“Nguồn cơn” tội lỗi
- Giải mã vụ “thuê người chặt chân tay để trục lợi tiền bảo hiểm”
- Vụ thuê người chặt chân, tay để trục lợi bảo hiểm: Có dấu hiệu tội "Cố ý gây thương tích"
Nếu mọi việc “thông dòng bén giọt”, có lẽ chị ta đã hưởng trọn số tiền bồi thường 3,5 tỷ đồng. Nhưng khi cơ quan điều tra vào cuộc, sự thật đã được phơi bày. Việc thuê người chặt chân, tay mình bị phát giác của “nạn nhân", ngay lập tức tạo nên một cơn “địa chấn” trong dư luận xã hội, bởi đây là vụ “làm ăn” có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”.
Nhiều người hả hê, vì hành vi gian lận bị lộ tẩy. Các chuyên gia pháp lý đã mổ xẻ đánh giá sự kiện dưới góc độ luật học, nhưng sự việc không dừng lại ở đó, nếu soi chiếu qua lăng kính “xã hội học”. Phải chăng tâm lý xã hội đang có những vận động nguy hiểm trong cơn “vật” của chứng bệnh “vô cảm”?
Nếu tách riêng vụ trục lợi bảo hiểm bất thành đó ra một chỗ để nhìn nhận, thì tự nó cũng có khả năng hâm “nóng” các mặt báo, sau chuỗi dồn dập những tội ác bất thường ở khắp các tỉnh, thành phố.
Lý Thị N. (sinh năm 1986, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) được đưa vào nhập viện cấp cứu với tình trạng bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời. Nhận tin báo của anh Doãn Văn D, Công an quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành xác minh sự việc.
Theo trình báo, đó là hậu quả của một tai nạn đường sắt, nạn nhân N. bị tàu cán qua người tại khu gian Hà Đông - Phú Diễn, thuộc tuyến đường Bắc Hồng - Văn Điển trên địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
“Nạn nhân” Lý Thị N. (người trục lợi bảo hiểm bất thành) tại “hiện trường” vụ tai nạn. |
Tuy nhiên, chính những đặc điểm thương tích trên cơ thể nạn nhân đã gây nên những nghi vấn đầu tiên cho tổ làm án. Thay vì mặt cắt ở bộ phận thương tích nham nhở, cùng đa chấn thương…là những dấu hiệu thường thấy trong các vụ tai nạn tàu hỏa, ở nạn nhân này, bờ mép vết cắt rất gọn, ngọt và không có những xây xát, bầm dập tại các vị trí khác trên người.
Giả thuyết thương tích không do tai nạn được đặt ra. Đi theo hướng này, cơ quan điều tra phát hiện những tình tiết quan trọng khác, làm bật lên mâu thuẫn giữa trình báo của nạn nhân và nhân chứng với cơ chế hình thành dấu vết, tài liệu thu thập được từ nhân viên “nhà tàu”, lời khai của người dân xung quanh khu vực được cho là “hiện trường” của vụ tai nạn…
Khi câu chuyện “tự hủy, tự thương” đã được hình dung trong đầu người làm án, theo lô gic, cuộc điều tra sẽ hướng vào việc trả lời câu hỏi: động cơ nào đã thúc đẩy nạn nhân làm thế? “khổ nhục kế” này ắt là phải có lý do đủ lớn, giúp nạn nhân có đủ quyết tâm vượt qua nỗi đau thể xác để làm bằng được.
Cuối cùng, sự thật được “giải mã” khi có tài liệu chứng minh nạn nhân trước đó đã mua 3 gói bảo hiểm nhân thọ và hiện tại đang trong cơn quẫn bách về tiền với các khoản nợ chồng chất.
Đối tượng Doãn Văn D. (người được chị N. thuê chặt chân tay) tại cơ quan điều tra. |
Những cuộc đấu tranh trực diện với…bị hại, không phải là hiếm trong hoạt động điều tra. Theo một cán bộ điều tra (xin giấu tên) cho biết, việc làm rõ động cơ, mục đích bên trong của nạn nhân khi tự tạo ra những thương tích này khá nan giải. Nhưng họ đã vượt qua bởi tư duy sắc sảo cùng kỹ năng nghề nghiệp phong phú.
Sự việc trở nên sáng tỏ cùng với việc khai báo sự thật của Doãn Văn D – người được chính nạn nhân thuê chặt chân tay mình. D cho biết chị N. đã “ngã giá” 50 triệu đồng cho việc “xuống dao” của anh ta, đã tạm ứng trước một mấy trăm nghìn, số còn lại ghi giấy vay nợ, hẹn sẽ thanh toán sòng phẳng sau khi nhận được tiền bồi thường bảo hiểm.
Cuối cùng, chị N. đã phải khai báo lý do “tự thương” của mình là do làm ăn thua lỗ, trót vay nợ một người họ hàng với số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng, ngoài ra còn vay nặng lãi 40 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Bị đòi khoản tiền nhiều lần đâm ra quẫn trí làm điều dại dột.
Dấu hiệu hình sự
Theo Luật sư Lê Hồng Hiển – (Giám đốc công ty Luật Nay&Mai, đồng thời là một chuyên gia xã hội học), thì nạn nhân N. vẫn còn “may”, bởi hành vi gian dối nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm của chị ta chưa phát sinh hậu quả vì hãng bảo hiểm chưa chi trả khoản tiền bồi thường 3,5 tỷ đồng.
Mặt khác, tội danh "Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm" đã được quy định tại Điểm d Khoản 1, Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng Bộ luật này đã bị hoãn thi hành (lẽ ra có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) nên trách nhiệm hình sự chưa đặt ra. Tuy nhiên với hành vi này, chị N. có thể bị xử phạt VPHC theo Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với mức phạt tối đa là 100 triệu đồng.
Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc công ty Luật Nay&Mai, chuyên gia xã hội học). |
“Trong vụ việc này, hành vi chặt chân, tay chị N. của Doãn Văn D, dù là được chính nạn nhân thuê, cũng đã có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự. Thậm chí, có tình tiết tăng nặng là “gây cố tật cho nạn nhân”; “gây thương tích thuê”…Điều này cũng giống như việc “giúp” người mắc bệnh hiểm nghèo vượt qua cơn đau đớn bằng cách giết họ, vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” – ông Hiển phân tích.
“Nhìn cây, thấy rừng”
Vẫn theo Luật sư Hiển, nếu đặt vụ việc nói trên trong một tổng thể những sự kiện kinh hoàng vừa mới xảy ra gần đây, như vụ thảm sát tại Bát Xát (Lào Cai); giết con ở Xín Mần (Hà Giang) hay xả súng tại Yên Bái, chưa kể trước đó là các vụ án mạng tại Bình Phước, Nghệ An…có thể thấy chúng cùng chung một “gốc”. Đó đều là những tội ác phi nhân tính.
Dù thực hiện đối với người khác hay với chính bản thân mình, thì nó cũng là biểu hiện của sự nhẫn tâm, lạnh lùng, man rợ và những toan tính ích kỷ, chạy theo đồng tiền, lợi ích vật chất. Điều này phản ánh sự “lệch chuẩn” nguy hiểm, được tích tụ từ hiện tượng coi thường các giá trị, chuẩn mực đạo đức và pháp luật đã trở thành một xu thế xã hội.
Suy nghĩ kỹ, có thể thấy đó đều là sản phẩm của nền đạo đức xã hội đã và đang bị băng hoại nghiêm trọng, mà nguyên nhân của nó chính là chứng bệnh “vô cảm” như một thứ “đại dịch” nguy hiểm đang lan tràn trong đời sống.
Ông Hiển đã dùng thuật ngữ “ung thư tâm hồn” để mô tả về chứng bệnh tâm lý này. Đó là một trạng thái cảm xúc “dửng dưng” đối với tất thảy mọi thứ diễn ra trong đời sống xung quanh mình. Người mắc chứng “bệnh” này, không chỉ mất cảm xúc bất bình, căm tức, phẫn nộ trước cái xấu, cái ác, mà còn thờ ơ trước cái tốt, cái đẹp. Sự “loạn chuẩn” các thang giá trị bắt đầu từ đó.
“Trong sinh hoạt cộng đồng, biểu hiện ra ngoài của “chứng bệnh” này, đó là trạng thái thờ ơ, bàn quang trước những cảnh tượng bi thương, không động lòng chua xót, không rung động tâm can, không hề động lòng trước những nỗi đau đồng loại, cũng như không hề phẫn nộ trước những ngang trái đang xảy ra ngay trước mắt.
“Vô cảm” còn là con đường trực tiếp dẫn đến cái xấu, cái ác. Khi đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người đã “vô cảm” thì không thể thấu hiểu được “nhân tình thế thái”, họ chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Điều này khiến con người ta có thể lạnh lùng, nhẫn tâm gieo rắc nỗi đau cho người khác mà không mảy may động lòng trắc ẩn.
Nói một cách hình tượng là con người đã bị “Rô-bốt hóa”. Những hành xử tàn nhẫn, vô tình khi đó sẽ không hề được níu kéo, kìm hãm bởi cái gọi là “lương tâm” hay “nhân tính” nữa. Đó chính là sự phản chiếu thực trạng giá trị đạo đức xã hội đã bị xói mòn.
Căn bệnh “vô cảm” là kết quả của một lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào đời sống. Khi mà các giá trị đạo đức, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh... đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại.
Bên cạnh đó, sự khó khăn trong đời sống, cùng các yếu tố gia tăng những bất công xã hội, như tình trạng quan liêu, tham nhũng, phân tầng xã hội, hố ngăn cách giàu-nghèo, thói giả dối tràn lan…khiến con người lâm vào cuộc khủng hoảng về lòng tin. Khi mà mọi thứ đều có thể được làm giả, thì không còn “đất” cho sự tin tưởng tồn tại. Mất niềm tin vào cuộc sống, là điểm khởi đầu của quá trình “vô cảm hóa” trong đời sống tinh thần” – ông Hiển nhận định.
Bệnh “vô cảm” có tính lây lan. Theo ông Hiển, những người tốt ở vào môi trường xã hội mà cái tiêu cực lên ngôi, sẽ bị ảnh hưởng tác động làm “hoang hoải” dần đi những nhiệt huyết hướng thiện, và rồi dần dần sẽ rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng.
Nếu không được ngăn chặn, hiện tượng tâm lý này sẽ là tác nhân gây “lệch chuẩn” hay “loạn chuẩn” đạo đức xã hội, là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng kinh tế - xã hội, làm tan nát nhiều gia đình, thậm chí làm sụp đổ một chế độ. Sự “thả nổi” về đạo đức sẽ dẫn xã hội và dân tộc đứng trước những nguy cơ khôn lường, và hình như chúng ta đang trả giá vì điều này.
“Một xã hội vô cảm là một xã hội chết. Điều cần kíp hiện nay đó là phải xây dựng cho được một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Những đạo lý truyền thống của người Việt cần phải được phục hồi, thông qua việc kiện toàn các thiết chế đạo đức và pháp luật, cùng với sự chung tay góp sức, vào cuộc quyết liệt của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội” – ông Hiển kết luận.