Kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng và 65 năm bài hơ "Tây Tiến" ra đời:

Những góc khuất về đời sống bình dị

Thứ Sáu, 18/10/2013, 09:00

25 năm, nhà thơ ấy đã đi xa, "mùa xanh xưa" ấy đã trong veo một thuở "quán bên đường". Và 65 năm, đoàn binh Tây Tiến kiêu hùng, oanh tạc một phần đời hai mươi đẹp đẽ nhất cũng đã đi sang cuộc đời khác. Nhưng mà, hồn của những tráng sỹ ấy vẫn vọng về cùng sông núi và viết tiếp khúc tráng ca của thế hệ mình.

Tọa đàm tưởng niệm những kỷ niệm đi cùng nhà thơ và cùng nhìn lại chặng đường sáng tác của ông với những tác phẩm nhiều người biết đến theo nhiều giai đoạn thời gian, từ bài thơ đầu tiên "Chiêu quân" sáng tác năm 17 tuổi cho đến nhiều bài thơ gắn bó với tên tuổi và những chặng đường mà ông đã đi qua sau này như "Tây Tiến", "Quán bên đường", "Đôi mắt người Sơn Tây", "Đêm Thạch Hãn"...  Và như lời người con gái út của nhà thơ - chị Bùi Phương Thảo, trời xui đất khiến như thế nào mà tọa đàm diễn ra vào ngày 6/10, tức ngày 2/9 âm lịch, trước ngày giỗ của nhà thơ Quang Dũng đúng một ngày.

Tọa đàm cũng gợi ra những góc khuất về đời sống bình dị của nhà thơ. Trong ký ức của những người thân, người chồng, người cha, người ông ấy luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu học tập. Cả trong công việc cũng như trong đời sống, ông luôn sống đúng tác phong giản dị của người lính.

Và như một gen di truyền, con cháu trong gia đình, mỗi người đều tìm đến một môn nghệ thuật và xem đó như một cứu cánh giải thoát cho những mê mệt của một đời người. Người thì viết văn thơ, người thì vẽ tranh, người thì viết nhạc…

Với họ, nghệ thuật không là nghề nghiệp, không là toàn bộ cuộc đời họ, và họ cũng không xuất sắc như cha, ông mình nhưng đó là những thước lòng bình dị và tĩnh lặng giữa cuộc sống bộn bề này, cũng là một cách để nhớ thương về người thơ yêu dấu của cuộc đời họ.

Chị Thảo, con gái út và bà Thạnh, vợ cố nhà thơ Quang Dũng.

Nhà thơ Quang Dũng, người đã sống "lớp tuổi hai mươi, mây ở đầu ô, trời xanh lộng thế", thủ bút ra "Tây Tiến" và chân dung người lính vừa anh hùng, kiêu dũng và hào hoa, lãng mạn cũng nhất mực ấy. Họ là những chàng Thạch Sanh của thế kỷ 20, xé lẻ cuộc đời để tạc nên chân dung của Đất Mẹ.

Những người giữ gìn hồn thiêng sông núi ấy, người mất người còn thì nay, đều quy tụ về đây, trong những ngày mùa thu Tây Bắc mênh mang của đất trời. Giữa những ký ức và những gương mặt "sót lại của một rừng cười" ấy (PV - Tên một tác phẩm của nhà văn Võ Thị Hảo) là tiếng thơ về một thời tuổi trẻ ra đi từ đó không về.

Người cũng đi xa, mang theo thân xác lưu đày giữa quê hương thần thoại. Câu thơ ở lại, mây trắng bay trên đầu. Những người bạn cùng thời mấy năm trước thì còn có người qua thắp nén nhang, ôn lại kỷ niệm cũ, thì nay đã già yếu, có người cũng đã đi gặp đồng đội của mình ở một góc trời Sầm Nưa. Căn nhà cũ của gia đình nhà thơ giờ cũng không còn. Con cháu, vì điều kiện mà không thể quần tụ một nơi.

Nhất là, người vợ của nhà thơ "Tây Tiến" nổi tiếng ngày ấy, bà Bùi Thị Thạch hằng ngày vẫn đang sống nốt những ngày cuối đời cô đơn tại một trung tâm dưỡng lão. Con cái đã yên bề gia thất, nhưng mà vì điều kiện nên không thể chăm sóc được bà đành phải chung tay đưa mẹ đến ngôi nhà chung dành cho người già.

Và bà, vẫn ở đó một mình giữa một góc Hà Nội hiu hắt và rụng héo đi vì tuổi tác với một nỗi đau đáu mong chờ giây phút con cháu tới thăm vào mỗi tuần. Một phía là ánh sáng của chồng, là những ánh hào quang chưa bao giờ tắt.

Phía còn lại là ký ức, là những u tối tuổi tác của người đàn bà thường "mặc áo nâu và buồn", người đàn bà như lời của một người bạn nhà thơ Quang Dũng từng viết - "như một cái cây, tự lắp mình đi giữa đám rừng". Bà cũng chính là "người sót lại của rừng cười". Thương, hay xót để nói về người vợ của nhà thơ xứ Đoài này, như thế nào cũng có phần bất nhẫn!

25 năm, nhà thơ ấy đã đi xa, "mùa xanh xưa" ấy đã trong veo một thuở "quán bên đường". Và 65 năm, đoàn binh Tây Tiến kiêu hùng, oanh tạc một phần đời hai mươi đẹp đẽ nhất cũng đã đi sang cuộc đời khác. Nhưng mà, hồn của những tráng sỹ ấy vẫn vọng về cùng sông núi và viết tiếp khúc tráng ca của thế hệ mình.

Để tưởng nhớ nhà thơ tài hoa Quang Dũng và hành trình ấy, Hội Nhà văn Hà Nội và Ban liên lạc trung đoàn Tây Tiến phối hợp cùng gia đình nhà thơ tổ chức buổi tọa đàm "Ta mãi là mùa xanh xưa" vào  ngày 6/10 tới tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình.

Đậu Dung
.
.
.