Nhìn lại bệnh sởi ở bệnh viện Nhi Trung Ương: Nỗi đau giấu sau blouse trắng
Trong rốn dịch, mỗi một ca tử vong là một lần nước mắt các bác sĩ viện Nhi rơi ngược vào vạt áo blouse trắng, đằng sau chiếc khẩu trang y tế ít có ai trông thấy được. Nhiều lúc muốn khóc òa nhưng đành giấu giếm để tập trung toàn trí lực cứu sống những đứa trẻ đang mắc sởi khác.
Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung Ương, nơi những bệnh nhi nặng nhất vào điều trị trong những ngày dịch sởi, là nơi quyết tâm giành giật sự sống đến cùng cho các em nhỏ chỉ được thể hiện lặng lẽ qua ánh mắt hay tiếng bước chân dồn dập cả ngày lẫn đêm của tất cả cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, trong không khí dày đặc các y lệnh được đưa ra quyết đoán, khẩn trương.
Trong rốn dịch, mỗi một ca tử vong là một lần nước mắt các bác sĩ viện Nhi rơi ngược vào vạt áo blouse trắng, đằng sau chiếc khẩu trang y tế ít có ai trông thấy được. Nhiều lúc muốn khóc òa nhưng đành giấu giếm để tập trung toàn trí lực cứu sống những đứa trẻ đang mắc sởi khác.
Những điều không thể nói
Trong cuộc trò chuyện với tôi về dịch sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung Ương thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía giường các bệnh nhi nằm yên lặng với hàng loạt máy móc xung quanh. Ánh mắt của anh cũng như các bác sĩ, y tá, điều dưỡng của khoa hàng tháng trời nay từ ngày tiếp nhận ca sởi đầu tiên, đã không một phút nào ngơi nghỉ.
10 bác sỹ chia làm 2 khu vực, 7 bác sĩ phụ trách các bệnh nhân thở máy, với tất cả 31 giường bệnh, thường ngày khối lượng công việc cũng đã hết sức nặng nề. Khoa hồi sức cấp cứu là nơi tiếp nhận các bệnh nhi có tình trạng bệnh nặng nề nhất từ các khoa khác trong bệnh viện chuyển xuống. Thêm một vài bệnh nhi nặng thì công việc của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở đây cũng đã hoàn toàn khác.
Chăm sóc bệnh nhi. |
Thời điểm viện Nhi quá tải, chăm sóc theo dõi gần 40 bệnh nhi nặng để xây dựng phác đồ điều trị cho từng ca bệnh, đưa ra những y lệnh chuẩn xác cũng khiến cho áp lực công việc nặng nề thêm.
Đối với bác sĩ Tạ Anh Tuấn, áp lực công việc các đồng nghiệp có thể chia sẻ cùng nhau, nhưng áp lực từ phía người nhà bệnh nhân là xót xa hơn cả. Có những bệnh nhân mặc dù các bác sĩ đã hết lòng điều trị nhưng có lẽ trước sự mất mát quá lớn làm cho người ta không còn giữ được bình tĩnh.
Còn nhớ trường hợp cháu bé N.T.H. gần 1 tuổi, mắc sởi vào khoa khi tình trạng bệnh đã rất nặng, đặc biệt là em bé này không có chế độ bảo hiểm do đi trái tuyến. Rệu rã một tháng trời chữa bệnh, các bác sĩ đã làm đủ mọi cách để cứu chữa, ngoài ra còn làm việc với bảo hiểm để được chấp nhận cho bé hưởng bảo hiểm từ đầu tạo mọi điều kiện chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhi. Đến khi bệnh tiến triển quá nhanh, tiên lượng không qua khỏi nhưng các bác sĩ luôn luôn túc trực với phương châm còn nước còn tát, làm mọi cách kể cả lọc máu.
Một tháng điều trị là một tháng đêm nào bác sĩ Tuấn cũng đứng cả đêm với cháu bé. Ngày cháu bé tử vong, bác sĩ hướng dẫn cho bố mẹ cứ yên tâm về lo việc cho con, hẹn ngày đến thanh toán vì phải thực hiện các thủ tục chuyển chế độ, chuyển hồ sơ bảo hiểm để thanh toán miễn phí cho cháu. Ấy vậy mà sáng hôm sau bố đứa trẻ đã lên viện đòi phải thanh toán ngay, rồi gọi vào đường dây nóng buông lời chửi rủa. Do vậy ngoài các công việc chuyên môn, Khoa hồi sức cấp cứu thường tổ chức họp mặt gia đình bệnh nhân mỗi tuần một lần để giải quyết các khó khăn, khúc mắc từ phía người nhà, cha mẹ các bé trong quá trình điều trị. Chủ yếu là các thắc mắc về bệnh tật, các bác sĩ hướng dẫn thủ tục và thuốc men cụ thể.
Không khí làm việc luôn khẩn trương, im lặng. |
Một câu chuyện khác của hai đứa trẻ sinh đôi ở Hoàng Mai, Hà Nội mắc sởi nằm ở Khoa truyền nhiễm thời điểm dịch sởi bùng phát mạnh nhất. Một cháu được chuyển sang Khoa hồi sức cấp cứu trong tình trạng rất nặng, tiên lượng sẽ rất khó qua khỏi. Các bác sĩ trong khoa cũng bàn với nhau rằng, vì gia đình chỉ còn lại một cháu nên dù bé chưa đủ tiêu chuẩn điều trị ở khoa nhưng vẫn cố gắng nhận cháu để điều trị với điều kiện tốt nhất, cứu cháu qua cửa tử, nếu không sẽ không lường trước được tình huống xấu nhất là gia đình có thể mất đi cả cặp song sinh.
Khi đứa bé bệnh nặng hơn tử vong, mặc dù đã được giải thích đầy đủ từ phía bác sĩ nhưng gia đình của cháu vẫn ùn ùn kéo nhau lên để "hỏi tội" bác sĩ. Khi đưa em bé về, bác sĩ hướng dẫn các thủ tục để hưởng bảo hiểm thì gạt phăng gia đình tuyên bố "trả tiền tỉ" cũng được.
Vừa đau xót vì một bệnh nhi mất đi, vừa chịu đựng những lời cay nghiệt từ phía gia đình nhưng trường hợp của cặp song sinh này, các bác sĩ của Khoa hồi sức vẫn tìm gặp bố mẹ cháu bé để xin nhận đứa trẻ còn lại về điều trị mong cứu sống cháu, mặc dù trong rốn sởi 31 giường bệnh của khoa chỉ dành cho những đứa trẻ cần phải can thiệp về hô hấp. Điều trị một thời gian, đứa trẻ chuyển biến tốt, đã bú mẹ được và mọi thông số có thể chuyển về khoa dưới để điều trị tiếp, một lần nữa các bác sĩ của khoa lại phải đối mặt với áp lực với người nhà khi giải thích cho bố mẹ cháu bé hiểu bệnh con đã qua khỏi, trong khi bố mẹ cháu bé nhất quyết đòi ở lại khoa để điều trị vì cháu chưa khỏi hẳn mặc dù còn nhiều bệnh nhi khác cần được chăm sóc đặc biệt.
Những bước chân không mỏi
Dịch sởi đi qua như bão, không khí làm việc của các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chưa bao giờ căng thẳng như những ngày vừa qua. Các bác sĩ đưa ra y lệnh, y tá và điều dưỡng là người thực hiện y lệnh cũng tự nhiên chẳng còn nhớ đến 30 phút nghỉ trưa như thường lệ. Chỉ dừng lại 10 phút cho một bát cơm trưa, công việc cuốn đi, con nhỏ cảm cúm hay sốt phát ban đều không được đến tay lo lắng.
Chị Đỗ Thị Phương Thảo, điều dưỡng của Khoa hồi sức cấp cứu cay mắt nhớ cô con gái được gửi về quê từ mấy tháng nay vì chị bận bịu công việc ở viện. Chăm sóc các em nhỏ hàng ngày, con mình lại phải gửi về quê, ốm sốt đều do ông bà lo lắng cả nhiều lúc chị cũng xót xa lắm. Nhưng nhìn những đứa trẻ mắc bệnh nặng phải nằm cách ly, bố mẹ không được vào chăm sóc chị lại càng thương hơn, càng cố gắng làm tốt công việc chăm sóc các bệnh nhi của mình. Mọi việc từ cho các cháu ăn, đến thay tã, đến thực hiện các thủ thuật theo y lệnh của bác sĩ đều do một tay các điều dưỡng đảm nhiệm.
Thể trạng của bệnh nhi nằm ở khoa thường yếu, lấy ven có khi phải chọc đến 20 cái kim luồn mới lấy được. Nhìn cả hai cánh tay các cháu thâm tím hết thương lắm, rảnh một tí chẳng ai bảo, chẳng y lệnh gì lấy nước ấm chườm cho các cháu. Anh Nguyễn Văn Hoàn một điều dưỡng nam của khoa một mực xin không trò chuyện về công việc của mình, để dành thời gian kiểm tra các bệnh nhi đang thở máy.
Chị Thảo vừa nói vừa đấm vào đầu gối vì nhức mỏi: "Những ngày bão sởi, vào khoa là chỉ nghe y lệnh, tiếng máy móc và tiếng bước chân xình xịch của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Ai cũng gầy mất mấy cân, điều dưỡng nam thì có sức khỏe nên chạy đi chạy lại nhiều hơn đỡ cho chị em phụ nữ, chứ nếu không thì không thể nào trụ nổi khi phải đứng một ngày cả 24 tiếng đồng hồ, ròng rã đến nay đã hơn 2 tháng".
Phòng làm việc của các bác sĩ luôn quan sát được các bé. |
Trong cả cuộc đời làm điều dưỡng, với cô Đặng Thị Phượng, nữ điều dưỡng lớn tuổi của Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương thì dịch sởi này là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất. Điều cô Phượng mong muốn nhất bây giờ là bão dịch nhanh chóng đi qua, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cô sẽ không phải uống thêm các loại thuốc huyết áp và trợ lực để đủ sức chống chọi với khối lượng công việc lớn, không phải chứng kiến sự ra đi đau lòng đến xót xa của các em nhỏ mà cô từng chăm sóc.
Không chỉ có các bác sĩ, y tá, điều dưỡng gồng mình chống chọi với dịch sởi mà ngay cả đối với chị Chu Thị Anh, nhân viên hành chính của Khoa truyền nhiễm cũng là nỗ lực cực kì lớn. Mang bầu ở những tháng cuối là những tháng nguy hiểm nhất, có ngày chị Anh phải hoàn thành đến 30 bệnh án dày cộp của các bệnh nhân ra viện, xin về hoặc các bệnh nhân tử vong. Thời điểm nóng nhất, chị xin ở lại bệnh viện không về nhà để hoàn thành cho xong hồ sơ kịp thanh toán cho các bệnh nhân vào sáng sớm hôm sau.
Dù là mạnh khỏe ra viện, hay tử vong mà trở về, chẳng ai muốn một lần quay lại nơi bệnh tật để nhớ về những ngày tháng rệu rã, đau thương của con cái họ. Vì thế mà mỗi ngày chị Anh lại cố gắng về muộn một chút, cố gắng hi sinh một chút. Ấy vậy mà thanh toán xong một hồ sơ bệnh án cũng làm cho chị nhẹ nhõm và khỏe lại rất nhiều, quên mệt nhọc những ngày tháng mang thai sắp đến kì sinh nở.
Đứng trong cương vị con người, có khi những hiểu nhầm của gia đình bệnh nhân cũng khiến cho các bác sĩ bức xúc, bực mình nhưng đối với Tiến sĩ- Bác sĩ Tạ Anh Tuấn Phó Trưởng khoa hồi sức cấp cứu hay tất cả các y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Trung Ương, trí lực và tình thương phải san sẻ cho tất cả các bệnh nhân bé nhỏ buộc lòng không bao giờ được để bụng, luôn luôn phải nỗ lực để cứu sống bệnh nhân khiến cho các y bác sĩ quên hết mọi thị phi dù nhiều lúc nghĩ ngợi cũng thở dài buồn bã. Ở viện Nhi, tiếng gọi: " bố bé, mẹ bé" tuy đơn giản mà thân thương đã đủ để nói lên tất cả. PGS.TS Lê Thanh Hải - Giám đốc bệnh viện Nhi cho biết: Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi tập trung điều trị các ca mắc sởi đông nhất vàtập trung nhiều ca bệnh nặng nhất. Đứng trước tình hình đó, tập thể ban lãnh đạo cũng như các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện Nhi Trung ương đã nỗ lực hết mình, cố gắng để dập dịch trong thời gian sớm nhất. Bệnh viện đã triển khai tích cực, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch như: phân luồng ở khoa khám bệnh, lập khu điều trị riêng ở từng khoa; áp dụng phác đồ điều trị chuẩn; phân tuyến bệnh nhân về bệnh viện tuyến dưới; chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Hiện mỗi ngày trung bình chỉ còn khoảng 500-700 bệnh nhân đến khám, không còn tình trạng nằm ghép, tỷ lệ lây chéo, tử vong giảm đáng kể. |