Nhu cầu đất hiếm sôi động trên thế giới và vấn đề môi trường
Bùng nổ tiêu thụ đất hiếm
Hiện nay, một nhóm nhà nghiên cứu Đại học Cambridge (Anh) hy vọng sẽ giải nguy cho môi trường sau khi tìm thấy cách an toàn hơn để khai thác các nguyên tố đất hiếm. Nếu muốn tách chúng khỏi mỏ khoáng sản thì chúng ta cần vận dụng cả một quy trình hóa học phức tạp và khó khăn.
Dĩ nhiên, hoạt động khai thác và chiết xuất đất hiếm cũng gây nhiễm độc môi trường tự nhiên xung quanh. Vậy nên, câu hỏi đặt ra là liệu con người có dám tiếp tục đầu độc môi trường mãi hay không và làm thế nào để đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ thành quả công nghệ trên thế giới? Teal Riley cho rằng khoa học đã có giải pháp cho vấn đề.
Lượng rác thải smartphone sẽ cực kỳ khủng khiếp trong tương lai. |
Teal Riley là thành viên nhóm nhà địa chất học Đại học Cambridge và Viện Khảo sát Nam cực Anh (BAS) trực thuộc Ủy ban Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên (NERC), hiện đang thực hiện dự án nghiên cứu phương pháp tìm kiếm trữ lượng đất hiếm bên ngoài Trung Quốc.
Teal Riley phát biểu: "Nhu cầu đất hiếm đang ngày một gia tăng cùng với sự ra đời hàng loạt thiết bị di động thông minh phục vụ người tiêu dùng. Đó là lý do thúc đẩy chúng tôi tìm kiếm các mỏ đất hiếm mới".
Các nguyên tố đất hiếm nằm dưới cùng bảng phân loại tuần hoàn Mendeleev, nhưng những nguyên tố ít được biết đến như là cerium, yttrium và praseodymium lại là trung tâm của công nghệ kỹ thuật cao, bao gồm điện thoại di động, các thiết bị kiểm soát ô nhiễm, nghiên cứu mô trong y khoa và thiết bị laser. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 30% trữ lượng thế giới, nhưng Trung Quốc cung cấp cho những thị trường trên toàn cầu hơn 95% nhu cầu về 17 khoáng sản đất hiếm và hạn ngạch xuất khẩu đều trong những năm gần đây.
Trong năm 2010 Trung Quốc xuất khẩu 32.000 tấn nguyên liệu đất hiếm, cho dù nhu cầu quốc tế ước tính là đến 55.000 tấn. Thực tế này tạo điều kiện bùng nổ khai thác mỏ bất hợp pháp cung cấp cho thị trường đen cũng như những đề xuất tích trữ nguyên liệu chiến lược ở Nhật Bản và Mỹ.
Không chỉ có thiết bị điện tử mà nhiều hệ thống vũ khí hiện đại cũng dựa vào đất hiếm để hoạt động - theo Belva Martin, quan chức ở Cơ quan kiểm toán của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Jack Lifton nói sự sử dụng đất hiếm trong quân đội là "tương đối nhỏ".
Jack Lifton là người sáng lập chính công ty nghiên cứu tìm kiếm thị trường cho đất hiếm Technology Metals Research LLC, đặt trụ sở ở bang Illinois (Mỹ). Lifton giải thích: "Nhu cầu đất hiếm quan trọng nhất hiện nay là nam châm vĩnh cửu. Ứng dụng số 1 là ngành sản xuất ôtô".
Bất chấp tên gọi, "đất hiếm" thật sự không hiếm. Cindy Hurst, nhà phân tách ở Cơ quan nghiên cứu quân sự đối ngoại của quân đội Mỹ, cho biết: "Thật ra, các nguyên tố đất hiếm không phải là hiếm. Chúng được tìm thấy ở khắp lớp vỏ trái đất". Nhưng, theo nhận định của Andy Davis ở Công ty Molycorp Minerals, việc xử lý nguyên liệu đất hiếm thành sản phẩm đưa ra thị trường còn là vấn đề khó khăn.
Một lý do mà Trung Quốc thống trị nền công nghiệp này là bởi vì quốc gia này có hơn 6.000 nhà công nghệ về đất hiếm so với chỉ độ hai chục chuyên gia ở Molycorp Minerals của Mỹ đang cố gắng cạnh tranh với người khổng lồ châu Á này. Nhưng, rào cản lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt là sự đi trước của Trung Quốc. Jack Lifton nói: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể sản xuất những nguyên liệu này với mức giá thấp hơn khi được sản xuất ở Trung Quốc".
Tìm kiếm nguồn cung mới
Hiện nay, nhóm nhà khoa học Đại học Cambridge đã tìm thấy một số địa điểm tiềm năng ở Greenland, miền Tây Australia và Madagascar và đang triển khai hoạt động khảo sát. Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm đất hiếm không chỉ dừng lại ở đó.
Nhà khoa học Rhys Charles Đại học Swansea ở Xứ Wales thuộc Anh, giải thích: "Một điều quan trọng mà chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức là việc tái chế đất hiếm từ công nghệ dư thừa. Do số lượng đất hiếm sử dụng trong thiết bị điện tử là rất nhỏ cho nên ý tưởng tái chế không được coi là có ý nghĩa tiết kiệm. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong tương lai gần".
Cho dù trong vài năm qua, thị trường smartphone trên toàn cầu đã có dấu hiệu phát triển chậm lại đáng kể nhưng điều đó không có nghĩa là nhu cầu sử dụng thiết bị di động này đã giảm bớt mà ngược lại có chiều hướng gia tăng mạnh. Ví dụ, Ấn Độ và Indonesia được đánh giá là 2 thị trường tiêu thụ smartphone mạnh đáng kể trên thế giới.
Theo Rhys Charles, điều nghịch lý là công nghệ dò tìm những trữ lượng đất hiếm mới của Đại học Cambridge và BAS đe dọa sáng kiến tái chế điện thoại cũ để lấy nguyên tố này trong tương lai. Hay nói cách khác, nếu các khu mỏ mới được khai thác, giá trị của đất hiếm trên thị trường sẽ giảm mạnh trong tương lai.
Điều đó có nghĩa là các công ty sản xuất thiết bị di động sẽ không màng đến chuyện đổ tiền đầu tư vào công nghệ tái chế. Tuy nhiên, Teal Riley thừa nhận rằng nếu đất hiếm được khai thác dưới đáy biển thì nhiều vấn đề mới liên quan đến môi trường sẽ phát sinh. Con người lại bước mãi trong vòng lẩn quẩn.