rất giỏi. Ra nước ngoài bằng học bổng của chương trình, các em được tiếp cận với nền giáo dục Úc - một trong những nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới. Ở đó, điều kiện về cuộc sống, điều kiện để học tập và đặc biệt là điều kiện để nghiên cứu khoa học tốt đến mức hoàn hảo. Ngay cả với các em nhà nghèo, cần phải kiếm thêm tiền trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu, các em cũng sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề của mình. Ở Úc, sinh viên đi làm thêm thường có thu nhập cao.

Nhưng chuyện không về nước làm việc, theo tôi, không phải là chuyện tiền. Dù ai cũng biết chắc chắn rằng, với những sinh viên mới ra trường, các nhà khoa học trẻ, thì mức lương ở các nước phát triển dành cho họ cao hơn trong nước là chắc chắn. Không ít người trẻ đã từ bỏ những mức lương cực kỳ hấp dẫn để về nước cống hiến. Các em muốn sống gần gia đình, muốn đóng góp sức mình cho Tổ quốc. Nhưng gần như sau một thời gian ngắn về nước, các em lại muốn ra đi. Đơn giản, vì chỗ dành cho người giỏi, người tài ở ta còn quá nhiều vấn đề bất cập.

Một quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” đang sống hạnh phúc với gia đình riêng của mình tại Úc.

Đầu tiên phải kể đến môi trường nghiên cứu khoa học. Chỗ nào cũng thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng sự thiếu thốn, lạc hậu của kỹ thuật không ngại bằng sự thờ ơ, xem nhẹ người làm khoa học của không ít nhà quản lý, trong chính những cơ quan chuyên trách về nghiên cứu khoa học. Dường như ngay cả những người được xem là làm khoa học trong nước giờ đây cũng đang mải mốt chuyện kiếm danh, kiếm tiền, hờ hững với công việc chính của mình. Cái gì nhanh, ăn xổi được thì họ làm. Không ai nghĩ đến cái lâu dài, bền vững. Cái này là cú sốc cực lớn cho những người trẻ chuyên tâm nghiên cứu khoa học được đào tạo ở nước ngoài và quyết định về nước làm việc. Họ cảm thấy cô đơn trong công việc của mình. Không tìm ra người cùng chí hướng hay ít nhất là nhận được sự khuyến khích, động viên của đồng nghiệp, họ nhanh chóng rời khỏi môi trường này, và con đường đi ra nước ngoài tiếp tục là con đường họ nghĩ tới.

Môi trường làm khoa học đã khó, nhưng ngay cả khi kiên trì ở lại trong nước làm việc thì những phát minh sáng chế của họ không có nhiều cơ hội được ứng dụng. Đấy là chưa kể trăm ngàn vạn mối khó khăn từ chính sách đến ứng xử trong các cơ quan nghiên cứu khoa học nhà nước, nơi mà từ lâu, những căn bệnh thâm căn cố đế như cửa quyền, xu nịnh đã quá phổ biến. Người chỉ chuyên tâm làm việc chuyên môn đôi khi lại khó sống. Bên cạnh đó, mức lương hay các chế độ đãi ngộ thấp dưới mức sống, đôi khi còn thiếu công bằng khiến cho những ai đã trót quay về nước cống hiến đều cảm thấy nản.

Những cuộc thi về tri thức cho các em học sinh như "Đường lên đỉnh Olympia" mỗi năm chỉ tìm ra một người giải nhất. Một cuộc thi công khai trên truyền hình, với nhiều vòng sàng đi sàng lại, nguy cơ tiêu cực rất ít, và người giỏi được tìm thấy là rất thật. Bạn bè tôi thường nói với nhau, người Úc thật khôn ngoan khi họ trao học bổng cho những người xuất sắc nhất theo kiểu đó. Họ cho người giỏi nhất một cơ hội đến Úc để học tập và nghiên cứu. Người giỏi nhất thì ở đâu mà không cần, có chăng chỉ ở Việt Nam ta là còn chút vấn đề phải bàn thôi. Rồi những người giỏi học xong ở Úc, ở lại Úc, cống hiến trí tuệ, lao động, chất xám của mình cho nước Úc, trở thành những người làm việc ưu tú nhất.

Nước Úc đã nhận lại hơn rất nhiều từ khoản học bổng 35.000USD mỗi năm họ trao cho một học sinh giỏi của Việt Nam. Chỉ sau 10 năm hay 20 năm thôi, họ sẽ có cả một thế hệ người Việt ưu tú định cư và cống hiến trí tuệ cho đất nước của họ. Còn chúng ta, những người Việt, ngồi trong nước để mà ngậm ngùi, vì sao những người giỏi một đi không trở lại.

Bồi dưỡng, giữ gìn người tài là bài toán sống còn của nhiều quốc gia phát triển. Họ cần nguồn nhân lực tinh túy, chất lượng cao, những người có tiềm năng có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm quan trọng cho thế giới. Những người giỏi đôi khi khó sống được ở trong nước, vì rất nhiều yếu tố, nhưng họ chắc chắn sẽ được trọng dụng ở các nước phát triển. Nghĩ đến điều đó chạnh buồn. Ước gì và bao giờ thì người Việt đi ra thế giới chỉ là học những điều hay của thế giới, rồi quay về, làm việc, cống hiến một cách say mê và được trọng dụng, ngay trên mảnh đất của cha ông mình.

Phan Quang Long
.
.
.