Nguy cơ tai nạn trên đường cao tốc từ các vụ ném đá
Xe bị ném đá ở tốc độ cao, có thể dẫn đến tai nạn
Ngày 18-2, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cho biết, từ ngày 2-1-2015 đến nay, VEC E đã ghi nhận được phản ánh của 8 tài xế qua đường dây nóng về tình trạng bị một số đối tượng xấu ném đá gây hư hỏng phần kính, đầu xe. Các vụ ném đá ô tô được ghi nhận tập trung nhiều vào tháng 1-2016.
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài gần 55km, tốc độ thiết kế lên tới 120 km/h. |
Cụ thể, có 6 vị trí ghi nhận bị ném đá là từ km 21+800 (hướng Long Thành-TP HCM xảy ra 3 vụ), tại các cầu vượt tỉnh lộ 25A, km 34, km 41 có 3 vụ, cầu vượt km49+50 có 2 vụ và một vụ tại cầu Long Thành - gần Trạm thu phí Long Phước. Trong đó, vụ ném đá mới nhất xảy ra hồi cuối tháng 1-2016 làm vỡ kính trước xe ô tô (đoạn qua cầu vượt, lý trình từ Km 27+950 đến Km 28, hướng Long Thành - Dầu Giây).
Do trên cầu vượt có những lỗ thông nhỏ, lợi dụng lúc không có lực lượng chức năng tuần tra, có khả năng một số thanh niên đùa nghịch đã ra tay hành động. Theo người tài xế có xe bị ném vỡ kính này, sau khi bị ném đá, anh đã cho xe dừng tại Trạm thu phí Long Phước và báo cho nhân viên ở đây hỗ trợ.
Nhân viên trạm lập tức dùng xe hai bánh đi ngược về phía dạ cầu Long Thành (địa điểm cách Trạm thu phí Long Phước khoảng 200 m - nơi xe bị ném đá) để kiểm tra nhưng kẻ ném đá đã mất tích…
Trước đó, vào đêm 11-9-2015 một chiếc ô tô khách trên cao tốc khi đi ngang qua đoạn thị trấn Long Thành (Đồng Nai) đã bị nhóm thanh niên cầm những viên đá có kích thước 40x60mm ném vỡ kính hông xe khiến nhiều hành khách hoảng sợ, nhưng may mắn là không ai bị thương.
Một vụ xe ô tô bị ném vỡ kính trên tuyến đường cao tốc này. |
Sau khi nhận được thông báo từ các chủ xe bị ném đá, VEC E đã thông báo với Công an địa phương phối hợp tiếp cận hiện trường ghi nhận hiện trạng và lấy lời khai của chủ xe. Đối với các phương tiện bị hư hỏng, VEC E sẽ hỗ trợ cứu hộ hoàn toàn miễn phí.
“Kẻ ném đá thường trốn khỏi hiện trường sau khi ra tay thực hiện hành vi. Nhân viên tuần tra của công ty chỉ có thẩm quyền ghi nhận, lập biên bản và báo với cơ quan Công an địa phương để phối hợp giải quyết”, bà Phương nói.
Theo bà Phương, hành vi ném đá ô tô đang chạy trên cao tốc nguy hiểm hơn nhiều so với các tuyến đường bộ bình thường.“Ô tô chạy trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được cho phép chạy tối đa đến 120 km/h và thấp nhất cũng phải đạt 60 km/h.
Nếu xe bị ném đá ở tốc độ cao, chỉ cần một cục đá nhỏ cũng không khác gì một viên đạn, khiến tài xế có thể phanh gấp, mất lái dẫn đến tai nạn liên hoàn nghiêm trọng, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người trên xe cũng như giao thông trên đường. Rất may là các trường hợp chúng tôi ghi nhận được đều chỉ gây hư hỏng ô tô chứ chưa làm ai bị thương như trên các tuyến xe khách qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước xảy ra trước đây”, bà Phương nhấn mạnh.
Đúng như lời bà Phương chia sẻ, không chỉ có đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thực trạng ném đá vào xe ô tô khi đang chạy đã từng xảy ra khá phổ biến trước đó trên các tuyến QL 14, QL19, QL25, QL1 qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước khiến một số người trên xe bị thương khá nặng, chưa kể những thiệt hại về vật chất và nỗi hoang mang, lo sợ cho tài xế và người dân. Hay cuối năm 2015, tại tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở phía Bắc, nhiều xe ô tô cũng đã bị ném đá làm vỡ kính khiến nhiều người bị ám ảnh…
Xe ô tô bị ném đá gây xước và lõm trong vụ xảy ra mới nhất vào ngày 24-1-2016. |
Lãnh đạo VEC E cho biết thêm, ngay từ khi đưa đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào khai thác (với chiều dài gần 55km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h), công ty này đã tổ chức tuyên truyền và ký Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên đường cao tốc với Công an các quận, huyện có tuyến đường đi qua.
Và mỗi khi nhận được thông tin xe ô tô bị ném đá, nhân viên tuần tra của công ty sẽ thông tin ngay đến Công an địa phương để phối hợp xử lý.Tuy nhiên, do việc ném đá xảy ra chớp nhoáng, các đối tượng ném đã nhanh chóng trốn mất nên việc điều tra chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cả xã hội phải vào cuộc…
Đề cập đến động cơ của việc ném đá đầy nguy hại này, bà Phương đưa ra nhận định ban đầu rằng, đây nhiều khả năng là các trường hợp bột phát, không phải hành vi có tổ chức nhằm vào một chủ xe hoặc hãng xe cụ thể nào nên không có dấu hiệu các hãng xe cạnh tranh không lành mạnh với nhau khi lưu thông trên cao tốc.
Và khi phương tiện bị hư hại, các đối tượng xấu này cũng không thể tiếp cận hiện trường để thực hiện các dịch vụ sửa chữa để kiếm lợi như một số thông tin nghi vấn ban đầu.
Tuy nhiên, từ thực tế hiện tượng ném đá xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây và có thể vì nhiều lý do dẫn đến việc ô tô bị ném đá, như có thể là việc cạnh tranh không lành mạnh giữa đơn vị vận tải này với đơn vị vận tải khác; hay mâu thuẫn cá nhân; hoặc coi hành động ném đá chỉ là một trò vui...
Nhưng dù lý do nào đi nữa, là hành vi bộc phát hay có chủ ý, thì hành động ném đá vào xe ô tô đang chạy trên đường, nhất là ở cao tốc, là một hành vi đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của tài xế và hành khách, thậm chí là coi thường tính mạng của người khác. Nguy hiểm hơn, hành động ném đá vào xe khách rất dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Ngay từ khi mới bắt đầu đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc này, nhằm ngăn ngừa hiện tượng ném đá, VEC E đã chủ động lắp đặt các hàng rào chống vật rơi trên tất cả các vị trí cầu vượt để hạn chế sự xâm hại ngoại vi. Ngoài ra, đơn vị này còn cho nhân viên liên tục tuần tra tại các vị trí cầu vượt. “Dự kiến cuối năm 2016, dự án cũng sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera theo dõi toàn tuyến giúp ghi nhận cụ thể các sự việc trên tuyến đường”, bà Phương cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết, khi đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp bảo vệ tuyến cao tốc đi qua địa bàn huyện. Khi tiếp nhận thông tin một số xe ô tô bị ném đá trên cao tốc, đơn vị đã bố trí cán bộ cùng Công an xã thực hiện kế hoạch tuần tra, mật phục nhằm phát hiện, phòng ngừa và xử lý các trường hợp này.
Cụ thể, sau khi một vụ ném đá gần cầu vượt tỉnh lộ 25A (bắt ngang qua cao tốc) xảy ra vào năm 2015, Công an huyện Long Thành đã tham mưu, lập hàng rào bảo vệ và dựng biển báo cấm tụ tập trên cầu, đồng thời triển khai tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đây…
Có thể nói, hành động ném đá như một kiểu “trò chơi” từ những kẻ thiếu suy nghĩ, không lường hết hậu quả cần phải bị lên án mạnh mẽ và có hình thức xử lý nghiêm khắc. Bởi thực tế những hành động này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng của mọi người, ảnh hưởng tới tình hình trật tự an toàn giao thông...
Tuy nhiên, hiện chế tài luật pháp còn khá nhẹ, chưa đủ để răn đe. Hiện tại, hành vi ném đá phương tiện giao thông chỉ bị phạt tiền 500.000 - 1.000.000 - 2.000.000 đồng là rất bất hợp lý. Chỉ trường hợp gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng mà cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, người ném đá mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự, khung hình phạt hành vi ném đá này có thể lên tới 15 năm tù.
Nhưng có một thực tế là đa phần đối tượng ném đá vào xe trên cao tốc, quốc lộ, không phải người trưởng thành mà là các trẻ vị thành niên, còn bốc đồng, thiếu hiểu biết. Do đó, cơ quan chức năng thường chỉ kiểm điểm, nhắc nhở mà ít trường hợp bị khởi tố.
Cũng từ thực tế này, thiết nghĩ cần phải có hình thức tuyên truyền tới cộng đồng dân cư sinh sống dọc theo đường cao tốc, nhất là cần chú ý tới các trẻ vị thành niên - đối tượng chưa nhận thức được những tác hại khôn lường, hậu quả có thể xảy đến với những người xung quanh từ hành vi “bốc đồng”, phản cảm của mình. Đồng thời, xã hội cần lên án mạnh mẽ và các cơ quan chức năng cũng phải có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi ném đá đầy nguy hại này, như đã có ý kiến cho rằng cả xã hội phải vào cuộc như trấn áp một loại tội phạm.