Nhiều sai phạm ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cần được xử lý nghiêm minh
Họ mong muốn sớm được giải quyết thấu đáo quyền lợi và đề nghị xử lý nghiêm minh các cá nhân sai phạm. Trong khi đó, một số cá nhân có trách nhiệm liên quan được kết luận thanh tra đề cập cũng có những ý kiến xoay quanh kết luận này…
Nhiều sai phạm gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân
Chiều 7-9-2018, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra (số 1483/TB-TTCP) một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về dự án KĐTM Thủ Thiêm.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết năm 1996, Thủ tướng quyết định đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm gồm khu đô thị mới và khu tái định cư có tổng diện tích 930 ha.
Theo quy hoạch, KĐTM được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu vực Lõi Trung tâm, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, Khu dân cư phía Đông, Khu Châu thổ phía Nam; Khu tái định cư 160 ha được định hướng về phía Đông, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch. Tính đến tháng 5-2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giải phóng mặt bằng được trên 99,4%, ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án theo hình thức BT.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, về ranh giới quy hoạch, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 tại Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16-9-1998, trong đó: điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền (giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 5 doanh nghiệp trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5.000), nhất là việc tăng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng Thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND Thành phố.
''Như vậy, việc khiếu nại của người dân về ranh giới quy hoạch đối với 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm ngoài ranh giới quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ là có cơ sở, cần sớm được xem xét và có giải pháp phù hợp'', kết luận nêu rõ.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, để thực hiện một số dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần sớm xem xét, có giải pháp giải quyết phù hợp.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực; không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư, UBND thành phố cần rà soát để giải quyết dứt điểm.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra sai phạm trên có trách nhiệm Công ty Đo đạc Địa chính - Công trình, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường), UBND quận 2 và UBND TP Hồ Chí Minh.
Với khu tái định cư 160 ha, qua kiểm tra cho thấy UBND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư này thuộc 5 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo đó, đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng… sau khi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.
Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngoài những nội dung đề cập, kết luận thanh tra còn nhiều nội dung quan trọng khác như, căn cứ vào kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh cần rà soát, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, trong đó có khoảng 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát từng trường hợp người dân đang khiếu nại, đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực khoảng 4,3ha ngoài ranh quy hoạch thuộc khu phố 1, phường Bình An để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp cho người dân, sớm chấm dứt khiếu nại…
Trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh xác định rõ, cụ thể về trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm, thực hiện kiểm điểm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; thu hồi đất, đền bù, tái định cư; việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, bản đồ… để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; công khai, nhận trách nhiệm trước nhân dân về những khuyết điểm, vi phạm, dẫn đến khiếu nại kéo dài trong thời gian vừa qua.
Còn nhiều băn khoăn
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, nhiều người dân Thủ Thiêm tỏ ra vui mừng bên cạnh vẫn còn không ít băn khoăn. Họ mong muốn được giải quyết thấu đáo quyền lợi và đề nghị xử lý nghiêm minh các cá nhân có sai phạm, dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trong nhiều năm qua. Trong khi đó, một số cá nhân có trách nhiệm liên quan được kết luận thanh tra đề cập đến cũng có những ý kiến xoay quanh kết luận này…
Như đã đề cập ở trên, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, vào năm 1998, Kiến trúc sư (KTS) trưởng TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 KĐTM Thủ Thiêm, trong đó bổ sung vào quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An.
Tuy nhiên, việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 đúng ra thuộc thẩm quyền của UBND TP Hồ Chí Minh, nhưng UBND TP Hồ Chí Minh lại giao cho KTS trưởng phê duyệt quy hoạch trái thẩm quyền, khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích.
Liên quan trực tiếp đến nội dung này, trao đổi với báo chí ngày 8-9-2018, KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP Hồ Chí Minh, người từng ký duyệt vào một số bản đồ quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, cho biết: "Tôi ký duyệt vào bất cứ cái gì liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm đều theo quy trình, thủ tục. Có nhiều ban ngành, cơ quan tham gia vào việc này, không chỉ có một mình tôi quyết hay ký duyệt được. Tuy nhiên, nếu ký duyệt cái gì thì tôi cũng sẽ chịu trách về quyết định của mình".
KTS Lê Văn Năm chia sẻ, mình không dám vượt quyền và ký sai thẩm quyền: "Tôi nhớ lúc đó UBND thành phố giao Kiến trúc sư trưởng thành phố ký các quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2.000. Riêng đối với dự án KĐTM Thủ Thiêm, tôi thấy lớn quá nên đã trình UBND thành phố, nhưng sau đó UBND thành phố lại có văn bản giao lại yêu cầu tôi vì trách nhiệm phải ký".
KTS Lê Văn Năm cũng nhấn mạnh rằng, ông đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay, mọi chuyện quá lâu nên không còn giữ các văn bản, tài liệu của vụ việc này nên sẽ nhờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố rà soát lại hồ sơ để xem xét lại trách nhiệm của KTS trưởng, của cơ quan, cá nhân thời điểm đó.
Một người dân có đất bị thu hồi trong KĐTM Thủ Thiêm. |
Trong khi đó, với một số người dân liên quan, sau khi đọc các thông tin được công bố vào 7-9 về Kết luận của Thanh tra Chính phủ, họ đã bày tỏ sự vui mừng xen lẫn sự âu lo.
Cũng trong sáng 8-9, trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Lung, đại diện 9 hộ dân khiếu kiện, đã bị thu hồi lố 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, ngoài ranh dự án KĐTM Thủ Thiêm, cho rằng kết luận này sẽ củng cố chứng cứ, tạo căn cứ vững chắc cho vụ kiện đòi lại nhà đất của ông ở đường Trần Não (đúng ra sẽ không bị thu hồi vì nằm ngoài ranh giới quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm).
Tuy nhiên, theo ông Lung, người dân vẫn chưa đồng ý với nhiều nội dung của kết luận. Cụ thể, với 4,3 ha đất không nằm trong ranh giới mà kết luận đề cập thì những hộ dân này phải được hưởng các quyền lợi về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai năm 2003 đã có hiệu lực, chứ không phải bồi thường theo Luật Đất đai năm 1998 mà trước đó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện.
Mặt khác, ngoài 9 hộ dân có đất trong 4,3ha nêu trên thì nhiều trường hợp khác cũng ở khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài ranh giới quy hoạch. Tuy vậy, kết luận đã không đề cập nên ông sẽ kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại nội dung này.
Ông Lung và một số hộ dân khác trông chờ các cấp lãnh đạo sẽ có phương án giải quyết thấu đáo quyền lợi của các hộ dân trong 4,3ha nằm ngoài ranh giới dự án. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân có sai phạm, dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, ông Lung cũng cho rằng kết luận này chỉ mới là của Thanh tra Chính phủ, còn phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, điều mà bản thân ông Lung và một số người dân khác ở Thủ Thiêm mong chờ là phương án giải quyết, bồi thường đối với những sai phạm này và sự nghiêm minh trong việc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, xử lý những cá nhân, tổ chức đã làm sai.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người có đất bị thu hồi không nằm trong khu 4,3ha đã thể hiện lo lắng về kết luận này. Như bà Lê Thị The ở khu phố 1, phường Bình An giãi bày rằng, đất ngoài ranh giới quy hoạch là từ dưới cầu Thủ Thiêm tới đường Trần Não, diện tích rộng hơn rất nhiều chứ không chỉ có khu 4,3ha.
"Ngoài chúng tôi, còn một số bà con ở phường An Khánh, Bình Khánh không nằm trong quy hoạch cũng bị thu hồi là sai pháp luật, nhưng không thấy kết luận thanh tra đề cập đến", bà The đặt câu hỏi…
Dù còn một số vấn đề chưa được làm rõ như ý kiến của người dân kể trên, tuy nhiên, những nội dung Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã làm rõ cơ bản những sai phạm, khuất tất trong quá trình thực hiện dự án này, giải tỏa những khúc mắc chính của người dân đi khiếu kiện nhiều năm nay. Vấn đề tiếp theo là nhân dân trông đợi sự xử lý quyết liệt, nghiêm minh của cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.