Những hệ lụy từ vụ Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng
- Luyện “Alibaba” là ai?
- Nguyễn Thái Lực, em ruột chủ tịch Alibaba tiếp tục bị khởi tố về tội “Rửa tiền”
- Nhiều nạn nhân của địa ốc Alibaba lên tiếng
Ðằng sau vụ việc này có rất nhiều điều đáng nói và dĩ nhiên cũng kéo theo không ít hệ lụy cho khách hàng cũng như tác động xấu tới tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương liên quan…
Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thái Luyện. |
Dây chuyền huy động vốn trái phép
Ngày 27-9, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phê chuẩn Quyết định bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, quê TP Pleiku, Gia Lai), Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành (công ty thành viên của Công ty Alibaba).
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm giữ Nguyễn Thái Lực để điều tra liên quan đến vụ án Công ty Alibaba lừa hàng ngàn khách hàng. Trong ngày 25-9, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệu tập Nguyễn Thái Lực lên làm việc.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Lực đứng tên hai công ty con thuộc Công ty Alibaba gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh (trụ sở tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Địa ốc Long Thành Ali (trụ sở tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Khám xét và thu giữ các tài liệu, tang vật tại trụ sở Công ty Alibaba. |
Với vai trò của mình, Lực đã giúp sức cho hai người anh trai Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi) thực hiện nhiều “dự án ma” lừa khách hàng tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cơ quan CSĐT nhận định anh em Luyện hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản. Thực chất, họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử.
Cần nói thêm về phương thức, thủ đoạn kinh doanh bất động sản tinh vi kiểu đa cấp của công ty này. Theo đó, anh em Luyện, Lĩnh, Lực dùng hình thức mua đất nông nghiệp, đất ở vùng nông thôn với giá rẻ, sau đó vẽ dự án và chia lô bán ra thị trường.
Nhưng không dùng hình thức mua đứt bán đoạn mà bán cho người mua với “hợp đồng quyền chọn”, sau đó hứa hẹn với người mua một khoản lãi suất lớn, cam kết mua lại với giá cao hơn như mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng, 38% sau 15 tháng…; tuy nhiên họ cũng kèm điều kiện khách hàng sẽ giao quyền kinh doanh trên diện tích đất này cho chính những người bán, là anh em Luyện…
Chính điều này đã tạo cơ hội cho Alibaba dùng một nền đất ảo mà thu tiền thật của hàng chục khách hàng khác nhau.
Về phía người mua đất, thấy sự “đảm bảo” và mối lợi mà Alibaba hứa hẹn, họ đã rơi vào bẫy của Alibaba khi đã đánh trúng vào lòng tham và tâm lý đầu cơ đất đai hưởng lợi của một bộ phận khá đông đảo người dân hiện nay.
Và “cái bánh vẽ” anh em Luyện đưa ra được tính toán kỹ càng đến mức người mua cảm thấy dù bất kỳ phương án nào cũng đều đem lại cho họ lợi nhuận. Và cứ thế, một diện tích đất có thể được đem bán lại nhiều lần với mức giá ngày càng tăng. Anh em Luyện đã biến việc mua bán nền đất thành dây chuyền huy động vốn trái phép.
Cần cảnh giác để tránh sa vào bẫy
Đáng nói, với phương thức, thủ đoạn kinh doanh kiểu này, người mua dù có phát hiện ra hành vi lừa đảo của anh em Luyện, thì phần nhiều họ cũng chọn giải pháp im lặng và chờ đợi những khách hàng khác mắc lừa, tiếp tục mua đất, để anh em Luyện lấy chính tiền của những khách hàng sau trả cho khách hàng trước… Và lại cứ thế, anh em Luyện dựa trên đó mà kiếm tiền ngàn tỷ.
Nhiều người đến Cơ quan Công an tố giác hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba. |
Theo cơ quan CSĐT, tính đến ngày 30-6-2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng thu được số tiền “khủng” - hơn 2.500 tỷ đồng.
Sau khi “bộ sậu” lãnh đạo Công ty Alibaba bị khởi tố, bắt giam, đã có rất nhiều khách hàng của công ty này tìm đến cơ quan CSĐT tố giác hành vi lừa đảo. Tính đến hết ngày 24-9, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Ngoài ba anh em Luyện, Lĩnh, Lực đã bị khởi tố, bắt giam, thì cơ quan CSĐT còn tiếp tục triệu tập thêm những người khác như Phó Tổng giám đốc phụ trách Đối ngoại và Đào tạo; Giám đốc các chi nhánh, công ty con và Trưởng các văn phòng giao dịch ở TP.HCM cũng như ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, lên làm việc, mở rộng điều tra vụ án.
Cần nhắc lại là thời điểm sau khi Lĩnh bị khởi tố, bắt giữ, còn Luyện bị áp giải về trụ sở cơ quan CSĐT để phục vụ điều tra, để trấn an khách hàng, Công ty Alibaba đã liên tục đưa ra thông tin tất cả tài sản bao gồm tiền, vàng của công ty - cũng được cho là tài sản của các nhà đầu tư - đều bị Công an thu giữ trong ngày khám xét 18-9.
Tuy nhiên, trước những thông tin này, tại buổi họp báo, Công an TP Hồ Chí Minh đã thông tin cụ thể rằng qua khám xét Công ty Alibaba, Công an thu giữ hơn hơn 9 tỷ đồng, 20 thỏi vàng, 3 ôtô cùng 376 thùng tài liệu. Nhưng với số lượng khách hàng bị lừa đảo lên tới hàng ngàn người thì số tài sản được thu giữ tại trụ sở công ty địa ốc này đang đặt ra nhiều câu hỏi. Tài sản của các nhà đầu tư mua dự án “ma” của Công ty Alibaba có còn? Liệu có việc tẩu tán tài sản trước khi cơ quan chức năng khám xét?...
Nếu thật sự tài sản đã tẩu tán và cơ quan chức năng không chứng minh được thì khách hàng khó có thể đòi lại tài sản đã đầu tư vào đây.
Qua vụ việc này, bài học mà Alibaba để lại chính là phương pháp quản lý thị trường địa ốc. Với diện tích đất nông nghiệp, đất ở nông thôn sau khi được anh em Luyện mua lại, để tạo lòng tin cho khách hàng về những “dự án” đã được phê duyệt, họ đã bỏ tiền san lấp, cải tạo và thậm chí xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính sự phù phép trên thực địa này là căn cứ lớn nhất để tạo được lòng tin của những khách hàng. Tuy nhiên, phải chăng việc làm công khai đó đã không được chính quyền các địa phương phát hiện ngăn chặn kịp thời?
Nếu chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ và kiên quyết xử lý ngay mọi hành vi xâm phạm đất trồng rừng hoặc đất nông nghiệp, thì Nguyễn Thái Luyện không thể liều lĩnh vẽ ra dự án để lừa đảo.
Ngoài vụ việc chính quyền thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cưỡng chế và sau đó Công ty Alibaba này chống đối lực lượng chức năng, vẫn còn gần 40 “dự án” khác của công ty này được tiến hành với thủ đoạn tương tự nhưng không vấp phải sự ngăn cản của cơ quan quản lý ở địa phương.
Để ngăn ngừa và tránh những vụ việc tương tự, điều rất cần thiết là tăng cường vai trò quản lý của những người có trách nhiệm ở địa phương, đồng thời mỗi người cần hết sức cảnh giác để tránh sa vào cái bẫy của những kẻ lừa đảo.