Những chiếc mũ trên khán đài

Chủ Nhật, 26/10/2014, 10:30
­Những ai xem truyền hình trực tiếp trận Olympic Việt Nam gặp Olympic Kyrgyzstan chiều thứ Hai vừa rồi chắc hẳn sẽ ấn tượng với hình ảnh những cổ động viên Việt Nam đầy cuồng nhiệt trên khán đài SVĐ thành phố Incheon, Hàn Quốc.

 Và camera của truyền hình nước ngoài đã không bỏ lỡ một hình ảnh nhìn khá vui mắt. Đó là những cổ động viên Việt Nam đội chiếc mũ cối, có gắn cả sao, chiếc mũ mà người nước ngoài vẫn gặp khá thường xuyên mỗi khi đi du lịch Việt Nam, đặc biệt là những tỉnh, thành phía Bắc. Thậm chí, hình ảnh đó còn được phát lại vài lần, như một điểm nhấn của khán đài cuồng nhiệt.

Vui mắt thật đấy, khi ta gặp một cái gì rất thân quen của quê nhà giữa xứ sở khác, và lại được truyền tải bởi những kênh truyền hình quốc tế. Nhưng đằng sau cái vui mắt ấy là gì? Dễ hiểu, là cả một nỗi buồn, nỗi lo về một xã hội vô cùng lộn xộn, thiếu nguyên tắc.

Chiếc mũ cối có gắn sao là quân trang, quân phục của quân đội nhân dân nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc nó xuất hiện trong một đoàn binh, trong một doanh trại Quân đội, trong vóc dáng một chiến sỹ mới tòng quân hay mới được nghỉ phép phải vội vã lên đường quay về đơn vị… là chuyện rất thông thường, và thậm chí còn là một nét đẹp của đời sống. Nhưng khi nó được những người mặc quần jeans, áo thun đỏ đội trên đầu để bước vào sân vận động của một sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục, nó lại không còn là nét đẹp đời sống nữa. Nếu nói không ngoa, nó chính là nét xấu của người Việt thì đúng hơn.

Mũ cối sao vàng không chỉ xuất hiện ở Incheon mà đã từng xuất hiện ở cả World Cup 2014, tại Brazil.

Tại sao người ta lại có thể đội cái mũ ấy trong một sự kiện thể thao như thế? Dễ hiểu thôi, người đội nó nghĩ đó là ''đặc trưng Việt Nam'' và hơn thế nữa, họ có thể mua nó một cách quá dễ dàng ở bất kỳ địa phương nào trong nước. Ở Hà Nội ư? Chỉ cần ghé ra đường Lê Duẩn, bạn có thể mua được đủ thứ quân trang của đủ loại lực lượng an ninh quốc phòng. Còn ở TP Hồ Chí Minh ư? Cứ ghé chợ Dân Sinh là đủ cả. Ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Cần Thơ, ở Nha Trang, ở Hải Phòng, ở Nghệ An… cứ muốn mua là có thể có ngay chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút. Miễn sao có tiền để mua là được.

Có ở xứ sở nào mà người ta có thể mua quân trang một cách dễ dàng, như mua hàng trôi nổi, mua một cách bình thường như cân đường hộp sữa giống ở Việt Nam hay không? Chắc chắn là chẳng đất nước văn minh nào tồn tại chuyện phi lý như thế. Và ngay tại ở Việt Nam thôi, luật pháp cũng cấm buôn bán quân trang quân dụng, với án phạt cho người buôn bán mặt hàng ấy có thể lên tới 5 năm tù. Vậy mà người ta vẫn bán đó thôi, vẫn dùng những sản phẩm ấy một cách vô tội vạ đó thôi. Chứng tỏ, pháp luật ở ta nhiều khi được sinh ra dường như chỉ để cho có thì phải.

Nhưng cái chuyện mua bán trôi nổi dễ dàng các thứ quân trang kia chưa nguy hiểm bằng việc nghiễm nhiên sử dụng nó, có sao lấp lánh đàng hoàng, ở một quốc gia khác. Người ta chỉ mang quân trang của mình ở các quốc gia khác khi đang đi làm nhiệm vụ và được sự chấp thuận của chính quyền sở tại mà thôi.

Đằng này, hình ảnh chiếc mũ cối gắn sao vàng của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ở sân vận động thành phố Incheon lại xuất hiện, ngang nhiên và có thể sẽ được coi là một hình ảnh phản cảm. Việc quân đội của một nước xuất hiện ở một nước khác vốn dĩ là điều tối kỵ và rất nhạy cảm. Và bởi thế, chúng ta càng nên hiểu hơn mình phải thận trọng để gìn giữ hình ảnh một Việt Nam đổi mới, yêu chuộng hoà bình và tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng.

Cái mũ cối gắn sao trên sân vận động Incheon chỉ là hành vi vô ý thức của người sử dụng nó mà thôi. Nhưng hành vi vô ý thức đó không đáng trách bằng môi trường nuôi dưỡng hành vi ấy. Đó là sự coi thường, xem mọi thứ như bình thường khi để quân trang tiếp tục được bày bán trôi nổi ngoài thị trường. Mà tác hại của việc quân trang được bày bán ấy đâu phải chưa bao giờ nảy sinh khi đã có hàng loạt vụ án giả danh lực lượng an ninh, quốc phòng để lừa đảo, chiếm đoạt…

H.Anh
.
.
.