Nhức nhối tình trạng người tâm thần gây án

Thứ Hai, 19/09/2016, 10:23
Do không làm chủ được hành vi của mình, những người tâm thần đã ra tay bột phát, hành động trong vô thức. Nạn nhân chủ yếu là người thân trong gia đình, thậm chí đó là đấng sinh thành hoặc con cái ruột của chính nghi can.


Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Thời gian vừa qua, tại các tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra tình trạng người tâm thần gây án. Điều xót xa đọng lại là hậu quả do người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư đã được cảnh báo từ trước, với nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra, nhưng phần vì chủ quan, phần nữa xuất phát từ tình cảm ruột thịt, nhiều trường hợp không muốn đưa anh, em hoặc con cái của mình vào các trung tâm để chữa trị.

Ông Võ Văn Tuệ, người tâm thần bị nhốt suốt 20 năm nay.

Từ thực tế đó đã dẫn đến thực trạng đáng báo động, một số đối tượng là người tâm thần đã có hành vi gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình và cộng đồng, là thủ phạm gây ra các vụ giết người đau lòng.

1.Ngày 13-9, Đại úy Lê Viết Đường, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xác nhận, trên địa bàn huyện này vừa xảy ra vụ án mạng đau lòng, con trai bị bệnh tâm thần sát hại mẹ đẻ tại nhà riêng gây xôn xao dư luận.

Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 14h30’ ngày 8-9 tại thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ. Vào thời điểm nói trên, ngay tại nhà riêng của mình, đối tượng Bùi Văn Hải (SN 1988), đã dùng dao và gạch tấn công mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Liêm (SN 1957), khiến bà này tử vong tại chỗ.

Sau khi phát hiện ra sự việc, nhiều người hàng xóm đã hô hoán, vây bắt và trói Hải lại trước khi trình báo cơ quan Công an. Tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ 1 con dao và viên gạch dính máu.

Bước đầu, Bùi Văn Hải khai nhận, chính mình đã ra tay chém và đánh chết mẹ ruột. Theo lời của đối tượng Hải, vào thời điểm xảy ra vụ việc, bố đi vắng, chỉ có Hải và mẹ ở nhà.

Khi nghe bà Liêm kêu mệt, muốn đi nằm, Hải nghe như có lời ai thúc giục bên tai phải lấy vật nhọn đâm mẹ mình nên y đã xuống bếp, lấy con dao nhọn lên đâm vào người mẹ tới tấp, sau đó lấy viên gạch đập vào đầu đến lúc bà Liêm gục hẳn thì mới dừng lại.

Ông Bùi Đình Hòa (SN 1954), chồng của nạn nhân, đồng thời là cha đẻ của thủ phạm, đau đớn kể lại: Vợ chồng ông sinh được 5 người con thì hai đứa con trai đi làm ăn xa đều đã tử nạn. Chị Bùi Thị Lan (SN 1979) là con thứ hai, phát bệnh tâm thần khi đang đi học nghề may, gia đình tìm cách chạy chữa cho chị khắp nơi nhưng không được.

Bùi Văn Hải phát bệnh, giết chết mẹ ruột tại Hà Tĩnh.

Hiện chị Lan đã hoàn toàn mất khả năng lao động. Riêng Bùi Văn Hải, sau khi được cho ăn học tử tế, có công việc ổn định đã tham gia vào mạng lưới đa cấp. Bị lừa dẫn đến vỡ nợ, Hải phát bệnh tâm thần, gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi, từ Đồng Nai đến Huế rồi bệnh viện Hà Tĩnh.

Gần đây, thấy Hải có dấu hiệu ổn định nên đưa về nhà để chăm sóc thì xảy ra chuyện đau lòng. Trong một diễn biến khác, hiện Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận vụ việc và đang đưa đối tượng đi giám định tâm thần để có cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

2.Trước đó, vào khoảng 12h ngày 5-9, tại nhà riêng của ông Trương Văn Tỵ (SN 1948), trú xóm 9 xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng đã xảy ra thảm án đau lòng liên quan đến người tâm thần.

Vào thời điểm nói trên, Trương Văn Hiếu (SN 1982), con ruột của ông Mỹ, là người có tiền sử bệnh tâm thần, trong quá trình phát bệnh đã dùng gậy đánh ông Mỹ gãy chân, gãy tay và vỡ đầu, khiến ông này tử vong tại chỗ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự Hiếu để điều tra về hành vi giết người.

Theo ông Võ Ngọc Hùng, Trưởng Công an xã Diễn Mỹ thì Trương Văn Hiếu có tiền sử bệnh tâm thần từ lâu, được đưa đi điều trị tại Hà Nội nhưng đến ngày 30-4, đối tượng này bỏ trốn.

Đối tượng Trương Văn Hiếu giết chết cha đẻ khi phát bệnh tâm thần.

Bệnh viện bắt và bàn giao lại cho gia đình vào cuối tháng 7-2016, từ đó Hiếu sống với bố mẹ tại nhà cho đến khi xảy ra sự việc đau lòng. Ông Hùng cung cấp thêm thông tin, đối tượng đã từng có một đời vợ, nhưng do phát bệnh tâm thần nên vợ Hiếu đã bỏ đi.

Cũng trên địa bàn Nghệ An, đêm 20-5, tại xóm 11, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc xảy ra vụ án con giết cha, xuất phát từ việc con trai bị bệnh tâm thần. Theo đó, vào khoảng 23h cùng ngày, đối tượng Hoàng Văn Nhật (SN 1989), đã bất ngờ dùng dao đâm liên tiếp vào người bố ruột của mình là ông Hoàng Văn Châu (SN 1959), khi ông này đang nằm ngủ trên giường, hậu quả làm ông Châu tử vong tại chỗ.

Sau khi gây án xong, Nhật bỏ trốn vào Khu công nghiệp Nam Cấm. Được biết, đối tượng Nhật có tiền sử bị bệnh tâm thần, gia đình đã từng đưa đi điều trị. Tuy nhiên, do thương con nên ông Châu lại đưa về nhà.

Một vụ án không kém phần đau lòng khác là sự việc chị Lương Thị Hiền (SN 1976), trú bản Tóng, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), là bệnh nhân tâm thần đang được điều trị, quản lý tại địa phương suốt 10 năm qua bất ngờ vung dao chém chết mẹ đẻ là bà Lương Thị Thương (SN 1934) vào ngày 14-7-2016 khiến bà này tử vong tại chỗ.

3.Theo số liệu báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, thì từ tháng 10-2015 đến tháng 7-2016, Nghệ An xảy ra gần 20 vụ trọng án liên quan đến người tâm thần. Hiện tại, việc điều tra, truy tố cũng đang gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc xung quanh việc giám định.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An thì cho rằng, trong số 14.311 người bị khuyết tật thần kinh tâm thần trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, chỉ có khoảng 300 bệnh nhân là người tâm thần đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An; có 107 bệnh nhân tâm thần đặc biệt nặng đang được chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và khoảng 14.000 đối tượng liên quan đến các dạng khuyết tật thần kinh tâm thần còn lại hiện đang được điều trị ngoại trú.

Trong số này, phần lớn được xác định là bệnh nhân tâm thần nặng, không làm chủ, kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình, nhiều trường hợp gia đình phải xích, nhốt lại để quản lý và đây chính là những "mầm họa" cho cả cộng đồng.

Bác sỹ Chuyên khoa II Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho rằng, phần lớn nhiều bệnh nhân tâm thần sống chung với gia đình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều người thân chấp nhận "sống chung" với hiểm họa tiềm ẩn, hoặc khi không quản lý được thì để người tâm thần lang thang ngoài xã hội.

Việc quản lý người tâm thần tại cộng đồng dân cư là khó khăn chung của nhiều địa phương chứ không chỉ riêng Nghệ An. Do tác hại của ma túy và rượu, trong thời gian gần đây, số lượng người tâm thần không ngừng tăng lên.

Chăm sóc người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An.

Muốn quản lý tốt người tâm thần sống tại cộng đồng, cần có sự quản lý của gia đình và bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Có như vậy mới hạn chế thấp nhất những hậu quả do người tâm thần gây ra cho người thân và xã hội.

Thực tế cho thấy, dù gây ra những án mạng nghiêm trọng nhưng những người tâm thần nặng sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Bởi vậy, khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tâm thần.

Nếu kết luận, bệnh của đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự thì Viện Kiểm sát sẽ ra quyết định không truy tố, đồng thời kèm theo quyết định đi chữa bệnh bắt buộc.

Khi đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương. Hiện nay, hơn 95% đối tượng tâm thần đều đang được quản lý, theo dõi, điều trị tại gia đình.

Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng. Đơn cử, trường hợp ông Võ Văn Tuệ, trú tại xóm 2, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), mắc bệnh tâm thần từ gần 20 năm nay.

Cũng chừng ấy năm, do diễn biến bệnh tình khó lường, người nhà ông Tuệ đành phải nhốt ông trong căn nhà cũ bố mẹ để lại. Theo người nhà kể lại, mỗi lần lên cơn là ông này lại đập phá đồ đạc, đi lang thang ngoài đường.

Được biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định ai, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội.

Việc chữa bệnh bắt buộc chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Còn rất nhiều người khác bị mắc bệnh tâm thần thì chẳng có ai quản lý, chỉ có gia đình quan tâm chữa trị.

Và vấn đề ngăn chặn thảm án do người tâm thần gây ra, hoặc truy cứu trách nhiệm khi người tâm thần gây án từ trước đến nay đang là một câu hỏi không lời giải đối với những người thực thi pháp luật.

Thiện Thành
.
.
.