Những lá thư xin lỗi nức nở từ trại giam

Thứ Ba, 24/02/2015, 14:30
Lẽ thường, nói lời xin lỗi chân thành vốn không dễ dàng. Để phạm nhân viết lên lời xin lỗi của mình lại càng khó khăn gấp bội. Chỉ khi họ thấu suốt về tội lỗi gây ra, hoàn toàn tỉnh thức và thành tâm hướng thiện, lời xin lỗi mới được thốt lên ý nghĩa và trọn vẹn nhất. Dưới đây, là những lá thư được gửi từ trại giam, cũng là tiếng lòng sâu kín của những con người lầm lạc đang trả giá cho sai lầm của mình, không ngừng hi vọng về sự thứ tha và ngày mai tốt đẹp hơn…

Lá thư xin lỗi tình cũ

Theo hồ sơ vụ án, ngày 29/9, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giữ đối tượng Phạm Văn Thiện (52 tuổi, trú tại xã Đình Phùng, Kiến Xương - Thái Bình) vì đã có hành vi câu kết với 2 đối tượng khác lập kế hoạch dùng "mỹ nhân kế" đưa một ông già ở tuổi gần 80 vào bẫy để cướp tài sản vào tháng 6/2012.

Theo điều tra của cơ quan Công an, tháng 6/2012, Thiện cùng với Phạm Thị Thêm (40 tuổi, trú tại xã Đông Huy, Đông Hưng) và Nguyễn Văn Nghiêm (40 tuổi, trú tại xã Tân Bình, TP Thái Bình) lên kế hoạch "lừa tình, cướp tài sản của cụ ông Phạm Quý N. (SN 1937). Biết ông N. có tiền, Thêm đã nghĩ ra kịch bản "bẫy tình" để chiếm đoạt tài sản. Thêm bàn với 2 người bạn là Thiện và Nghiêm để thực hiện.

Nghĩ là làm, ngày 30/6/2012, Thêm gọi điện rất tình cảm rủ ông N. tới phòng trọ của mình chơi. Khi ông N. đang ngồi trên giường của Thêm thì một gã đàn ông hung hăng đẩy cửa xông vào. Gã đàn ông đó là tên Thiện, được giao đóng vai gã giang hồ, cũng chính là người được cô vợ của ông N. thuê theo dõi và đánh ghen hộ. Thiện vớ con dao trên nóc tủ lạnh trong phòng trọ của Thêm, đe dọa để trói cả ông N. và Thêm, bắt cả hai viết giấy nhận tội đã quan hệ tình cảm với nhau. Bị thúc ép, ông N. buộc phải viết một giấy nhận nợ 50 triệu đồng và trả bằng cách gán 2 chiếc xe máy (một của ông N. đi đến và một chiếc xe của Thêm) cho Thiện.

Vì đã lập kế hoạch chi tiết từ trước, Thêm tính toán kỹ lưỡng và xin gọi điện cho một đối tượng chuyên làm nghề cầm đồ đến để cầm 2 chiếc xe trên với giá 50 triệu đồng (nhân vật này do Nghiêm thủ vai). Khi Nghiêm đến, Thêm tìm cách chuyển cho gã này một tập tiền 50 triệu đồng (nhưng bên trong lõi toàn tiền âm phủ, chỉ có 2 tờ ngoài mặt là tiền 500 ngàn đồng) để gã này chuyển cho Thiện, coi như tiền trả cho 2 chiếc xe máy và dắt 2 chiếc xe đi. Bọn chúng mang 2 chiếc xe máy ra bên ngoài cất giấu, sau đó Thiện quay lại cởi trói cho "đôi tình nhân gặp nạn".

Thêm giả vờ xuýt xoa cho người tình già bị trói đau và bảo ông N. ngồi đợi cô ta đi mua đồ ăn về. Thực chất, Thêm đi ra ngoài gặp đồng bọn, sau đó mang 2 chiếc xe máy vào gửi trong bãi xe của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để cất giấu. Vụ dàn cảnh đánh ghen tưởng như hoàn hảo, nhưng ông N. cũng là một kẻ trải đời, tinh ý phát hiện những biểu hiện bất thường ở cô “người yêu” trẻ.

Nghi ngờ Thêm chính là “đạo diễn” trong việc lập “bẫy tình” để chiếm đoạt tài sản của mình, ông N. đã làm đơn tố cáo với Công an TP. Thái Bình. Và chỉ trong một thời gian ngắn, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã lật tẩy toàn bộ vở kịch tưởng như hoàn hảo của người đàn bà mưu ma Phạm Thị Thêm và đồng bọn. Phạm Thị Thêm và Nguyễn Văn Nghiêm bị bắt ngay sau đó, còn Thiện bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã. Hiện, Thiện cũng đã bị tóm gọn. 

Với hành vi cướp tài sản, Phạm Thị Thêm bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng và hiện đang thụ án tại Trại giam Thanh Phong (Nông Cống – Thanh Hóa). Ngồi trò chuyện với Thêm, người đàn bà này không ngừng khóc kể về những ẩn ức trong cuộc tình nhiều góc khuất với người đàn ông tên N. đáng tuổi cha, chú.

Là một đứa trẻ bất hạnh ngay từ lúc mới chào đời, 1 tuổi, Thêm đã phải rời xa vòng tay của cha mẹ, sống cùng cha mẹ nuôi. Thêm có tật ở chân từ tấm bé, dáng đi hơi cà nhắc nên cô trở thành đề tài trêu chọc của đám trẻ con cùng tuổi. Khoác trên vai nỗi hờn tủi bộn bề và niềm mặc cảm sâu sắc, Thêm trầm lặng, lầm lụi như hòn sỏi khô khốc, lạnh lẽo, đến độ “có lúc tôi thấy mình như một kẻ thừa của gia đình, bị gạt ra bên lề xã hội. Tôi không cảm nhận được tình yêu và hơi ấm tình thân” như cách Thêm thổn thức chia sẻ. Chỉ tới khi đi làm và gặp gỡ người đàn ông tên N., Thêm cảm thấy cuộc sống của mình đã thay đổi hoàn toàn.

Kể về người đàn ông mang lại cho Thêm hơi ấm, sự quan tâm và cũng là người mang tới cho cô nhiều rắc rối, đôi mắt Thêm vẫn thiết tha, âu yếm: “Anh N. là một người đàn ông đa tình. Dù đã có vợ con đề huề nhưng vẫn yêu thương và quan tâm đặc biệt tới tôi. Anh lo cho tôi công ăn việc làm, cho tôi đi học thêm tin học, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ… thậm chí, lo lắng cho tôi cả chốn ở. Một người con gái từ quê nghèo, gặp nhiều bất hạnh từ tấm bé bỗng chốc nhận được quá nhiều điều tử tế từ một người đàn ông xa lạ, làm sao không xao lòng, cảm động? Anh N. chẳng chê tôi bị tật, mà vẫn yêu thương, cưu mang đùm bọc tôi. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi nguyện theo anh, dù tôi biết thứ tình yêu chúng tôi có với nhau hoàn toàn trái với luân thường đạo lý”.

Ông N. yêu Thêm và muốn giữ Thêm bên mình, dù bản thân đã có gia đình sung túc, đủ đầy. Sau nhiều năm quan hệ trong bóng tối, cuối năm 1993, Thêm lên xe hoa với một chàng trai cùng quê đã theo đuổi cô từ lâu. Dù đã có chồng, nhưng trong lòng Thêm vẫn không quên hình bóng mối tình đầu sâu đậm. 6 năm sống chung với chồng, dù đã cố công nhưng cô không tìm thấy hạnh phúc. Hi vọng, những đứa con chào đời sẽ trở thành cầu nối tình yêu của cha mẹ, song vợ chồng Thêm không thể có con.

Cuối năm 1999, Thêm và chồng ly hôn, kết thúc cuộc hôn nhân lạnh lẽo, không điểm tương đồng. Lúc này, người đàn ông cưu mang Thêm năm xưa lại xuất hiện. Ông nói, vẫn yêu và đợi chờ Thêm. Dĩ nhiên, lửa tình trong lòng Thêm chẳng mất đi, thậm chí còn bùng cháy mãnh liệt hơn trước. Ông N. khuyên Thêm đừng đi bước nữa, mà hãy chung sống và có con với ông. Những ngọt ngào, âu yếm thốt lên từ miệng người đàn ông bước sang bên kia con dốc cuộc đời một lần nữa hồi sinh trái tim người đàn bà lầm lạc.

Thêm lại chấp nhận nép mình vào bóng tối, sống kiếp “chồng chung” với người đàn bà khác, tủi hờn là người thứ ba âm thầm bị khinh miệt. Tai nạn giao thông khiến đôi chân vốn bị tật của Thêm càng trở nên nghiêm trọng, chị phải nằm viện điều trị một thời gian dài để hồi phục sức khỏe. Ra viện, Thêm lại ấp ủ dự định có con với người tình với hi vọng đứa trẻ sẽ là “của để dành” của riêng chị, là nguồn sống cổ vũ chị trước miệng lưỡi thế gian. Nhưng, việc có con không đơn giản như chị nghĩ, dù năm lần bảy lượt sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, chị và ông N. vẫn không thể có con.

Ôm nỗi đau đớn “cây độc không trái”, Thêm trải qua những ngày tháng buồn khổ nhất cuộc đời, chiếc phao cứu sinh duy nhất để Thêm nương tựa là ông N. Thế nhưng, chẳng ai đo đếm được lòng dạ con người. Thứ tình yêu thiêng liêng Thêm hằng tôn thờ đã phản bội lại chị. Bằng trái tim nhạy cảm của người phụ nữ, Thêm phát hiện ông N. còn có người đàn bà khác. Dù nhiều lần tự nhủ bản thân mình chỉ là kẻ thứ ba lạc lối, Thêm dằn lòng mỗi khi ông N. quay trở về đoàn tụ với vợ con.

Hỏi chị có ghen không, chị chỉ cười gượng gạo: “Đàn bà nào chẳng có máu ghen trong người, nhưng tôi “dạy” mình không được phép ghen với vợ của anh ấy, bởi chị ấy là người phụ nữ chính thức, như kiểu “chính cung hoàng hậu” vậy, còn mình chỉ là phận thê thiếp, chỉ là bát cơm để dành khi anh ấy đói lòng mà thôi”.

Cay đắng bộc bạch những suy nghĩ tận đáy tim, nhưng Thêm bảo, chị không thể chịu nổi cảm giác phát hiện ông N. phản bội chị để đến với một kẻ thứ ba khác. Thậm chí, ông N. còn có con với người phụ nữ này. Bản tính trăng hoa của ông N. không đổi, dù có con với người đàn bà khác, nhưng ông N. vẫn không bỏ rơi Thêm. Trong niềm tin mù lòa, cho tới tận hôm nay, Thêm vẫn đinh ninh người ông N. yêu thương thật sự là Thêm, còn tình cảm ông dành cho người phụ nữ kia chỉ là lòng thương hại!

Nhiều lần gọi điện cho ông N. biết N. đang ở bên mẹ con tình mới, Thêm càng căm hận người đàn ông bội bạc. Chính thế, chị đã dàn cảnh đánh ghen mà nạn nhân chính là người tình một thời đầu ấp tay gối. Sau này, tại cơ quan điều tra, Thêm nấc nghẹn bảo: “Em yêu anh N., nhưng giận anh ấy quay lưng với em. Chiếm đoạt tiền của anh N. chỉ bởi không muốn anh N. mang tiền đó cho mẹ con người đàn bà kia. Tất cả những gì em làm là muốn anh N. quay lại với em như ngày xưa”. Thêm, nhân danh tình yêu để làm điều sai trái và những sai trái đó đã phải trả giá bằng những năm tháng sau song sắt.

Trong chương trình phát động viết thư xin lỗi do Tổng cục VIII tổ chức, với hi vọng những phạm nhân đủ dũng cảm nói lên lời xin lỗi của mình, lá thư của Phạm Thị Thêm đã gửi về cho người tình cũ – cũng là người đã cưu mang, nâng đỡ Thêm những năm tháng tuổi trẻ, và cũng là người đã tố cáo Thêm với cơ quan chức năng, vạch trần thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt của Thêm. Người mà Thêm yêu và hận nhất. 

Trong thư có đoạn: “Anh ạ, em biết là em đã làm những điều không phải đối với anh trong thời gian qua, để giờ đây rơi vào vòng lao lý, em thấy ân hận và hối tiếc lắm, nhưng em không biết làm sao được. Giờ em chỉ mong vào lòng vị tha của anh. Anh đã dành cho em một tình thương yêu vô bờ bến, anh đã dạy dỗ, nuôi em ăn học, lo cho em một vị trí vững chắc, sắm cho em mọi thứ… Chỉ vì thiếu suy nghĩ, nông nổi, em đã đánh mất đi tất cả, đánh mất đi người thương yêu chiều chuộng mình nhất… Em mong anh vì tình nghĩa hơn 20 năm qua mà thương em, tha thứ cho em, cho em một cơ hội để em làm lại từ đầu, cũng chưa muộn phải không anh, nếu như có anh cưu mang giúp đỡ trong những ngày tháng tù tội này.

Anh ơi, làm sao em có thể quên được nững hình ảnh đã hiện hữu trong trí óc em. Em biết em có tội đối với riêng anh, đó là tội “Yêu anh hơn chính bản thân mình”, bởi vì vậy cho nên ngày hôm nay cuộc đời đã bắt em phải  trả một cái giá quá đắt cho tội ghen tuông, ích kỷ. Chính vì mắt em đã nhìn thấy anh trao tình cảm của em cho người đàn bà khác và anh cũng đã thú nhận với em.

Anh đã bao giờ nghĩ rằng tim em vụn vỡ, con sâu ích kỷ đang lấn át lòng bao dung của em dành cho anh và người đàn bà đó không? Có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị chính người yêu thương mình nhất đã phản bội, lừa dối mình, chính những giây phút đó em đã không ghìm được lòng mình, em đã làm một việc để tự bảo vệ và cướp lại hạnh phúc mà biết bao năm nay em đã cố công vun đắp nó. Nhưng em đã bất lực, bởi khi đó trong tim anh chỉ có hình bóng của người đàn bà không có trái tim, họ đã cố tình cướp đi hạnh phúc, cuộc sống của riêng em và rồi bắt em phải hành động để cái giá ngày hôm nay em phải trả là hai chữ “Lao Tù”…

Những ngày tháng cải tạo ở nơi đây, em đã tích lũy cho bản thân mình một điều là phải cố gắng thật nhiều, biết yêu thương bản thân, biết tha thứ cho người khác. Bây giờ trong lòng em chỉ còn lòng hướng thiện, để một ngày nào đó, em có cơ hội sớm được trở về với gia đình, xã hội…

Điều cay đắng đối với người đàn bà này, là khi trở về sau những năm tháng chuộc lỗi, chị sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn, khi bên cạnh chẳng có ai để bầu bạn, tâm sự, cũng không thể có nổi mụn con để nương tựa khi về già. Thêm bảo, nghĩ tới những điều ấy thôi, đã thấy xót xa, lạnh ngắt.

Mẹ nức nở xin lỗi hai con sau song sắt

Phạm nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (SN 1983, ở Hưng Hà, Thái Bình) lại mang một nỗi niềm khác, đó là nỗi nhớ và cũng là nỗi ân hận dành cho hai đứa con thơ dại. Hà sinh ra trong một gia đình cơ bản ở vùng đất lúa Thái Bình. Được cha mẹ nuôi ăn học tử tế, Hà tốt nghiệp hai trường đại học và đi làm trợ lý giám đốc cho một công ty có tiếng ở nước ngoài. Như người đời vẫn nói “hồng nhan đa truân”, một người phụ nữ có nhan sắc như Hà lại sa chân vào tù tội với tội danh Cưỡng đoạt tài sản.

Hà thú nhận, chị vô tình phạm tội, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, gửi những tin nhắn đe dọa con nợ số tiền 60 triệu đồng, Hà bước chân vào trại giam trong nỗi ngỡ ngàng của gia đình và chính bản thân. Nhập trại tạm giam khi cách Tết Nguyên đán vỏn vẹn 14 ngày, Hà hoàn toàn suy sụp. Những ngày đầu vào trại tạm giam, Hà đau đớn tới mức không thiết ăn uống, cả ngày lẫn đêm chỉ khóc vùi bên chiếc gối mỏng, nghĩ thương phận mình, thương hai con bé thơ đang đỏ mắt ngóng đợi mẹ ở nhà, Hà như đứt từng khúc ruột.

Lần đầu tiên Hà gặp hai con, là khi sức khỏe chị suy kiệt, các cán bộ quản giáo phải đưa chị đi viện. Trong thời gian nằm viện, mẹ và hai con của chị tất tả tới thăm. Nhìn con ngây thơ gọi mẹ Hà, chị chỉ biết lặng lẽ khóc thầm, không biết giải thích sao cho con hiểu về đôi chân bị cùm ẩn dưới tấm chăn mỏng bị vô tình lật lên. Sau thời gian tạm giam, Hà được chuyển tới cải tạo ở Trại Thanh Phong, bắt đầu quá trình cải tạo chính thức.

Trong lá thư gửi về cho hai con, từng con chữ run rẩy đẫm nước mắt của Hà in hằn trên trang giấy: “B.L và L.T của mẹ! Chắc giờ này hai con đã ngủ rất ngoan rồi phải không? Còn mẹ thì không sao ngủ được, khi nghĩ về hai con yêu của mẹ. Sau cú vấp ngã của cuộc đời, mẹ như nhận ra một điều, đối với mẹ, chẳng có gì ý nghĩa hơn khi được ở bên hai con, chăm sóc và chở che cho hai con từng ngày. Nhưng khoảng thời gian này thật khó khăn đối với mẹ để làm điều đó.

Giá như mẹ không phải “đi công tác xa” như cách mà ông bà nội, ngoại vẫn nói với các con thì mỗi sáng mẹ có thể đưa các con đến trường, mỗi tối mẹ có thể ôm các con vào lòng và hôn nhẹ vào môi các con trước giờ đi nghỉ… Giá như mẹ không phải dùng từ “giá như” cho ngày hôm nay thì B.L và L.T của mẹ đã không phải xa nhau. B.L thì ở với ông, bà nội và bố còn L.T lại phải về với ông bà ngoại. Mẹ thấy xót lòng quá hai thiên thần của mẹ ạ!

Nhiều lúc chỉ nghĩ đến các con thôi, mẹ như thấy trái tim mình vỡ ra làm trăm mảnh. Mẹ chỉ muốn chạy đến thật nhanh về bên các con, ôm các con vào lòng vỗ về để vơi đi nỗi nhớ, sự day dứt trong lòng mẹ mà thôi.

Những lần ông ngoại sắp xếp thời gian vào thăm mẹ, mẹ cũng rất muốn sẽ có các con vào cùng, nhưng mẹ lại không muốn hình ảnh của mẹ lúc này làm vẩn đục tâm hồn trong sáng, thuần khiết của hai con. Những gì mẹ gây ra, mẹ sẽ phải đối diện và chấp nhận nó. Chỉ mong các con ngoan và luôn yêu mẹ, để mẹ có thêm nghị lực, cố gắng lao động thật tốt, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội và là mẹ hiền kính yêu trong lòng các con. Hãy luôn nhớ về mẹ với những kí ức ngọt ngào các con nhé. Mẹ sẽ sớm trở về…”.

Trước lao động ở đội 23, thời gian gần đây Hà được phân sang đội 12, thuộc phân trại K1, nhận nhiệm vụ kiểm hàng sản xuất cho công ty may, Hà ý thức được rằng, chỉ có cách cải tạo thật tốt, chăm chỉ lao động… mới sớm được trở về đoàn tụ bên hai con. Thời gian qua đi, Hà nhận ra cú vấp ngã này giúp chị thức tỉnh nhiều điều. Hà biết sống chậm lại, nhìn về quá khứ với những lỗi lầm gây ra. Hà tin rằng, khi trở về xã hội, đoàn tụ với hai con, chị sẽ trưởng thành, cứng cáp hơn, tâm hồn cũng sẽ thanh khiết, lọc bỏ được những tham hận, sân si trong quá khứ.

Hòa Ca
.
.
.