Những câu chuyện đau đớn ở xóm chạy thận

Thứ Ba, 06/12/2011, 16:13

Nhiều người gọi đây là xóm tử thần vì ở đây, hầu hết là những con người mắc trọng bệnh, thời gian sống trên cõi đời chỉ có thể tính bằng tháng. Trong cách gọi thông thường người ta vẫn đặt cho nơi này là "xóm chạy thận", cũng bởi lẽ nơi đây chủ yếu là những người bị bệnh suy thận nặng. Họ tập hợp lại với nhau, sống ở cùng một con xóm nhỏ giữa lòng Thủ đô. Họ vật vã tìm kiếm cuộc sống nơi phố thị, phải chạy ăn từng bữa, bóp chắt từng đồng lo tiền để lọc máu...

Mỗi một bệnh nhân mắc bệnh thận để điều trị gần như phải có một gia đình đi theo để phục vụ. Họ phải dứt bỏ làng quê, đồng ruộng, phải rời nơi bình yên để tìm đến nơi thành thị ô hợp để tìm kiếm sự sống. Giữa nơi con người quay cuồng kiếm tiền trăm, bạc triệu mỗi ngày, người dân ở xóm chạy thận vẫn âm thầm lo toan từng bữa ăn trong ngày. Nhưng đau đớn thay, những cố gắng của họ có thể bị dập tắt bất kỳ lúc nào vì tử thần luôn cận kề mỗi bệnh nhân ở đây…

Chuyện đau lòng về một nữ nhà văn xấu số

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), những người dân ở xóm chạy thận đến từ khắp các nơi. Người Thái Bình, kẻ kia Nam Định, rồi Thanh Hóa, Nghệ An… dù có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều chung một số phận đau đớn. Tất cả đều mang trong mình căn bệnh quái ác, muốn duy trì sự sống, họ chỉ còn duy nhất một cách đó là sống nhờ vào máy lọc máu ở bệnh viện. Cứ định kỳ mỗi tháng vài lần, những bệnh nhân ở xóm chạy thận lại phải vào Bệnh viện Bạch Mai lọc máu một lần. Tất cả đều bị mắc căn bệnh suy thận cấp tính.

Vì vậy mà, những con người nơi đây, dù họ vốn chẳng hề quen biết nhau, nhưng khi đã đến đây giữa họ lại có một tình cảm thật sự sâu nặng. Họ đồng cảm với nhau, cùng cảm thương nhau vì tất cả đều chung một cảnh, nghèo khó và khổ đau. Đã có biết bao nhiêu con người đến với xóm chạy thận và cũng có biết bao nhiêu con người phải ra đi. Có biết bao câu chuyện đau lòng, những cái chết thương tâm ở con xóm nhỏ này. Nhiều người gọi nơi đây là "xóm tử thần" vì ở nơi đây, những câu chuyện người ta kể với nhau đều liên quan đến sự chết chóc và tang thương.

Trong hàng chục, hàng trăm câu chuyện thương tâm ở xóm chạy thận, những người dân nơi đây vẫn kể về câu chuyện của một nữ nhà văn tên Nguyễn Hồng Công. Giờ đây, chị đã chẳng còn trên cõi đời này vì 2 năm trước chị đã phải đầu hàng tử thần. Hồng Công vốn là một người con gái đất Bắc Giang, xinh đẹp và đầy hoài bão. Khi chị biết mình mang trọng bệnh, đã không ít lần Hồng Công muốn kết thúc cuộc sống một cách chóng vánh để thoát khỏi những cơn đau đớn. Nhưng rồi, khi phải tìm đến xóm chạy thận, đến ở cùng những người mắc căn bệnh như mình, Hồng Công đã đứng dậy, sống một cuộc sống vững vàng đầy ý nghĩa. Phải chống chọi với căn bệnh suy thận và sống ở xóm chạy thận 12 năm dòng dã, với mọi người ở đây, Hồng Công là một thành viên, một người ruột thịt, máu mủ. Trong tâm trí của mọi người, Hồng Công chính là động lực để những bệnh nhân mắc bệnh suy thận vươn lên, sống những tháng ngày vui vẻ, có ý nghĩa.

Những thân phận khốn khổ trong xóm chạy thận.

Tuy mang trong mình trong bệnh, tuyệt vọng hoàn toàn với những phương pháp chạy chữa nhưng Hồng Công vẫn luôn lạc quan trong cuộc sống. Chị nghĩ nếu như mình tuyệt vọng, sống vô ích cũng chẳng thể giải quyết được điều gì. Và rồi, trong tâm trí người con gái này, chị muốn làm một điều gì đó. Chị bắt đầu viết, viết rất nhiều. Chị viết mỗi khi cảm thấy thoải mái, thấy muốn giãi bày, muốn chia sẻ. Chỉ khi phải vào viện chạy máy lọc máu hay những lúc đổ bệnh vì căn bệnh cắn xé chị mới ngơi bút.

Và rồi, những cuốn sách của chị ra đời, người đọc tìm đến và hiểu được một cách sâu sắc về đời sống, suy nghĩ của những bệnh nhân ở xóm chạy thận. Trong số những cuốn sách của Nguyễn Hồng Công, cuốn Khát vọng sống để yêu đã mang đến cho mọi người một sự cảm nhận sâu sắc về suy nghĩ của những bệnh nhân chạy thận. Đọc cuốn sách này, mọi người sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống, sự khát khao tồn tại của những con người luôn phải đối diện với tử thần từng giờ, từng phút.

Chống chọi lại căn bệnh suy thận 12 năm, sức lực của một cô gái yếu ớt đã bị quật ngã khi căn bệnh đã đi đến giai đoạn cuối. Mọi người chua xót, tiếc thương cho số phận của một cô gái bất hạnh. Những bệnh nhân ở xóm chạy thận đã mất đi một thành viên khiến nỗi đau của họ càng thêm giằng xé. Những câu chuyện, những số phận, những cái chết như Hồng Công ở xóm chạy thận cứ diễn ra trong sự bất lực của tất cả mọi người nơi đây. Để rồi, những con người lầm lũi này chỉ biết xót thương, lệ chảy mỗi khi có một ai đó phải đầu hàng căn bệnh quái ác…

Sống mòn cùng trọng bệnh

Với những con người sống ở xóm chạy thận, cuộc sống của họ đều chỉ có thể tính từng ngày, từng giờ. Gần như tất cả những người dân sống ở đây đều có hoàn cảnh rất éo le, kinh tế khó khăn. Và rồi, khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, thường xuyên phải ở bệnh viện, các thành viên trong gia đình phải tìm cách lên mảnh đất Thủ đô tìm kiếm sự sống, mưu sinh để sống cùng với căn bệnh quái ác.

Dẫu biết rằng, bệnh sẽ chẳng bao giờ khỏi nhưng những con người ở xóm chạy thận vẫn gắng sức chạy chữa với hy vọng "còn nước, còn tát", sống được ngày nào hay ngày đó. Mỗi gia đình ở xóm chạy thận đều mang theo một câu chuyện bi kịch dài kỳ. Mỗi ngày sống trên cõi đời là một tấn bi kịch đối với họ. Nhưng rồi, xua tan tất cả những thứ đó, người dân xóm chạy thận vẫn phải miễn cưỡng tồn tại, mặc dù họ biết, đó có thể chỉ là một cuộc sống "mòn".

Gặp gia đình của một bệnh nhân tên Học người Nam Định, sẽ chẳng có ai kìm lòng trước hoàn cảnh éo le của họ. Khi mới chỉ là một câu bé học chưa hết cấp một, bỗng nhiên Học đổ bệnh. Chạy chữa khắp các bệnh viện ở tỉnh rồi đến các thầy lang Đông, lang Tây, bệnh của cậu bé vẫn chẳng hề thuyên giảm. Chỉ đến lên Bệnh viện Bạch Mai khám xét thì cả gia đình mới biết rằng, Học mắc bệnh suy thận cấp tính. Với pháp đồ điều trị của bệnh viện, bố mẹ của Học đã quyết định bỏ ruộng đồng, làng quê tìm lên Hà Nội để cùng đi chữa bệnh với con.

Hằng ngày Học phải vào bệnh viện truyền thuốc, lọc máu, bố mẹ thì thay phiên nhau đi cùng em, người còn lại phải đi làm để kiếm tiền lo cho cuộc sống. Bố thì làm phu hồ, mẹ làm cửu vạn, tối đi bán nước chè… Cuộc sống của gia đình Học cứ tạm bợ và vật vã trôi qua ngày này qua ngày khác. Những khoản tiền thuốc, rồi viện phí tuy đã được cắt giảm đi rất nhiều nhưng nó vẫn là những con số khổng lồ ngoài sức lực làm việc của gia đình Học. Và rồi, để duy trì sự sống ngắn ngủi cho đứa con của mình, bố mẹ Học đã quyết định bán đi mảnh ruộng, khoảnh vườn để lấy tiền chạy chữa cho em…

Dẫu biết rằng, mọi cố gắng cũng chẳng thể nào giúp Học khỏi bệnh hoàn toàn nhưng bố mẹ em vẫn quyết tâm chạy chữa. Những lúc nhìn thấy Học quằn quại, vật vã đau nhức vì căn bệnh cắn xé, lòng cha mẹ như thể có dao cắt. Chẳng để con phải chịu đau đớn, dù bố mẹ có phải nhịn đói cũng phải lo cho em tiền chạy máy lọc máu định kỳ. Bố của Học từng khẳng định rằng, dù hai vợ chồng có phải đi ăn xin, thậm chí là bán máu cũng phải lo đủ tiền cho Học chạy chữa. Dù biết sẽ không thể giữ được tính mạng nhưng ngày nào Học còn trên cõi đời này thì ngày đó em vẫn sẽ phải được hưởng một cuộc sống nhẹ nhàng, không đau đớn.

Trong số biết bao nhiêu con người sống ở xóm chạy thận, họ đã đều là những bi kịch của số phận. Cuộc sống của họ chỉ là những ngày tháng sống triền miên trong bệnh viện và bị cắn xé bởi những cơn đau quằn quại. Tương lai, hoài bão của biết bao con người đi vào ngõ cụt mỗi khi phải đến sống ở xóm chạy thận. Một bệnh nhân tên Chu Đức Cương, quê ở Thanh Hóa đã có hơn 10 năm sống ở đây khẳng định rằng, đã bước chân vào đây thì coi như mọi tương lai, hoài bão sẽ chẳng còn. Cương phải nhập viện khi là một chàng thanh niên tuổi 24. Biết bao dự định, bao hoài bão, bao khát vọng tuổi trẻ đã đều tan biến.

Suy nghĩ của một chàng trai có bản lĩnh cũng chẳng thể nào đứng vững được trước sự nghiệt ngã của số phận. Hơn 10 năm sống ở xóm chạy thận là từng đó năm Cương sống trong sự vật vã và buồn đau. Anh tự trách mắng mình tại sao là một người đàn ông, không những không giúp đỡ gia đình mà lại trở thành gánh nặng để bố mẹ phải lo toan. Đã có lúc anh muốn kết thúc sự sống thật nhanh để thoát khỏi những cơn đau đớn. Nhưng rồi, sự sống vẫn phải tiếp diễn, Cương không thể chết mà anh vẫn phải sống để gánh chịu một cuộc sống đau đớn và đầy tủi hổ…

Nguyễn Cương
.
.
.