Người trong cuộc nói về sách giáo khoa lớp 1

Thứ Ba, 15/09/2020, 16:18
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới đối với học sinh lớp 1.

Từ một bộ SGK dùng chung cho cả nước, năm nay trên cơ sở chương trình chuẩn, đã có nhiều bộ SGK để các trường học trên cả nước lựa chọn được bộ sách phù hợp với học sinh cũng như điều kiện dạy và học của mình. 

Một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm tại thời điểm hiện nay là sau một tuần dạy học theo chương trình SGK mới, giáo viên cảm nhận thế nào? Chất lượng giữa các bộ SGK có thật sự đồng đều; lượng kiến thức có giảm tải như kỳ vọng?

Chất lượng giữa các bộ sách có đồng đều?

Theo Bộ GD&ĐT, cả 46 đầu SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục (8 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) thuộc 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều dược các địa phương lựa chọn. 

Đa số địa phương lựa chọn cả 5 bộ, một số nơi lựa chọn từ 3 bộ trở lên. Thực tế cho thấy, mỗi bộ sách đều có những điểm mạnh riêng để tạo sự hấp dẫn đối với người lựa chọn. Chọn sách nào phụ thuộc vào quan điểm của giáo viên ở mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục khi thấy sách đó phù hợp với học sinh của mình. 

Đơn cử như tại TP HCM, bộ sách “Chân trời sáng tạo” được nhiều trường trên địa bàn lựa chọn. Lý do là bộ sách có những từ ngữ, hình ảnh gần gũi với học sinh TP HCM - điều này khắc phục được khuyết điểm của bộ SGK hiện hành là có quá nhiều phương ngữ miền Bắc. 

Bên cạnh đó, bộ sách còn có sự tham gia viết sách của các giáo viên tiểu học đang trực tiếp đứng lớp nên tính thực tế khá tốt; cấu trúc của sách đi từ dễ đến khó, tạo điều kiện cho giáo viên dạy học theo hướng cá thể hóa. 

Còn tại Hà Nội, một trong những địa phương được xem là “khó tính” và áp dụng linh hoạt các hình thức chọn sách thì tại nhiều quận, huyện, bộ sách “Cánh diều” đã áp đảo so với các bộ sách khác, đặc biệt là SGK Tiếng Việt. 

Ngoài phương pháp và trình bày được đánh giá là sáng tạo, khoa học, “Cánh Diều” còn là bộ SGK đầu tiên có sách điện tử, rất thuận tiện cho giáo viên và phụ huynh trong quá trình dạy học. Trong khi đó, các bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” và “Cùng học để phát triển năng lực” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” lại được nhiều địa phương đồng bằng, miền núi lựa chọn…

Giờ học của học sinh lớp 1 với chương trình, SGK mới.

Nhận định chung về 5 bộ SGK lớp 1 mới, nhiều giáo viên cho rằng, cả 5 bộ SGK đều có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học dễ tạo hứng thú cho học sinh. 

Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn. Các bộ SGK mới cũng đã tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, bồi dưỡng năng lực tự chủ, tự học cho học sinh. Nội dung chương trình có tính mở nên tạo điều kiện để người dạy dễ cập nhật tri thức mới...

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm trên, các bộ sách cũng bộc lộ một số hạn chế. Theo nhiều giáo viên, khuyết điểm chung của hầu hết các bộ sách là lượng kiến thức đưa vào các bài học còn quá lớn với năng lực của học sinh lớp 1. 

Bài tập đọc trong nhiều SGK Tiếng Việt có nội dung khá dài, có một số bài của lớp 2 đưa xuống làm tư liệu cho học sinh lớp 1; phần viết cũng có ngữ liệu là những đoạn văn, chính tả khá dài trong khi học sinh lớp 1 đang học âm, vần và đọc tiếng, từ, câu ngắn nên chưa thật sự phù hợp. 

Sách tiếng Việt 1 của bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" sang học kỳ II cho học sinh học viết hoa trong khi ở độ tuổi này thì viết chữ thường còn nhiều khó khăn. Một số sách Toán nhiều hình, trình bày còn rối. Sách môn Đạo đức của hầu hết bộ sách đều có phần khởi động là hát trong khi đó học sinh lớp 1 chưa biết đọc, thuộc ít bài, nhất là bài hát cần phù hợp với nội dung học nên rất khó thực hiện. 

Mới đây, nhiều phụ huynh còn chỉ ra trong vở bài tập Toán của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có sử dụng các hình khối trong… bộ tú lơ khơ, vốn không phù hợp với học sinh lớp 1. Ngoài ra, trong bài đầu tiên của vở bài tập Tiếng Việt tập 1 của hầu hết các bộ SGK đều yêu cầu học sinh viết tên trong khi tuần đầu tiên các em mới chỉ được làm quen với mặt chữ, chưa thể viết được tên mình…

Học sinh có hứng thú với SGK mới?

Sau 1 tuần dạy học với các bộ SGK mới, nhiều giáo viên lớp 1 cho rằng, học sinh hứng thú với chuyện học nhưng bù lại, giáo viên vất vả và áp lực hơn.

Cô Dương Ngọc Lan, giáo viên có nhiều năm dạy lớp 1 tại trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho biết, trường cô chọn bộ sách “Cánh Diều”. Cảm nhận sau 1 tuần dạy học là học sinh hứng thú với các bài học do hình thức, cấu trúc và nội dung của sách được thiết kế phù hợp với độ tuổi hơn so với SGK hiện hành. Đối với môn Tiếng Việt, SGK có mô hình đánh vần giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi và giúp đỡ con em trong việc học. 

“Cách sắp xếp âm, vần có sự thay đổi, thay vì bắt đầu từ âm, vần “e” như SGK hiện hành, SGK Cánh Diều bắt đầu từ âm, vần “a”. Điều này theo tôi phù hợp hơn. Về độ giảm tải, SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều cũng  ít hơn số trang SGK Tiếng Việt 1 hiện hành. Tuy nhiên, lượng kiến thức không giảm hơn do chương trình yêu cầu học sinh lớp 1 phải biết đọc, biết viết và học sinh phải học đủ 29 chữ cái và trên 100 vần, không bớt được”, cô Lan nói. 

Đối với SGK môn Toán, cô Lan cho rằng, giảm tải được khoảng gần 40% kiến thức so với SGK hiện hành. Trong đó, số lượng các bài tập yêu cầu học sinh phải làm giảm hẳn, các con được ghép hình, hoạt động nhiều hơn với các kiến thức gắn liền với thực tiễn cuộc sống…

Cô Nguyễn Thanh Hà, giáo viên dạy lớp 1, Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cũng cho biết: Sau khi nghiên cứu 5 bộ sách, trường đã chọn 8 môn và hoạt động trải nghiệm lớp 1 năm nay từ 3 bộ sách khác nhau. Về môn Toán, trường cô chọn trong bộ “Cùng học và phát triển năng lực” do nội dung giảm tải hơn so với chương trình hiện hành. 

Về sách Tiếng Việt, trường lại chọn “Cánh diều” do sách Tiếng Việt của bộ “Cánh diều” có phần giảm tải, nhẹ nhàng hơn 4 sách cùng bộ môn của các NXB khác. Các giáo viên của Trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội lại “chấm” bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực” do cấu trúc sách gợi mở cho việc tổ chức hoạt động học cho học sinh rất tốt. Bên cạnh đó, yếu tố “dễ dạy, dễ học”, nội dung gắn với thực tiễn cũng là những ưu điểm mà trường quyết định chọn bộ sách này.

SGK lớp 1 mới được trình bày bắt mắt hơn.

TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá cao về những cải tiến trong các bộ SGK lớp 1 mới như khổ sách phù hợp hơn, chất lượng giấy tốt, giảm lượng chữ, hình ảnh thể hiện phù hợp với nhu cầu tiếp nhận và tâm lý học sinh lớp 1. 

Trả lời câu hỏi SGK lớp 1 mới có thực sự giảm tải so với SGK hiện hành, cô Hương cho rằng, trước hết, phải khẳng định là các cuốn sách phần lớn là mỏng hơn so với sách hiện hành, trong sách rất nhiều hình vẽ minh họa. Các con lớp 1 không đọc sách theo cách của người lớn mà sẽ nhìn hình để cảm nhận màu sắc, hình khối và các kiến thức truyền tải trong hình. 

Với những hình ảnh minh họa dễ hiểu, trẻ sẽ hiểu rất nhanh và làm các bài học một cách dễ dàng. SGK Toán và các môn như Mỹ thuật, Tự nhiên xã hội, Âm nhạc và hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều khá ổn, hình ảnh thể hiện hợp lý; kiến thức nhẹ nhàng, dạy những điều gần gũi, thiết thực với các con. 

Cũng theo TS Vũ Thu Hương, một số ý kiến cho rằng số lượng môn học và SGK lớp 1 mới tăng lên sẽ đồng nghĩa với việc gây quá tải cho các con là không chính xác. “Chúng ta cần phải đọc sách theo cách của trẻ chứ không nên áp đặt bằng tư duy của người lớn. Khi đó chúng ta sẽ thấy nhiều sách không phải là làm khó trẻ mà đang giúp các con học nhẹ nhàng nhất. Thường người lớn nghĩ sách sẽ là các trang đặc chữ như sách ngày xưa nhưng thực tế SGK lớp 1 mới  toàn tranh ảnh là chính. Trong các cuốn sách, bài tập được thể hiện bằng tranh, trẻ sẽ đọc cả chữ lẫn tranh và làm bài tập bằng các động tác đánh dấu hoặc gạch nối. Việc này không mất nhiều thời gian của trẻ mà khiến cho trẻ học nhanh và thấy hứng thú”, cô Hương chia sẻ.

Trước băn khoăn của một số phụ huynh và giáo viên về việc SGK Tiếng Việt lớp 1 có lượng kiến thức lớn, có gây quá tải cho học sinh, TS. Vũ Thu Hương cho biết: Đối với môn Tiếng Việt, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ SGK là học xong các con sẽ biết đọc, biết viết thành thạo bằng bút mực. 

Để đạt được các kỹ năng này, học sinh lớp 1 vẫn phải học đủ tất cả các âm, vần trong bảng chữ cái, không thể bỏ bớt chữ nào. Do đó, việc giảm tải đối với SGK Tiếng Việt chủ yếu là ở cách thức làm sao để cô dễ dạy hơn, trò dễ tiếp nhận hơn. 

Tuy vậy, cô Hương cũng thừa nhận, một số SGK Tiếng Việt có “tiết tấu” chưa đều so với khả năng tiếp nhận của học sinh, phần đầu hơi nhanh, phần sau lại hơi chậm. Do đó, trong quá trình dạy, giáo viên cần phải chủ động điều tiết cho phù hợp, không nên quá máy móc vì mục tiêu cuối cùng là các con biết đọc, biết viết.

Huyền Thanh
.
.
.