Nhiều bất lợi chờ đợi kinh tế thế giới
- Viễn cảnh kinh tế thế giới khi Mỹ rút khỏi JCPOA
- Kinh tế thế giới chao đảo với những đòn trả đũa
- Nhìn lại bức tranh kinh tế thế giới
Mỹ - Những tín hiệu đáng ngại
Theo Hãng tin Reuters, số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 26-10 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III của Mỹ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được chủ yếu nhờ tiêu dùng và chi tiêu chính phủ tăng, cũng như việc các doanh nghiệp tăng dự trữ hàng hóa.
Mức tăng trưởng trên dù đã giảm nhiều so với mức tăng 4,2% đạt được trong quý I, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiềm năng 2% mà các chuyên gia đánh giá về kinh tế Mỹ. Trước đó, các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ tăng 3,3% trong quý III.
Giảm thuế là một trong những biện pháp mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 3%.
Mặc dù vậy, đã xuất hiện nhiều tín hiệu đáng lo ngại sau chuỗi thời gian tăng trưởng kéo dài 9 năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nhà ở giảm quý thứ ba liên tiếp, cho thấy tác dụng từ kế hoạch cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của Tổng thống Trump đang yếu dần.
Cùng với đó, lãi suất cao đang gây hiệu ứng tiêu cực đối với thị trường bất động sản. Ngoài ra, kinh tế Mỹ còn đang đối mặt với một thách thức lớn khác là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Sự giảm tốc của kinh tế Mỹ trong quý III phản ánh rõ ảnh hưởng của hàng rào thuế quan trả đũa mà Bắc Kinh dựng lên đối với hàng hóa Mỹ, nhất là đậu tương.
Nông dân Mỹ đã đẩy mạnh việc bán đậu tương cho khách hàng Trung Quốc trước khi thuế quan mới có hiệu lực vào đầu tháng 7, và đó được xem là một nhân tố giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý II. Nhưng sau đó, xuất khẩu đậu tương của Mỹ tháng nào cũng giảm, khiến thâm hụt thương mại tăng lên.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng hiện nay của kinh tế Mỹ được cho sẽ tạo cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất, với lần nâng tiếp theo có thể diễn ra vào tháng 12. Tháng 9 vừa qua, FED đã có lần nâng lãi suất thứ ba trong năm, bất chấp những chỉ trích của ông Trump.
Trung Quốc xoay xở chống đỡ
Các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đang lộ dần ở Trung Quốc. Tăng trưởng GDP quý III rơi xuống mức thấp nhất 9 năm là 6,5%. Chỉ số PMI (quản lý thu mua - PV) của Trung Quốc rơi xuống 50 điểm, thấp hơn so với dự báo (50,5), và là mức thấp nhất 16 tháng. Chỉ số xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
Như báo cáo tháng 9 SSI đã nêu, dù dòng tiền xuất phát từ đâu và vì lý do gì, điểm tích cực của việc dòng vốn đổ về Trung Quốc là đồng NDT (CNY) có cơ hội được giữ, và do đó áp lực tâm lý lên đồng VNĐ cũng giảm bớt. Chỉ số PMI cũng giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng. Ở một quốc gia mà số liệu thống kê thường bị bóp méo bởi tác động từ chính quyền, thì việc nhiều chỉ số cùng giảm cho thấy kinh tế Trung Quốc thực sự đang xấu đi…
Để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% trong tháng 10, và tính từ đầu năm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã giảm 2,5%, từ 17% xuống 14,5%.
Trong bối cảnh đồng CNY đang chịu áp lực mất giá rất lớn do chiến tranh thương mại, thì việc giảm dự trữ bắt buộc (một hành động gắn liền với nới lỏng tiền tệ) có thể coi là bước “cực chẳng đã” của PBOC. Không tính việc giảm dự trữ bắt buộc, các biện pháp nới lỏng của Trung Quốc thực tế có thể đã diễn ra từ giữa tháng 6, với việc lãi suất liên ngân hàng giảm sau một thời gian dài đi ngang.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, Trung Quốc còn có thể sử dụng thêm công cụ tài khóa. Tăng chi tiêu đầu tư công và giảm thuế là những lựa chọn ở thời điểm này của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh nước này được cho là đã phải bán ngoại tệ ra thị trường để giảm bớt sự mất giá của đồng CNY. Không loại trừ khả năng các tổ chức này rút tiền từ nước ngoài về để có ngoại tệ. Nhờ vậy mà dù đồng CNY mất giá mạnh, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm ít hơn nhiều so với giai đoạn 2015-2016.
Tính từ thời điểm CNY bắt đầu mất giá đến nay (4 tháng), dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mới giảm 23,6 tỷ USD, trong khi cùng thời điểm đó năm 2015, dự trữ ngoại hối giảm 213 tỷ USD.
Sức chống đỡ của Trung Quốc dù lớn thế nào cũng không phải vô hạn. Chính quyền Mỹ đã thể hiện quyết tâm rất rõ với phía Trung Quốc, nên căng thẳng Mỹ - Trung chắc chắn sẽ còn kéo dài. Trong khi đó, chỉ sau 4 tháng, Trung Quốc đã tỏ ra “thấm mệt”. Dự trữ ngoại hối dù giảm chưa nhiều, nhưng mức giảm trong tháng 9 đã tăng lên 17,4 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm 2017.
Đây là chỉ báo ban đầu cho thấy tăng trưởng kinh tế và các cân đối vĩ mô của Trung Quốc hoàn toàn có thể xấu đi nhanh trong thời gian tới. Điều này rất quan trọng, bởi những tín hiệu từ Trung Quốc đang được giới đầu tư theo dõi sát sao và bất kỳ tín hiệu xấu mới nào xuất hiện, thị trường tài chính toàn cầu sẽ lại chao đảo.
Châu Âu bất ổn
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế châu Âu được dự báo sẽ giảm tốc đáng kể khi phải vật lộn với loạt rào cản thương mại mới, tình hình bất ổn sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), cũng như những rắc rối chính trị làm suy yếu niềm tin vào đồng Euro và gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ giảm xuống còn 2% trong năm 2018, từ mức 2,5% của năm 2017.
Theo khảo sát của IHS Markit, tăng trưởng kinh tế tháng 10 của eurozone ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Khảo sát này cho thấy những xung đột thương mại trên toàn cầu đang làm giảm nhu cầu hàng hóa từ các nước trong khu vực. Dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới của khu vực này sẽ xuống mức thấp nhất trong 4 năm.
Từ đầu tháng 6-2018, Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu mới đối với thép và nhôm từ châu Âu. Căng thẳng thương mại lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu “mắc kẹt”.
"Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc sản phẩm phục vụ hoạt động sản xuất có thể chịu tác động gián tiếp từ căng thẳng thương mại", Stephen Brown, nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics cho biết.
Vấn đề lớn nhất nằm ở Đức - cường quốc xuất khẩu đã bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động này. Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2018 từ 2,7% xuống còn 1,8%. Khảo sát từ IHS Markit cũng cho thấy xu hướng giảm các đơn hàng từ nước ngoài và sự suy yếu của ngành công nghiệp ôtô của Đức.
Theo dự kiến, Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào tháng 3-2019. Và nhiều người quan ngại rằng Anh sẽ rời khỏi EU với một thỏa thuận mơ hồ. Với nhiều công ty, một Brexit mù mờ có thể còn tồi tệ hơn so với việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận. BMW sẽ phải đóng cửa nhà máy Mini tại Anh ngay sau Brexit bởi không thể đảm bảo được nguồn cung cấp phụ tùng.
Còn Jaguar cho biết bất ổn do Brexit là một trong những lý do công ty này cho 1.000 công nhân làm việc 3 ngày/tuần tới Giáng sinh năm nay. Các hãng hàng không cũng đối mặt với những xáo trộn lớn, còn các hãng bán lẻ thì được khuyên nên tích trữ hàng thực phẩm và thuốc men.
Vấn đề chính trị cũng đang đe dọa tới ổn định kinh tế tại châu Âu. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ dự thảo ngân sách của Ý trong đó đề xuất mức thâm hụt tương đương 2,4% GDP, cao hơn nhiều so với cam kết đưa ra trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kế hoạch trên có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ngân sách của Ý và cho rằng nước này cần cắt giảm thâm hụt để giảm khối nợ đang cao hơn gấp đôi mức trần 60% cho phép của EU hiện nay. EC đưa ra thời hạn 3 tuần để Chính phủ Ý đưa ra các chỉ tiêu ngân sách mới.
Các nhà đầu tư quan ngại rằng những căng thẳng giữa Ý và EC sẽ còn leo thang, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng vốn đang rất nhạy cảm của Ý và tạo thêm gánh nặng lên nền kinh tế nước này.