Nhức nhối nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm chức năng giả

Thứ Sáu, 10/07/2015, 10:00
Vụ phát hiện và thu giữ số lượng lớn bao bì, tem nhãn, thực phẩm chức năng các loại nghi là giả, nhái nhãn hiệu và nhiều máy móc, phương tiện sản xuất của một công ty trên địa bàn quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh làm giả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng, bày bán trên thị trường trong nước diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Thực trạng này đang khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng vì rơi vào ma trận "thật - giả'' làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe…
"Thần dược" thực phẩm chức năng giả

Sau hơn 3 tháng theo dõi, điều tra, khoảng 9 giờ 30 sáng 24/6, Tổ công tác đặc biệt (113 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát ĐTTP về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Cục Ngoại tuyến (A69) chia thành nhiều tổ ập vào khám xét khẩn cấp 4 địa điểm gồm trụ sở Công ty TNHH Bảo Khang (tại số 1069 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp); nhà ở của Nguyễn Duy Bảo, 34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Khang (ở số 237/21/11 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp và địa chỉ số 120/61/4 đường 59, phường 14, quận Gò Vấp), nhà ở Tống Kim Quý, 24 tuổi - kế toán Công ty Bảo Khang (chung cư Phú An, khu dân cư Thới An, phường Thới An, quận 12). 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện ở các địa điểm trên một số lượng lớn thực phẩm chức năng (TPCN) giả nhãn hiệu TPCN các loại trong nước và nước ngoài. Cụ thể, có khoảng hơn 60 thùng tang vật gồm cả bao bì, nhãn mác giả và thành phẩm đã được Tổ công tác niêm phong, đưa về trụ sở của PC46 để tiếp tục điều tra, làm rõ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng thu giữ nhiều máy móc, phương tiện để sản xuất TPCN.

Trước đó, Tổ công tác đặc biệt này đã phát hiện Thiếu Đình Cường (18 tuổi) đang mang một ba lô có dấu hiệu nghi vấn. Kiểm tra chiếc ba lô này, Tổ công tác đã phát hiện bên trong đựng một số hộp TPCN các nhãn hiệu: LIC, Best Weight Gain, Evanice... không có hóa đơn chứng từ. Qua khai thác, Cường khai nhận, toàn bộ số hàng trên là của Tống Kim Quý. Số hàng này Cường đi giao cho khách hàng theo yêu cầu của Quý.

Nguyễn Duy Bảo, Tống Kim Quý.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, hàng nhập từ Trung Quốc, nhưng Công ty Bảo Khang ở TP Hồ Chí Minh đã "phù phép" thành TPCN của Mỹ (chủ yếu là thuốc giảm cân), rồi tung ra thị trường bán với giá cao. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Duy Bảo cũng khai nhận: Công ty Bảo Khang ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán TPCN.

Tuy nhiên, Công ty Bảo Khang ngoài việc thực hiện chức năng chính, Nguyễn Duy Bảo còn tổ chức sản xuất, buôn bán một số loại TPCN giả các nhãn hiệu: LIC, Slimmore, Reduce Weight, Everslim best, Weight Gain, Weight Gain Plus. Các loại TPCN giả này, Bảo đặt hàng cho một người Trung Quốc tên Jerry làm từ tháng 3/2014. Mỗi đợt hàng, Jerry giao riêng sản phẩm, vỏ hộp và tem. Sau đó Bảo và Quý sẽ đóng gói thành sản phẩm đưa đi tiêu thụ. Các loại TPCN giả này được bán ra thị trường với giá từ 400 ngàn đến 2 triệu đồng tùy từng loại sản phẩm.

Riêng Tống Kim Quý, ngoài việc làm kế toán, còn tranh thủ nhận làm thêm việc đóng gói bao bì TPCN cho Công ty Bảo Khang với tiền công 1.500 đồng/hộp. Mỗi ngày Quý đóng được khoảng 50 sản phẩm.

Điều đáng nói, trước đó liên quan trực tiếp đến Công ty Bảo Khang, vào ngày 4/8/2014, Đoàn thanh tra của Bộ Y tế khi bất ngờ kiểm tra Công ty Bảo Khang đã phát hiện đơn vị này quảng cáo nhiều loại TPCN với tên gọi là "thuốc chữa bệnh" có công dụng như "thần dược". Trong đó, cụ thể có sản phẩm TPCN Express Slimming được công bố là thực phẩm giảm cân chiết xuất từ trái thanh long nhưng Giám đốc Nguyễn Duy Bảo đã cho in trên "tạp chí" nội bộ của công ty rằng đây là "thuốc chữa bệnh".

Và ngay trên website của công ty này sản phẩm cũng được quảng cáo "láo" là ra đời từ nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy trái thanh long có tác dụng giải độc, bổ phế, làm giảm cholesterol… giúp cơ thể giảm cân nhanh chóng, an toàn qua hệ bài tiết và tiêu hóa. Ngoài ra, sản phẩm này không có phụ đề nhãn tiếng Việt. Do thổi phồng sự thật, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã quyết định đình chỉ lưu hành sản phẩm, thu hồi giấy phép quảng cáo…

Nhãn mác nghi được dùng để "phù phép" hàng Trung Quốc thành hàng Mỹ.

Cũng liên quan đến các sản phẩm TPCN kém chất lượng, ngày 23/6, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm đã cấp cho một số TPCN của Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam (đối với ba sản phẩm TPCN True Lady Kingphar, TPCN Kingphar Baby, TPCN Viên xương khớp Kingphar. Do các sản phẩm TPCN này không phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm đã công bố) và Cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thành phẩm Y học cổ truyền Thái Nguyên (sản phẩm TPCN Bổ dương AK. Lý do là vì cơ sở này đã có văn bản xin nộp lại hồ sơ công bố số sản phẩm)…

"Cứ 10 mặt hàng TPCN thì có 5 mặt hàng vi phạm về chất lượng"

Những vụ việc này cùng với việc liên tục từ đầu năm trở lại đây, cơ quan chức năng trên nhiều tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ sản xuất, buôn bán TPCN giả, đáng chú ý, có những vụ việc đối tượng sản xuất, đóng gói hàng chục tấn TPCN giả với đủ loại sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Mỹ như: Omega 3, tảo, sữa ong chúa, vi cá mập, collagen… những sản phẩm giả được tuồn vào các nhà thuốc, thậm chí vào cả những chợ thuốc lớn để tiêu thụ trên toàn quốc.

Có thể kể như vào đầu năm 2015, Phòng 8, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) - Bộ Công an phía Nam phối hợp với Công an quận 7 đồng loạt kiểm tra ba căn nhà cũng là ba xưởng sản xuất trên địa bàn quận 7, phát hiện lượng lớn TPCN (gần 100 thùng TPCN không rõ nguồn gốc) mang nhãn hiệu Sắc Ngọc Khang, Hoàng Tiên Đan, Eva, Best, Eva, Lisu hồng, 3Days... cùng với nhiều máy móc phục vụ cho việc sản xuất, đóng gói bị thu giữ.

Theo lời khai ban đầu của các nghi can cho thấy, đó là ba chị em, tất cả đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Theo lời một cán bộ điều tra trong vụ việc này, nhiều khả năng số TPCN mang các thương hiệu được nhiều người biết đến trên đã được làm giả tại chính các xưởng này.

Tiếp đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã lập biên bản vi phạm đối với Công ty CP Dược phẩm Hebes Việt Nam (phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh) về hành vi nhập hơn 80.000 hộp TPCN không đủ điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu. Trước đó, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện Công ty CP Bioscope Việt Nam (trụ sở phường An Phú, quận 2) nhập khẩu 125kg nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm không đủ điều kiện chất lượng nhập khẩu theo quy định…

Ngoài TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ TPCN lớn nhất thì tại Thủ đô Hà Nội, hàng loạt các phi vụ "khủng" về sản xuất và tiêu thụ TPCN giả cũng đã bị phát hiện và xử lý. Gần đây nhất, ngày 8/6/2015, Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ khoảng 20 tấn TPCN giả của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển y tế và hóa chất VQTech (địa chỉ tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội).

Sản phẩm chủ yếu gồm Sữa ong chúa Costar, Royal Jelly, Omega 3… những mặt hàng đang bán rất chạy trên thị trường. Điều đáng nói, số lượng lớn TPCN giả này đã được phân phối cho rất nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội và được bày bán tại Trung tâm Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) - chợ buôn bán dược phẩm lớn nhất ở miền Bắc hiện nay…

Lực lượng chức năng kiểm tra các thùng hàng tang vật.

Qua những vụ việc mà cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý các đối tượng về hành vi sản xuất, tiêu thụ TPCN giả có thể thấy, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng sản xuất, buôn bán TPCN hiện nay là nhập lậu sản phẩm từ Trung Quốc không nhãn mác về Việt Nam, sau đó tổ chức đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Úc và các nước châu Âu, thậm chí, giả cả nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ. Đồng thời, các đối tượng còn trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng.

Thông tin đáng chú ý tại "Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế - TPCN, mỹ phẩm" do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) ngày 26/6/2015 cho thấy, cứ 10 mặt hàng TPCN qua giám định của các đợt kiểm tra thì có 5 mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép, mua sản phẩm rồi mang về Việt Nam đóng gói, dán nhãn mác, kinh doanh hàng tẩy xóa hạn sử dụng…

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, số sản phẩm TPCN được cấp giấy xác nhận công bố từ năm 2014 đến cuối tháng 5/2015 là trên 10.000 sản phẩm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Cục mới chỉ thu hồi năm giấy xác nhận công bố sản phẩm và sáu giấy xác nhận nội dung quảng cáo do các vi phạm của doanh nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm, Cục chỉ xử phạt được hơn 1,4 tỉ đồng đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo TPCN.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng "nở rộ" các hành vi buôn bán TPCN giả là do nhu cầu trên thị trường tăng cao và tăng nhanh. Trong khi đó, việc kinh doanh TPCN giả và kém chất lượng lại đem về lợi nhuận "khủng". Chính vì vậy, như lời một đại biểu đã kiến nghị tại buổi tọa đàm… thì để nâng cao hiệu quả quản lý về TPCN cần tập trung làm tốt ngay từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng và công khai việc thực thi, nhất là khâu chất lượng.

Phải xử lý kiên quyết, thu hồi hoặc dừng cấp phép có thời hạn đối với cơ sở làm hàng giả. Đồng thời, cần có sự vào cuộc ráo riết của các lực lượng liên quan như Quản lý thị trường, Công an, ngành Y tế và toàn xã hội để có thể loại trừ những hành vi buôn bán giả mạo, sản xuất mặt hàng này trong thời gian tới.

Ánh Xuân
.
.
.