Niềm tin và lòng tự trọng của con người

Thứ Sáu, 24/01/2014, 17:15
Đầu giờ chiều 4/12 vừa qua, tại vòng xoay Tam Hiệp thuộc phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra một tai nạn giao thông hy hữu, tuy không thiệt hại về người nhưng lại mất mát lớn về của và sự thực thì còn đàng buồn hơn nữa, xin trích dẫn từ báo mạng "Chiếc xe tải chở 1.500 thùng bia bị đổ xuống đường, hàng trăm người lao vào hôi của. Có cả người mang xe ba gác ra chở bia về nhà"!

Theo thông tin ban đầu thì khoảng 12h30 trưa, chiếc xe tải chở hàng ngàn két bia do tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê Bình Định) điều khiển từ TP HCM đi hướng Phan Thiết. Khi vừa vào vòng cua xoay Tam Hiệp và do đường đông, xe cũ lại chen lấn với đủ loại phương tiện tham gia giao thông nên tài xế Hậu đánh chệch lái sang phía đường Bùi Văn Hòa để tránh va chạm bất ngờ xảy ra, nhưng vì đang đi với tốc độ cao nên khi bất ngờ đổi hướng, hàng ngàn két và lon bia trên thùng xe đã đổ xuống đường. Rất may vụ tai nạn không gây thiệt hại về người và không ai bị thương khi bia ào ào đổ xuống.

Nhưng ngay lập tức, khi thấy bia văng khắp nơi, hàng trăm người đi đường và dân xung quanh hiện trường liền ập tới hôi của. “Mặc dù tôi và phụ xe đã cố gắng thu gom số bia bị đổ ra đường để vớt vát tài sản, nhưng hàng trăm người nhảy vào tranh giành nhau lấy hết số bia lon còn nguyên vẹn. Không những thế, nhiều người còn lợi dụng leo lên cả thùng xe để lấy bia”, tài xế Hậu đau buồn kể lại

 Một số người dân chứng kiến cho biết, trong số những người lao vào hôi của có kẻ mang cả xe ba gác ra chở bia. Được biết, chiếc xe tải trên đang chở khoảng 1.400 két bia lon và hơn 100 két bia chai nhưng sau vụ tai nạn số bia còn lại chỉ khoảng 10%.

Đó là tất cả những gì đã thực sự diễn ra và rất nhanh chóng, lan truyền trên các trang mạng và trong cộng đồng giới trẻ, gây sốc và bàng hoàng về ý thức, nhân cách và lối hành xử của một bộ phận những người, đã tranh thủ tai nạn nhảy vào kiếm lợi cá nhân.

"Thật đáng buồn và đau lòng, bởi vào thời điểm đó có lẽ trong số đám người lao vào cướp của, họ không còn một chút gì gọi là ý thức nữa hết, họ hành xử gần như những con thú mất rồi"_một blogger chia sẻ bên dưới tấm ảnh chụp hiện trường nơi bia vãi ngổn ngang đầy bước chân chen lấn.

“Lúc đó tôi van xin mọi người, hãy thương cảnh làm thuê của chúng tôi mà dừng tay, đừng lấy bia nữa, nhưng tất cả đều bất lực.., người đến lấy bia mỗi lúc một đông, ước lên đến cả trăm người. Có người dùng cả xe ba gác để chở bia về nhà...”, trích lời tài xế Hậu. “Số tiền thiệt hại bằng cả chục năm làm việc của gia đình tôi. Buồn cho mình một phần, nhưng buồn cho sự đời gấp mười phần...”.

“Chưa bao giờ lòng tin vào con người trong xã hội bị lung lay như thế!”, một người nổi tiếng đã chua xót thốt lên như vậy.

Vâng thì, việc đời như vẫn biết, có khi buồn nhiều hơn vui, nhưng còn trớ trêu hơn nữa khi cái sự "vui" của một hay thậm chí là nhiều người khác, lại là nguyên nhân gây ra nỗi buồn và đau, của một số nhỏ thiệt thòi hơn. Mặc dù sau đó vụ việc được giải quyết bằng việc hãng bia danh tiếng không bắt tài xế phải đền tiền, nhiều nhà hảo tâm quyên góp tiền nhằm giúp đỡ tài xế gặp nạn đều được trả lại tiền, nhưng còn đọng lại trong rất nhiều người là sự hoang mang về niềm tin giữa con người với con người.

 Trận động đất và sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản vài năm trước đã tàn phá một khu vực duyên hải rộng lớn, gây đổ nát, hoang tàn và chết chóc tới hàng trăm ngàn người dân giữa mùa đông tuyết lạnh và mưa lớn, gây ra thảm cảnh từ tay trắng tới màn trời chiếu đất chỉ trong một ngày, nhưng truyền hình Nhật đã phát đi khắp thế giới hình ảnh những người dân còn sống sót đã rất bình tĩnh, trật tự xếp hàng chờ nhận cứu trợ, yên lặng giúp đỡ lẫn nhau, nâng các cụ già và nhường phụ nữ kèm trẻ em lên phía trước để họ nhanh chóng an cư vào các khu lán tạm vừa dựng xong. Trên khắp các đường phố tan hoang khi cảnh sát chưa kịp triển khai, người dân tự giác rút khỏi nơi nguy hiểm, không hề có cảnh tranh cướp, hôi của, thậm chí không có cả sự lộn xộn thường thấy sau thảm họa, mà thay vào đó là tinh thần bình tĩnh, trật tự và rất kỷ luật, một bản năng được giáo dục đã ngấm sâu vào từng con người, cho đến gia đình, và rộng ra cho cả cộng đồng từ nhỏ đến lớn.

Ý thức và trách nhiệm cá nhân, bắt nguồn từ sự tôn trọng chính bản thân mình mà hiểu rằng, nếu biết việc mình làm có thể gây đau cho người khác thì không nên làm việc ấy, và nếu hiểu hành động của mình có thể gây tổn hại cho một hoặc nhiều ai đó mà vẫn làm, thì cũng có lúc một hoặc những ai khác bằng chính thái độ ấy sẽ có thể gây hại cho bản thân bạn

Vậy bạn cần lòng tin rằng, việc làm tốt sẽ như gieo một Nhân lành để một lúc nào đó được đền bằng Quả ngọt. Và ngược lại, hành động xấu là sự Ác sẽ chỉ nhận lại cái Đắng mà thôi

Vấn đề là bạn có biết cách tin vào bản thân, biết tự tin vào chính mình và dám đặt lòng tin vào cộng đồng hay không? điều đó quả là khó, cho đến rất khó hiện nay, ở một xã hội mà lòng tin bị mai một thì nơi đó sẽ dần đi xuống. Khủng hoảng lòng tin sẽ là sự sa sút kinh khủng nhất, khi con người không còn tin vào mình, mất khả năng và lo sợ trước xã hội, cuối cùng biến bản thân thành một dạng vừa là tác nhân lại vừa là nạn nhân, của một hay những hiện tượng đám đông nào đó.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng tương tự khi thấy một cô gái bị ngã xe máy nằm xoài dưới đất, rất nhanh chóng một đám đàn ông gần đó chạy đến vừa nâng cô lên và dựng lại chiếc xe đang chảy dầu và rò xăng, một việc làm tốt, nhưng ngay sau đó chính những người đàn ông ấy, lại chuyền tay nhau ví tiền, đồng hồ, một dây chuyền nhỏ rồi bỏ lại bên vỉa hè chiếc túi xách rỗng không vừa lấy từ nạn nhân để vội biến mất vào dòng người hối hả trên đường về nhà! May mà cô gái không bị thương nặng, tự đứng lên được và khóc "em mất hết cả rồi"

Trong số những người đến "hôi" bia không phải ai cũng hiểu được họ đang ăn cướp thậm chí còn vui như đang dự hội làng vậy, chỉ có điều đám "hội" mà họ tham gia được lấy từ cái đau và khổ của thiểu số nạn nhân ngay đó. Cũng may là xã hội cuối cùng luôn tự cân bằng và cộng đồng thường vươn tới hướng thiện. Các cụ xưa nói "Con sâu làm rầu nồi canh" quả không sai khi chỉ vài giờ cho tới vài ngày sau đó, toàn bộ phản ánh từ những mạng cộng đồng đến hệ thống truyền thông chính thức đều bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ những hành động ăn cướp phi nhân tính kia.

"Họ chỉ là thiểu số", và may mà những kẻ hôi của đó thực sự là rất nhỏ nếu so với xã hội và cộng đồng rộng lớn của chúng ta. Một xã hội phát triển cần phải cân bằng và tạo dựng được lòng tin, từ trong mỗi cá nhân và từng gia đình cho đến cả tập thể và rộng hơn nữa. Vẫn đâu đó là những người biết dang tay giúp đỡ người bị nạn trên đường, không thờ ơ với khó khăn của đồng loại. Vẫn có những nhà hảo tâm quyên góp giúp gánh bớt phần nào khó khăn của người bị nạn, vẫn có những chuyến xe chở chăn ấm, quần áo đồ dùng lên các bản vùng cao những ngày giá rét, vẫn có những chuyến xe hướng vào vùng lũ để cứu trợ đồng bào.

Dù thế nào hãy đừng mất niềm tin và lòng tự trọng của bản thân. Bởi thiếu đi niềm tin, bạn sẽ làm mất chính bản thân mình

Đào Duy
.
.
.