Nhiều quốc gia vùng Caribe giảm giá "hộ chiếu vàng" cho giới nhà giàu

Thứ Hai, 27/07/2020, 08:05
Dịch COVID-19 khiến ngành du lịch nhiều quốc gia chịu tổn thất nặng nề khiến các quốc gia vùng Caribe đang rao bán "hộ chiếu vàng".

Quyền công dân được trao đổi để đổi lấy đầu tư, hiện giờ được bán với giá thấp hơn nhiều so với trước. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư để nhập tịch, nhu cầu này tăng gấp đôi trong giai đoạn đại dịch.

Bán quốc tịch: ngành kinh doanh béo bở

Khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã bán quốc tịch cho người có nhu cầu. Theo một thống kê đưa ra năm 2018, ước tính mỗi năm có vài nghìn người trên thế giới chi tiêu tổng cộng khoảng 2 tỉ USD để nhập thêm quốc tịch, bổ sung tấm hộ chiếu thứ hai hoặc thứ ba.

Cuộc Khảo sát quyền công dân thứ hai năm 2017 do tổ chức CS Global Partners đã ghi nhận 89% người tham gia khảo sát muốn sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai, và trên 34% cho biết họ đã tìm kiếm cơ hội đầu tư nhờ quyền công dân thứ hai. 

Để đáp ứng nhu cầu xin hộ chiếu và visa dài hạn, ngày càng nhiều quốc gia tham gia thị trường “mua bán” quốc tịch. Khoảng 100 quốc gia hiện đã chào mời chương trình “cư trú qua đầu tư”. 

Gần 20 quốc gia chào bán quốc tịch, trong đó có 5 đảo quốc Caribe, đảo quốc Thái Bình Dương Vanuatu, Jordan, bên trong Liên minh châu Âu (EU) thì có Áo, Cyprus và Malta. Hai nước mới nhất trên thị trường này là Moldova và Montenegro.

Đổi đầu tư lấy quốc tịch và cư trú (CRBI) được coi như một ngành công nghiệp tỷ đô. Nơi đầu tiên áp dụng chương trình này lại là quốc gia hiếm người… biết tên, đó là St Kitts and Nevis (SKN) ở Caribe đã thông qua đạo luật cho phép bán quốc tịch cho người nước ngoài từ năm… 1984. 

SKN nằm cách thành phố Miami của Mỹ chỉ 3 giờ bay, nhưng là một nước nhỏ, ít tài nguyên, lại có tỉ lệ tội phạm cao, SKN không thể thu hút giới người giàu thế giới. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi một doanh nhân người Thụy Sĩ là Christian Kalin xuất hiện. 

Nhờ Kalin, SKN đã trở thành nơi nổi tiếng nhất về kinh doanh hộ chiếu-quốc tịch. Chỉ với 250.000 USD, bất kỳ ai cũng có thể trở thành công dân nước này mà không cần điều kiện ràng buộc nào. Người mua hộ chiếu được hưởng quyền miễn thị thực đi lại tại 132 quốc gia, không phải trả thuế thu nhập. 

Chương trình kinh doanh hộ chiếu thành công vang dội đến mức đưa nền kinh tế SKN vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. 

Ngày nay, dân số của SKN là 50.000 người, trong đó một nửa là những người sống ở nước khác đã mua hộ chiếu. Sau thành công của SKN, nhiều quốc gia khác đã tham gia vào ngành kinh doanh CRBI. Chính doanh nhân Kalin đã tư vấn triển khai chương trình “công dân đầu tư” tại CH Cyprus và Grenada,  Antigua&Barbuda, rồi Malta.

Nhiều người giàu đã chọn mua quốc tịch ở các quốc đảo vùng Caribe.

Giảm giá quốc tịch để bù nguồn thu bị mất do COVID-19

Từ hồi tháng 3, các nhà phân tích từng cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ gây sốc cho các quốc gia vùng Caribe do cấu trúc kinh tế phụ thuộc cao vào doanh thu của ngành du lịch. Ví dụ, ở Bahamas, Barbados và Jamaica, đóng góp của du lịch vào GDP là khoảng 34-48%.

Theo Ngân hàng Thế giới và Hội đồng Du lịch Thế giới, nếu xảy ra làn sóng đại dịch thứ hai vào cuối năm nay, lưu lượng khách du lịch đến khu vực sẽ giảm 75%. Điều này có nghĩa là GDP của Bahamas và các nước láng giềng sẽ thu hẹp 1/4. 

Theo ước tính sơ bộ, ngành du lịch sụp đổ sẽ khiến các quốc gia vùng Caribe thiệt hại khoảng 44 tỷ USD. Trong khi năm ngoái du lịch đã mang lại cho khu vực này gần 59 tỷ USD. Mất đi nguồn thu nhập chính, các quốc đảo đang cố gắng bổ sung ngân sách bằng cách bán quốc tịch để đổi lấy đầu tư, gọi là chương trình "hộ chiếu vàng".

Giá dịch vụ này đã rẻ đi đáng kể. Chẳng hạn, đến cuối năm, Saint Lucia giảm một nửa ngưỡng đầu tư cần thiết: xuống còn 250.000 USD/người hoặc 300.000 USD cho một gia đình bốn người. Saint Kitts và Nevis giảm ¼ giá quốc tịch. 

Trong khuôn khổ "ưu đãi đặc biệt" có giá trị đến cuối năm, quyền công dân cho một gia đình 4 người sẽ có giá 150.000 USD – đó là số tiền phải nộp vào Quỹ phát triển bền vững địa phương. Giá quốc tịch ở các nước Grenada và Dominica thậm chí còn rẻ hơn: chỉ 100.000 USD.

"Bây giờ du lịch bị đình trệ, chúng tôi phải tìm các nguồn thu nhập khác để hỗ trợ nền kinh tế", ông Les Khan, người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề công dân qua đầu tư vào Liên bang Saint Kitts và Nevis, giải thích.

Trong điều kiện đóng cửa biên giới rộng rãi, hộ chiếu nước ngoài gần như là cách duy nhất để đi du lịch khắp thế giới. Quốc tịch các nước vùng Caribe đảm bảo chế độ miễn thị thực với hàng trăm quốc gia, kể cả Vương quốc Anh và Itlia. 

Hơn nữa, những người có hộ chiếu của các quốc gia vùng Caribe không bắt buộc phải rời khỏi ngôi nhà thân thuộc của mình, các chuyên gia nhấn mạnh. Điều này trái ngược với các nước châu Âu như Malta và Síp, hơn nữa, các nước này đòi hỏi khoản đầu tư cao hơn nhiều.

Theo Công ty Henley & Partners chuyên về đầu tư để nhập cư, trong 3 tháng đầu năm nay, nhu cầu có quốc tịch thứ hai đã tăng 42%. Theo chính quyền các quốc đảo, những người nộp đơn xin "hộ chiếu vàng" vùng Caribe chủ yếu là cư dân Trung Quốc và Trung Đông.

"Lựa chọn nhanh nhất là quyền công dân của Vanuatu, thủ tục mất khoảng một tháng rưỡi", - Immigrant Invest cho biết. Với các nước vùng Caribe khác, tính cả việc chuẩn bị giấy tờ, quá trình này sẽ mất từ 4-6 tháng.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.