Nhọc nhằn đời nữ phu gạch

Thứ Sáu, 21/11/2014, 13:30
Trên nền đất sẫm màu khói bụi ở bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (Hà Nội), phận nữ phu ngày đêm gồng mình gánh gạch trên những chiếc cầu ván chênh vênh. Công việc hiểm nguy, gian khổ nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi rói trên công trường đầy khói bụi như quên rằng mình là phận chân yếu tay mềm.

Đời nữ phu

Lần thứ hai trở về vùng đất Đan Phượng, dễ nhận thấy nơi đây đã thay da đổi thịt từng ngày so với trước, những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế mọc lên san sát ngay trục đường chính. Và đằng sau những tòa nhà cao tầng ấy vẫn còn hiện hữu đâu đó cuộc sống khốn khó, lầm than như những phận nữ phu chân lấm tay bùn ở bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung.

Xóm bãi giữa sông Hồng nằm tách biệt hoàn toàn với mảnh đất Liên Trung và được ngăn cách bởi con sông Hồng trải dài vô tận. Từ lâu khu vực bãi giữa là địa phận của nhà máy gạch và bãi bồi trồng hoa màu. Đứng trên đường quốc lộ, khu bãi giữa đã hiện ra trước mắt với bãi chuối, vườn ngô xanh mướt, phía xa xa thấp thoáng những lò đốt gạch đang từ từ nhả khói trắng trên nền trời xanh. Hình ảnh những người đàn bà còm cõi gánh gạch ở phía bên kia sông như thôi thúc chúng tôi nhanh chân xuống phà cho kịp chuyến đò. Con đường đất dẫn vào bãi đốt gạch bụi mù trời đất. Lỡ chuyến đò ngang, mãi trưa chúng tôi mới tới được khu đốt gạch ở bãi giữa sông Hồng. Giữa buổi trưa nắng gắt, trong các lò gạch giờ đã vắng tanh người, những lều lán rách nát của công nhân nhuốm màu tro bụi. Tới giờ nghỉ trưa những nữ phu gạch tựa lưng trên những chiếc ván mọt chật chội, bụi bặm, mồ hôi nhễ nhại nhưng ai nấy cũng thiếp đi vì mệt.

Gánh trên lưng nửa tạ gạch nhưng những phu gạch họ vẫn nở nụ cười tươi rói, lạc quan trong lò gạch bụi bặm.

Trong lúc mọi người đang tranh thủ nghỉ trưa, dưới bếp một mình cô Hướng - người phụ nữ đảm nhất của tổ "gánh gạch" vẫn cặm cụi đun nước, cọ xoong nồi, giặt giũ quần áo cho mọi người. Tần tảo, lam lũ trên công trường đầy khói bụi nên cô Hướng già đi trước tuổi khá nhiều. Năm nay gần 40 xuân thế nhưng trên khuôn mặt đen sạm của người đàn bà ấy đã dày đặc những vết nhăn, vết chàm, từ bộ quần áo vận trên người cũng dính đầy bùn đất. Nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt sạm nắng, cô Hướng cho biết: "Tôi làm việc trong bãi gạch đã được 10 năm. Ở quê giờ không còn ruộng nương lại không có nghề phụ nên tìm được công việc làm gạch như thế này là vui lắm rồi. Tuy công việc vất vả, nặng nhọc nhưng cuối ngày được nhận tiền tươi mang về nuôi con, nuôi gia đình cũng cảm thấy được an ủi phần nào".

Khu bãi giữa sông Hồng là nơi mưu sinh của những người đàn bà tứ xứ: có cả người Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn và phần lớn là người gốc Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội). Việc làm gạch rất nặng nhọc, vất vả tưởng chừng chỉ dành cho đấng mày râu, thế nhưng ở đây đa phần đều là chị em phụ nữ, người trẻ nhất 25 tuổi, già nhất 60 tuổi. Và công việc hằng ngày của những nữ phu gạch, là trộn đất, lên khuôn, chuyển gạch phơi, cho vào lò đốt và cuối cùng chuyên, gánh gạch lên xe tải.

Rất thành thục mỗi người một công đoạn, họ làm việc như quên rằng mình là phận chân yếu tay mềm. Cứ mỗi lò có khoảng 20 - 30 người chuyên gánh gạch. Mỗi ngày những phu gạch bắt đầu vào lò từ lúc 6h sáng đến 12h giờ trưa và kết thúc ngày làm việc khi trời nhá nhem tối. Cuối ngày làm việc, những nữ phu gạch xa xứ họ phải xa chồng con, nghỉ lại trong những lều lán ngay tại công trường, còn những người ở gần thì tối mịt mới bắt đò về nhà. Làm việc trong những lò gạch nóng bức, ngập ngụa bùn đất, khói bụi, than xỉ, công việc đầy rẫy hiểm nguy nhưng thu nhập mỗi ngày của họ chỉ ngót nghét 100 nghìn. 

Lò gạch tăm tối

Những nữ công nhân bãi gạch nghỉ trưa trên những chiếc ván mọt chật chội, bụi bặm.

Sau tiếng kẻng báo hiệu hết giờ nghỉ trưa, những nữ phu gạch trở mình thức giấc, người xỏ giày, kẻ quấn khăn trùm lên khuôn mặt đen sạm rồi vội vã trở về lò đốt gạch. Từng tốp người tay quẩy, vai gánh bước đi liêu xiêu trong bóng chiều buông nắng. Bước vào lò, ai nấy thoăn thoắt nhặt gạch xếp vào quang gánh rồi quẩy lên xe tải. Những tấm thân gầy guộc quẩy từng gánh gạch nặng trĩu đi trên bìa ván chông chênh. Hết gánh này đến gánh khác họ làm việc quần quật không ngừng nghỉ trong lò đốt bụi bặm.

Làm việc trong bãi gạch chẳng ai phân biệt già trẻ gái trai hay khỏe yếu, chỉ biết rằng trên vai các nữ phu lúc nào cũng trĩu nặng những gánh gạch. Gánh trên đôi vai phận nữ yếu mềm, biết bao khó nhọc. Những đôi chân trần của các phu gạch miết chặt vào những thanh ván mỏng chông chênh để tìm lấy một sự bấu víu. Trong lò tối om, tiếng xếp gạch vang lên từng nhịp xen lẫn với những tiếng thở thốc của các chị khiến chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, gian lao của họ. Khi trời sẩm tối những chiếc xe tải lầm lũi chở gạch xuống phà cũng là lúc những nữ phu xếp quang gánh về lán. Sau những giờ làm việc vất vả, ai nấy tựa lưng, xõa người vào những đống gạch "xả hơi" trước lúc ra về. Những gương mặt hốc hác, đen sạm bỗng dưng đỏ ửng vì khói bụi, mệt nhọc. Ngồi giải lao, uống nước, họ pha trò bằng những câu chuyện hài hước và kết thúc ngày làm việc mệt nhọc bằng những trận cười đùa sảng khoái.

Trong số đội phu gạch bãi giữa, bà Hoa quê Thanh Hóa là người già tuổi nhất. Năm nay đã 60 tuổi nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi làm phu gạch. Ở quê, gia đình bà Hoa đông con, chồng lại thường xuyên đau ốm nên mọi việc trong nhà đều do bà một tay xốc vác. Tuy sức khỏe đã yếu nhưng bà Hoa phải đi phu gạch để kiếm tiền gửi về quê trang trải cuộc sống cho chồng con. Từ ngày về làm ở bãi giữa, bà Hoa chắt chiu, dành dụm từng đồng. Gần 10 năm làm phu gạch nhưng mỗi năm bà chỉ ghé về thăm gia đình một lần. Bà Hoa chia sẻ: "Công việc làm gạch vất vả nhưng tới đây ai cũng chăm chỉ làm lụng, mình cũng có thêm động lực. Chỉ cầu mong trời cho khỏe mạnh để đi gánh gạch kiếm tiền nuôi chồng, con là đủ rồi".

Gánh gạch xây tương lai

Ở bãi giữa sông Hồng có tất cả 40 chị em làm gạch, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh. Không riêng gì những "mẹ già" đi gánh gạch mà ngay cả những thiếu nữ "chân yếu tay mềm" cũng xây tương lai bằng nghề phu gạch. Đó là chị Nguyễn Thị Thảo, 25 tuổi, người quê Bắc Ninh. Lấy chồng từ năm 20 tuổi nhưng vợ chồng chị Thảo sớm "tan đàn xẻ nghé". Chồng nghiện, một mình chị Thảo tần tảo nuôi con nhỏ. Chị làm việc quần quật nhưng cũng chẳng đủ tiền mua thuốc cho chồng. Chị Thảo bèn ngậm ngùi khăn gói đi tha hương tìm việc. Lên Thủ đô, chị Thảo không mong tìm cho mình một công việc nhàn hạ mà lại chọn lựa cho mình một nghề dành cho "đấng mày râu".

Chị Thảo cười giòn giã: "Ở quê, tôi quen làm công việc chân tay rồi nên khi bắt đầu làm ở bãi gạch không cảm thấy khó nhọc. Công việc gánh gạch tuy vất vả, bụi bặm nhưng bù lại rất thoải mái, không bị áp lực như làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Ở tổ gạch này, phần lớn ai cũng có những số phận bất hạnh giống nhau nên mọi người sống đoàn kết tình cảm như một nhà vậy. Đó là sự động viên lớn nhất để chị em chúng tôi có thể quên đi những cám dỗ gia đình".

Ngồi kế bên là chị Hà đang phe phẩy chiếc nón rách, khuôn mặt tươi tỉnh bỗng nhiên rưng rưng buồn khi kể về những chuỗi ngày đau khổ của gia đình mình. Mang tiếng lấy được chồng giàu sang nhưng chị Hà chẳng được nhờ cậy chồng lại đeo thêm một gánh nợ. Từ khi sinh con một bề, người chồng thay tính đổi nết thường xuyên rượu chè, cờ bạc bê tha. Đã thế ngày nào chị cũng làm nô lệ cho những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng. Mỗi lần thua lỗ cờ bạc, gã chồng vũ phu lại tìm đến "vòi tiền" chị Hà. Chẳng còn cách nào khác, chị Hà đành rời Nam Định khăn gói lên Hà Nội đi bốc gạch thuê để có tiền "nộp thuế" cho chồng đánh bạc. Chị Hà chỉ biết vùi đầu làm việc quần quật trong các lò gạch để đổi lấy "những đồng tiền xương máu" về nuôi chồng. Nhiều khi chưa kịp gửi tiền về, gã chồng vũ phu điện thoại lên đe dọa khiến chị sống dở chết dở. Ngoài việc nộp thuế hằng tháng, chị Hà còn phải dành dụm, chắt bóp từng đồng để trả món nợ gần 20 triệu của chồng.

Niềm hạnh phúc nhất của những phu gạch là được trông thấy con cái học hành, trưởng thành như bao người khác. Dù có đánh đổi cả cuộc đời lầm than, cơ cực, họ vẫn cam lòng. Bà Oanh không giấu nổi sự phấn khởi: "6 năm làm lụng vất vả trong bãi gạch, tôi đã nuôi được 2 cậu con trai học đại học, đứa trường Y, đứa trường Công nghiệp. Cuộc đời mình đã khổ, mù chữ, đời con cái phải "kiếm cái chữ" để chúng không phải khổ như mình nữa".

Cô Nga cũng không kém phần tự hào vì mình có con cái học hành đỗ đạt cao: "Nhiều hôm đi làm gạch về khắp người đau nhức tê buốt, chân tay rụng rời, không ăn nổi cơm thiết nghĩ muốn bỏ về quê với gia đình ngay lập tức. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ đến hai đứa con học đại học, tự nhiên tôi lại có thêm động lực để đi làm”.

Rời mảnh đất bãi giữa khi mặt trời đã khuất núi, những bóng người liêu xiêu vẫn miệt mài bên những lò gạch bụi bặm đang tất bật hoàn thành nốt công việc mưu sinh của một ngày. Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt hốc hác, khô gầy của các chị khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Và trong đầu tôi còn nhớ như in câu nói của chị Nga khi chia tay: "Cố gánh gạch cho tương lai con ngời sáng…!!"

Vi Cầm
.
.
.