Ký kết trực tuyến Hiệp định RCEP diễn ra như thế nào?

Thứ Ba, 17/11/2020, 08:15
Bộ trưởng các nước thành viên RCEP lần lượt ký kết hiệp định tại quốc gia của mình, dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo, rồi các Bộ trưởng cùng giơ bản hiệp định đã ký để thể hiện sự đồng lòng trong việc thực thi RCEP.

Ngày 15-11-2020, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã bế mạc. Đặc biệt, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với khối lượng đồ sộ, mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp. 

Tuy nhiên do hội nghị tổ chức trực tuyến nên việc ký kết cũng rất đặc biệt. Bộ trưởng các nước thành viên RCEP lần lượt ký kết hiệp định tại quốc gia của mình, dưới sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo. Sau đó, dưới sự điều hành của người dẫn chương trình, các Bộ trưởng cùng giơ bản hiệp định đã ký để thể hiện sự đồng lòng trong việc thực thi RCEP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP.

31 vòng đàm phán và 18 cuộc họp cấp Bộ trưởng

"Lễ ký kết hiệp định RCEP hôm nay là niềm tự hào, thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, cho doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.

Hiệp định RCEP là động thái khu vực quan trọng nhất trong thời gian gần đây. RCEP có sự tham gia của của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Các nước tham gia RCEP bao gồm 2,2 tỷ người và 29% sản lượng kinh tế toàn cầu. Hiệp định nhằm mục đích giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc về thương mại điện tử mới. Đây sẽ là khuôn khổ thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. RCEP mang ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thương mại giữa ba nước Nhật - Trung – Hàn.

Các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) với trình độ phát triển kinh tế khác nhau là việc không hề dễ dàng. Sau cuộc đàm phán vào ngày 4-11-2019, Ấn Độ đã rút khỏi Hiệp định do còn nhiều điểm chưa được giải quyết. 

Và trước khi hoàn tất thỏa thuận và ký kết ngày 15-11-2020, 31 vòng đàm phán cùng 18 cuộc họp cấp bộ trưởng đã được tổ chức và tiến hành trong 8 năm. Thời hạn tự đặt ra cho thoả thuận và dự kiến ký kết cũng đã bị bỏ lỡ 6 lần. Vì thế, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali đã gọi việc ký kết RCEP tại Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan là "trái ngọt của 8 năm đàm phán đầy mồ hôi và nước mắt".

Điều đặc biệt của lễ ký kết trực tuyến đầu tiên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định RCEP chụp ảnh lưu niệm trực tuyến sau lễ ký kết.

Giới phân tích nhận định, trong thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu đang khao khát sự ổn định cả về hệ thống chính trị và triển vọng kinh tế, RCEP mang lại tín hiệu lạc quan cho Châu Á-Thái Bình Dương. RCEP cũng được cho là có sức ảnh hưởng đến động thái của các khối thương mại quan trọng khác.

Jeffrey Wilson, Giám đốc Viện chính sách chiến lược Australia nhận xét rằng Việt Nam đã xoay sở để “đỡ đầu cho hiệp định này bất chấp những trở ngại lớn về kinh tế và chính trị” và do đó “giờ đây nên được công nhận là một cường quốc trung gian đáng kể về mặt hệ thống”. Một số nhà phân tích khác cũng đã đặt nhiều câu hỏi về việc lễ ký kết sẽ được diễn ra như thế nào trong bối cảnh đại diện các nước thành viên đều họp trực tuyến tại đầu cầu ở nước mình. 

Trước đó, các lễ ký kết truyền thống là các bên phải gặp mặt trực tiếp, cùng ngồi vào bàn ký kết rồi sau đó trao cho nhau văn bản, chụp ảnh lưu niệm… Thậm chí, nhiều tờ báo phương Tây còn viết rằng không rõ Việt Nam sẽ làm như thế nào để lễ ký kết được thực hiện đúng như những gì mà người ta mong đợi.

Hình ảnh Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao Hiệp định RCEP đã ký cho Tổng thư ký ASEAN tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Phong Sơn.

Bản thân các nhà báo tham gia đưa tin sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan cũng thắc mắc và hỏi nhau khi gần đến lễ ký kết. Một số đồng nghiệp của chúng tôi làm việc cho các hãng thông tấn nước ngoài còn nhận được yêu cầu từ hãng về việc truyền trực tiếp để họ xem cách Việt Nam xử lý cho một lễ ký kết trực tuyến. 

Và đúng 11h30 ngày 15-11, chúng tôi đã có câu trả lời. Lễ ký kết được diễn ra một cách trang trọng, bài bản và đầy cảm hứng. Sau khi Hội nghị cấp cao RCEP kết thúc, các nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ ký kết. Cụ thể, Bộ trưởng phụ trách thương mại các nước sẽ đại diện đứng ra ký kết Hiệp định. Như ở Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký vào Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo giới thiệu của người dẫn chương trình, trong lúc Bộ trưởng các nước ký Hiệp định, các nhà lãnh đạo đứng lên để chứng kiến. Ký xong, các Bộ trưởng phải đứng lên, cầm bản Hiệp định có chữ ký hướng về phía camera và giữ nguyên trong 5 đến 10 giây để chụp hình. Lần lượt các nước sẽ ký trong đó các nước đối tác ký trước theo thứ tự bảng chữ cái. Australia là quốc gia đầu tiên và Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham là người đầu tiên ký Hiệp định. 

Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham nói: “Việc ký kết thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và hữu hình rằng khu vực của chúng ta và các đối tác, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng”. 

Đến lượt các nước thành viên ASEAN ký, đầu tiên là Brunei và kết thúc là Việt Nam. Để có một tấm hình kỷ niệm lễ ký kết ở 15 điểm cầu, các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng cùng đứng lên, hướng văn bản về phía camera và cùng mỉm cười theo hiệu lệnh từ người dẫn chương trình. Màn hình ở mỗi đầu cầu sẽ được chia nhỏ thành 16 hình ảnh khác nhau trong đó có 15 hình ảnh ở 15 điểm cầu các nước và 1 hình ảnh từ Ban thư ký ASEAN.

Hình ảnh Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao Hiệp định RCEP đã ký cho Tổng thư ký ASEAN khi được phát trực tuyến. 

Điều đáng chú ý là sau lễ ký kết, có hình ảnh Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao Hiệp định đã ký kết cho Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. Lúc này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở Hà Nội còn Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi thì ở trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta, Indonesia. 

Vậy việc trao sẽ được thực hiện xuyên không gian như thế nào? Thực tế rất đơn giản, ở hai đầu cầu Hà Nội và Jakarta, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi cùng bước lên sân khấu và cầm theo bản Hiệp định đã ký. Đứng bên cạnh hai nhà lãnh đạo ở hai đầu cầu là nhân viên lễ tân. Máy quay ở hai nơi thì thu gọn khung hình vào hai nhà lãnh đạo. Sau đó, theo hiệu lệnh của người dẫn chương trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa văn bản về phía nhân viên lễ tân đứng bên cạnh còn nhân viên lễ tân ở Jakarta thì đưa văn bản về phía Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. 

Với những người chứng kiến trực tiếp thì là vậy. Còn với hình ảnh được đưa lên màn hình ở những điểm cầu khác, người ta có cảm giác như đúng là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa tận tay văn bản ký kết cho Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi. Nguyên do là vì hai camera quay ở hai đầu cầu chỉ hướng vào hai nhà lãnh đạo nên tạo một sự chuyển tiếp rất nhịp nhàng, hợp lý và đầy thú vị.

Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm của chính phủ. Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. 


Huyền Chi
.
.
.