Những người anh hùng trong tâm “Bão lửa”
Cách đây hơn một năm, nhiều người không khỏi xót xa, cảm phục khi chứng kiến hình ảnh người lính cứu hỏa mặt đen nhẻm, bước ra từ tòa nhà CT4 Xa La - Hà Đông sau khi cứu thoát 50 người dân trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng tối 11-10-2015.
Ngay sau đó, chàng lính trẻ trở thành nhân vật "hot" và được chia sẻ, tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội thời điểm ấy. Người tôi muốn nhắc đến ở đây là Thượng sĩ Trương Duy Tùng, Đội Chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PCCC số 7, Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội.
Chữa cháy tàu du lịch tại cảng Tuần Châu năm 2016. |
Sinh năm 1993 trong một gia đình có bố làm trong quân đội, mẹ công tác ở ngành Y. Người lính còn rất trẻ khi ấy với gần 2 năm tuổi quân, đã không quản nguy hiểm, lao mình vào đám khói dày đặc, len lỏi trong các tầng nhà CT4B khu đô thị Xa La để cứu hơn 50 người bị nạn trong hỏa hoạn.
Tùng kể, tối hôm ấy, chưa kịp ăn thì anh em nhận được lệnh lên đường. Đến nơi, cả tòa nhà chìm trong bóng tối, lửa và khói bốc lên nghi ngút từ các tầng. Anh cùng một đồng đội đeo mặt nạ phòng độc, bình thở oxy leo thang bộ đến tầng 20 thì có tiếng kêu cứu từ một căn hộ.
Khi mở cửa, có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đang ở trong phòng. Người đồng đội đi cùng đã đưa người này xuống đất, còn Tùng nhận nhiệm vụ tiếp tục leo lên các tầng, tìm người mắc kẹt bên trong.
Càng lên cao, khói càng dày đặc, mù mịt, Tùng phải dùng đến hai đèn pin. Xác định còn nhiều người mắc kẹt ở các tầng trên nên Tùng hạn chế dùng bình thở oxy vì biết đâu người bị nạn cần dùng đến. Khi lên đến tầng 32, 33, 34, Tùng gõ cửa từng phòng để trấn an mọi người, hướng dẫn họ lấy khăn ẩm, tập trung đi thành hàng một, theo cầu thang bộ lên tầng thượng.
Sau một giờ đồng hồ tập hợp người dân trên tầng thượng và khi nhận được tín hiệu của đồng đội là khói đã đỡ nhiều, Tùng đã hướng dẫn khoảng 30 thanh niên đi theo thang bộ xuống đất. 20 người còn lại gồm người già, trẻ nhỏ... tiếp tục ở trên sân thượng chờ lực lượng cứu hộ và y tế lên trợ giúp, đưa xuống đất. Với thành tích xuất sắc ấy, Tùng trở thành sĩ quan chuyên nghiệp của Phòng CSPCCC và CNCH số 7 và được phong hàm vượt cấp.
Với Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng Đội CHCN chuyên nghiệp, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh thì một kỷ niệm mà anh không bao giờ quên, đó là vụ cứu hộ công trình cao ốc văn phòng CR4-1 tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Nửa đêm 29 rạng sáng 30-12-2008, Đại úy Huỳnh Văn Tuấn cùng đồng đội nhận được thông tin tại công trình cao ốc văn phòng CR4-1, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, sập sàn bêtông khiến bốn nữ công nhân đang làm việc tại công trình bị vùi trong đống bêtông còn chưa ráo nước.
Một nạn nhân được phát hiện gần đó trong tình trạng sức khỏe nguy kịch với hai chân bị kẹp chặt bởi các thanh sắt giàn giáo và cả núi bê tông đang khô dần. Các bác sĩ tính đến phương án tháo khớp nạn nhân ngay tại chỗ, chấp nhận hi sinh đôi chân để bảo toàn tính mạng cho nữ công nhân.
Trước tình huống đó anh đã báo cáo chỉ huy đơn vị cho mình 20 phút tiến hành cứu nạn nhân. Khi 20 phút chưa hết, Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn đã đưa được nữ công nhân ra khỏi hiện trường.
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn là tấm gương tiêu biểu xuất sắc của lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh. Với những thành tích xuất sắc trong công tác và chiến đấu, anh vinh dự được bình chọn là gương mặt trẻ Thanh niên Công an xuất sắc tiêu biểu năm 2013.
Anh đã cùng đồng đội tham gia trên 500 vụ cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; tìm kiếm, giải cứu được hơn 30 người bị kẹt trong các công trình sụp đổ; tham gia lặn tìm được trên 100 thi thể nạn nhân không may bị tai nạn trên sông nước; phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra lặn tìm được nhiều tang vật hỗ trợ cho công tác điều tra khám phá án.
Ngày 10-6-2015, nhận được tin báo: Tại khu vực đồi núi thuộc địa phận xóm 16, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An (cách mỏ đá xây dựng của công ty TNHH Toản Thành khoảng 1,5km) xảy ra vụ tai nạn, một người bị rơi xuống hầm sâu, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH số 5, Cảnh sát PCCC Nghệ An đã cử một tổ công tác nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ.
Đến nơi xác định địa hình hiểm trở, hầm sâu khoảng 30m, muốn xuống phải có ít nhất là hai người để hỗ trợ nhau nhưng do trang thiết bị của đơn vị còn hạn chế, chỉ có một bộ mặt nạ phòng độc nên phương án đưa ra là chỉ có một người xuống hầm. Trước tình thế cấp bách, với trách nhiệm cứu người là trên hết, Trung úy Đoàn Khánh Linh, Phòng Chính trị, Cảnh sát PCCC Nghệ An đã xung phong xuống hầm để cứu người bị nạn.
Xuống đến nơi, thấy nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn thở yếu, anh nhanh chóng đưa mặt nạ thở cho nạn nhân, sau đó buộc chặt nạn nhân vào người mình rồi ra hiệu cho đồng đội kéo lên. Vì đường hầm nhỏ hẹp, vách đá dựng đứng lởm chởm, Trung úy Linh phải nhiều lần dùng tay, chân chống vào vách, tránh va chạm cho mình và nạn nhân nên bị thương ở nhiều chỗ.
Việc nhiều lần tuột dây ở đầu phía trên cũng khiến cho công tác CNCH gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng Trung úy Đoàn Khánh Linh vẫn đưa được nạn nhân lên an toàn trong niềm vui vỡ òa của đồng đội, người dân và gia đình nạn nhân.
Trong năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy (trong đó, 1.229 vụ cháy tại các cơ sở, 1.290 vụ cháy nhà dân, 169 vụ cháy phương tiện giao thông và 318 vụ cháy rừng) làm chết 98 người, bị thương 180 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.240,11 tỷ đồng và 1.829ha rừng.
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã thực hiện 1.825 vụ CNCH. Tổ chức hướng dẫn thoát nạn được hàng nghìn người, trực tiếp cứu được 450 người, tìm được 315 thi thể nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.
Phóng viên chúng tôi nhiều lần có mặt tại các vụ cháy xảy ra trong đêm, chứng kiến những người lính cứu hỏa xả thân "chiến đấu" với giặc lửa, không quản nguy hiểm leo xuống vực sâu hay lặn dưới sông lạnh buốt, đen đặc để cứu người bị nạn...
Dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, họ luôn sẵn sàng trong tư thế trực chiến để mỗi khi chuông điện thoại, tiếng kẻng, tiếng còi hú vang lên..., họ lại lao vút đi. Những khuôn mặt đen nhẻm, mướt mồ hôi, những chiếc bánh mì ăn vội ngay ở hiện trường, những tấm thân gần như không còn sức lực ngã khụy xuống ngay sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Không có gì có thể nói hết nỗi vất vả, hiểm nguy của người lính cứu hỏa nhưng với họ, đó là nghề, là nghiệp mà họ đã trót đam mê và theo đuổi.