Những người gieo mầm thiện ở vùng biên giới

Thứ Tư, 22/04/2015, 17:00
Tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có một câu lạc bộ dành cho những người nghiện, người nhiễm HIV và cả những người dân cùng tham gia… Ở nơi ấy có màu xanh áo lính của những người chiến sỹ mang quân hàm xanh, luôn đồng hành chia sẻ với những người trong cuộc, hết mình vì sự bình yên của mỗi nếp nhà.

Gieo mầm thiện cho những mảnh đời lầm lỗi

Đã từng có một thời, những địa danh như Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây… từng là điểm nóng về tệ nạn ma túy và phức tạp về an ninh trật tự của huyện Hương Sơn. 

Vào thời điểm đó, trên địa bàn bốn xã có đến 220 người nghiện ma túy, phần lớn trong số đó bị nhiễm HIV do dùng chung bơm, kim tiêm. Ngoài đối tượng nghiện, còn có cả những kẻ vi phạm pháp luật đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương câu kết với nhau làm ăn, gây nên sự phức tạp về tình hình ANTT. 

Có thời điểm, đối tượng nghiện tụ tập trên quốc lộ 8A, chặn xe xin tiền, cướp tài sản, tình trạng trộm cắp tài sản thường xuyên diễn ra. Khắp các xã là những căn nhà xơ xác, tiêu điều, những đứa trẻ thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình, khi bố mẹ lần lượt qua đời vì căn bệnh thế kỷ. 

Và như một vòng xoáy, những đứa trẻ ấy lại bị các đối tượng nghiện ma túy, những kẻ cầm đầu đường dây mua bán trái phép cái chết trắng, dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây phạm tội. Ngoài nỗi lo canh cánh về tác hại của ma túy còn là nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ý tưởng xây dựng mô hình câu lạc bộ tình thương ra đời từ đó. 

Để triển khai, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo phối hợp với Huyện ủy Hương Sơn và các đơn vị trên địa bàn chủ động nắm chắc diễn biến tình hình và thực tiễn…

Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh chia sẻ: Thời gian đầu, không ít người đã hoài nghi về tính khả thi của câu lạc bộ. Điều đó cũng là chuyện dễ hiểu, bởi do nhận thức một số cán bộ và nhân dân lúc đó có tâm lý sợ hãi, ngại tiếp xúc và thậm chí là xa lánh với người nghiện và người bị nhiễm HIV. Trong khi đó, chính những người trong cuộc cũng mặc cảm, tự ti, không muốn công khai thân phận của mình. Một số người còn tự nhận mình là “công dân số 3”, những người bỏ đi, là gánh nặng cho xã hội. 

Muốn ổn định tình hình, hạn chế sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng thì phải tập hợp được những người nghiện, người bị nhiễm HIV và đối tượng mãn hạn tù để có biện pháp quản lý, giáo dục giúp đỡ họ. Đây chính là điều Thượng tá Võ Trọng Hải trăn trở. 

“Vạn sự khởi đầu nan” việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức cho cán bộ, nhân dân và những người trong cuộc. Những ngày đó, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ cùng với Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đồng thời cũng là phó chủ nhiệm câu lạc bộ không quản ngày mưa, tháng nắng, bám chắc địa bàn, gần gũi, động viên giúp đỡ các đối tượng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. 

Bằng những việc làm thiết thực, tình thương yêu thực sự, những người lính mang quân hàm xanh luôn coi họ như những người thân trong gia đình. Những khi người nghiện lên cơn vật vã, phải trói cả chân và tay, các cán bộ biên phòng luôn có mặt. Họ bón từng thìa cháo, đưa cho họ từng viên thuốc… Những khi họ vật vã, lại dùng khăn nóng lau từng giọt mồ hôi. 

Một số cán bộ của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng được cử sang Lào, tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản và nhân dân để có những bài thuốc gia truyền giúp đỡ người nghiện cai nghiện. 

Một số người bị nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối, thân mình lở loét bị những người thân trong gia đình sợ hãi, xa lánh. Thế nhưng, khi thấy các cán bộ vận động quần chúng, cán bộ quân y của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tận tình chăm sóc, động viên thì lại cùng chung tay giúp sức. Khi họ không may qua đời, Ban chỉ huy đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức lo liệu ma chay chu đáo rồi thay họ giúp đỡ, chăm sóc con cái.

Nghĩa tình của những người lính mang quân hàm xanh

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Phạm Quang Minh và chị Nguyễn Thị Hương những ngày này đầy ắp tiếng cười. Nhìn cách anh chị chăm sóc cho nhau, chúng tôi hiểu rằng những tháng ngày đau buồn đối với họ đã ở phía sau. 

Khi đến với anh Minh, chị Hương cũng mang một quá khứ chỉ toàn nước mắt. Người chồng trước và đứa con gái của chị đều nhiễm HIV rồi lần lượt ra đi. Chị Hương gặp anh Minh khi cùng tham gia câu lạc bộ tình thương. Hai con người với hai số phận bất hạnh ấy đã nương tựa vào nhau cùng dựng xây một mái ấm gia đình. 

Họ khởi nghiệp bằng đôi bàn tay trắng, với số vốn ban đầu là tình yêu và sự cảm thông chia sẻ… Nhờ sự miệt mài lao động của anh, sự tảo tần của chị, cuộc sống đã vơi bớt khó khăn. Những bữa cơm dù còn thanh đạm nhưng không cô đơn, những khi trở bệnh có người chăm sóc. Anh Minh giờ là một đồng đẳng viên tích cực vận động bạn bè, thanh thiếu niên trong xã không sa vào nghiện ngập ma túy.

Đến thời điểm này, Hoàng Anh Tuấn, ở xóm Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1 đã là chủ của một trang trại lớn, với tài sản gồm 1000 con lợn thịt và hàng chục hecta rừng. Không chỉ với anh Tuấn mà với những người bình thường thì gia tài đó là một niềm mơ ước. 

Trong suốt mười năm làm nô lệ của ma túy, anh Tuấn đã chôn vùi cuộc đời trong làn khói trắng. Được hỗ trợ cai nghiện và hướng dẫn vay vốn, anh Tuấn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình với quy mô lớn và đã thành công. Hiện anh là người đi đầu tham gia các phong trào do địa phương phát động.

Những việc làm thiết thực, đầy nghĩa tình của các cán bộ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã để lại sự tin yêu, kính phục trong lòng nhân dân và những người từng một thời lầm lỡ. 

Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhận thức của những người dân đã được chuyển đổi; câu lạc bộ đã giúp cảm hóa và tập hợp các đối tượng nghiện, bị nhiễm HIV và đối tượng mãn hạn tù về sinh hoạt trong câu lạc bộ. Từ thời điểm ban đầu là 15 người đến nay đã có 43 thành viên thường xuyên hoạt động. 

“An cư mới lạc nghiệp vì thế trước hết là chúng tôi tạo cho họ có thu nhập ổn định trong cuộc sống. Đây là vấn đề mấu chốt, duy trì hoạt động của câu lạc bộ”, Thượng tá Võ Trọng Hải cho biết. 

Để làm được điều đó, các thành viên trong câu lạc bộ đã lựa chọn những người có sức khỏe, thành lập các tổ xếp dỡ hàng hóa tại cửa khẩu. Đồng thời, đơn vị làm việc với các chủ hàng, doanh nghiệp để họ tạo điều kiện giúp đỡ những người lầm lỗi có việc làm. Một số được nhận khoán trồng rừng phát triển kinh tế trang trại. Không dừng lại ở đó, đơn vị còn trở thành cầu nối kêu gọi các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ, tạo quỹ vốn cho câu lạc bộ hoạt động, giúp các thành viên phát triển kinh tế như cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng ngân hàng bò…

Câu lạc bộ giờ đã trở thành ngôi nhà chung của các thành viên. Nhiều thành viên của câu lạc bộ hóm hỉnh nói rằng, những người lính biên phòng là người sinh ra họ lần thứ hai. Nhiều người lầm lỗi giờ đã là thành viên của tổ tự quản về ANTT tại chợ biên giới và các thôn; cùng với BĐBP tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, đồng thời cung cấp cho nhiều nguồn tin tố giác tội phạm giúp triệt phá bóc gỡ nhiều đường dây mua bán ma túy, mua bán trẻ em và ngăn chặn hàng trăm vụ vượt biên trái phép. 

Sau hơn 4 năm duy trì hoạt động, tổ xếp dỡ hàng hóa vẫn đang hoạt động có hiệu quả, thu nhập hàng tháng của mỗi thành viên ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng. Trong câu lạc bộ có 12 mô hình kinh tế hộ gia đình… Chỉ tính riêng trong năm 2014, Câu lạc bộ tình thương đã giúp cai nghiện thành công cho 15 trường hợp.

Xuân Mai
.
.
.