Nhánh hoa rừng tặng thầy cô giáo bám bản
Các năm trước, nhiều học trò vùng cao này còn mang tặng các thầy cô những nhánh hoa rừng xinh tươi, còn sau đợt mưa lũ lần này, niềm vui rất lớn đối với thầy cô đang công tác tại đây là vận động các em tiếp tục đến trường, đến lớp đủ sĩ số…
Sau khi xảy ra tình trạng sạt lở núi tại xã Trà Vân, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Nam Trà My đã di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn hơn. Và thế là, những ngôi trường cũng được dời theo…
Khi mặt trời vừa nhô lên đỉnh núi, tôi cùng cô giáo Nguyễn Thị Kim Thái, giáo viên trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Trà Vân) băng rừng vào nóc (bản) Khe Chữ ở thôn 2, nơi có gần 30 em học sinh các bậc học mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 tại nóc ông Tuân, ông Vinh và nóc ông Triều đang học tạm.
Đường sá đi lại khó khăn sau mưa lũ nhưng thầy cô giáo huyện vùng cao Nam Trà My vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường. |
Tuyến đường từ xã vào nóc ông Tuân đã được thông, thế nhưng, từ nóc ông Tuân, chúng tôi phải lội bộ hơn 1 giờ đồng hồ đường rừng mới vào được nóc Khe Chữ.
Vượt qua những dốc núi cheo leo, men theo con suối nước chảy xiết, cuối cùng chúng tôi cũng vào đến nơi. Vài ngôi nhà dựng tạm bằng nứa và những tấm bạc sơn xanh, chỉ vẻn vẹn vài mét vuông đủ để một tấm ván cho những người trong gia đình nằm ngủ khi đêm xuống…
Tiếng trẻ ê a học bài vọng ra từ một căn nhà dựng tạm bằng tôn ở cuối ngôi làng. Thực ra, đó là khu nhà ở của công nhân công trình xây dựng đường Đông Trường Sơn được các thầy cô giáo Trường Tiểu học Trà Vân mượn để làm nơi dạy tạm cho học sinh sau mưa lũ.
Một phách gỗ được kê ngang lên bức tường bằng tôn, hàng chữ "Tập đọc: Cây xoài của ông em" cũng được viết tạm bằng than củi đen sì. Bàn ghế, dụng cụ, mọi thứ đều mộc mạc, giản dị khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thầy giáo Lê Châu Khánh (29 tuổi) cho biết, sau mưa lũ, vì sợ nạn sạt lở núi tiếp tục xảy ra nên bà con các nóc ông Tuân, ông Bình, ông Vinh, ông Trung, ông Triều đều di dời đến nơi ở mới.
Nóc Khe Chữ được cho là nơi có địa thế bằng phẳng, được chính quyền địa phương lựa chọn để di dời 141 hộ dân ở vùng sạt lở đến ở tạm. Vì thế, khi người dân chuyển đến đây sinh sống, các điểm trường thôn cũng được di chuyển theo để tiếp tục công tác dạy học cho các em, giúp các em nhanh chóng quay lại trường, lớp.
"Hiện tại chúng tôi đang mượn tạm khu nhà ở của công nhân thi công đường Đông Trường Sơn để dạy tạm cho các em lớp 1 và 2 tại các nóc này. Vì mới di chuyển đến nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, bàn ghế không có, sách vở của các em cũng hư hỏng hết rồi nên hiện tại 16 em học sinh lớp 1 và 2 đang phải học chung hai cuốn sách.
Hình ảnh đẹp về một thầy giáo bám trường tạm, lớp tạm. |
Để khi mọi thứ được ổn định, chúng tôi sẽ tìm cách chuyển mọi vật dụng xuống. Bây giờ, chủ yếu là thực hiện công tác tư tưởng và ôn lại một số bài tập đọc cho các em", thầy Khánh chia sẻ.
Thầy Khánh từng là giáo viên Trường Tiểu học Trà Vân dạy tại điểm trường xã. Sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, điểm trường thôn tại nóc ông Tuân được di dời xuống đây nên thầy vào đây để giảng dạy và đi vận động các em đến lớp.
Ngay ngày đầu tiên xuống nóc, thầy đã đến từng nhà các em để vận động. Ban đầu công tác vận động gặp nhiều khó khăn do sau trận sạt lở núi kinh hoàng, tâm lí người dân vẫn còn lo sợ, muốn giữ các em ở lại nhà để đảm bảo an toàn.
Nhưng với quyết tâm của một người thầy muốn đưa các em trở lại lớp, thầy kiên trì nhiều lần giải thích, khuyên nhủ, cuối cùng phụ huynh cũng đồng ý. Thầy Khánh tâm sự: "Ban đầu chỉ có vài em đến học, sau đó số lượng tăng lên dần. Đến nay, các em hầu như đã được đi học đầy đủ. Chỉ còn lại một em bị thương sau sạt lở nên chưa đến lớp được".
Bên cạnh nơi học tạm của học sinh tiểu học là nhà anh Hồ Đồng Chương được mượn tạm để dạy học cho các em học sinh mẫu giáo. Khoảng 20 em học sinh từ 3-5 tuổi cầm tay nhau xoay vòng trong gian phòng và hát bài "Cháu yêu bà". Cô giáo Hồ Thị Ngọ (27 tuổi) cầm tay, uốn nắn từng động tác cho các em. Cô Ngọ trước đây dạy Trường Mẫu giáo Họa Mi tại điểm nóc ông Tuân.
Vì quyết tâm tiếp tục "gieo chữ" cho các em học sinh nơi đây nên cô cùng đồng nghiệp mượn tạm nhà dân để tiếp tục công tác dạy học. "Dù nơi đây xa, hiện tại không thể chạy xe ra vào, nhưng biết làm sao bây giờ, khi mà học trò của mình đã di dời vào đây thì mình cũng phải vào để tiếp tục dạy học cho các em. Không thể để cho các em bị xáo trộn việc học được", cô Ngọ chia sẻ.
Tại nóc Khe Chữ, Phòng GD - ĐT huyện Nam Trà My và người dân địa phương cũng đang tất bật dựng một ngôi trường tạm mới. Những nhát cuốc để đào móng, từng bao xi măng di chuyển trên đỉnh núi xuống được các thầy cô giáo cùng với người dân cùng nhau thực hiện.
Thầy Võ Đăng Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My cho biết, mưa lũ vừa qua khiến cho nhiều điểm nóc bị sạt lở nặng nề ở khu dân cư nên UBND huyện đã huy động chuyển dời đến địa điểm mới bảo đảm an toàn cho người dân.
Chính vì vậy, Phòng GD-ĐT cũng đã di dời các điểm trường học theo đảm bảo việc học cho các em. "Hiện tại, Phòng GD-ĐT Nam Trà My đã kết nối được với một tổ chức xây dựng hai phòng học dã chiến. Các thầy cô đang tất bật thực hiện để sớm ổn định việc học cho các em học sinh", thầy Thuận bộc bạch.
Nhớ về những ngày đầu lên Trà Vân dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, cô Trà Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu Học Trà Vân, kể rằng, là người ở miền xuôi, lần đầu tiên đặt chân lên vùng cao, với bốn bề núi rừng hoang sơ, hẻo lánh; ngôi trường lợp tôn, vách ván thiếu thốn trăm bề; bước ra sân đã bị sên, vắt bám vào người đã làm cho cô không tránh khỏi bao lo sợ.
Nhưng rồi, với niềm tin yêu vào học sinh và sự nghiệp "gieo chữ" cô đã chọn, cô vẫn quyết tâm bám nóc, thôn để dạy chữ cho các em. Thời gian qua đi, mọi thứ cũng dần đi vào nền nếp quen thuộc, cô đã trở thành người con của núi rừng lúc nào không hay.
"Khi mới lên cũng sợ lắm, vì mọi thứ khá xa lạ. Giao tiếp với các em thì cũng khó, mà giao tiếp với người dân địa phương thì càng khó hơn nữa. Nhưng rồi, với tình yêu thương của học trò, của người dân bản xứ, cuối cùng mình cũng đã vượt qua được mọi thứ. Giờ đây, được ở bên các em, truyền đạt cho các em những kiến thức là điều làm cho mình thấy vui nhất", cô Hiền vui vẻ bày tỏ nỗi lòng.
Khi tôi hỏi về Ngày Nhà giáo 20-11 ở nơi đây, cô Hiền nở nụ cười thật hiền: "Ở vùng cao này, ngày 20-11 là những lời chúc tụng của các thầy cô giáo với nhau. Năm nào không có mưa lũ thì còn được các em học sinh tặng cho những nhánh hoa rừng. Chừng ấy cũng vui lắm rồi".
Ngừng một lát, cô Hiền nhìn xa xăm và nói: "Những thiếu thốn, thiệt thòi đôi lúc cũng làm các thầy cô giáo nơi đây chạnh lòng, tủi thân. Nhưng rồi tiếp xúc với đời sống của người dân ở một huyện miền núi đầy khốn khó, đôi khi một nhánh hoa rừng cũng đã làm cho tâm hồn chúng tôi như trẻ lại và quên đi bao cực nhọc, vất vả".
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lê Viết Sinh dạy môn Vật lý tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trà Leng (Nam Trà My) cũng nói rằng, thầy đã bám trường từ những ngày đầu mới thành lập. Khi đó, là một sinh viên mới ra trường, chọn huyện miền núi cao làm nơi thử sức, thầy được nhận vào dạy học tại ngôi trường này.
Đường lên xã Trà Vân nhiều đoạn sạt lở do mưa lũ chưa được khắc phục. |
Lúc này, dù trường đã được xây dựng kiên cố nhưng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhà ăn không có, đường sá lại khó khăn. Đôi lúc trường bị cắt cả điện, cả thông tin liên lạc hơn một tuần liền… Thế nhưng thầy vẫn quyết tâm bám bản, truyền đạt kiến thức cho những em học sinh nơi đây.
"Đời sống trên này còn nhiều khó khăn, học sinh trường mình thì 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số nên nói về ngày 20-11 thì dường như không có gì cả. Chỉ là những thầy cô tự tạo niềm vui cho nhau như tổ chức các trò chơi, ngồi bên nhau, nói chuyện, hát hò vui vẻ", thầy Sinh cười bảo.
"Thực tế thì mình cũng công tác ở vùng miền núi cao này 16 năm. Ngày 20-11 trên này thì năm nào cũng diễn ra theo trình tự giống nhau là thầy cô cứ chúc mừng với nhau. Đôi lúc được học sinh tặng những nhành phong lan, hoa rừng… mình thấy rất cảm động", thầy Đỗ Đăng Chín, Hiệu trưởng nhà trường góp chuyện…