Những chiến công trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm kinh tế

Thứ Hai, 25/07/2016, 14:44
Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ Cảnh sát kinh tế là “Công an hoàng gia” khi không phải đối mặt với vất vả, hiểm nguy như những lực lượng chiến đấu khác. Nhưng từ những “đại án kinh tế” được phá trong thời gian qua, ở một lĩnh vực tương đối nhạy cảm, mới thấy được cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế cũng gian nan, khốc liệt không kém.

Việc phải đối mặt với đối tượng là những người có học thức, có tiền, có địa vị và quan hệ xã hội rộng đã đòi hỏi người chiến sĩ Cảnh sát kinh tế với nghiệp vụ sắc bén, sự khôn khéo và hơn tất cả là một bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi cám dỗ của “những viên đạn bọc đường”.

Cán bộ, chiến sĩ Cục C46 phối hợp với lực lượng chức năng đột kích cơ sở sản xuất thuốc thú y chui tại TP Hồ Chí Minh.

Những thành tích của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) trong vòng 10 năm trở lại đây đã phần nào nói lên chiến công của cán bộ chiến sĩ (CBCS) C46. 

Thụ lý điều tra 377 vụ/1.456 bị can gây thiệt hại 40.071 tỷ đồng, đã thu hồi tài sản với tổng trị giá khoảng 20.403 tỷ đồng; nhiều năm liền vinh dự được nhận Bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, đặc biệt trong 4 năm liên tiếp 2012, 2013, 2014, 2015 đều nhận được Cờ thi đua của Chính phủ, năm 2015 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, và đang được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đề xuất tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất… 

Đóng góp vào những thành tích kể trên phải kể đến nhiều “đại án” lớn có ý nghĩa về chính trị - kinh tế - xã hội - đối ngoại, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Điển hình trong thành tích trên là vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái…, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Đức Kiên không chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh cũng như bóng đá, mà còn rất am hiểu pháp luật. 

Kiên đã khôn khéo lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong chính sách thuế và hoạt động tài chính, ngân hàng để thực hiện hàng loạt các thủ đoạn kinh doanh trái pháp luật, chuyển lợi nhuận để trốn thuế, thao túng hoạt động ngân hàng, đầu cơ cổ phiếu. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã làm lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ trong nước.

Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên đã không thể lọt lưới pháp luật. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo C46, các điều tra viên đã dày công nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, chính sách tài chính - tiền tệ; trực tiếp tham kiến các chuyên gia tài chính - ngân hàng, vượt qua những rào cản, áp lực vô hình để từng bước củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm, bẻ gẫy mọi lý luận bao biện của Nguyễn Đức Kiên. 

Thành công của vụ án đã góp phần ngăn chặn hành vi đầu cơ, lợi ích nhóm, thâu tóm ngân hàng, thao túng thị trường tài chính - tiền tệ, là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh hoạt động sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên việc điều tra, xử lý một vụ án kinh tế được nêu trong văn kiện Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI của Đảng.

Bắt một lô hàng nhập lậu tại Quảng Ninh.

Một vụ án khác là vụ án xảy ra tại Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải đã giúp Chính phủ đàm phán nối lại Viện trợ ODA của Nhật Bản. Điều đặc biệt ở vụ án này là dù chỉ trong 3 ngày đầy áp lực, lại rơi vào đúng kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhưng chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng, các điều tra viên Cục C46 đã nhanh chóng làm rõ vụ án. 

Từ nghi vấn đưa hối lộ của Công ty JTC - Nhật Bản do Bộ Ngoại giao Nhật đề nghị điều tra, với tài liệu ban đầu mới dừng ở mức độ thông tin, không có chứng cứ, đối tượng, sự việc cụ thể. Nhưng với quyết tâm cao độ, không kể ngày, đêm, không ngại khó khăn, vất vả, các điều tra viên đã tập trung đấu tranh trực diện với các đối tượng nghi vấn. 

Chỉ sau 3 ngày, các đối tượng chính đã khai nhận hành vi phạm tội, từ đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can là cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. 

Từ kết quả điều tra nhanh chóng, kịp thời vụ án trên, Chính phủ Nhật đã nối lại chương trình ODA với Việt Nam. Trong khi đó, ở cùng thời điểm, tại Indonesia, Uzberkistan cũng xảy ra sự việc tương tự nhưng các quốc gia này chưa có động thái điều tra nên Chính phủ Nhật đã dừng dự án ODA tại các quốc gia này.

Ngoài những vụ án kể trên, trong thành tích của Cục C46 không thể thiếu những vụ án lớn ở tất cả các lĩnh vực kinh tế mà qua mỗi vụ án đều tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, không để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là vụ án Hà Văn Thắm (Ngân hàng Đại Dương) gây thiệt hại 27.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) gây thiệt hại 18.000 tỷ đồng; vụ Vũ Quốc Hảo (ALCII) cố ý làm trái, tham ô tài sản, gây thiệt hại 10.000 tỷ đồng…

Trong lĩnh vực bất động sản là vụ Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty 1/5 lừa đảo chiếm đoạt 800 tỷ đồng của hơn 500 nhà đầu tư. Đặc biệt là vụ Châu Thị Thu Nga, Tổng Giám đốc Công ty Housing, nguyên Đại biểu Quốc hội lừa đảo chiếm đoạt trên 370 tỷ đồng của hàng trăm người dân.

Trong lĩnh vực đầu tư công là vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh nhận hối lộ 262.000 USD của Công ty PCI Nhật Bản trong dự án đại lộ Đông - Tây; vụ Dương Chí Dũng, Chủ tịch Vinaline tham ô tài sản, cố ý làm trái gây thiệt hại 366 tỷ đồng…

Trên mặt trận chống buôn lậu nóng bỏng là vụ án buôn lậu xăng dầu của Công ty Đông Dương Hòa Phú, đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can, thu giữ 1 tàu chở dầu quốc tịch Philippines và trên 10.000 tấn xăng dầu trị giá 150 tỷ đồng, hay vụ buôn lậu hàng điện tử ở Móng Cái, Quảng Ninh trị giá hàng lậu 30 tỷ đồng, đều được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao thưởng trực tiếp hoặc gửi thư khen ngợi, biểu dương…

Trong những tháng gần đây, khi những trò lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp trở lên nóng bỏng, C46 đã khởi tố điều tra 2 vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố Lê Xuân Giang - Tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt và Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Công ty Phúc Gia Bảo 68, chiếm đoạt trên 2.000 tỷ đồng của 60.000 người dân trên cả nước, đã thu hồi gần 150 tỷ đồng, góp phần cảnh báo người dân cũng như cơ quan quản lý cảnh giác đối với hình thức kinh doanh này.

Những thành tích của Cục C46 đã góp phần phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Vẫn biết rằng phá án kinh tế và tham nhũng là một lĩnh vực khá “nhạy cảm”, nhưng CBCS của Cục C46 luôn ý thức được rằng, họ đang chiến đấu vì danh dự của lực lượng Cảnh sát Việt Nam và cái giá họ sẽ phải trả nếu sa ngã. 

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.