Người nặng lòng với quá khứ

Chủ Nhật, 30/06/2019, 12:18
Những ai đã một lần đặt chân tới thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hẳn không thể không tới thăm “Tượng đài Mẹ Suốt” trên bến đò Nhật Lệ. Nhưng mấy ai được biết rằng, 6 năm trước trước khi tượng đài Mẹ Suốt được xây dựng (2001), phác thảo của tác phẩm này đã được trao giải A “Giải thưởng Lưu Trọng Lư” lần thứ nhất năm 1995. Tác giả của bức tượng ấy chính là nhà điêu khắc Phan Đình Tiến.


1. Sinh năm 1966, tuổi Bính Ngọ. Cái tuổi hay “rong ruổi” và cũng lắm “long đong” dường như đã gắn vào cuộc đời nhà điêu khắc Phan Đình Tiến. Giờ là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tuy bận rộn với “chuyện thường ngày ở huyện” là vậy nhưng lửa đam mê nghệ thuật điêu khắc vẫn rực cháy trong anh. 

Nếu tính từ năm 1993, khi vẫn đang là sinh viên, cho tới nay, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến đã sở hữu tới 11 giải thưởng. Đáng chú ý nhất là 2 tác phẩm: “Biển cả” đoạt giải B khu vực, Giải khuyến khích toàn quốc năm 2005 và “Trái tim của biển” Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2011 (trước đó anh đã đoạt giải A khu vực cho tác phẩm này).

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến.

Quê anh ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phan Đình Tiến cho hay: “Đó là một ngôi làng cổ, từ xa xưa đất này là nơi Phật giáo rất phát triển”. Rồi anh giới thiệu thêm “chùa làng Pháp Kệ có cái tên ngồ ngộ, dân gian gọi là chùa Lồi”. Hồi nhà Lý rồi tiếp đến là nhà Trần đem quân chinh phạt Chiêm Thành đã lập nên những làng Việt tại vùng cát trắng Quảng Bình.

Trong “Ô Châu cận lục” có viết đại ý là nói tới địa danh Quảng Bình là nhắc tới ngôi chùa Lồi làng Pháp Kệ cùng tiếng chuông chùa. Có lẽ tên “Lồi” được gọi là do hồi mới lập cư, người dân nơi đây đi cày ruộng đã lồi lên một bức tượng phật, một điều kỳ lạ giữa bạt ngàn Chăm Pa. Chuyện như điềm báo tốt lành nên dân làng bèn đem bức tượng phật về làng. Chùa Lồi có lẽ được ra đời từ đó? có điều thú vị nữa là Chùa Lồi lại được xây dựng trên nền của một ngôi đền đạo Bà la môn.

Cậu bé Tiến lớn lên nhưng chùa Lồi không còn nữa, chiến tranh và thời gian đã làm mai một ngôi chùa huyền bí, nó chỉ còn lại trong ký ức qua những câu chuyện kể của người thân. Chùa Lồi lưu truyền với hơn 20 bức tượng Phật, rất may là cho dù chùa đã phôi pha nhưng những bức tượng Phật vẫn còn nhờ sự lưu giữ của những người dân trong làng.

Hồi bé, khi còn sống ở làng Pháp Kệ, cậu bé Tiến không chạy nhảy cùng lũ bạn trẻ trâu mà có thể bỏ ra hàng giờ để xin phép đến chơi nhà người đang lưu giữ những pho tượng Phật. Đến đó chỉ để ngó trước, ngó sau các bức tượng Phật. Những bức tượng Phật đã gây cho cậu bé Tiến một niềm đam mê rất khó giải thích. Hình như những gợi mở về điêu khắc được nhen nhóm từ đó? Hình như từ đó đã hình thành nên “ý thức mỹ thuật” sau này?

Nhập Trường Đại học Huế, Phan Đình Tiến theo học ở khoa Điêu khắc. Phác thảo “Tượng đài Mẹ Suốt” chính là bài trả thi cuối khóa về tượng đài. Được Hội đồng nghệ thuật Trường Đại học Huế chấm điểm xuất sắc và nhà trường đã giới thiệu với tỉnh Quảng Bình để tỉnh đưa về trưng bày trong Bảo tàng tỉnh.

Năm 1995, khi tỉnh Quảng Bình lần đầu tiên tổ chức “Giải thưởng Lưu Trọng Lư” tác phẩm đã được trao Giải A. Và để rồi 6 năm sau nó chính thức được xây dựng ở chính nơi năm xưa mẹ Suốt đã “Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tôi cứ việc nắng mưa đưa đò” (thơ Tố Hữu).

Tác phẩm “Biển cả”.

Có cảm tưởng như vùng quê cát trắng Pháp Kệ có mối liên hệ với “Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình/ Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh/ mênh mông sóng biển, lênh đênh mạn thuyền” vậy?

2. “Hình như có điều gì thôi thúc trong nghệ thuật điêu khắc của anh?”. Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến ngả người tựa hẳn vào thành ghế, lát sau anh mới cho hay “Sự giản dị chân thành cùng sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã thôi thúc tôi phải làm điều gì đó có ý nghĩa”.

Cuộc chuyện đang vui thì bất ngờ Phan Đình Tiến trầm xuống khi nghe tôi hỏi về sự ứng nghiệm hay mối liên hệ sợi dây tâm linh. Đây quả là chuyện có thật và cũng khó giải thích. Năm 2016, khi tham gia Trại điêu khắc “Hồi sinh và bất tử” do Trung tâm di tích Thành cổ Quảng Trị tổ chức, nhằm thu thập các tác phẩm điêu khắc để đặt trưng bày ngoài trời trong khu di tích, Phan Đình Tiến suy nghĩ rất mông lung. Nếu như sáng tác nên những tác phẩm mang dáng hình người thì không mới và nó chưa nói hết được sự hy sinh cùng nỗi khát vọng chiến đấu cho sự sống vĩnh hằng.

Tác phẩm “Trái tim biển cả”.

Và kết thúc trại sáng tác đã có 22 tác phẩm của các nhà điêu khắc dự trại. Phan Đình Tiến góp vào đó một phác thảo “không giống ai”. Tác phẩm của anh thực sự gây ấn tượng bởi anh đã thể hiện bức tượng là 2 ống xương cánh tay chồi lên từ đất, đó là khát vọng không chỉ được sống mà muốn được vươn cao, khi anh “xây dựng” 2 ống xương cánh tay chồi lên đó đang nâng một mầm sống.

Tác phẩm “Hồi sinh và bất tử” cao 2 mét với chất liệu đá granit được đặt trưng bày trong khuôn viên khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Khi tiến hành đào móng ở vị trí dự kiến đặt tượng thì nhóm thợ thi công đã đào được đúng… 2 ống xương tay người thật, một sự trùng hợp đến kỳ lạ. Ai cũng ngỡ ngàng, ai cũng giật mình.

Tác phẩm “Hồi sinh và bất tử”.

Ban quản lý Trung tâm di tích Thành cổ đã làm lễ cất bốc và di dời 2 ống xương tay đó vào nghĩa trang. Dường như người chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong “mùa hè đỏ lửa năm 1972” đã ứng, đã nhập vào tác giả? Ngoài tượng đài “Mẹ Suốt” ra thì Phan Đình Tiến còn có tượng đài “Chiến thắng” đặt tại bờ Bắc bến phà Xuân Sơn, nơi những năm chiến tranh bến phà này là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.

3. Từ năm 2001, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến “chuyển hướng” sáng tác. Theo đó thay vì sử dụng chất liệu truyền thống như: đá, gỗ và đất nung thì Phan Đình Tiến đi sâu vào sáng tác các tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu kim loại, một loại chất liệu của hiện đại.

Thực ra chất liệu này không mới bởi đồng đã được sử dụng làm tượng từ rất lâu đời nhưng lần này Phan Đình Tiến lại sử dụng chất liệu kim loại là sắt, tôn và inox. Mở đầu cho loạt chất liệu này là tác phẩm “Nhân bản”  (2001) với thông điệp “Cần tôn trọng đến quyền sống và quyền tự do”.

Theo như Phan Đình Tiến cho biết thì việc sử dụng chất liệu kim loại là một cách thức dựa trên sự thích ứng với bố cục của tác phẩm nhằm biểu đạt tốt nhất hiệu quả thẩm mỹ. Cũng theo đó, chất liệu kim loại này có đặc điểm của ý thức “từ bỏ câu chuyện về khối đông đặc sang khai thác tiếng nói của khối rỗng”.

Nó bắt khối rỗng nói được ý đồ nghệ thuật của tác giả và làm thay đổi “phương thức sáng tác” chuyển từ sáng tác trực tiếp sang sáng tác gián tiếp. Hiểu đơn giản thì nghĩa là ở đây nhà điêu khắc lên ý tưởng, thiết kế rồi chuyển cho những người thợ kim loại để họ căn cứ theo mẫu để làm.

Tôi nói vui “Cách thức này thì nhà điêu khắc có vẻ giống như một Designer vậy”. Phan Đình Tiến trả lời: “Khác đấy. Nó khác ở chỗ không bị ràng buộc bởi công năng về vật liệu. Nhà điêu khắc lúc này sẽ chuyên tâm hơn về nghệ thuật để sáng tạo nên những tác phẩm đầy tính ẩn dụ”.

Và như một chứng minh cho quan niệm sáng tác cùng “phương thức sáng tác” của mình, Phan Đình Tiến mở điện thoại đưa cho tôi xem một số tác phẩm đã được anh sáng tác. Tác phẩm “Trái tim của biển” (2011) với chất liệu bằng thùng phuy với ẩn ý “Dậy sóng biển Đông”.

Hay tác phẩm “Biển cả” (2005) chất liệu sắt với hình tượng những chiếc đầu cá ngoi lên nhưng đã bị một lưỡi câu xỏ ngang với ẩn ý “Bảo vệ sinh vật biển tránh bị hủy diệt đồng thời cảnh báo về nguy cơ đe dọa chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. Rồi tác phẩm “Năng lực và đối thoại” (2010) với hình tượng một chiếc thùng phuy đựng dầu rách thủng được hai chiếc móc cân móc lên với ẩn ý “Hãy đối thoại với nhau một cách hòa bình chứ không nên dùng dầu mỏ làm vũ khí áp đặt”.

“Thấy có tính thời sự, đầy cá tính nghệ thuật và mang một mỹ cảm hiện đại” - Tôi gật gù nhận xét. Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến bấy giờ mới nở một nụ cười. Nắng Quảng Bình chang chang trên những cồn cát trắng.

Nguyễn Trọng Văn

.
.
.